Bài học kỹ năng: Cần nhìn thấy những giá trị và mặt mạnh của mình

21/7/120 nhận xét

[Kỹ năng marketing] Mike George là một diễn giả quốc tế từng diễn thuyết trên ba mươi quốc gia và cũng khá quen thuộc ở Việt Nam. Không phải ai cũng có cơ hội nghe Mike George nói chuyện, dù ông đã tới Việt Nam ba lần. Nhưng hầu như tất cả sách ông viết, những cuốn sách kỹ năng mềm, đều đã được dịch ra tiếng Việt (Nghệ thuật khám phá tố chất tâm hồn, Từ giận dữ đến bình an, 7 ảo tưởng tình yêu, Từ hối hả đến ung dung, Dưới ánh sáng của thiền…).

Thực hiện trong một chuyến đi ngắn của ông đến Việt Nam, cuộc phỏng vấn này muốn giới thiệu chân dung ông, chứ không trò chuyện sâu về sự phát triển thế giới tinh thần - lĩnh vực ông có nhiều cống hiến. Công việc thật không dễ dàng, phải "góp nhặt" từng chút một để có được bức chân dung khái quát về một tài năng có nhiều đóng góp cho thế giới hiện đại trong lĩnh vực các giá trị sống.

Làm thế nào để có thể trở thành người giỏi giang như Mike George? Khi tôi hỏi vậy, ông từng cười và trả lời rằng "chính tôi cũng đang cố để trở thành tôi". Vậy "tôi" đó như thế nào?

Điều này thật hài hước, vì bạn không thể thành người khác được. Nếu bạn muốn là ai đó, bạn chỉ có thể trở thành hình tượng của họ thôi. Bạn là tốt nhất. Tôi muốn trở thành con người thật của tôi, vì vậy tôi cố gắng để trở thành Mike George.

Khởi đầu, ông là một doanh nhân thành đạt, vậy vì sao ông bỏ nghề? Vì đã giàu quá, đã chán, hay do căng thẳng?

Ngày đó xảy ra đã lâu lắm rồi. Thực ra tôi là đạo diễn quảng cáo, người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, chứ không hẳn là doanh nhân. Nhưng hồi đó tôi bỏ vì quá căng thẳng.

(Về chi tiết này, cô Trish Summerfield, giám đốc Trung tâm giá trị sống Inner Space ở Việt Nam cho biết thêm: Cách nay khoảng ba mươi năm, Mike George bị chứng hồi hộp trong giao tiếp, căng thẳng tới mức mỗi lần chuẩn bị gặp ai, ông phải vào nhà vệ sinh liên tục. Ông suy sụp, không gượng dậy được và tìm đến học tập ở các trung tâm làm giàu thế giới nội tâm, tìm hiểu bản thân, tự thay đổi mình. Đó là một quá trình khó khăn, lắm thăng trầm, nhưng ông không nản chí. "Phải trở thành mình", ông theo phương châm "chân lý không thuộc về riêng ai, mà phải dành cho tất cả mọi người, để vực dậy con người". Vì thế, ông đã chia sẻ những điều giúp cải thiện bản thân mà ông từng học được).

Ông là một chuyên gia về kỹ năng mềm, thường đi nhiều nơi giảng bài và giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp về kỹ năng lãnh đạo và quản lý phát triển tinh thần. Vì sao các doanh nghiệp cần ông giúp những điều này?

Tôi chỉ cho họ hiểu rõ bản thân mình để làm việc tốt hơn.

Họ bị mắc kẹt cái gì mà phải cần đến sự giúp đỡ?

Họ không quản lý nổi bản thân mình. Bệnh chung của con người thời đại là gắn mình với các "nhãn mác" chức tước, nhiệm vụ mà họ mang trong cuộc sống. Chúng bao phủ đến mức ngăn họ lột xác để phát triển bản thân. Phải hiểu rõ con người bị vướng cách nào và gỡ ra bằng cách nào.

Vậy con người đã bị vướng cách nào và làm thế nào để gỡ ra?

Hãy hình dung một cơn bão tố và bạn ở trong cơn bão đó. Có những vòng tròn bên ngoài bao bọc bạn, đó là những chuyện dữ dội, bận rộn căng thẳng, vật lộn khủng khiếp của cuộc đời; tiền bạc, địa vị, gia đình, các mối quan hệ... đủ thứ cuồng phong. Ai cũng biết, nơi yên bình nhất chính là mắt bão, là tâm điểm. Doanh nhân phải làm sao đừng để bị cuốn đi theo vòng xoáy dữ dội đó, đứng được vào tâm điểm ấy. Đó là vào tâm điểm của bản thân anh ta, tâm điểm của bản thể mình, nơi tĩnh tại nhất. Từ chỗ đứng vững vàng ấy, anh ta mới có thể nhìn ra thế giới bằng con mắt của mình và tự hỏi rằng sẽ phải đáp lại những biến cố của doanh nghiệp mình cách nào. Cần nhìn thấy những giá trị và mặt mạnh của mình. Người có thể tìm ra giải pháp phải đứng cân bằng, ngoài sự ảnh hưởng của cuồng phong. Con người ngày nay có nhiều kiến thức nhưng sự thông thái lại kém đi. Theo nhà bác học Einstein, trí thông minh trực giác mới là vua, còn thông minh lý trí chỉ là đầy tớ. Ngày nay con người hoán đổi, để cho thông minh lý trí là vua.

Việc đảo lộn như vậy sẽ gây ra tác hại gì?

Lý trí chỉ nhìn thấy trước mắt và lợi ích hợp lý. Thông minh trực giác hiểu cái gì đằng sau sự việc, nghĩa là còn sâu hơn cả những thứ gọi là kỹ năng mềm. Thông minh trực giác xuất phát từ lương tâm. Chỉ có lương tâm mới mách ta đâu là thật đâu là giả.

Cụ thể, ông đã giúp các doanh nhân như thế nào?

Muốn là nhà lãnh đạo giỏi, trước tiên phải biết lãnh đạo bản thân, hiểu rõ cảm xúc của mình. Tại sao tôi làm, tại sao tôi sợ... Phải hiểu và có trách nhiệm với mình, đi vào bản thể của mình, không bị vướng vào những vai mình đang đóng. Tâm điểm rất trong sáng, không phụ thuộc vào bên ngoài. Giúp họ nhận thức đúng được tâm thế vững chãi nhất có sẵn trong họ. Khi tôi đi dự tiệc hay vào các câu lạc bộ doanh nhân, gặp họ, được họ giới thiệu mình là nhà quản lý, các chức danh..., tôi biết được rằng người ta hay đồng nhất mình với phần việc và chức vụ mình nắm giữ. Giống như khi nhìn vào gương, ta tưởng đã nhìn thấy toàn bộ con người mình vậy. Tôi giúp họ nhận ra con người thật của họ ở phía sau. Vai trò quản lý dĩ nhiên là tuyệt vời, nhưng sau lớp vỏ đó là cái thật, con người thật của họ. Lớp vỏ bên ngoài rất dễ làm cho họ suy sụp, vì nó không là cái vững bền, nếu cứ bám víu vào nó mà không thấy cái bên trong thì không thể có hiệu quả được.

Cái tâm điểm bên trong ấy đã bị phủ mờ đi như thế nào, thưa ông?

Tâm điểm là có sẵn, tôi đã nói, bạn là tốt nhất mà. Rồi do ta sống, ta hành động tạo nên một lớp bao phủ. Không có neo giá trị vững bên trong, sẽ chỉ nhìn thấy và lệ thuộc vào cái bên ngoài.

Ông có thể giống như người thầy thuốc kê ra một cái toa giúp cho việc rèn luyện tìm về bản thân, tìm về tâm điểm được không?

Không một người thầy nào dạy được điều đó, trường học cũng không ai dạy con người cách hiểu bản thân mình, vì sao mình bị stress, gặp bất hạnh, không ứng phó kịp với những thay đổi chóng mặt của thời đại. Tuy nhiên, nếu nói ngắn gọn nhất, bạn có thể làm theo ba bước sau: Thiền, ngồi trầm tư xem xét, suy ngẫm. Thiền tức là dành thời gian thả lỏng cơ thể. Trầm tư để xem xét sâu mọi chuyện. Suy ngẫm là học bài học trải nghiệm đã qua.

Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển như vũ bão, với những mặt tốt ai cũng thấy rõ. Nhưng theo ông, nó có gây hại gì cho lĩnh vực phát triển tinh thần con người không?

Ai cũng biết ngày nay phương tiện hiện đại và phát minh nhiều, con người đã trở nên quá lệ thuộc vào nó, dẫn đến kết quả là lười, không nỗ lực để phát triển bản thân. Rõ nhất là trẻ em lúc nào cũng gắn mình với máy tính.

Trẻ em Việt Nam trong các đô thị lớn cũng trong tình trạng này rồi. Chúng bị nhốt trong bốn bức tường, cha mẹ lúng túng không biết phải làm thế nào, ông có ý kiến gì đóng góp không?

Đây là vấn đề của toàn cầu. Tôi chưa thực sự hiểu nền văn hóa, con người của đất nước các bạn nên chưa thể nói gì được. Mỗi lần đến Việt Nam, tôi chỉ ở được vài ngày.

Theo ông, cha mẹ có thể làm gì để giúp con phát triển tinh thần? Có lý thuyết nói rằng sẽ đến thời kỳ "con cái sẽ dắt ta đi", ông có nghĩ thế không?

Nếu muốn giúp con, trước hết chính cha mẹ phải phát triển mình trước đã, bởi vì con cái noi theo hình ảnh của cha mẹ. Hãy trở thành cha mẹ đúng nghĩa. Bạn cũng đâu biết rõ thế nào là cha mẹ đúng nghĩa, phải không? Chính bạn cũng phải đừng bị lệ thuộc, nghiện ngập phương tiện hiện đại.

Đi học thiền, có thể bên ngoài cười, nhưng bên trong vẫn là mớ hỗn độn những ý nghĩ. Tưởng đã giải tỏa, kiểm soát được tình hình, nhưng khi đối mặt với thực tế cuộc sống lại thấy không dễ?

Chúng ta phải học cách sống từ bên ngoài vào bên trong, đó là một cuộc chuyển dịch rất lớn, phải cần nhiều thời gian. Một hành động nhỏ có thể thực hành là khi về đến nhà, bạn hãy vào phòng tắm nhìn mình trong gương và cười phá lên. Tôi bảo đảm rằng bạn có ba mươi giây tràn đầy hạnh phúc.

Nhưng cũng chỉ được hạnh phúc trong ba mươi giây thôi...

Và là phút khởi đầu.

Thường học thiền xong, người ta thấy bình an, nhưng trở ra với cuộc đời thực thì cảm giác bình an ấy bay đâu mất hết. Phải chăng là vì chưa đủ năng lượng?

Không phải năng lượng, mà là ký ức. Nên nhớ rằng không ai cướp đi được bản tính của mình. Bạn hãy cố nhớ bản tính của mình khi đi vào mọi tình huống của cuộc sống. Khi nào quên, hãy cố nhớ lại. Đến một lúc nó sẽ phát tỏa tự nhiên.

Để đi đến được trạng thái cân bằng, xuất phát điểm đầu tiên của ông là gì?

Muốn cân bằng, điều kiện đầu tiên là phải đứng giữa tâm điểm. Trong cuộc sống, con người ta ai cũng cố đi trên dây, cố giữ thăng bằng, cơ bắp căng lên. Cứ cố thăng bằng thì lại căng thẳng. Đó là sai lầm. Phải tìm ra trung tâm của bản thân mình, nơi nào mà ta có thể hiểu rõ mọi điều và không căng thẳng. Bí mật và cũng là giải pháp thứ hai - đó là có ý thức về bản thân mình, thả lỏng cơ thể không căng thẳng nữa, và bí mật thứ ba là sáng tạo. Khi sáng tạo, bạn sẽ không để ý tới thời gian nữa. Thường là bạn muốn việc gì đó, tức là muốn đến đâu đó, không còn ở đây, không còn hiện diện, quên mất bản thân, và điều đó gây ra sự căng thẳng. Khi ý thức về thời gian, người ta sẽ căng thẳng. Hỏi những người sáng tạo, chúng ta sẽ thấy họ không bị ảnh hưởng bởi điều gì, sự thỏa mãn hài lòng tràn từ bên trong ra. Khi một nhà văn viết, sáng tạo, sự thỏa mãn từ bên trong họ tuôn ra.

Ông cân bằng, tìm ra bản thân lúc bao nhiêu tuổi?

Tuổi tác không liên quan gì đến điều này. Một khi trí não bắt đầu hoạt động, nó luôn sa vào sự so sánh. Mà đang so sánh có nghĩa là bạn đang dịch chuyển khỏi trọng tâm, khiến bạn căng thẳng. Tôi luôn ở trọng tâm, không so sánh mình với ai cả. Tôi hiện diện trong cuộc hành trình của mình. Sự so sánh không nâng cao mình lên được. Cái tôi giả tạo đó làm cho con người căng thẳng hơn nữa. Trong thế giới này, người ta luôn so sánh với người khác, tìm ra phong cách khác, nhiều khi phủ nhận cả bản thân. Con người luôn thấy mình kém cỏi, phải cố làm cái gì đó (có thể thấy rõ nhất điều này trong lĩnh vực quảng cáo). Đó là cách đánh mất bản thân mình.

Khi làm một việc, ông nghĩ gì đầu tiên?

Tôi nghĩ về công việc tôi làm. Tôi tập trung hoàn toàn. Nếu bạn tập trung vào điểm gì đó hoàn toàn, thì điều đó luôn ở trong bạn. Hãy mang nó vào bên trong bạn. Như khi ta miêu tả một câu chuyện bên ngoài, thì câu chuyện đã thực sự diễn ra bên trong người viết. Còn bị phân tán là gì? Chẳng hạn, những mẫu quảng cáo luôn muốn lôi kéo sự chú ý. Chạy theo chúng, ta sẽ bị phân tán. Thế hệ chúng ta hiện nay hoàn toàn bị phân tán. Tưởng rằng thông minh, máy tính, kỹ thuật cao, nhưng quan hệ giữa con người không còn như trước nữa. Ở Hàn Quốc, một đất nước có bước phát triển khoa học kỹ thuật thần kỳ, nền giáo dục đã dùng hoàn toàn sách điện tử và trẻ em thành thạo máy tính tân tiến nhất. Tưởng như máy tính làm mọi thứ thay cả bộ não. Nhưng vẫn có lỗ hổng là không phát triển mối tương giao, quan hệ giữa người và người. Khoa học kỹ thuật không làm được điều đó. Một người trên Facebook có hàng trăm người kết bạn, nhưng thực tế gặp được ngoài đời như người bạn đúng nghĩa được bao nhiêu? Liệu đếm có đủ năm ngón tay không?

Ông rèn luyện thành công như thế, hằng ngày có gặp sai lầm không?

Sai lầm là chuyện tôi gặp thường xuyên.

Con đường nào đi tới trái tim ngắn nhất (người ta nói rằng thông qua... dạ dày)?

Muốn ngắn nhất, nghĩa là bạn lại bận rộn, muốn nhanh, lại né làm việc thực sự rồi. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng lên người khác chứ không thể kiểm soát ai cả.

Ông làm thế nào để khỏi bị ảnh hưởng bởi nhiều việc trong cuộc sống?

Tôi không bao giờ cố gắng kiểm soát điều gì. Chúng ta luôn bị ảnh hưởng từ người khác. Sai lầm là ta cố gây ảnh hưởng nên mới kiểm soát. Cha mẹ tin là mình phải kiểm soát con cái. Nhưng con bạn khôn lớn và sẽ có ngày bạn không thể kiểm soát được nữa. Chúng nổi loạn, cha mẹ bực tức. Như vậy, họ đã sai ngay từ ban đầu. Điều các bậc cha mẹ nên làm là rèn luyện mình thành bậc cha mẹ đúng nghĩa để ảnh hưởng tốt tới con chứ không phải là kiểm soát chúng.

Vậy ông có thể định nghĩa thế nào về tâm linh?

Đó là khi tôi nhận thức được rằng tôi không phải là những gì người ta nhìn thấy, ví dụ như tôi tên là Mike George, người Anh, là đàn ông... mà tâm linh tôi là một bản thể, bản tính đích thực, là bình an, dễ thương, có lối sống không bao giờ bị lấy đi mất.

Ông có nghiên cứu đạo Phật?

Không. Nhưng tôi nghĩ mọi tôn giáo trên thế giới này đều đi đến gần tâm linh.

Ứng xử với sự cạnh tranh - một đặc tính bao trùm thời đại - cần phải làm gì, thưa ông?

Tôi chỉ cạnh tranh với chính mình để tốt hơn. Trong kinh doanh, ngay cả khi ta thắng trong cạnh tranh cũng cần ngồi xuống suy ngẫm về mình, về người. Điều quan trọng nhất thời đại này là ai biết đưa ra quyết định đúng. Mà muốn đưa ra quyết định đúng phải dựa vào quan sát tốt.

Một người có câu hỏi thế này: Tôi không tìm thấy điểm cân bằng, luôn bị căng thẳng, thấy mình mắc nợ với xung quanh, với người nghèo khổ. Tôi tìm một vị tu hành xin lời khuyên. Ông ấy nói nhiều nhưng tóm lại phải nhớ một chữ "buông". Nhưng buông rất khó. Ông có thể nói cách nào buông được?

Khi đau nỗi đau của người khác là bạn đang tích trữ nỗi đau vào mình. Không tích trữ nỗi đau thì mới giúp họ được. Đau đớn giùm, hấp thụ sự thua lỗ của người khác, bạn sẽ không giúp gì cho họ được. Nếu giúp, phải thay đổi được câu chuyện của họ mới có giá trị. Bạn có thể áp dụng một bài tập nhanh vài phút học cách buông bỏ: Mở mắt hoặc nhắm, tùy. Nhìn vào sâu tim bạn, trong hai phút điểm lại những phẩm chất bạn có. Rồi rút lui khỏi mọi điều, phóng chiếu khắp cơ thể xem chỗ nào còn căng thẳng. Thư giãn thả lỏng buông trôi. Theo dõi quan sát hơi thở. Tạo ra một ý nghĩ: tôi là một thực thể bình an. Để cho ý đó lan tỏa. Rồi quay trở lại thực tại.

Cảm ơn ông về bài tập thiền cụ thể như vậy. Các cuốn sách của ông đều được dịch ở Việt Nam, có cuốn nào ông cho là đặc biệt nhất và ông đang viết cuốn mới nào nữa?

Tôi viết sách từ cái nhìn chung, tùy vào mỗi người cụ thể mà biết cái nào họ đang cần. Tôi không khuyên bảo điều gì cả. Nhu cầu của họ mới là thật. Còn cuốn sách sắp viết tôi không nói ra trước được. Tôi giữ nó cho công việc của mình.

Ông đi hơn ba mươi quốc gia, nơi nào để lại ấn tượng mạnh nhất?

Không nơi nào nhất cả, mỗi nơi một đặc điểm riêng, nhưng có điểm chung là con người khắp nơi đang chịu những thách thức giống nhau: Hiểu sai lệch về bản thân, gây ra những rắc rối.

Lần trước đến Việt Nam, ông đã là khách mời của chương trình "Người đương thời" của Đài truyền hình Việt Nam. Ông có kỷ niệm gì đáng nhớ không?

Tôi quên rồi. Tôi là người không ở đâu vài ngày được.

Vâng, tôi nhớ ông đã định nghĩa người thành công là người không vướng bận bởi quá khứ, của thế giới xung quanh và biết giá trị của phút giây hiện đang sống. Ông là một chuyên gia tâm lý, một diễn giả hàng đầu thế giới, một tác giả, một chuyên gia kỹ năng mềm. Ông thích được gọi cái tên nào nhất?

Tất cả chỉ là tên gọi thôi. Tôi là người tham vấn, đào tạo giảng viên, không có danh thiếp, tước hiệu. Gọi tôi là gì cũng được, không thành vấn đề.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Theo DNSG Cuối tuần (Nguyễn  Thị Ngọc Hải)

Bài đọc thêm:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP