Kinh tế vĩ mô: Hóa giải ngắn hạn, lo “phác đồ” dài hạn

17/7/120 nhận xét

[Thư viện marketing - KTVN] "Về trung hạn, chúng ta nên thay thế các mục tiêu định lượng và các biện pháp hành chính bằng các giải pháp thị trường cũng như cải thiện các quy định điều tiết trong xác định các mức lãi suất cho nền kinh tế." - Ông Deepak Mishra - Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

GDP 6 tháng tăng 4,38% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát tháng 6 về mức âm 0,26%... Liệu đây có phải là những “con số đẹp” cho kinh tế Việt Nam xét trong thời điểm hiện nay? Ông Deepak Mishra có một số chia sẻ xung quanh tình hình kinh tế vĩ mô (KTVM) thời gian gần đây.

Nhìn nhận của ông về các chỉ số kinh tế chính của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm?

Việc lạm phát giảm về mức trên 6% (theo năm) trong tháng 6/2012 từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011 là một dấu hiệu tích cực. Cùng với lạm phát giảm, đồng VND được duy trì ổn định và ổn định KTVM cũng dần được khôi phục. Nhưng 2 quý đầu năm cũng ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế ở mức rất thấp và điều này đặt ra mối quan ngại thực sự. Vì vậy, hiện chúng ta đang thấy một bức tranh kinh tế khá tương phản: KTVM ổn định hơn đáng kể nhưng cùng lúc tăng trưởng kinh tế lại đang dưới mức tiềm năng khá xa.

Hiện sức cầu của nền kinh tế đang rất yếu. Việc CPI tháng 6 giảm một phần cũng bởi nguyên nhân này. Liệu đây có phải là các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể rơi vào giảm phát, thưa ông?

Giảm phát thường được nhìn nhận là khi lạm phát tăng trưởng âm liên tục trong một giai đoạn dài. Trường hợp của Việt Nam rõ ràng không phải như vậy. Hầu như trong 4 năm qua chúng ta đều thấy ít nhất một tháng trong năm có tăng trưởng âm (tính theo tháng) do yếu tố mùa vụ. Quá khứ cũng cho thấy, lạm phát thường có xu hướng ở mức thấp trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn theo năm thì mức lạm phát trên 6% tính đến tháng 6 vừa qua vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines hay Thái Lan. Thế nên việc CPI tháng 6 tăng trưởng âm chưa cho thấy là Việt Nam rơi vào giảm phát.

Tuy nhiên, có một thực tế tại Việt Nam là lạm phát luôn song hành cùng tăng trưởng GDP, thậm chí còn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP?

Không có lý thuyết kinh tế nào khẳng định rằng tỷ lệ lạm phát luôn phải cao hơn tỷ lệ tăng trưởng hoặc ngược lại. Ở nhiều nước phát triển, chúng ta thấy thực tế họ thường đặt mục tiêu tăng trưởng GDP xung quanh 3% trong khi mục tiêu lạm phát khoảng 2%. Ở các nước đang phát triển, tăng trưởng GDP thường cao hơn nhiều, ở khoảng 6-7% trong khi tỷ lệ lạm phát cũng cao hơn ở mức khoảng 5%. Tuy nhiên, một khi lạm phát vọt lên trên 10% thì chắc chắn nó sẽ bắt đầu tác động đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế của một quốc gia trong dài hạn. Vì vậy, người ta tin rằng mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng là phi tuyến tính, tức là mối quan hệ này không phải là chỉ trên một đường thẳng đơn thuần.

Vậy theo ông cần phải làm gì để thúc đẩy tăng trưởng GDP song không “đánh thức” lạm phát tăng trở lại?

Điều này nói dễ hơn làm. Tăng trưởng tín dụng mạnh có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đồng thời nó cũng góp phần làm cho lạm phát cao hơn. Vì vậy việc nới lỏng tiền tệ nên tiến hành từng bước và trên quan điểm thận trọng, tránh tình trạng không đến hoặc vượt quá mục tiêu đã đặt ra. Tương tự như vậy, bất cứ quyết định kích thích tài khóa nào được đưa ra cần hướng đến việc tạo ra các hạ tầng cơ sở mới và giúp tăng tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Điều đó sẽ giúp một mặt khống chế được lạm phát, một mặt thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể các nhóm giải pháp ngắn hạn; trung dài hạn cần tập trung vào những vấn đề gì?

Tôi nghĩ các giải pháp ngắn hạn như: giảm lãi suất, hoãn thuế giá trị gia tăng, giảm thuế cho các DNNVV, giảm tiền thuê đất… đã được thực thi. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng với độ trễ khoảng 3-4 tháng. Về các giải pháp dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng có rất nhiều, trong đó theo tôi cần thúc đẩy các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng của tất cả các ngành/lĩnh vực như DNNN, các NHTM, đầu tư công và giáo dục đại học.

Thống đốc NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất các khoản cho vay cũ xuống mức tối đa 15%/năm. Nhìn nhận của ông về vấn đề này thế nào?

Thời gian qua, NHNN đã kéo mặt bằng lãi suất huy động xuống khá thấp, chỉ còn 9%/năm từ mức 14%/năm hồi đầu năm. Nếu có sự cạnh tranh đầy đủ giữa các ngân hàng, cùng với đó là sự giám sát và thực thi mạnh các quy định đang có thì lãi suất cho vay sẽ giảm xuống khi lãi suất huy động giảm. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo nên NHNN vừa qua đã phải lên tiếng nhắc nhở các ngân hàng đưa lãi suất cho vay về mức phù hợp lãi suất huy động.

Nhưng chúng ta cũng không thể trách các NHTM khi họ phải nâng tiêu chuẩn cho vay và trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay ra vì nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và bảng cân đối kế toán của nhiều khách hàng cũng đang biến động xấu đi. Về trung hạn, chúng ta nên thay thế các mục tiêu định lượng và các biện pháp hành chính bằng các giải pháp thị trường cũng như cải thiện các quy định điều tiết trong xác định các mức lãi suất cho nền kinh tế.

Dự báo của ông về tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2012?

Dự báo gần đây nhất của chúng tôi về các chỉ số chính của kinh tế Việt Nam được đưa ra vào tháng 5 vừa qua. Vào thời điểm đó chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,7% và lạm phát ở khoảng 8-8,5% trong năm nay. Lần dự báo sắp tới của chúng tôi sẽ vào tháng 11 tới, trước thềm Hội nghị Nhóm các Nhà tài trợ (CG) diễn ra vào tháng 12.

Theo Thời báo ngân hàng/DĐDN

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP