Đừng coi đào tạo lại là nhược điểm

4/3/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Giáo dục Việt Nam có tệ đến mức phải xoá sổ tất cả? Sinh viên ra trường phải đào tạo lại có phải là dấu hiệu của chất lượng đào tạo đi xuống? Có phải cứ phải tốt nghiệp đại học mới xin được việc làm? Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, TS Lê Đông Phương, giám đốc trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp – viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người có gần 30 năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra các “nút thắt” này.

"TS Lê Đông Phương tốt nghiệp cử nhân cơ khí ở Đức; tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ (theo học bổng Fulbright khoá đầu tiên) về quy hoạch phát triển và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nhật Bản về giáo dục học. Diễn đàn Chia sẻ tri thức Talk & Think số tháng 3.2012 được tổ chức vào 18 giờ, ngày 1.3.2012 tại trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội)."

Tại diễn đàn Chia sẻ tri thức - Talk & Think số tháng 3.2012 lần này, tiến sĩ sẽ là diễn giả chính với chủ đề “Định vị lại nền giáo dục Việt Nam”. Tiến sĩ có thể chia sẻ về hai chữ “định vị”?

Giáo dục là vấn đề rất nhiều người bàn tới nhưng hình như mọi người chỉ nói về khía cạnh xấu và đổ lỗi tại “ông giáo dục”. Ở mức độ nào đó thì không sai nhưng đến mức phải xoá đi làm lại tất cả thì không phải. Nhiều người chê chất lượng giáo dục đại học của ta không ra gì. Nếu cứ đem so với người khác thì khó lắm. Cái túi của bạn không thể nào sánh được với túi Louis Vuitton của cô siêu mẫu nhưng về ngoại ngữ chắc gì cô ấy hơn bạn. Không nên đánh giá chất lượng với cái cao nhất mà cũng không nên nghĩ chất lượng là cái mà đồng tiền mình bỏ ra.

Nên nhìn vào cái gì thực tế nhất, nếu cần nhân lực chất lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, cần con người có tri thức, sáng tạo, chủ động để hội nhập thì nên chú trọng đào tạo chứ không nên nghĩ cái gì ta cũng làm được, tôi muốn nói định vị theo khía cạnh đó.

Nghĩa là tiến sĩ không tán thành việc mọi người nói giáo dục đang khủng hoảng, đang đi vào ngõ cụt?

Đúng vậy! Đồng ý là giáo dục có vấn đề nhưng đó không phải tội của mấy ông làm giáo dục. Giáo dục là một hiện tượng xã hội, do đó ta phải nhìn bản chất của cả xã hội xung quanh nó. Xã hội hiện nay có truyền thống hiếu học, các địa phương, gia đình, dòng họ đều có. Nhưng đằng sau đó còn có chuyện sính bằng cấp do sự hiếu học quá đà mà thành.

Vì vậy mới có chuyện người ta học bằng được, học lấy văn bằng thật cao, học cho hết chữ mà không biết học để làm gì, gây lệch lạc trong giáo dục. Người dạy chỉ dạy cho người học cái mà mình biết, chứ không hướng tới tính hữu dụng của kiến thức, kết hợp thêm việc người học không có động cơ nên việc sử dụng kiến thức không hữu hiệu.

Theo tiến sĩ, giáo dục là một hiện tượng xã hội. Vậy hiện tượng này đang đứng ở đâu trong xã hội?

Mười lăm năm qua kinh tế của chúng ta có bước nhảy vọt, xã hội đã có tiền. Tiền đầu tư của Nhà nước và của người dân cho giáo dục đều tăng nhưng giáo dục vẫn loay hoay với kiến thức của thời kỳ bắt đầu đổi mới. Đó là cái chênh lệch đầu tiên của giáo dục so với xã hội.

Điểm thứ hai, dù Nhà nước và dân đã chi tiền nhiều cho giáo dục nhưng mức gia tăng chưa theo kịp các yêu cầu. Hệ thống giáo dục như một người thanh niên mới lớn bị bọc bởi quần áo cũ bắt đầu bục. Mặc dù cố vá nhưng vá nhiều quá không thành hình. Trong khi kinh tế đã xác định rõ ràng muốn tiến lên một nước công nghiệp vào năm 2020 thì giáo dục chưa được đặt trong một tư thế tương ứng. Sự kết nối với thế giới trong giáo dục của ta chỉ dừng ở một số chương trình đào tạo hay một số người đi học ở nước ngoài về.

Vậy có điều gì thế giới đã làm mà Việt Nam nên và có khả năng làm theo, thưa tiến sĩ?

Chúng ta áp dụng giáo dục phổ cập nhưng thế giới họ đã triển khai khái niệm giáo dục bắt buộc. Nghĩa là đến một độ tuổi nào đó nhà nước sẽ bắt buộc người thanh, thiếu niên phải đi học. Nếu anh chị không đủ điều kiện theo học thì nhà nước sẽ hỗ trợ đến mức nhất định. Chẳng hạn, với những gia đình bố mẹ thiểu năng, khó khăn, con không có ai chăm lo thì nhà nước sẽ nuôi. Có thể cách làm này nhà nước sẽ phải “gánh” nhiều nhưng tôi cho rằng ở ta, đã đến lúc Nhà nước phải chấp nhận “gánh” và đầu tư để mọi người có một khởi đầu giống nhau.

Tất nhiên, tuỳ hoàn cảnh kinh tế mà Nhà nước nên áp dụng giáo dục bắt buộc đến lớp mấy. Cách làm này giúp chúng ta tiến một bước rất xa xét về góc độ hội nhập quốc tế, tạo tiền đề tốt cho tất cả thanh thiếu niên Việt Nam, không bỏ mất người tài.

Hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông là chọn con đường vào đại học nhưng nguồn nhân lực cho đất nước vẫn luôn thiếu...

Về An Giang, tỉnh của lúa và cá, hỏi học sinh lớp 12 nào cũng nghe bảo thích đi học kế toán, tài chính. Định hướng việc học chưa rõ khiến có đến 1/3 thí sinh chọn đi học tài chính, ngân hàng. Giáo dục đang đáp ứng một nhu cầu ảo, cái xã hội cần thì không có.

Hiện trồng lúa thất thoát 15%, càphê, chế biến thuỷ sản… còn lớn hơn nhưng nếu ta đào tạo được đội ngũ làm tốt công nghệ sau thu hoạch thì tiền thu về sẽ bù được rất nhiều. Với các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán nếu thị trường có nhu cầu chúng ta để cho họ tự điều tiết theo cung cầu chứ không bỏ tiền ra làm việc đấy.

Tài chính và chất lượng giáo dục là hai vấn đề tỷ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên, khi tài chính còn hạn chế, tiến sĩ có giải pháp gì cho bài toán khó giải này?

40 triệu đồng là con số đầu tư quá thấp để có một sinh viên như hiện nay. Nhưng nếu tăng học phí theo kiểu dàn hàng ngang từ 2,4 triệu đồng/năm hiện nay lên 5 triệu đồng/năm thì có nhiều em sẽ phải nghỉ học. Giờ ta tăng học phí cao nhưng Nhà nước hỗ trợ tiền bằng quỹ cho vay, các em được vay đủ để trả học phí, sau đi làm trả nợ, bên cạnh việc cấp học bổng cho các ngành Nhà nước cần. Thay vì rót tiền trực tiếp theo kiểu chia chỉ tiêu, ta chuyển tiền đó qua quỹ cho vay để người tiêu tiền là sinh viên ý thức, trách nhiệm hơn với đồng tiền. Việc chia đều theo chỉ tiêu, có em thích học ngành này mai chuyển thi học ngành khác rất lãng phí.

Có nhiều ý kiến chê ngành giáo dục khi con số 60% sinh viên ra trường phải đào tạo lại, tiến sĩ nói gì về điều này?

Thực ra trên thế giới anh nào cũng phải đào tạo lại hết, kể cả các doanh nghiệp lớn như Pepsi, Coca hay như Intel vào Việt Nam cũng dành hai năm để đào tạo nhân lực. Đừng coi việc doanh nghiệp đào tạo lại là nhược điểm của hệ thống giáo dục. Đào tạo là cung cấp kiến thức, còn lao động cụ thể là đòi hỏi kỹ năng. Hai hệ thống này không ràng buộc, không nhất thiết tốt nghiệp đại học hay trung cấp ra là làm được việc ngay.

Vấn đề là hệ thống giáo dục phải cung cấp được kiến thức và năng lực tự học để người tốt nghiệp trung học ra mất thời gian ít nhất vẫn có thể tiếp thu được kiến thức họ cần cho công việc của mình. Dạy họ “học cách học” thôi.

Có cách nào xoá được tư tưởng tuyển dụng phải có bằng đại học, thưa tiến sĩ?

Chúng ta cần phải định hướng lại hệ thống giá trị cho mọi người để họ biết không phải ai học đại học cũng là người có tài. Tôi từng đọc một mục tuyển dụng “tuyển kế toán tuổi từ 18 – 20 có trình độ tốt nghiệp đại học ngoại ngữ”. Làm sao 20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học và tuyển kế toán có nhất thiết cần tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, trong khi chỉ cần sáu tháng là có thể làm thành thạo công việc này? Chính bản thân hệ thống sử dụng lao động lệch lạc, chủ sử dụng lao động cũng không rõ nhu cầu của mình là gì và họ không phát biểu được nhu cầu của mình với hệ thống giáo dục nên hệ thống giáo dục chả biết làm gì.

THANH TUYỀN (THỰC HIỆN)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP