Giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế như thế nào?

4/7/120 nhận xét

[Marketing3k - GDVN] Trong cuộc chơi hội nhập GD này, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu và khó có cơ may tham gia vào việc hoạch định chính sách GD quốc tế cũng như không kịp chuẩn bị cho nguồn nhân lực của mình cho việc hội nhập kinh tế toàn cầu.

"VN nên tranh thủ đi xin thêm học bổng đào tạo giáo viên tiếng Anh tại các nước nói tiếng Anh như: Ireland, UK, Aus, NZ, Canada và Mỹ hoặc khối tiếng Trung như TQ, Đài Loan..."

Nguy cơ "cô lập" và khó hòa nhập

Trên hành trình hội nhập, giáo dục Việt Nam mấy năm gần đây có những cố gắng nhất định. Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, trong thực tế, GD VN đang đứng trước nguy cơ bị "cô lập" và khó hoà nhập được với các trào lưu GD lớn trên thế giới bởi một số nguyên nhân sau:

1. Ngôn ngữ: Thứ ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Việt. Đây là tiếng mẹ đẻ của người Việt chúng ta, nhưng đồng thời cũng là ngôn ngữ có tính chất riêng biệt của người Việt, do người Việt sử dụng. Ngôn ngữ tiếng Việt không có khả năng hội nhập.

2. Chương trình, giáo trình giảng dạy hầu hết do giáo viên, giảng viên trong nước biên soạn, chưa được tiêu chuẩn hoá và công nhận trên trường quốc tế. Dẫn đến việc bằng cấp từ phổ thông đến đại học cũng chưa được công nhận và đánh giá cho chuẩn, đúng mức.

Điều này, khiến cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu hàng năm với các trường ĐH trên thế giới, hoặc chuyển ngang sang học tiếp tại các trường ĐH quốc tế, hoặc xét học tiếp các cấp độ cao hơn đối với các HS đã tốt nghiệp trong nước.

3. GDVN chưa có một bộ quy tắc đánh giá chất lượng đào tạo, cũng như tiêu chí xếp loại các trường, các ngành học để nước ngoài dựa vào đó hợp tác làm việc với các trường trong nước. Dẫn đến hiện tượng một số tổ chức quốc tế tự xếp hạng các trường ĐH VN một cách không khách quan.

4. Chúng ta chưa có các cơ quan, tổ chức trung gian làm việc độc lập, khách quan với các cơ quan quản lý Nhà nước về GD để có các ý kiến phản biện, kịp thời chấn chỉnh cũng như góp ý cho các dự thảo hoặc Luật GD.

5. "Đầu vào" của các trường ĐH sư phạm chưa cao, chưa có được những ưu tiên thỏa đáng về chính sách cho loại trường này, chế độ lương bổng của giáo viên khiến cho loại hình sư phạm chưa có sức thu hút nhân tài - những người thực sự có tâm, có đức vào làm trong lĩnh vực GD - ĐT con người. Hệ thống các phòng thí nghiệm, nghiên cứu còn quá nghèo nàn, không hút được các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.

6. Hệ thống thi cử đánh giá thực lực khả năng của học sinh còn bất cập, mặt khác lại gây tốn kém tiền bạc, công sức và thời gian của học sinh, các ông bố bà mẹ và cả xã hội.

7.Bệnh thành tích đang trở thành một... "bạo bệnh" khó có cơ cứu chữa. Trong nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân cở bản, cách tuyển chọn nhân sự của Nhà nước, hoặc tiêu chuẩn hoá cán bộ dựa trên bằng cấp chứ không dựa vào thực tài...

Bộ GG- ĐT và các nhà nghiên cứu khoa học GDVN đã đề xuất nhiều giải pháp, để tháo gỡ thực trạng trên. Người viết bài này, xin đưa ra một vài giải pháp cho việc "quốc tế hoá" hệ thống GD- ĐT của VN, góp phần cho GD của chúng ta có thể hội nhập tốt hơn, nhanh hơn và có hiệu quả thực chất.

Hội nhập như thế nào?

Nếu như trước đây, hệ thống GD châu Âu là một hệ thống với cách thức giảng dạy, độ dài, bằng cấp... hoàn toàn khác biệt, thì quá trình phát triển cho GD các quốc gia như Anh, Đức, Pháp...thấy, cần phải thống nhất "tiêu chuẩn hoá".

Và các quốc gia này đã đi tới - tạm gọi là Thoả thuận Bô Lô Nhơ ( Bologna Process) cho toàn bộ nền GD của mình. Kể từ năm học vừa rồi, các trường học của châu Âu đã hoàn toàn liên thông bằng cấp ở các cấp độ học khác nhau, và thống nhất các tên gọi bằng cấp để học sinh có thể học tập liên thông trong toàn khối EU.

Nếu như trước đây, các nền GD khác biệt nhau vì ngôn ngữ như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản... thì nay, họ đều đã đua nhau mở các khoá đào tạo bằng tiếng Anh để thu hút SV quốc tế, nhằm quốc tế hoá nền GD quốc gia, hấp dẫn các SV quốc tế giỏi đến học tập và giao lưu tại nước họ.

Biết bao chương trình học bổng hấp dẫn cho SV quốc tế tại Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức .... và gần đây nhất là Brazil. Đây cũng chính là những cố gắng của các Chính phủ nhằm giúp nền GD của họ khỏi bị tụt hậu và không hội nhập được vì lý do ngôn ngữ.

Tại Brazil - nước chủ yếu nói tiếng Bồ Đào Nha, họ đã đưa ra chương trình "Khoa học không biên giới" nhằm khuyến khích 100.000 SV nước họ học tập 1 năm tại 1 trường quốc tế ở nước ngoài trong quá trình học ĐH.

Và mở ra cơ hội tương tự cho các SV quốc tế tới Brazil nghiên cứu các chương trình khoa học tại các trường ĐH và học viện trong hơn 20 lĩnh vực ưu tiên. Điều này sẽ khiến cho các trường ĐH phải năng động hơn để đón nhận các SV quốc tế cùng học, cùng nghiên cứu bằng tiếng Anh và SV của họ cũng phải cố gắng nâng cao ngoại ngữ để học tập được ở môi trường quốc tế. Thực là lợi cả đôi đường.

Tây Ban Nha và Nhật Bản là 2 nước hiện tại đã có 1 chương trình khổng lồ nhằm khuyến khích SV của họ đi sang các nước nói tiếng Anh trong dịp hè để nâng cao tiếng Anh, nhằm tham gia được các chương trình giao lưu 1 năm của các trường ĐH lớn trên thế giới.

Nước Mỹ là một nước lớn với 1 loạt trường ĐH hàng đầu thế giới, cho nên tưởng như nhu cầu hội nhập GD không phải là việc quá cấp bách. Ấy vậy mà chỉ trong vài năm gần đây, họ mới chợt nhận ra rằng, họ đã đi sau nhiều nước nhỏ hơn như Anh, Úc, NZ... trong việc thu hút SV quốc tế đến học tập.

Cũng bởi nhiều chính sách liên quan đến visa, đến chính sách sử dụng các đơn vị tuyển sinh quốc tế hoặc ngay cả việc có coi GD là một ngành kinh doanh hay không?

Nhưng tại Hội nghị GD quốc tế NAFSA tại Houston vào tháng 6 vừa rồi, Tập đoàn GD ELS đã đưa ra 1 mô hình rất hay: Giúp cho hơn 500 trường ĐH của Mỹ có...1 cái phao.

Họ làm việc với hơn 500 trường ĐH hoặc cao đẳng của Mỹ, mở các trung tâm tiếng Anh để giúp cho SV quốc tế đến học nâng cao tiếng Anh trước khi vào học khoá chính. Và cái chính là giúp các trường ĐH, CĐ này thu hút tuyển sinh SV quốc tế đến học tại trường. Tại VN họ cũng có văn phòng đại diện để tuyển sinh.

Vậy là các trường kia không cần bỏ vốn gì ra, chỉ cần 1 sự hợp tác đúng hướng cũng có thể giúp họ tham gia cuộc chơi.

Trong cuộc chơi hội nhập GD này, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu và khó có cơ may tham gia vào việc hoạch định chính sách GD quốc tế cũng như không kịp chuẩn bị cho nguồn nhân lực của mình cho việc hội nhập kinh tế toàn cầu.

Việt Nam ứng xử ra sao?

Có rất nhiều vấn đề xoay quanh GDVN đã được đưa ra bàn luận tại các hội nghị GD, tại các cuộc họp của Quốc hội, với tư cách là một người nghiên cứu chuyên sâu về GD quốc tế, tôi chỉ xin đề xuất những việc có thể làm được ngay:

- Củng cố và tăng cường chất lượng hệ thống kiểm định chất lượng GDVN:

Hàng năm có sự đánh giá, xếp hạng các trường ĐH, CĐ. Chính thức hoá các tiêu chí lựa chọn và xếp hạng- có thể nghiên cứu cách đánh giá của TUV, của DIN, của EU, của tổ chức QS, hoặc của Bộ GD 1 số nước, trong đó có thể học ngay quốc gia Malaysia đang làm rất tốt công việc này.

Cơ quan kiểm định và đánh giá chất lượng GD phải là 1 tổ chức độc lập nằm ngoài Bộ GD- ĐT, bảo đảm tính khách quan trong đánh giá, xếp hạng.

Sự tuyển chọn, đánh giá cần dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như: Trường có chất lượng đào tạo tốt nhất, trường có các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng trong thực tế tốt nhất, trường có cơ quan quản lý sinh viên tốt nhất...( khoảng từ 10 -15 tiêu chí khác nhau).

Hàng năm có sự xếp loại, và công khai thông tin trên các mạng truyền thông để người dân biết. Và đó cũng là cách để các trường có ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu của mình.

- Nâng cao trình độ tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác cho giáo viên, giảng viên và học sinh, SV:

Mời các tổ chức hàng đầu về giảng dạy tiếng Anh cho SV quốc tế: Cambridge Education Group (CEG) - Anh và ELS- Mỹ vào mở các trung tâm ngoại ngữ tại các trường ĐH hàng đầu ở VN nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên và SV tại các trường này.

Cần nâng cao trình độ tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác
cho giáo viên, giảng viên và học sinh, SV

Họ lo toàn bộ phần giáo trình giảng dạy, giáo viên. Phía các trường ĐH lo địa điểm và người học. Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn cho các SV có thể tham gia các khoá giao lưu 1 năm tại nước ngoài. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đã bắt đầu triển khai dự án này.

Khi đã có nguồn SV đủ năng lực tham gia vào dòng thác giao lưu 1 năm ở nước ngoài, các trường ĐH sẽ năng động hơn trong việc giao lưu và ký kết hợp tác trao đổi SV, giảng viên với các trường quốc tế.

Trong năm nay và sang năm, hầu hết các trường trên thế giới đều thiếu SV quốc tế do tình trạng kinh tế thế giới gặp khó khăn. Bởi vậy rất nhiều trường sẵn lòng làm các chương trình học bổng dành cho các nước khó khăn, nhằm tạo công ăn việc làm cho giáo viên của họ, tránh phải nghỉ ăn lương thất nghiệp..

VN nên tranh thủ đi xin thêm học bổng đào tạo giáo viên tiếng Anh tại các nước nói tiếng Anh như: Ireland, UK, Aus, NZ, Canada và Mỹ hoặc khối tiếng Trung như TQ, Đài Loan..

- Nghiên cứu 1 số nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc... để tự mình đứng ra tổ chức các loại hình kiểm tra trình độ ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh từ phổ thông lên đến ĐH và dành cho người đi làm.

Hiện nay trên thế giới, Tổ chức Hội Đồng Anh và IDP đang nắm độc quyền trong lĩnh vực tổ chức kỳ thi IELTS, còn 1 Tập đoàn GD tại Mỹ hiện đang sở hữu TOEFL.

Thực chất, đây là 2 kỳ thi khá đơn giản, nhằm đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ ở 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, đủ để vào học ở các cấp độ cao đẳng và ĐH hay không, chứ không có giá trị đối với các trình độ tiếng Anh ở bậc thấp.

Cả 2 kỳ thi này đều bị nhiều trường tại các hội thảo GD quốc tế cho là "rào cản" SV quốc tế đến với các trường, thông qua việc "đi đêm" với các văn phòng visa và chính sách nhập cư...khi bắt các SV quốc tế phải có điểm thi của các kỳ thi này trước khi sang học.

Mặc dù hầu hết SV quốc tế đều phải học 1 khoá tiếng Anh ngắn hạn trước khi vào khoá chính. Và các trường đều có các bài test của riêng mình để đánh giá trình độ tiếng Anh của HS ( level test) để xếp vào các lớp học cho phù hợp.

Hơn nữa vì độc quyền nên giá tiền của các kỳ thi này đã tăng lên gấp bội so với chi phí thực đưa ra ban đầu (từ 60$ nay là 140$). Hàng năm tại VN một lượng lớn HS phải dự các kỳ thi này, tốn kém 1 lượng tiền ngoại tệ không nhỏ vào 1 việc không cần thiết.

Nhật Bản là nước đầu tiên từ năm 1963 đã nhờ ngay các chuyên gia về testing của Mỹ - những người đã xây dựng TOEFL để xây dựng cho họ 1 hệ thống kiểm định tiếng Anh rất bài bản, từ cấp tiểu học đến sau ĐH, có 7 cấp độ tên là EIKEN. Đây là 1 sự hợp tác giữa Bộ GD Nhật Bản và 1 tổ chức phi lợi nhuận tại Nhật Bản cùng làm.

Học sinh hàng năm đều có thể đăng ký thi (3 lần trong 1 năm) để tự mình đánh giá mình đã đạt cấp độ nào. Cách đánh giá rất đơn giản: Chỉ là đạt và chưa đạt, chứ không có điểm. Sau gần 50 năm tổ chức, họ chưa để xảy ra 1 sai sót nào vì cứ sau mỗi lần thi là đề lại bị huỷ và không bao giờ dùng lại. Ngoài ra giá cả rất hợp lý - khoảng 50$ - 75$/ test và được hầu hết các trường trên thế giới đã công nhận.

Hàn Quốc cũng đã bắt đầu ứng dụng bài test riêng cho HS của họ từ 2 năm nay (NEAT- National English Ability Test) với cách làm tương tự.

Như vậy xu hướng xây dựng bài test tiếng Anh riêng cho từng nước đã trở nên thành trào lưu nhằm giúp các trường thu hút thêm SV quốc tế,

Tại VN để đi nhanh hơn, ta có thể mời thầu từ các tổ chức trên hoặc làm việc với EIKEN để có 1 bài test với giá khoảng 25$ - 30$, cũng gần ngang với chi phí cần có để làm ra bài test đó. Được như vậy, có thể bỏ qua giai đoạn phải đi vận động các trường trên thế giới công nhận bài test của VN.

Được biết, EIKEN sẵn sàng giúp VN chuyển giao công nghệ để cùng khai thác bài test này.

- Tham gia các hội thảo, diễn đàn, triển lãm GD quốc tế: GDVN phải nắm được các thông tin mới nhất về các chính sách GD của các nước, các chương trình học bổng, hỗ trợ SV quốc tế của các nước trên thế giới để tuổi trẻ VN tham gia được mà không bị bỏ lỡ.

Thế giới đang có xu hướng thu hút sinh viên quốc tế đến khu vực Đông bắc Á để học tập vì giờ đây, khu vực này đã trở thành tâm điểm của sự phát triển kinh tế, trong tương lai không xa sẽ trở thành Trung tâm của kinh tế thế giới, trong đó có VN. GDVN phải đi trước và có sự chuẩn bị thích ứng và hòa nhập với sự chuyển đổi đó.

VN phải tập trung xây dựng 1 số trường điểm có các khoá học giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút SV quốc tế tới học.

VN phải hoạch định các kế hoạch đưa học sinh đi học tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài loan... và ngược lại- đưa SV ở các nước này đến VN, để họ là nhịp cầu cho sự giao lưu về kinh tế giữa VN và khu vực sôi động này.

Cục hợp tác đào tạo với nước ngoài của Bộ GD và ĐT cần thay đổi phương thức lựa chọn cán bộ quản lý du học sinh ở nước ngoài nhằm lựa chọn được những người có kinh nghiệm tại địa bàn được cử tới ( ít nhất đã từng học tại đó), có ngoại ngữ tốt và khả năng tiếp cận HS, giúp đỡ được HS khi họ cần sự giúp đỡ.

Tránh việc cán bộ quản lý HS trở thành những người xa lạ với HS, hoặc chỉ nắm được nhóm HS có học bổng của Nhà nước, còn những du học sinh tự túc thì ... không biết gì.

- Thành lập Hiệp hội các trường ĐH VN: Hiện ở VN đang có Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập, trong khi số lượng lớn các trường ĐH có chất lượng tại VN lại là các trường ĐH công lập. Để có thể có tiếng nói chung trong các diễn đàn GD quốc tế, VN rất cần 1 hiệp hội chung của tất cả các trường ĐH, CĐ, có vậy mới làm được những việc lớn cho toàn ngành GDĐH.

Theo TVN (Đào Hương*)
 [*] Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn Giáo dục và Ngôn ngữ thế giới ( FELCA)

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP