Nghề marketing: Đường đi không rải hoa hồng

11/8/110 nhận xét

Nghe marketing Duong di khong rai hoa hong[Marketing4u.vn] Marketing: Là chào hàng, tiếp thị? Là cái gì đó đại loại như quảng cáo? Không hẳn. Chào hàng, tiếp thị hay quảng cáo đều chỉ là những mắt xích nhỏ trong một hệ thống quy mô những công việc mà marketing phải đảm nhiệm.


Ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (rất phổ biến trong môi trường kinh tế hiện nay của Việt Nam), một nhân viên marketing, việc gì cũng đến tay"

Nhà văn và đồng thời là nhà doanh nghiệp nổi tiếng Paul - Loup Sulitzer có viết một cuốn tiểu thuyết nói về sự nghiệp của một nữ doanh nhân cuối thế kỷ 19, “Hanah”. Người phụ nữ này chế tạo mỹ phẩm dành cho nữ giới, sau đó bán ra thành công và muốn mở rộng các đại lý. Bà sử dụng một nhân viên đặc biệt cho nhiệm vụ này.

Anh ta đi khắp các thành phố lớn của thế giới, khảo sát, đánh giá và gửi về các bản báo cáo: Địa điểm, đối thủ, khách hàng quan trọng.... Lương của anh ta cao hơn tất cả mọi nhân viên khác. Nhiều người nghĩ rằng anh chàng này có thể gọi là một gián điệp kinh tế. Nhưng đến giờ, khi mà lý thuyết marketing đã không còn xa lạ thì có thể gọi anh ta một cách đúng đắn hơn là một chuyên gia về marketing.

Vậy họ là ai? Người có khả năng làm cho một thương hiệu vô danh được khách hàng ghi nhớ. Bảo vệ và phát triển một thương hiệu có tiếng giữa vô vàn những nguy cơ. Nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ và chính tiềm lực của bản thân. Đưa ra những chiến lược dựa trên các tính toán tỉ mỉ, thực hiện nó và đánh giá hiệu quả. Từ tiếp thị, chào hàng đến khảo sát thị trường, tiến hành quảng cáo, chăm sóc khách hàng...

Ai có thể làm một chuyên gia marketing?

“Nếu bạn tắt tivi mỗi khi đến mục quảng cáo. Nếu đối với bạn không gì vô nghĩa hơn là những sự kiện theo kiểu: công ty A, B, C tổ chức đêm nhạc hay lễ trao học bổng hay những thứ vớ vẩn tương tự cho một X, Y, Z nào đó. Nếu bạn ngại kết giao với quan điểm là bạn bè không cần đông, chỉ cần thân. Nếu bạn không thích dính líu gì đến những loại sách kinh tế, cũng chẳng có khái niệm gì về nghề marketing...Thế thì tốt hơn hết là bạn đừng nên nhảy vào ngành này làm gì", Lê Dương Linh, một thành viên của trang web Diễn đàn kinh tế, nhận xét.

Marketing không phải là cái gì đó cao xa mà học sinh không thể thực hiện được. Thử nhìn lại xung quanh bạn, luôn luôn có những người như thế này. Họ tham gia mọi hoạt động tập thể, có bạn bè ở mọi lớp trong trường, được thầy cô quý mến và nhớ lâu hn những người khác. Và thú vị ở chỗ có khi sức học của họ chỉ thường thường bậc trung mà thôi.

“Học giỏi nhất không có nghĩa là được biết đến nhiều nhất, được tin cậy nhất và được quý mến nhất. Cần phải có những yếu tố khác. Tôi có một cô bạn, có người bảo cô ấy khéo léo vì có nhiều bạn bè. Nhưng tôi cho rằng không phi khéo léo mà sự chủ động và tinh tế trong các mối quan hệ mới giúp được cô ấy. Đó mới là cái cần thiết cho một chuyên gia marketing trong tương lai.” Thao, cựu SV ĐH Thương mại nói.

Giao tiếp tốt trong marketing không phải là miệng mồm xởi lởi mà là thiết lập những mối quan hệ và duy trì những mối quan hệ đó một cách dài lâu.

Khả năng sáng tạo, kiên nhẫn, tư duy lôgic, chịu đựng được áp lực...là những yếu tố mà một nhân viên marketing cần có. Lẽ dĩ nhiên, chẳng có ai ngay từ đầu đã có đầy đủ những phẩm chất ấy được.

Trong chương trình đào tạo cử nhân của khoa Marketing (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), hai mục tiêu “thể chất mạnh mẽ” và “sức khoẻ tốt” được nhấn mạnh với cả hai chuyên ngành quản trị marketing và quản trị quảng cáo.

Trường nào vừa sức?

Hiện nay, chuyên ngành marketing đã được đào tạo chính quy tại nhiều trường ĐH: Kinh tế quốc dân, Thương mại, Thăng Long, Kinh tế TP.HCM...Thậm chí, ở TP.HCM còn có hẳn một trường ĐH chuyên đào tạo về ngành này, vừa được nâng cấp từ trường CĐ lên, đó là ĐH Marketing TP.HCM.

Ở một số trường ĐH công lập, chuyên ngành có điểm đầu vào không phải cao nhất so với các ngành, chuyên ngành khác, nhưng cũng đều ở mức điểm xấp xỉ 20 trở lên Marketting (ĐH Thương mại: 20.0 - điểm thấp nhất trong các ngành tuyển vào trường; ĐH Kinh tế TP.HCM): 19,5 - điểm như nhau so với tất cả chuyên ngành khác). Ở trường dân lập, thông thường là xét tuyển đợt 2 từ các thí sinh đã trượt khối A, mức điểm dễ thở hơn (bằng hoặc trên điểm sàn (14) không đáng kể).

Phạm Mai Lành, SV năm hai tại khoa marketing (Kinh tế quốc dân) kể rằng, trong hơn 50 người đang theo học tại lớp cô, chỉ có ba người là đăng ký ngay từ đầu. Bởi vậy, điểm số của thời kỳ đầu khá thê thảm: Chỉ có dưới 10 người trên 7,0. Nhưng, khi mọi người bắt đầu nhìn ra cơ hội thì thái độ học tập khác hẳn: trên 30 người từ 7,0 đến xấp xỉ 8,0. "Là lớp trưởng mà khi tổng kết điểm cho mọi người cũng không thể tin nổi”- Lành hào hứng.

Chào hàng hay tiếp thị? Cũng là marketing nhưng chỉ là một khâu nhỏ xíu. Và như theo đánh giá của nhiều người trong nghề, SV nên trải qua khâu này trước khi tới những công việc phức tạp hơn như: vạch ra chiến lược sản phẩm, bảo vệ thương hiệu. Vì nó sẽ tạo cho anh ta sự từng trải.

Đã có lúc, SV marketing ra trường bị đẩy tất về các phòng Sales (bán hàng) là coi như đã có chỗ nương thân. Nhưng khi Việt Nam gia nhập WTO, cuộc chơi này không có chỗ đứng cho những ai không có khái niệm về nghiên cứu thị trường, quản lý và phát triển thương hiệu, chăm sóc khách hàng...Nguồn nhân lực marketing sẽ trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Và bởi vậy, SV đang lăn xả vào cuộc. “Không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với SV nhiều ngành khác: Dân báo chí, ngoại thưng, rồi các chuyên ngành khác của kinh tế...đều có thể làm marketing rất tốt nhờ khả năng quan hệ, lợi thế ngoại ngữ, sự nhanh nhạy...”- Vũ Cường- Một SV marketing nhận xét.

Ưu thế lớn nhất của dân marketing là được đào tạo bài bản với những kiến thức lý thuyết, kiến thức nghiệp vụ và kiến thức bổ trợ chuyên ngành. Quản trị marketing, quản trị bán hàng, quản trị kênh marketing, quản trị giá trong doanh nghiệp. Sang đến bên chuyên ngành quảng cáo thì có: quản trị quảng cáo, quản trị thương hiệu, chiến lược phương tiện quảng cáo, biểu trưng logo...- Những môn học chỉ nghe tên thôi cũng thấy...sờ sợ vì cái sự khó.

Hay ho nhất là thảo luận. Nghe có vẻ quý và hiếm với SV của nhiều chuyên ngành khác, nhưng với dân marketing lại là chuyện cơm bữa. Tự đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp và chiến đấu nảy lửa để giành lại thị phần, bảo vệ thương hiệu. Cuộc chiến "ảo" nhưng kỹ năng thật. Và với họ, đấy chính là sự khởi đầu.

Là một, hay tất tần tật?

Một nhân viên khi được hỏi làm việc trong bộ phận nào của phòng marketing đã trả lời rằng anh ta làm tất cả mọi việc.

Trên lý thuyết, phòng marketing được chia làm nhiều bộ phận nhỏ và nhân viên đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Ví dụ: Nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quảng cáo, nhân viên dịch vụ khách hàng. Mỗi khâu đều có mối quan hệ mật thiết với nhau và cũng đều có những yêu cầu riêng.

Nếu nhân viên quảng cáo cần đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu thì nhân viên nghiên cứu thị trường đòi hỏi sự chu đáo, chính xác trong công việc điều tra rồi sự nhạy bén, sáng suốt khi đưa ra các đánh giá dựa trên dữ liệu nghiên cứu. Người viết một bản kế hoạch khuyếch trương sản phẩm thì cần có đầu óc của một nhà chiến lược trong khi một nữ nhân viên trong bộ phận chăm sóc khách hàng chỉ cần nắm vững quan hệ công chúng là đủ.

Nhưng thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (rất phổ biến trong môi trường kinh tế hiện nay của Việt Nam) thì không thể nào có sự phân chia rành mạch như thế. Thành ra, với một nhân viên marketing, việc gì cũng đến tay. Nếu có một cuộc bình chọn ai là người bận rộn và đa năng nhất thì họ phải đứng số một của công ty.

“Theo tôi, như thế lại là điều cần thiết với những ai muốn tiến xa trong lĩnh vực này. Có người nói ra trường mà làm nhân viên tiếp thị thì kiên quyết không làm. Như thế là sai lầm. Anh ta phải trải qua tất cả các khâu, phải nắm được mọi hoạt động liên quan đến chức năng marketing của công ty thì sau này mới thành tài được.” PGS.TS Trần Minh Đạo (Trưởng khoa Marketing - ĐH Kinh tế quốc dân) nói.

Lê Trung Thành (phó tổng giám đốc Pepsi Việt Nam) trước khi trở thành một trong những chuyên gia marketing hàng đầu tại Việt Nam cũng đã “khởi nghiệp” từ vai trò một nhân viên khảo sát thị trường, rồi đến nhân viên chào hàng..nhựa đường, dầu nhớt.

Ông Đỗ Kim Dũng (Giám đốc công ty quảng cáo An Tiêm) trong một cuộc hội thảo về thực trạng quảng cáo do Bộ Văn hóa Thông tin và Hiệp hội quảng cáo Việt Nam tổ chức đã từng ước tính đến năm 2010, chúng ta có ít nhất 500.000 doanh nghiệp. Theo ông, một phần ba trong số đó là sản xuất sản phẩm hàng hoá. Và mỗi công ty này cần ít nhất là một nhân viên để quản lý và phát triển nhãn hiệu.
Theo_VietNamNet - Trịnh Khánh
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP