Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 14 ngân hàng thương mại lớn mua bán lại các khoản nợ cho DN vay và nợ của các tổ chức tín dụng vay lẫn nhau (ảnh minh họa - LĐ) |
[Kinh Tế Việt Nam] Thành lập thêm một công ty mua bán nợ mới, mà việc thành lập tiếp tục tốn kém, mất thời gian trong khi nợ xấu tăng lên từng ngày, liệu có phải đường đi ngắn nhất và hiệu quả cho nợ?
Lập mới một công ty mua bán nợ có xử lý được quả bom nổ chậm nợ xấu đang náu trong các ngân hàng? Tiền đâu để cho công ty mua bán nợ mua được khoảng 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu? Nếu phát hành trái phiếu, ai sẽ mua trong tình hình nhà đầu tư ngày càng ít quan tâm đến trái phiếu dài hạn bởi lo lắng về sự bất ổn của các chính sách vĩ mô hoặc lo lắng lạm phát quay trở lại trong dài hạn? Đây vẫn là những câu hỏi rối bời.
Bên cạnh DATC (Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, thuộc Bộ Tài chính), tại Việt Nam đang có 18 công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Ngày 16/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 2871/NHNN-TD cho phép 14 ngân hàng thương mại lớn mua bán lại các khoản nợ cho doanh nghiệp vay và nợ của các tổ chức tín dụng vay lẫn nhau.
Động tác này không mới. Lâu nay các tổ chức tín dụng vẫn mua bán nợ vòng vèo lẫn nhau, sôi nổi nhất là trước các kỳ chốt sổ sách kế toán của quý hay năm tài chính. Mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng bấy lâu nay không giải quyết được các khoản nợ xấu mà nó chỉ giúp ngân hàng đánh bóng số liệu. Bây giờ, thành lập thêm một công ty mua bán nợ mới, mà việc thành lập tiếp tục tốn kém, mất thời gian trong khi nợ xấu tăng lên từng ngày, liệu có phải đường đi ngắn nhất và hiệu quả cho nợ?
Trả lời Thời báo Ngân hàng hôm 4/6, ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC, nói rằng, các công ty mua bán nợ của ngân hàng không đủ lực cả về tài chính, cơ chế hoạt động và kỹ năng xử lý các khoản nợ xấu ở các ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay. Ông nói rằng thay vì lập công ty mua bán nợ mới, Chính phủ hoàn toàn có thể tăng vốn điều lệ cho DATC (đang là 2.481 tỷ đồng) lên để đảm nhận việc này. DATC từ trước tới nay vẫn hoạt động theo cách rất nhà nước là thận trọng và chỉ tiếp nhận các khoản nợ an toàn cao, hoặc một số khoản nợ theo chỉ định từ các doanh nghiệp giải thể. Chính phủ Hàn Quốc khi xử lý khủng hoảng kinh tế cũng đã thành lập một Quỹ xử lý nợ xấu do Kamco quản lý và sử dụng và đã thành công. Tại sao mô hình quỹ đó không phải DATC hay SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) lâu nay chưa thể hiện hết vai trò của mình
Các chuyên gia vẫn cho rằng, cần nhìn thẳng và nhìn sâu vào bản chất nợ xấu, hậu quả của thị trường chỉ có thể giải quyết bằng bàn tay thị trường. Mua bán nợ không phải "việc thiện" mà Chính phủ đủ sức gánh vác một mình. Ngân hàng Nhà nước công bố đến tháng 4/2012 nợ xấu là 100.000 tỷ đồng, bằng 3,96% tổng dư nợ. Trong khi đó, Fitch Ratings (2011) dự báo tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phân loại các loại nợ xấu lên tới 13% trong năm 2010.
Theo báo cáo "Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế" do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố gần đây, tỷ lệ nợ xấu ước tính cao gấp 3-4 lần tỷ lệ của Ngân hàng Nhà nước công bố. Ông Quách Mạnh Hào, một trong những tác giả báo cáo cho biết, nợ xấu thực sự phải là 8,25-14% tổng giá trị tài sản. Ông Hào cho biết, ông tính toán tỷ lệ này dựa trên số liệu của 41 ngân hàng thương mại, và đã loại bỏ các khoản nợ của Vinashin, Vinalines, và của các doanh nghiệp nhà nước tương tự. Số liệu về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại luôn được Ngân hàng Nhà nước đóng dấu mật, và vì thế chỉ được tiết lộ cho công chúng qua các kênh khác như kể trên. Giả dụ công ty mua bán nợ do Chính phủ dự định thành lập mua hết khoản 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu như kế hoạch dự kiến thì vẫn chưa giải quyết hết nợ xấu trong nền kinh tế. "Bản thân việc thành lập một công ty như vậy cũng không giải quyết được nợ xấu nếu không có những thay đổi về quan điểm, tư duy xử lý và hệ thống cơ chế chính sách đặc thù", ông Thường nói.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Quảng Trị, 4-5/6) nhận định, mặc dù vốn điều lệ các ngân hàng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng không loại trừ khả năng một lượng vốn góp mới có thể là vốn "ảo" khi các cổ đông vay tiền từ ngân hàng này để góp vốn vào ngân hàng khác (do vấn đề sở hữu chéo hiện nay).
"Vấn đề sở hữu chéo ở một số ngân hàng hiện nay là điều đáng quan ngại. Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cổ phần cũng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia, dẫn đến nguy cơ thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng, là tiền đề để nợ xấu tăng cao, đồng thời có thể dẫn đến rủi ro hệ thống khi vấn đề thanh khoản hay khả năng trả nợ của ngân hàng này có thể kéo theo hiệu ứng tương tự ở các ngân hàng khác", báo cáo viết. "Cần giải quyết tình trạng sở hữu chéo thông qua thực thi nghiêm ngặt việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty lớn khỏi khu vực tài chính - ngân hàng, cần sửa đổi các giới hạn về sở hữu cũng như cấp tín dụng liên quan đến các cổ đông lớn, quy định về các ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau. Những nhóm cổ đông hiện hữu nếu nắm giữ cổ phiếu ngân hàng (trực tiếp hay gián tiếp) vượt mức quy định sẽ phải trình kế hoạch thoái vốn chi tiết cho cơ quan quản lý và được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ".
Báo cáo cũng cho rằng để xử lý nợ xấu cần có sự sáp nhập, mua bán, hoán đổi nợ - vốn chủ sở hữu hoặc bằng ngân sách. Chính phủ có thể thành lập thêm công ty mua bán nợ hoặc cấp thêm nguồn vốn mới cho DATC để thực hiện một phần nhiệm vụ mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, trong tâm là nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng. Tuy nhiên, để không làm tăng cung tiền cũng như làm tăng bội chi ngân sách thì nguồn vốn bố sung này sẽ không phải là nguồn vốn phát hành trái phiếu vay Ngân hàng nhà nước mà là từ việc cắt giảm các khoản chi của Ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên. Nếu nguồn lực trong nước hạn chế, thậm chí Chính phủ cũng cần xem xét khả năng cho các công ty nước ngoài thành lập công ty mua bán nợ.
Để có thể thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách khả thi, cần làm rõ nguồn lực tài chính cho quá trình này cũng như đánh giá đúng chi phí - lợi ích của nguồn lực này. Có thể sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu Chính phủ hoặc phát hành trái phiếu để vay từ nền kinh tế (chứ không phải là phát hành trái phiếu để Ngân hàng Nhà nước mua lại), từ nguồn thu được từ cổ phần hoá DNNN. Chi phí cho tái cấu trúc cũng có thể được hình thành từ các nguồn vốn vay từ các quỹ quốc tế khác mà Việt Nam tham gia, vẫn theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng "để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam thì không có câu trả lời bất biến, mà sẽ là các con số khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của hệ thống ngân hàng hiện tại và tốc độ giải quyết vấn đề. Có quốc gia đến 15% GDP, có quốc gia chỉ từ 5% đến 10% GDP". Ông Phạm Mạnh Thường nhấn mạnh rằng "chính các ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính cho việc xử lý nợ xấu, công ty mua bán nợ chỉ đóng vai trò hỗ trợ". Ông nói rằng muốn xử lý nợ xấu ở quy mô, tiền không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu, mà đầu tiên cần trả lời được câu hỏi: Nhà nước muốn gì? và từ đó xác lập được cơ chế chính sách đủ tầm để tổ chức xử lý nợ quốc gia hoạt động.
Theo Hồng Phúc - VeF
Các bài khác:
- [VNN] Tiền đâu để tái cơ cấu? - [SGGP] Tái cơ cấu nền kinh tế - quan trọng nhất là yếu tố con người - [Tamnhin] Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế qua phân tích của chuyên gia
- [VnEc] Phó thủ tướng: “Cứu” doanh nghiệp, mấu chốt là cơ cấu nợ - “Chỉ giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa đủ” - Vốn các “ông lớn”: 60% là đi vay - [TP] Mua nợ để cứu ai? - Tiền đâu mua lại nợ ngân hàng?
- [VeF] Vốn rẻ vẫn nằm trên... giấy - Khát vốn: Bi hài đại gia thành 'cừu non' - Thiếu vốn, doanh nghiệp bán rẻ mình
- [SGTimes] TPHCM: Nhiều doanh nghiệp FDI có nguy cơ ngừng hoạt động
- [TVN] Cái đẹp, dối trá và... - [DT] Khó tin nổi màn "ảo thuật" nghìn tỷ của Vinalines! - [Infonet] Đưa hối lộ trá hình bằng... chuyến du lịch nước ngoài - [VNN] Tôi tin vào quy luật phát triển, vào sức mạnh dân tộc
- [PetroTimes] Hỡi ôi! Trà chanh yêu dấu! (Đọc xong thấy ở đâu cũng có chất độc)