Ảnh minh họa: pgdcamle.edu.vn |
[DNSGCT/TVN] Lại một năm học mới sắp đến, những ưu tư của xã hội về một nền đại học có chất lượng dường như ngày càng chồng chất, khi đối diện với một thực tại: số lượng cũng như chất lượng giảng viên đại học ngày càng thiếu và yếu trầm trọng hơn. Trong lúc đó, số sinh viên cứ tiếp tục tăng.
Hàng loạt kế hoạch, với những hứa hẹn tăng chất lượng đại học thông qua những chương trình nâng trình độ thầy, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường cơ sở vật chất nhà trường..., cũng đã được ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đề ra. Nhưng, sau một kế hoạch năm năm (2006-2010) có vẻ mọi chuyện vẫn trong vòng quay tít mù mà chưa thấy lối ra!
Năm 2011 đã đi qua hơn nửa chặng đường, điểm lại hàng loạt kế hoạch nâng cấp chất lượng nền đại học Việt Nam với những thời điểm xem xét cụ thể vào năm 2010 và 2020 và cũng chỉ mới nhìn nhận riêng về chất lượng người thầy - chúng tôi chợt nhận ra rằng, hàng loạt chỉ tiêu mà ngành GD-ĐT đề ra trước đó đã không đạt như yêu cầu mong muốn. Chuyện gì đang xảy ra?
Vỡ kế hoạch - trách ai?
Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã có một thống kê cụ thể với tỷ lệ chỉ có 60% giảng viên đại học đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã lên tiếng: "Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng này. Sẽ không mở rộng quy mô chừng nào chất lượng vẫn chưa được cải thiện. Năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung cho việc xây dựng, quy hoạch đội ngũ giáo viên".
Tiếc rằng, chỉ đạo đúng đắn này của Phó thủ tướng đã không được thực hiện một cách triệt để. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm 2006 cả nước có 104 trường đại học (không kể cao đẳng) thì đến năm 2010 đã có 149 trường đại học, số sinh viên (SV) từ 1.016.276 lên 1.358.861 SV, và số giảng viên (GV) từ 34.294 lên 45.961. Tức là trong vòng một kế hoạch năm năm, vẫn kịp có thêm 45 trường đại học mới mở (tăng gần gấp rưỡi), quy mô vẫn phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết 14-2005/NQ-CP về "Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020" đề ra chỉ tiêu cần đạt tới: trong năm 2010 là trên 25% GV đại học có trình độ tiến sĩ, và năm 2020 - trên 35% có trình độ tiến sĩ. Nhưng, nếu năm 2006 có 5.744 tiến sĩ trên tổng số 34.294 GV, tỷ lệ là 16,75%, thì đến năm 2010 có 6.448 tiến sĩ trên tổng số 45.961 GV, tỷ lệ chỉ còn 14%. Như vậy, chỉ tiêu về chất lượng người thầy mà nghị quyết mong muốn đạt được ở năm 2010 đã chưa hoàn thành, nếu không muốn nói là tình hình còn xấu đi.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường đại học mới phải đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 30% GV cơ hữu. Bao nhiêu trường đạt yêu cầu này? Đấy thực sự là một ẩn số. Nhiều trường cố gắng "vơ bèo gạt tép" ghi tên vào danh sách cơ hữu hầu hết GV trẻ có trình độ mới tốt nghiệp đại học, hoặc nếu GV có trình độ tiến sĩ, thì nói vui theo TS Thái Bá Cần, thuộc ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong một cuộc họp là: "Nếu Bộ cất công rà soát, có thể phát hiện ra nhiều trường hợp một ông cùng lúc có thể cơ hữu đến vài ba trường".
Thủ tướng Chính phủ ngày 27-7-2007 cũng đã ký quyết định số 121/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020" của Bộ GD-ĐT, trong đó mục tiêu quy hoạch đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất một khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Tiếc rằng, đến nay đã giữa năm 2011 vẫn chưa thấy trường đại học nào công bố chính thức có lĩnh vực đào tạo nào đạt đẳng cấp được quốc tế.
"Yếu, đừng mơ ra gió"!
Trong lúc dư luận xã hội ồn ào tranh cãi và "mơ" về những đại học Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, thì người thầy vẫn lặng lẽ làm công việc "đưa đò cho trò sang sông" với bao khó khăn vây bủa.
Ai cũng biết chất lượng đội ngũ giảng viên quyết định cơ bản chất lượng đào tạo. Cho dù hệ thống giáo dục và phương thức giáo dục đã thay đổi nhiều so với trước đây thì quy luật "thầy giỏi kéo theo trò giỏi" vẫn luôn có giá trị. Nhìn về người thầy dạy đại học hôm nay, chúng ta thấy gì?
Trong khi chuẩn trung bình quốc tế tỷ lệ GV/SV là 1/15 - 1/20, còn đại học Việt Nam năm 2006, tỷ lệ GV/SV là 1/29,6, thì đến 2010 tỷ lệ này là 1/29,5. Tức là sau năm năm với bao nỗ lực, ngành GD-ĐT vẫn chưa cải thiện nổi về số lượng người thầy. Nếu nhìn trên thực tế, số GV trực tiếp tham gia giảng dạy còn thấp hơn số trên văn bản giấy tờ, bởi hàng loạt GV trình độ thấp (cử nhân hoặc thạc sĩ) của các đại học đã tham gia vào "chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ" ở trong và ngoài nước. Xa hơn, một báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2009 đã chỉ rõ: từ năm 1987 đến 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng ba lần. Như vậy, không cần so sánh với ai, chỉ "ta" hôm nay so với "ta" trước đây, cũng thấy sự tụt hậu về người thầy, chất lượng giảng dạy sẽ ra sao!?
Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I đã phải "kêu" rằng các trường khó đạt chuẩn là do đội ngũ GV quá thiếu. Ông dẫn chứng từ thực tế của trường: Tốc độ phát triển bình quân đội ngũ GV của trường chỉ bằng khoảng 1/10 so với tốc độ phát triển số lượng SV, theo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Chính việc thiếu hụt GV đã khiến không ít thầy cô phải dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định chuẩn là 280 tiết/năm. Bên cạnh thực trạng thiếu GV, cộng thêm bức bách về đời sống, đã đẩy người thầy vào tình cảnh "dạy ngày không đủ, tranh thủ dạy đêm".
Nhìn một cách cơ học ở góc độ bằng cấp như đã nói ở trên, từ tỷ lệ có 16,75% GV đại học Việt Nam có trình độ tiến sĩ vào năm 2006, thì đến 2010, tỷ lệ này xuống còn 14% - trong khi tỷ lệ trung bình ở các đại học phương Tây là 70% GV đại học là tiến sĩ. Một khoảng cách quá xa với quốc tế, chúng ta còn có thể nói gì nữa về một chất lượng đại học có đẳng cấp.
TS Nguyễn Thu Trang, ĐH Phú Yên cho biết: Năm 2008, ĐH Phú Yên vỏn vẹn chỉ có ba tiến sĩ. Năm 2009 tăng thêm hai và năm 2010 đã tăng thêm ba. Bề ngoài có thể thấy đây là sự tiến lên dễ dàng nhưng để giữ được tốc độ này và để đạt tới con số 25% tiến sĩ như Nghị quyết14-2005/NQ-CP đề ra là điều cực kỳ gian nan.
Điều đáng ngạc nhiên là, các trường đại học tuyển nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ trong nước ngay trong đội ngũ GV cũng rất khó khăn. Tại Hội nghị thường niên 2010 của khối ĐHQG TP.HCM, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, trong những năm qua, khối các trường trong ĐHQG xảy ra tình trạng luôn thiếu chỉ tiêu nghiên cứu sinh (NCS) làm luận án tiến sĩ.
Trong năm 2008 chỉ tuyển được 80 chỉ tiêu NCS làm tiến sĩ, năm 2010 đề ra 180 chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ người. PGS-TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng trăn trở: "Năm 2010 trường có 250 thầy cô/tổng số 900 cán bộ giảng dạy tham gia làm NCS nhưng đều ở nước ngoài. Các lý do "ngại" làm tiến sĩ trong nước đều do vấn đề kinh phí, cơ chế quản lý cũng như điều kiện làm việc khó khăn". Những trở ngại trên nằm trong tầm tay tháo gỡ của chính Bộ GD-ĐT, nhất là khi đã có Quyết định 911/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt "đề án đào tạo GV có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020" - vậy mà vì sao vẫn bế tắc!?
Với môi trường đại học - cái nôi sản sinh ra kiến thức cho nhân loại - vai trò của người thầy không chỉ là nhà giáo mà còn phải là nhà khoa học, và chính thông qua các công trình nghiên cứu, người thầy sẽ có điều kiện nâng chất lượng bài giảng của mình. Theo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GD-ĐT), hiện nay chỉ có khoảng 28,4% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. So sánh về năng suất khoa học giữa đại học Việt Nam và đại học của Thái Lan sẽ thấy: Số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 959 bài, chỉ bằng 21% số bài của Thái Lan (4.527 bài). Chẳng những thế, tỷ lệ tăng trưởng của đại học Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. So với năm 2005, con số bài báo khoa học từ Thái Lan tăng gần gấp hai lần, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng khoảng 75%.
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động thiết yếu, nếu không muốn nói là số 1 của một đại học đẳng cấp quốc tế. Vậy mà, đại học Việt Nam lại quá yếu về lĩnh vực này. Phải chăng giấc mơ "đẳng cấp" của đại học Việt Nam quá lãng mạn!
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Tác giả: MAI LAN
Các bài khác:
- [VNN] Nhiều ĐH đứng trước nguy cơ đóng cửa? [VnEx] 'Đại học ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã' ; 'Điểm sàn không thể quá thấp' (điểm sàn thấp, vì thế, ĐHNCL không thể tuyển sinh, cho nên nguy cơ "đóng cửa", kinh doanh gọi là "phá sản", vậy đây là kinh doanh giáo dục hay vì mục tiêu giáo dục? Giáo dục không thể kinh doanh được!)
- [VNN] Đàn bà "nước lọc" (Ai chuẩn bị thành gia lập thất nên đọc bài này, để không phải lăng tăng)
- [LĐ] Từ viết nhiều đến viết nhảm! [Vn+] Cần loại trừ gấp những ca từ phi văn hóa, lẩn thẩn [VNN] Sao Việt khoe vai trần lộng lẫy (hình người đẹp là nhu cầu của nhiều người, nên...! Có thời gian cũng nên sưu tầm, vì không tốn phí,...)