Hệ lụy của sự tha hóa do kinh doanh giáo dục

12/3/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Câu chuyện tiêu cực nhức nhối tại Trường Đại học Hùng Vương là dẫn chứng rõ nét cho những bất cập trong quản lý giáo dục trước sự phát triển "nóng” ở lĩnh vực đã và đang tiêu tốn tỷ trọng thu nhập đáng kể nhất trong tổng thu nhập của toàn xã hội. Việc gia tăng ồ ạt số lượng lên đến con số khoảng 400 trường đại học cả nước trong khoảng thời gian ngắn gần đây kéo theo hệ lụy biến dạng méo mó chính sách xã hội hóa giáo dục. Mở rộng cánh cửa đầu tư cho giáo dục đối với tư nhân nhưng lại thiếu cơ chế quản lý, giám sát hợp lý về quy mô và chất lượng đào tạo, tạo nguy cơ biến trường đại học thành công ty tư nhân kinh doanh trên sự vất vả ưu tiên tiền bạc, công sức cho việc học của phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Sự kiện kinh động học đường

Ngày 3-3-2012, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến các vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.
Thế nhưng, ngày 5-3-2012, khi ông Đặng Công Luận, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đến Đại học Hùng Vương để triển khai các quyết định thì bất ngờ bị một số nhân vật nắm giữ các cương vị quan trọng nơi đây khống chế, giam lỏng. Một trong những người có trách nhiệm chủ chốt, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương - cũng ung dung bất hợp tác, phớt lờ sự hiện diện của Đoàn công tác thi hành công vụ. Sau khi đại diện Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đọc quyết định tạm đình chỉ đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, ông Đặng Công Luận, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đang phát biểu thì một nhóm người gồm lãnh đạo, cán bộ Trường Đại học Hùng Vương ùa vào phòng họp gây náo loạn. Cùng với những hành vi va chạm, ẩu đả, nhóm cán bộ "thầy giáo” này đã khống chế nhiều tiếng đồng hồ, ngăn cản thành viên Đoàn công tác ra về vì không chịu ký vào một biên bản do ông Phan Thắng (xưng là Trợ lý Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương) lập.

Đại học Hùng Vương được thành lập từ năm 1995 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2006 được chuyển từ hình thức dân lập sang tư thục. Theo kết luận của cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, quá trình điều hành và thành lập thủ tục chuyển đổi Đại học Hùng Vương sang loại hình trường đại học tư thục, đã xảy ra nhiều tiêu cực, sai phạm dẫn đến mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng kéo dài. Dù ở thời điểm được chưa UBND TP.Hồ Chí Minh công nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhưng ông Đặng Thành Tâm vẫn ký ban hành các văn bản với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Hùng Vương. Mặc dù được thành lập từ hàng chục năm trước nhưng đến tháng 5-2008, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương mới tiến hành đăng ký kê khai nộp thuế cho Nhà nước. Cơ quan có thẩm quyền đã phải truy thu và phạt thuế hơn 5,5 tỷ đồng đối với Đại học Hùng Vương do việc không chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Cơ sở giáo dục này còn "bỏ ngoài sổ sách”, không kê khai số tiền hơn 6,5 tỷ đồng doanh thu từ năm học 2007-2008 đến nay. Ngoài ra, Trường Đại học Hùng Vương cũng đã không lập thủ tục miễn nhiệm Hiệu trưởng trước khi bổ nhiệm quyền Hiệu trưởng mới, nên có những khoảng thời gian cả Hiệu trưởng và quyền Hiệu trưởng cùng "song hành tại vị”. Năm học 2009, Trường Đại học Hùng Vương "ung dung” tổ chức tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu hệ cao đẳng chính quy lên đến hơn 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng được giao.

Bê bối kéo tiêu cực kéo dài dẫn đến việc UBND TP. Hồ Chí Minh phải tiến hành đình chỉ chức vụ đối với lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương. Điều khó ngờ là khi các quan chức liên ngành đến tiếp cận với cơ sở giáo dục nhiều tai tiếng này để thi hành công vụ thì bất ngờ bị vấp phải sự hành xử thô bạo, khó hiểu, gây tổn hại nghiêm trọng đến việc bảo đảm pháp chế và kỷ cương pháp luật. Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã phải khẩn cấp đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành xử lý các hành vi phản cảm, manh động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với một nhóm đối tượng tại Trường Đại học Hùng Vương - những cán bộ, giảng viên mà hàng ngàn học sinh, sinh viên nơi đây hàng ngày vẫn gọi là "những người thầy”. Hiệu ứng tiêu cực từ hình ảnh ẩu đả phản cảm "có một không hai” của một số người đứng trên bục giảng ở một trường đại học như trở thành luồng gió bẩn tạt thêm sự ô nhiễm giáo dục qua các phòng học, tác động đến chất lượng đạo tạo đối với khoảng 9.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại Đại học Hùng Vương, nhanh chóng phả hơi nóng bức xúc vào dư luận xã hội về những bất cập trong giáo dục hiện nay.

Hệ lụy tư nhân hoá cực đoan trong giáo dục

Câu chuyện tiêu cực nhức nhối tại Trường Đại học Hùng Vương là dẫn chứng rõ nét cho những bất cập trong quản lý giáo dục trước sự phát triển "nóng” ở lĩnh vực đã và đang tiêu tốn tỷ trọng thu nhập đáng kể nhất trong tổng thu nhập của toàn xã hội. Việc gia tăng ồ ạt số lượng lên đến con số khoảng 400 trường đại học cả nước trong khoảng thời gian ngắn gần đây kéo theo hệ lụy biến dạng méo mó chính sách xã hội hóa giáo dục. Mục tiêu giảm áp lực đối với ngân sách Nhà nước và nâng cao chất lượng của nền giáo dục khi gia tăng loại hình giáo dục tư thục bậc đại học đang đối diện với không ít hệ quả tiêu cực, bất cập. Sự phát triển quá nhanh về số lượng các cơ sở giáo dục nhưng không được kiểm soát một cách sát sao, khoa học là nguyên nhân gây nhiễu loạn môi trường và chất lượng giáo dục đại học. Mở rộng cánh cửa đầu tư cho giáo dục đối với tư nhân nhưng lại thiếu cơ chế quản lý, giám sát hợp lý về quy mô và chất lượng đào tạo, tạo nguy cơ biến trường đại học thành công ty tư nhân kinh doanh trên sự vất vả ưu tiên tiền bạc, công sức cho việc học của phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Các chuyên gia về giáo dục đã từng cảnh báo nhiều lần, một khi trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thuyên giảm để nhường chỗ cho sự gia tăng hiện tượng tư nhân hóa cực đoan, phủ nhận giáo dục với tính chất lợi ích công cộng, ắt sẽ dẫn đến hệ quả biến giáo dục thành thứ hàng hóa thuần túy trong quan hệ thị trường. Lâu nay dư luận xã hội đã hết sức băn khoăn về phong trào đại học hóa ồ ạt với sự ra đời hàng trăm trường đại học, cao đẳng chỉ trong vòng mấy năm, nhưng các cơ sở giáo dục ấy lại thiếu cả lực lượng giảng viên đúng chuẩn. Chủ trương xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là việc tư nhân hóa giáo dục vô nguyên tắc, giáo dục bị thương mại hóa vì lợi nhuận, gây hậu quả tiêu cực nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học vốn đã tụt hậu xa so với khu vực và thế giới. Các biểu hiện thiếu lành mạnh về nhiều mặt trong họat động kinh doanh giáo dục kiểu như ở Đại học Hùng Vương đang góp thêm dữ liệu thực tiễn nhức nhối, lý giải gam màu thiếu sáng của bức tranh tổng thể hệ giáo dục đại học hiện nay với hệ thống các trường đại học, cao đẳng vừa mới ra đời. Đó là các cơ sở giáo dục đang đối diện với không ít vấn đề nhức nhối về chất lượng đào tạo, xa rời yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh một số thành tựu nhất định đã đạt được trong những năm qua, dư luận đang có thêm cơ sở để đặt vấn đề về một bộ phận giáo dục đại học đang có xu hướng tha hóa so với những giá trị học đường cao quý. Bởi, giáo dục đại học là nơi đào tạo nguồn lực trí thức cho xã hội, không có chỗ cho những biểu hiện đạo đức băng hoại, trật tự, phép tắc bị đảo lộn, thầy không ra thầy, trường không ra trường. Hệ lụy tiêu cực từ sự tha hóa do kinh doanh giáo dục chắc chắn sẽ quay ngược với lý tưởng cao đẹp về dân chủ, công bằng, văn minh mà cả xã hội đang hướng tới, mà trước hết lý tưởng đó phải được xác lập từ nền tảng chất lượng giáo dục.

Sự kiện Giám đốc Sở Nội vụ TP.Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Đoàn công tác liên ngành bị khống chế, giam lỏng tại Trường Đại học Hùng Vương gây ngỡ ngàng dư luận cả nước suốt cả tuần qua. Trước hàng loạt sai phạm tiêu cực, bê bối kéo dài trong hoạt động "kinh doanh giáo dục”, cấp có thẩm quyền buộc phải đình chỉ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành quyết định về việc ngừng tuyển sinh năm 2012 đối với cơ sở giáo dục tư thục bậc đại học này. Câu chuyện dù xưa cũ về những bất cập trong quá trình thực thi chính sách xã hội hóa giáo dục nhưng vẫn tiếp tục nóng bỏng tính thời sự cấp thiết trong bối cảnh số lượng trường đại học cả nước mọc nhanh như nấm sau mưa, với không ít hệ lụy của sự tha hóa vì mục đích kinh doanh giáo dục...

Chu Ninh

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP