[Marketing3k.vn] Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc cần làm để tăng chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.
Một số sinh viên bị bắt quả tang trong lúc đang làm bài thi môn ngoại ngữ dưới tên của người khác; từ đó cơ quan điều tra phăng ra được một đường dây thi hộ. Nghe nói bước đầu phát hiện khoảng 200 cán bộ, công chức là người nhờ người khác thay mình đi thi để lấy các chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết cho việc bổ túc, hoàn chỉnh hồ sơ học đại học, thạc sĩ,...
Sự việc chỉ là một phần nhỏ, được phanh phui của hiện tượng tiêu cực mà từ lâu toàn xã hội đều biết hoặc nghe nói. Vì nhiều lý do, không ít người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, không thể tự mình học và thi để có được bằng cấp mong muốn.
Trong khi đó, luật pháp đòi hỏi họ phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể về trình độ văn hoá, nghiệp vụ, được chứng minh bằng các giấy tờ cụ thể gọi là văn bằng, chứng chỉ, mới được tiếp tục giữ chức vụ hiện tại hoặc được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn. Dưới áp lực, đúng hơn nữa là dưới sự ám ảnh, đe doạ của các tiêu chuẩn ngặt nghèo, người không muốn rời bỏ chức vụ và muốn tiếp tục thăng tiến, trong điều kiện năng lực bản thân có hạn, chọn giải pháp nhờ thi hộ hoặc mua điểm, thậm chí mua luôn cả chứng chỉ, văn bằng, cho xong chuyện.
Trong khi đó, luật pháp đòi hỏi họ phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể về trình độ văn hoá, nghiệp vụ, được chứng minh bằng các giấy tờ cụ thể gọi là văn bằng, chứng chỉ, mới được tiếp tục giữ chức vụ hiện tại hoặc được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn. Dưới áp lực, đúng hơn nữa là dưới sự ám ảnh, đe doạ của các tiêu chuẩn ngặt nghèo, người không muốn rời bỏ chức vụ và muốn tiếp tục thăng tiến, trong điều kiện năng lực bản thân có hạn, chọn giải pháp nhờ thi hộ hoặc mua điểm, thậm chí mua luôn cả chứng chỉ, văn bằng, cho xong chuyện.
Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc cần làm để tăng chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Một nền hành chính quốc gia mạnh và hữu hiệu phải dựa vào một lực lượng tác nghiệp tinh thông về chuyên môn, đồng thời phải năng động, nhạy bén và có tác phong chuyên nghiệp.
Song, ở các nước tiền tiến, việc phân công, bổ nhiệm dựa chủ yếu không phải vào bằng cấp được xuất trình, mà vào năng lực có thật của ứng viên, thể hiện qua các cuộc giao tiếp với cơ quan sử dụng nhân lực để được sát hạch trực tiếp, sòng phẳng và minh bạch.
Ở Việt Nam, hệ thống tôn ti thứ bậc xã hội, theo truyền thống, được thiết lập dựa vào học vị khoa bảng; người có bằng cấp càng cao càng được tôn vinh, kính trọng. Thái độ đối xử đó mặc nhiên tạo ra xu hướng suy đoán người có bắng cấp cao là người hiểu biết sâu rộng và có khả năng quản trị, điều hành. Xu hướng ấy dần dần trở thành một thứ lá chắn, một thành trì bảo hộ con người chống lại rủi ro bị đánh giá thấp hoặc bị nghi vấn về sức hiểu biết và năng lực chuyên môn mỗi khi ứng tuyển vào một vị trí trong bộ máy.
Bị cuốn vào vòng xoáy tôn sùng bằng cấp, đến một lúc nào đó, người ta tự nhiên coi những tờ giấy ghi nhận trình độ học vấn như là những thứ trang sức cần thiết, đúng "mốt", đặc biệt mỗi khi cần xuất hiện, giao tiếp trong đời sống xã hội. Có thể hiểu tại sao các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ đối với các ứng viên vào các chức vụ công được đòi hỏi ngày càng cao.
Hẳn cũng chỉ có thể dựa vào nhận xét đó để tìm cách giải thích cho bạn bè các nước, khi được hỏi, về sự tồn tại của các danh xưng "giáo sư thứ trưởng", "phó giáo sư vụ trưởng". Nhiều người không hiểu, bởi ở nước họ, giáo sư là chức vụ đại học thuần tuý và chỉ được dành riêng cho nhà giáo, nhà khoa học gắn chặt hoạt động chuyên môn của mình với giảng đường, không thể được trao cho quan chức.
Đáng nói hơn hết, trong điều kiện bằng cấp, học vị, học hàm phải do tổ chức, cơ sở giáo dục cấp, việc khu vực công có nhu cầu to lớn khiến hệ thống giáo dục, nhất là mảng giáo dục đại học, chịu sức ép ghê gớm. Ở một góc nhìn, đứng trước quá nhiều người mong muốn có bằng cấp, học hàm, học vị và ở trong tư thế sẵn sàng làm mọi thứ để đạt mục tiêu, nền giáo dục tỏ ra là một cơ thể mong manh, dễ bị tổn thương. Mà đúng là nó đã và đang thực sự mang thương tích, bởi sự tấn công của các cá thể, các nhóm cá thể theo đuổi mục tiêu riêng vào các vị trí yếu kém trong hệ thống. Vấn nạn thi hộ, mua điểm, bán bằng là biểu hiện của tình trạng thương tật đó.
Cần phê phán mạnh mẽ thái độ coi trọng bằng cấp hơn năng lực thực tại; cần tôn trọng thiên chức trồng người của giáo dục và không coi giáo dục là thứ công cụ phục vụ cho việc chuẩn hoá về mặt hình thức đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu không môi trường học đường, giảng đường sẽ còn bị vẩn đục, thậm chí ngày càng trầm trọng.
Tác giả: PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Các bài khác: