Rút ASIAD, Chính phủ và... Facebook

19/4/140 nhận xét

Đoàn thể thao Việt Nam[Tư vấn chiến lược] Một Chính phủ năng động không thể bỏ qua "mặt trận" mạng xã hội, để có thể biết được tình hình thực tế đời sống, nơi dội lại, phản ứng lại các chính sách ban hành ra một cách nhanh chóng, đầy đủ...

Sự hồ hởi sau một quyết định

Tối qua, tràn ngập trên trang mạng xã hội Facebook là thông tin Thủ tướng Chính phủ quyết định rút đăng cai tổ chức ASIAD 18. Ngay trong những giây phút đầu, sau khi báo chí đưa tin, quyết định này đã được chia sẻ và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng mạng.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân. "Điểm" cho Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vị quan chức đầu tiên nói rằng nên xem xét rút đăng cai ASIAD, tăng lên rõ rệt.

Có thể nói hiếm khi nào, cộng đồng mạng vốn là một "xã hội" ảo ngày càng trở nên đông đúc, thường xuyên tranh luận trái chiều về mọi vấn đề, lại trở nên nhất trí cao đến vậy. Có lẽ, bởi lý do quan trọng được đưa ra để rút ASIAD đã "đánh trúng" suy nghĩ của đa phần người dân, đó là "tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn; ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác".

Đây cũng chính là khía cạnh được rất nhiều "cư dân" Facebook đưa ra suốt thời gian vừa qua để làm cơ sở cho ý kiến đề nghị Việt Nam rút đăng cai ASIAD. Bởi vậy, có thể thấy rằng trước khi đi đến quyết định này, Chính phủ đã phải xem xét đến nhiều tính toán, đề xuất, v.v... nhưng chắc chắn có lắng nghe thông tin, ý kiến trên cộng đồng mạng, nhất là Facebook.

Ngay trước đó, một câu chuyện khác liên quan đến Facbook và những người đứng Chính phủ, cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình. Đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi đọc FB của một bác sĩ nói về dịch sởi bắt đầu tràn lan, đã thực sự biết độ nghiêm trọng của diễn biến bệnh.

Từ đó, ông đi thị sát tình hình, cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, thay vì "làm nhẹ" con số tử vong. Chính phủ bắt đầu có những lệnh chỉ đạo quyết liệt, như gửi Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi; Quyết định xuất cấp trang thiết bị dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh, v.v...

Mạng xã hội như một "nhiệt kế"

Qua hai sự kiện xảy ra rất gần nhau, ngoài niềm tin gia tăng vào Nhà nước, Chính phủ, người ta cũng nhận thấy một "quyền lực" mới đang lên. Đó là mạng xã hội từ một cộng đồng ảo, đang thực sự phát huy những tác dụng thực và trở thành kênh thông tin không thể không tham chiếu đối với những nhà lãnh đạo ra quyết sách.Mạng xã hội như một "nhiệt kế"

Lâu nay, có một định kiến, lo ngại không hiếm từ một số nơi với FB. Tuy nhiên, qua nhiều sự kiện, có thể thấy rõ rằng FB không chỉ là nơi dân mạng, các blogger... bày tỏ những quan điểm bất đồng chính kiến.

Rõ ràng, "cư dân mạng" luôn ủng hộ và trân trọng những vị lãnh đạo có tâm có tài, hành động thực tế, quyết liệt vì nước, vì dân. Rõ ràng, những quyết định hợp lòng dân của Nhà nước vẫn luôn được hồ hởi chào đón và lan rộng niềm tin tưởng trong cộng đồng này. Và cũng chính khi ấy, những ý kiến ngụy biện, định kiến, chỉ trích cả những tiến bộ cũng sẽ bị chính cộng đồng này tẩy chay.

Nhà nước trong bất cứ thời đại nào cũng cần lắng nghe ý dân, lòng dân như một loại "nhiệt kế" dư luận để làm nền tảng cho những quyết sách của mình. Ngay cả thời phong kiến, các triều đình cũng đã có cách "đo" dư luận người dân qua các kênh thu thập tục ngữ, ca dao...

Còn trong thời đại thông tin ngày nay, có thể thấy, mạng xã hội đã thực sự trở thành một kênh phản ánh những tin tức thực tế khá nhanh nhạy và đa chiều. Một Chính phủ năng động không thể bỏ qua "mặt trận" này, để có thể biết được tình hình thực tế đời sống, nơi dội lại, phản ứng lại các chính sách ban hành ra một cách nhanh chóng, đầy đủ... Nó cũng chân thực hơn rất nhiều các bản báo cáo của các bộ, ngành gửi lên - nhiều khi cố ý giấu nhẹm những vấn đề thực tế để bảo vệ thành tích ngành, vì lợi ích cá nhân của ai đó.

Mạng xã hội từ đây càng được đánh giá là một kênh thông tin quan trọng để Chính phủ lắng nghe, tham khảo trước khi ban hành Chính sách. Vì vậy, những ý kiến cho rằng phải chặn, đóng cửa FB tại Việt Nam cho thấy sự thiếu nhạy cảm với những công cụ mà nếu biết tận dụng sẽ rất hữu ích cho Nhà nước.

Mạng xã hội sẽ vẫn là một trong những kênh hữu hiệu nhất để lan tải, truyền đi những thông tin, định hướng chính sách và cả những thông tin phản ứng dội lại từ thực tế... Một Chính phủ của dân, vì dân không thể không lắng nghe, chú ý tiếp thu các ý kiến, thông tin từ đây.

Từ thực tế này, bên cạnh nhóm theo dõi báo chí truyền thống hiện nay, có lẽ đã đến lúc Văn phòng Chính phủ nên lập ra một bộ phận để nắm bắt thông tin từ mạng xã hội, từ đó đưa ra những đề xuất, báo cáo cho lãnh đạo Chính phủ những ý tưởng, thông tin cần thiết phục vụ công tác điều hành.


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP