[Marketing3k.vn] Do không phải là một gói cứu trợ nên theo Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ không tiêu hao nguồn lực xã hội mà chỉ làm phát sinh chi phí nhất định ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, chi phí này vẫn chưa được tính toán cụ thể.
Với dung lượng gần 40 trang, đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tại diễn đàn Quốc hội chiều 21/5.
Thông qua việc tái cơ cấu 4 hợp phần: thị trường tài chính, đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và các ngành - vùng kinh tế, đề án kỳ vọng có thể thay đổi một cách cơ bản mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nền kinh tế sau khi chuyển đổi sẽ bước sang thời kỳ tăng trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố gia tăng năng suất, gia tăng hiệu quả. Tiếp tục củng cố các yếu tố này kể từ năm 2020 để tạo tiền đề, đưa nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn vào năm 2030.
Đề án xác định mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu nền kinh tế là: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm:
1. Đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh, và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
2. Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng và sự hỗ trợ có hiệu quả từ Trung ương.
3. Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế.
4. Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tuy có mục tiêu lớn như vậy, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, do không phải là một gói cứu trợ nền kinh tế vượt khủng hoảng nên về tổng thể, việc tái cơ cầu kinh tế không làm tiêu hao nguồn lực xã hội. “Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số bên có liên quan, có thể phát sinh chi phí nhất định”, Chính phủ nhận định.
Tuy vậy, điều đáng nói là cơ quan soạn thảo, dù qua rất nhiều lần tham vấn, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cũng như bản thân các cơ quan của Quốc hội, vẫn chưa thể đưa ra một cơ sở mang tính định lượng về những “chi phí nhất định” nêu trên. Điều này cũng được lưu ý trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khi cơ quan này cho rằng việc tính toán chi phí là hết sức cần thiết trong điều kiện nguồn lực hạn chế của Việt Nam.
“Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp”, báo cáo nêu rõ.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra, về cơ bản vẫn nhất trí với đề án của Chính phủ, trong đó nhận định thách thức dễ thấy nhất của quá trình này, có thể phải hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để đổi lấy lợi ích tổng thể, lâu dài hơn. Cụ thể là trong một vài năm tới, các nguồn lực xã hội phải được phân bố lại trên quy mô lớn, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao như kế hoạch cũng như những năm trước. Trong khi đó, kết quả của quá trình tái cơ cấu chỉ có thể được thấy rõ trong trung hạn.
"Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét", Chính phủ đánh giá.
Ý thức được khó khăn này, cũng như đứng trước thực tế là nguồn lực có hạn, đề án xác định trong vòng 5 năm tới, sẽ ưu tiên tái cơ cấu các khu vực tài chính, đầu tư và doanh nghiệp Nhà nước. Đối với khu vực tài chính, đặt trong tâm vào ngân hàng, thị trường chứng khoán nhằm giúp các hợp phần này hoạt động lành mạnh, tạo nguồn lực cho nền kinh tế.
Đối với đầu tư, Chính phủ dự kiến tăng cường cải cách đầu tư công, đảm bảo đầu vào - đầu ra của ngân sách cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế. Riêng với doanh nghiệp Nhà nước, cần xác định lại vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp có chức năng bình ổn kinh tế vĩ mô… Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước không cần chi phối, buộc doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, để triển khai cụ thể, thay vì đề xuất 13 giải pháp như phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 4, Chính phủ đã rút lại còn 12 nhóm giải pháp. Các phương án này sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và kết luận trong phiên họp ngày 8/6 tới.
12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế
1. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển.
2. Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, hỗ trợ tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.
3. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước.
4. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài.
5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư.
6. Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển.
7. Thực hiện các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành đối với các sản phẩm ưu tiên phát triển, đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh...) nhằm tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
8. Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.
9. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn.
10. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.
11. Phát triển khoa học, công nghệ.
12. Giải quyết tốt các vấn đề môi trường và xã hội.
Theo Nhật Minh - VnEx
Các bài khác:
- [VnEc] Nhiều nội dung mới tại đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội - [SGTimes] Các giải pháp tái cơ cấu kinh tế còn thiếu gắn kết - [VNN] Tái cơ cấu: DNNN phải cạnh tranh bình đẳng - [SGTT] Làm sao để không có thêm những Vinashin, Vinalines?
- [VnEc] Yêu cầu làm rõ những bất thường của nền kinh tế
- [SGTimes] Nới lỏng tín dụng nhưng không dễ vay tiền mua nhà - [VeF] Thế chấp hàng tồn kho vay vốn: Ngân hàng dám mạo hiểm? - [SGTT] Ngân hàng phân chia ghế nóng