Bẫy thu nhập trung bình – làm sao thoát?

9/5/130 nhận xét

[Thư viện marketing] IMF vừa công bố tăng trưởng năm nay của châu Á – Thái Bình Dương có thể đạt 5,75%. Nhưng IMF cũng cảnh báo các nước thận trọng để khỏi rơi vào bẫy thu nhập trung bình (Middle-Income Trap/MIT).

Tuần trước, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu với đà tăng trưởng khá cao. Cơ sở của dự báo lạc quan này là bối cảnh của khối kinh tế công nghiệp hoá Âu – Mỹ, chính sách kích thích kinh tế của Nhật, và nhất là những đặc điểm mới của các nước trong khu vực.

Báo cáo dành cả chương 3 để bàn về nan đề của nhiều nước là làm sao tránh được MIT. Nếu thu nhập bình quân của dân Mỹ hiện đạt gần 50.000 USD/năm, của châu Âu hơn 30.000 USD/năm, thì Hàn Quốc hay Đài Loan cũng đã vượt qua mức 20.000 USD/năm, trong khi Trung Quốc vẫn ở mức 6.000 USD/năm. Việt Nam đạt khoảng 1.200 USD/năm, nhiều nước khác chưa vượt khỏi giới hạn 1.000 USD/năm.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên số một trong mục tiêu phát triển của Việt Nam năm 2012, nhưng mức tăng trưởng 5,03% là mức thấp so với mục tiêu đề ra 6% và so với mục tiêu trung hạn (6 – 6,5% trong kế hoạch năm năm 2011 – 2015); thấp so với mức tăng GDP trung bình của các nước điển hình trên thế giới thành công trong việc thoát khỏi “bẫy” MIT.

Theo thống kê của ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 1977 – 1987 kinh tế thế giới có mức tăng ngoạn mục 8%, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD lên 3.368 USD. Singapore cũng duy trì tốc độ 8% trong vòng bảy năm từ 1971 – 1978, riêng Hong Kong mức tăng trưởng là 10% và đây là con số đáng nể để thoát khỏi MIT.

Nhắc đến khung cảnh rộng lớn để thấy một thực tế khách quan. Các nước có thể học hỏi lẫn nhau để xây dựng những động lực đem lại sự thịnh vượng. Ngoài yếu tố tri thức hay công nghệ, một trong các động lực ấy là giá trị của niềm tin và quyền tự do trong kinh tế. Các nước đã có thể bật lên là nhờ buôn bán với nhau chứ không phải do xứ này bóc lột xứ khác.

Lý thuyết tranh đoạt quyền lợi kinh tế theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” là những sai lầm đã gây ra chiến tranh và tàn phá. Trong khi ấy, sự thể khách quan mà ta cần thấy ra ngày nay là sự thịnh suy của các nước tuỳ thuộc chủ yếu vào chính sách bên trong từng nước, chứ không thể đổ lỗi cho thiên hạ là xong. Ngược lại, các nước có thể tự rơi vào “bẫy”!

Bài học nào cho Việt Nam?

Trong khi Thái Lan đã phục hồi tăng trưởng “đáng nể”, ở mức 5,7%, sau khi suy giảm thì Việt Nam có mức tăng trưởng giảm sâu nhất và là nước duy nhất trong nhóm suy giảm tốc độ tăng trưởng trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2010 đến nay. Mặc dầu tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, Lào vẫn tiếp tục duy trì phát triển cao ở mức 8,3% và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là theo xu hướng chung của tăng trưởng thế giới, nhưng ngược với xu hướng tăng trưởng của các nước xung quanh. So với tình hình các nền kinh tế trong khu vực, thì dấu hiệu giảm sút tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 khá khác biệt.

Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển năm 2013 tuỳ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và phản ứng chính sách của chính phủ nhằm đón dòng vốn đầu tư FDI/ODA đang được dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ vào các nước ASEAN. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI được cải thiện sẽ dẫn đến cán cân vốn tiếp tục tăng. Dự báo năm 2013 cán cân vốn Việt Nam đạt 5,956 tỉ USD, tăng so với năm 2012 (con số này là 5,700 tỉ USD).

Tuy nhiên, chính sách vừa qua của Việt Nam mới chỉ quan tâm thu hút đầu tư, mà chưa chú ý tới việc hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép, giữ chân doanh nghiệp ở lại Việt Nam trước những sức hút mới nổi từ các nước trong khu vực. Việt Nam cần định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực ưu tiên, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của FDI lên các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ vẫn cần duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt. Chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công.

Đồng thời, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, cần có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu ngân hàng cần được thực hiện triệt để, không chỉ nhằm giải quyết một phần nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, quan trọng hơn là lành mạnh hoá thị trường tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Xuân - Quảng Trí- nguồn: SGTT
Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP