Nhiệm kỳ bộ trưởng mới và nền GD rất cần dấu ấn

4/8/110 nhận xét

[TVN] Trước bao vấn đề còn tranh cãi, nhiều câu hỏi còn dở dang, ngành giáo dục cần người đứng đầu phải có bản lĩnh và thực sự có dấu ấn cá nhân. Dấu ấn ấy chính là thái độ dám chịu trách nhiệm, điềm tĩnh, cẩn trọng nhưng dứt khoát trong xử lý những vấn đề có tính chiến lược của ngành.


Không hiểu quá khứ sao có thể nắm bắt tương lai?

Giáo dục không có nhiệm kỳ nhưng việc thiết kế tương lai ấy lại liên quan đến mỗi nhiệm kỳ bộ trưởng- vị tư lệnh ngành như người ta vẫn nói. Khi tân bộ trưởng giáo dục tuyên bố không muốn tạo ra dấu ấn, người ta ngầm hiểu đó là sự khiêm tốn và cả lối tư duy thực tế, muốn làm nên những thành tựu lâu dài và thực chất chứ không phải là phong trào bề nổi.

Thế nhưng, thực tiễn mới là câu trả lời đầy đủ nhất. Giáo dục là sự tiếp nối bền vững trong tư duy thống nhất và dài hạn. Nhưng giáo dục cũng cần những thành quả cụ thể bởi không ai dám lơ là với mỗi bước phát triển của những chủ thể tương lai.

Một năm qua, nhiều sự kiện của giáo dục khiến dư luận không thật yên tâm. Liệu bệnh thành tích có quay trở lại khi kết quả thi tốt nghiệp THPT cao chót vót? Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử" đã đi đến đâu khi kỳ thi vui vẻ và nhẹ nhàng đến khó tin?

Rồi kết quả thi Olympic toán quốc tế thấp nhất trong hơn 30 năm tham gia cũng khiến nhiều người băn khoăn về thành tích toán của học sinh giỏi Việt Nam liệu có đi theo hướng bền vững và thực chất?

Đặc biệt, dư luận lo lắng với kết quả thi đại học môn lịch sử quá thấp. Càng lo lắng hơn khi nghe người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: "Hàng nghìn điểm 0 môn lịch sử là chuyện bình thường".

Những học sinh chọn khối C để gửi gắm mơ ước cuộc đời mình, những học sinh đủ 12 năm đèn sách mà kiến thức lịch sử bằng 0. Họ sẽ làm chủ cuộc đời mình ra sao, đi về đâu trong cuộc đời mông lung không định hướng? Không hiểu quá khứ làm sao họ có thể nắm bắt tương lai?

Cần cả dấu ấn và bản lĩnh cá nhân

Sản phẩm của giáo dục là con người. Mà con người là tổng hòa của bao nhiêu mối quan hệ, bao nhiêu sợi dây liên kết dích dắc của lịch sử và xã hội. Thế nên nếu ngành giáo dục đổ chuyện học trò dốt sử cho xã hội, cho môi trường văn hóa thì cũng khó ai bác bỏ.

Nhưng sẽ là vô cảm nếu không nhìn vào những nguyên nhân từ dạy và học, không giật mình với những yếu kém, bất hợp lý trong ngành. Rèn trí nhớ cũng cần, nhưng bắt học trò nhớ đến từng con số vũ khí thu được trong trận đánh, từng ngày tháng chi li trong dặm trường lịch sử dài cả nghìn năm thì có còn hợp lý?




Khi người đứng đầu biết quan tâm đến dư luận, trân trọng ý kiến đóng góp và chia sẻ những lo âu của hàng chục triệu phụ huynh có con tới lớp, mới hy vọng những câu chuyện buồn như "hàng nghìn điểm 0 là chuyện bình thường" sẽ được giải quyết có chiều sâu và đem lại kết quả lâu dài.


Ai cũng biết nhà quản lý cần cái đầu lạnh, không bị chi phối quá mức bởi dư luận xã hội. Nhưng không bị chi phối quá mức không đồng nghĩa với coi thường dư luận xã hội. Ai cũng hiểu thiên chức của giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức mà quan trọng là thắp lên những ngọn lửa đam mê.

Khi lịch sử chưa đủ sức hấp dẫn người học, khi ngành giáo dục chưa làm tròn nhiệm vụ giúp học sinh hiểu và yêu hơn lịch sử đất nước, và đồng nghĩa với nó là nhìn xa ra thế giới. Khi kết quả thi lịch sử thấp đến kinh ngạc thì những người thầy không thể không thao thức về trách nhiệm của mình.

Đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm của tình hình hiện nay, lòng yêu Tổ quốc, hiểu và yêu sâu sắc lịch sử đất nước càng cần được đề cao. Đất nước hội nhập cần nhiều doanh nhân giỏi nhưng ai có thể yên lòng khi các doanh nhân không hiểu và say sưa với nguồn mạch lịch sử nước nhà?

Đất, rừng, biển và cả khí trời cũng cần được trân trọng, nâng niu, tạo nên giá trị bền vững cho muôn đời con cháu chứ không thể là món lợi thuần túy bán mua để gieo họa tương lai. Những bài học ấy cũng thuộc về lịch sử, tạo nên chiều sâu hấp dẫn và sức cuốn hút tự nhiên.

Đó không phải là môn học, là kiến thức nhồi nhét mà phải là ngọn lửa đam mê. Có ngọn lửa ấy, duy trì cho nó cháy mãi, thì mọi nẻo đường đời dù chông gai, vất vả đến đâu cũng không ngăn cản được người ta đi tới thành công.

Một nhiệm kỳ bộ trưởng mới lại bắt đầu. Trước bao vấn đề còn tranh cãi, nhiều câu hỏi còn dở dang, ngành giáo dục cần người đứng đầu phải có bản lĩnh và thực sự có dấu ấn cá nhân. Dấu ấn ấy chính là thái độ dám chịu trách nhiệm, điềm tĩnh, cẩn trọng nhưng dứt khoát trong xử lý những vấn đề có tính chiến lược của ngành.

Khi người đứng đầu biết quan tâm đến dư luận, trân trọng ý kiến đóng góp và chia sẻ những lo âu của hàng chục triệu phụ huynh có con tới lớp, mới hy vọng những câu chuyện buồn như "hàng nghìn điểm 0 là chuyện bình thường" sẽ được giải quyết có chiều sâu và đem lại kết quả lâu dài.
Tác giả: ĐỖ CHÍ NGHĨA
Các tin khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP