[Đào tạo nhân sự] Đây là quan điểm của GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH) trong buổi bàn về tái cấu trúc hệ thống giáo dục.
Một cơ thể với hai cái đầu
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường cho hay, hiện tại hệ thống giáo dục của chúng ta có 5 hệ thống con nhưng lại bị cắt khúc và phát triển không nhất quán, tỷ lệ không cân đối. Trong cơ cấu hệ thống thậm chí có hai loại trường trung cấp, hai loại trường cao đẳng (trường trung cấp, cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT và trường thuộc Bộ LĐ TB&XH).
GS. Đường ví rằng, một hệ thống mà có hai cái đầu thì không thể nhất quán, vừa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, quản lý sẽ chồng chéo. Ví dụ điển hình như Trường Cao đẳng nghề Hà Nội hiện đang dưới sự quản lý của UBND Hà Nội, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ TB&XH.
Cơ chế quản lý hiện nay ở hệ thống cũng còn quan liêu, bao cấp, hằng năm Bộ vẫn cho chỉ tiêu, quản lý kiểu hành chính (cấp dưới báo cáo mà không biết làm như thế nào).
Hiện hai bộ (GD&ĐT và LĐ,TB&XH) có hai quy hoạch mạng lưới khác nhau, mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo hiện chúng ta có hai chương trình khung. Nếu theo của Bộ GD&ĐT là chương trình niên chế, theo chương trình khung của Bộ LĐ,TB&XH theo chương trình học phần. Đó là những sự bất cập trong hệ thống giáo dục mà GS. Đường đã chỉ rõ.
Ngoài ra, việc tổ chức quản lý chất lượng mỗi Bộ cũng có những tiêu chí khác nhau, Bộ GD&ĐT đưa ra với hơn 50 tiêu chí, trong khi Bộ LĐ TB&XH lại có các tiêu chí khác Bộ GD&ĐT.
Từ những thực trạng trên, GS. TSKH Nguyễn Minh Đường thẳng thắn cho rằng, nếu không phân luồng được học sinh thì không có được đội ngũ nhân lực đồng bộ phù hợp với cơ cấu nghề, và như vậy là chưa mềm dẻo linh hoạt trong liên thông để tạo điều kiện cho người học được học suốt đời.
Với sự bất cập trên thể hiện ra chưa liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; chưa bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống; chưa thể hiện tính phổ cập bắt buộc (chưa dám công bố mức nào là phổ cậ bắt buộc); chưa có hệ thống chuẩn…
Trường nghề phải nhiều lên
Với quan điểm của mình, GS. TSKH Nguyễn Minh Đường cho rằng hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo nền tảng giáo dục của dân, phải đảm bảo được tính dân tộc hiện đại, đảm bảo được sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi cá thể con người và phát triển nhân lực quốc gia để phát triển đất nước.
Đảm bảo cho người học có thể học suốt đời, đảm bảo tính chỉnh thể của hệ thống và tính thương thích với chuẩn quốc tế. Nếu hệ thống giáo dục của chúng ta còn bất cập như trên đã nêu sẽ không thực hiện được phân luồng, không thực hiện tính liên thông giữa các trình độ, không quy hoạch được mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý, không kiểm định được chất lượng giáo dục. Và như vậy không thể thực hiện được đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường kiến nghị, hệ thống giáo dục quốc dân phải có nét đặc trưng là trung học nghề, sơ cấp nghề chỉ cần học vài ba tháng có trên một nghề nào đó và có thể cấp chứng chỉ nghề. Đặc biệt, GS. Đường đề nghị để thực hiện được phân luồng sau THCS nhất thiết số lượng các trường nghề phải được mở nhiều lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn sự nghiệp giáo dục có được nguồn nhân lực tốt cần thống nhất cách quản lý chung với các trường thuộc hai Bộ GD&ĐT, và LĐ,TB&XH để có chất lượng tốt nhất.
Trước mắt, đổi tên trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo.
Chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: Cao đẳng thực hành hoặc thực hành nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.
Quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp-ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường đại học trọng điểm; các trường địa phương và trường của các Bộ ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương.
Ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục. Khẩn trương xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập.
Tin bài khác:
- “Chúng ta đang làm thanh niên lãng phí thời gian” - GDVN
- Giảm dạy làm "quan" từ khi học trò ngồi ghế trường trung học cơ sở - GDVN
- Siết chặt mở ngành đại học, Kỳ 1: Chạy đua “săn” tiến sĩ - TT
- Văn học dành cho giới trẻ: Viết theo xu thế, đọc theo phong trào - CAND
- Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: Văn hóa đọc phải bắt đầu từ gia đình - ĐĐK
- Trí thức Việt tham gia “làm” sách giáo khoa - VNN
- Nghệ thuật tinh diệu và đỏng đảnh - CAND
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Chờ những nữ CEO thế hệ 9X - MTG
- Hồng Nhung: 'Nhiều người nổi tiếng nhờ... qua đêm' - ĐV