Nói chuyện với nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân tại nhà Phạm Duy đầu năm 2012

23/2/120 nhận xét

ông Nguyễn Đắc Xuân
[Marketing3k.vn] LTS: Trong thời gian hoạt động báo chí 3 tuần ở Việt Nam, sau khi tác nghiệp lễ hội tết Nhâm Thìn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Huế…vào tới Sài Gòn, đoàn báo chí hải ngoại dành nhiều thời gian để gặp gỡ các doanh nhân, văn nghệ sĩ ở thành phố. Vào ngày Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012, tức ngày mùng 7 tết, hai nhà báo Etcetera Nguyễn (Việt Weekly) và Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV) đã lấy hẹn và đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy ở quận 11. Tại nhà Phạm Duy, đoàn hân hạnh được gặp nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân. Sau khi nói chuyện với Phạm Duy xong, ông Nguyễn Đắc Xuân dành cho các nhà báo một cuộc trò chuyện thân mật. Sau đây là nội dung của câu chuyện, được chia thành vài kỳ báo.
Việt Weekly (VW): Chào nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân.

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Rất hân hạnh được gặp báo Việt Weekly, tờ báo tôi đã theo dõi rất nhiều. Mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh, hạnh phúc lớn nhất của tôi là được đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy, người có ảnh hưởng lớn với tư tưởng của tôi từ một người học sinh nông thôn lên thành phố học, trở thành người cầm bút, người sáng tác, người đấu tranh yêu nước. Một thời đấu tranh vì phong trào hòa bình, tôi cũng có bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1964-65. Do đó, đối với Phạm Duy là người anh lớn, gặp được anh Phạm Duy là hạnh phúc của tôi mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh.

VW: Trong tập sách có bài viết của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, “Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương.” Ông chia sẻ đôi chút về bài viết này?

NĐX: Tôi lớn lên và bị ảnh hưởng lớn trong âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy là bài “Tình ca.” Tôi được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dạy cho tôi từ năm 1955 và bài đó ảnh hưởng suốt cuộc đời tôi cho đến bây giờ. “Bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.” Trong bài nhạc đó, ông có viết biết ái tình ở dòng sông Hương. Tôi là người nghiên cứu Huế, gặp được nhạc sĩ Phạm Duy tôi đã hỏi ngay, ông đã biết ái tình ở dòng sông Hương như thế nào? Muốn có ái tình đó, ông đã nhận định về Huế như thế nào? Oâng đã nghĩ về cái đẹp của người Huế như thế nào? Đây là bài tôn vinh giá trị, văn hóa con người Huế là hiếm có. Cho nên, có nhiều lần tôi đã trích dẫn phát biểu, ý kiến của nhạc sĩ Phạm Duy trong những bài tôi viết về Huế, giá trị văn hóa Huế.

Nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh Internet

VW: Nghiên cứu về nhạc sĩ Phạm Duy, ông đánh giá nhạc sĩ Phạm Duy về con người âm nhạc hay một con người khác?

NĐX: Tôi có học âm nhạc và có theo dõi người bạn cùng thế hệ của tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi có nghiên cứu âm nhạc và nghiên cứu văn hóa. Tôi thấy ở đất nước ta từ xưa đến nay chưa có xuất hiện một nhân tài nào về phương diện âm nhạc như nhạc sĩ Phạm Duy. Khi phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy, ông rất khiêm tốn. Đối với tôi, hơn 1,000 bài nhạc lời Phạm Duy, hơn 1,000 bài ông đã làm lời ca, cũng như những bài ông phổ thơ, đó là cây đại thụ. Tôi chắc rằng, dân tộc Việt Nam chắc còn nhiều thế kỷ nữa mới có được một con người nữa. Mozart rất lớn đối với thế giới, sau đó có ít người so sánh với mấy ông đó. Đối với tôi, về phương diện âm nhạc, Phạm Duy là một người như vậy. 

NS. Trịnh Công Sơn và Phạm Duy - Ảnh Internet

Sau Phạm Duy, đối với tôi Trịnh Công Sơn cũng là một con người lớn lao. Tôi cho rằng, sự nghiệp cả hai để lại cho dân tộc Việt Nam vô cùng lớn lao. Với thế hệ mình, bản thân không được hưởng những thứ đó, không được chiêm ngưỡng những thứ đó, không được thưởng thức những thứ đó, đó là một sự thiệt hại. Cho nên, tôi luôn luôn tận dụng thời gian của tôi nghe nhạc Phạm Duy, nghe nhạc Trịnh Công Sơn dù cho tôi không có hoạt động âm nhạc gì cả. 

VW: Ông thích bài nào trong “Ngàn lời ca” của nhạc sĩ Phạm Duy?

NĐX: Như hồi nãy tôi đã nói, bài ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi là bài “Tình ca.” Những bài trong “Con đường cái quan” đi qua Huế. Tôi là người Huế, tôi nghiên cứu Huế, tôi thấy bài đó rất sâu sắc. Bài “Về miền Trung.” Nói chung, phần lớn nhạc Phạm Duy tôi đều mê, tôi đều thích. Có nhiều người nói rằng, ngoài nhạc sĩ Phạm Duy ra, ở tại Việt Nam không có ai có đủ tài liệu về Phạm Duy bằng Nguyễn Đắc Xuân. Tôi cố gắng thực hiện điều đó. Trong nhà tôi có một gia tài như vậy, ở Huế.


VW: Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, với người nghệ sĩ sự chân thành là quan trọng nhất, nếu người nghệ sĩ không có sự chân thật và chân thành không nên là nghệ sĩ. Oâng nghĩ sao về nhận định đó?

NĐX: Tôi thấy có nhiều người tài không chân thành nhưng họ làm nhạc cũng được. Đối với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy có những điều mà người khác không nói như những chuyện tình của Phạm Duy, hay những chuyện người ta không hay về Phạm Duy, nhưng nhiều lần tôi đã nghe chính thức ông kể ra hết. Cho nên, trong cuộc đời ông còn dám nói ra như vậy, huống thay trong âm nhạc ông phải thành thật. Mà không trung thực trong giờ phút ông sáng tác đó, chắc chắn rằng nhạc đó không hay.

VW: Ông kể chi tiết một vài sự kiện ông nghe không hay về nhạc sĩ Phạm Duy mà nhạc sĩ Phạm Duy cho là bình thường?

NĐX: Ông có làm một bài nhạc “Thiếu sinh quân.” Năm ông về đây, khoảng năm 2001, có những người rất yêu ông, có nhiều người thiếu sinh quân bây giờ là những vị tướng rất quí ông đã mời ông và hỏi ông, “Tại sao năm đó anh lại bỏ chúng tôi về thành? Ông đã làm bài thiếu sinh quân chúng tôi rất mê đã đi theo, tại sao ông lại bỏ về. Oâng có biết có bài thơ viết về ông không?” Mấy người đó đã đọc trật trẹo vì đâu có nhớ hết. Nhạc sĩ Phạm Duy mới nói rằng, để ông đọc, ông đã đọc thuộc lòng bài thơ Huy Phương làm về ông. Đó là một người hết sức chân thật, không có sợ.

NS. Phạm Duy và GS. Trần Văn Khê - Ảnh Internet

VW: Nhạc sĩ Phạm Duy có nói rằng, không những ông là người may mắn, ông còn là người khôn ngoan đi theo thời cuộc. Oâng có nghĩ rằng, sự khôn ngoan giúp cho người nghệ sĩ thể hiện con đường sáng tác hay không?

NĐX: Tôi cho rằng, Phạm Duy biết tài của ông ta, ông ta biết làm gì cho đất nước, cho nên, ông phải tính toán môi trường, thực hiện nhiệm vụ của ông. Trong một bài tôi viết phản bác ông Phạm Tuyên và ông Trọng Bằng, nếu Phạm Duy không về thành, Phạm Duy cũng sẽ không hơn gì ông Văn Cao. Nhưng ông Phạm Duy bị phê phán đã về thành, nhưng ông về thành ông mới làm được “Con đường cái quan,” “Mẹ Việt Nam,” và vô số bài khác. Ông đã tính toán là về thành ông sẽ bị thiệt hại những thứ này nhưng được một cái lớn hơn. 
Năm 1975, nếu ông ở lại, chưa chắc ông đã được. Oâng đã ra đi để nghỉ ngơi, suy nghĩ. Khi tôi qua Pháp năm 1996, ông đã tính chuyện về lại rồi. Oâng có tính toán hết, tính toán môi trường để thực hiện nhiệm vụ đối với đất nước là phục vụ đất nước bằng tài năng âm nhạc. Chỗ nào làm cho âm nhạc không phát triển được, ông tìm cách tránh. Tôi cho đó là một sự khôn ngoan, khôn ngoan cho nghệ thuật.

NS. Phạm Duy - Tranh: Đinh Cường, ảnh Internet

VW: Còn thức thời để tồn tại, sống để phát triển, ông nghĩ sao đối với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

NĐX: Anh Trịnh Công Sơn khác anh Phạm Duy. Anh ở trong một môi trường khác. Tôi rất thân với anh. Tôi có viết một cuốn sách dày “Trịnh Công Sơn có một thời như thế,” tôi viết về giai đoạn đó. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh Internet

Lúc đầu anh Trịnh Công Sơn cũng như tôi. Trên báo Tuổi Trẻ vừa rồi tôi viết liên tiếp 10 số về sự đấu tranh đô thị của tôi. Chúng tôi là những người lớn lên, yêu nước, muốn thống nhất đất nước. Khi đất nước thống nhất rồi, anh Trịnh Công Sơn có trách nhiệm phát triển đất nước mà anh đã góp phần thống nhất. Dĩ nhiên, cuộc đời người nghệ sĩ luôn luôn đi trước thời đại. Cũng như bản thân tôi không bao giờ thỏa mãn với cái hiện có của mình mà luôn luôn nghĩ tới. Và khi chưa nghĩ tới mình làm được cái gì đây mình rất vui, cái mình nghĩ tới mà chưa tới được mình buồn. Anh Trịnh Công Sơn đã nói thẳng với tôi, có một trường hợp nào đó phải ra đi ắt anh lại vượt biên trở về.

VW: Bài “Tiến thoái lưỡng nan” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, hình như cuối đời ông có điều gì trăn trở gởi gắm trong tinh thần của bài nhạc. Ông nhận thấy thế nào?

NĐX: Theo tôi, không phải chỉ anh Sơn mà nhiều người. Có nhiều người nhầm tưởng Việt Nam trước sau cứ như vậy nhưng không phải. Việt Nam năm 56 khác, 70 khác, 75 khác, trước đổi mới khác, trước hội nhập khác, tùy theo hoàn cảnh. Cho nên, anh Trịnh Công Sơn thấy lúc đó vẫn còn chưa, nhưng nếu bây giờ anh lại khác. Cho nên, người nghệ sĩ như anh Sơn rất trung thực. Anh nói thẳng tâm trạng của anh ra. Không phải ai cũng bằng lòng hết, không bao giờ. Con người nhất là nghệ sĩ, khi bằng lòng nói là bằng lòng, vui, khi không bằng lòng nói thẳng là không bằng lòng. Như vậy, xã hội mới tiến được. Theo tôi, người nghệ sĩ là người đi trước thời đại.

NS. TCS - Hoạ sĩ Đinh Cường - Trịnh Cung và NS. Văn Cao

VW: Trong năm 2009, một bài viết của họa sĩ Trịnh Cung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gây dư luận lớn. Ông có nhận xét gì về ý kiến của họa sĩ Trịnh Cung cho rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có âm mưu chính trị?

NĐX: Tôi đã viết một bài phản biện rất nặng “Thư gửi Trịnh Cung,” nói thẳng tất cả. Từ khi đó anh Trịnh Cung cũng im luôn. Trịnh Cung là bạn thân của tôi từ năm hồi 59, 60, lúc anh còn dùng tên thật là Nguyễn Văn Liễu, làm thơ với bút hiệu Thương Nguyệt, sau năm 1975 cũng thân thiết như vậy. Tôi chứng minh, thứ nhất Trịnh Cung viết không đúng sự thật. Thứ hai là có ý đồ không phải nghệ thuật, trong đó có động cơ cá nhân. Trịnh Cung tưởng rằng “đạp” Trịnh Công Sơn xuống để cho mình cao hơn nhưng không ngờ anh “đạp” mà uy tín Trịnh Công Sơn không xuống, mà từ đó kỷ niệm 8 năm Trịnh Công Sơn mất cho đến bây giờ đã gần 3 năm rồi, Trịnh Cung bặt tăm luôn.

NS. Trịnh Công Sơn - Tranh: Bùi Giáng, Ảnh: Internet

VW: Có phải do tình cảm sâu sắc giữa ông với Trịnh Công Sơn cho nên ông có ý kiến phản biện ông Trịnh Cung?

NĐX: Không. Hai người đó đều là bạn của tôi. Trong suy nghĩ, Trịnh Cung viết bài đó tưởng rằng tôi ủng hộ. Tôi là nhà văn hóa, tôi làm việc văn hóa, cho nên tôi phải bảo vệ sự thật, bảo vệ con người, cũng như tôi đã bảo vệ nhạc sĩ Phạm Duy khi ông Phạm Tuyên, ông Trọng Bằng và ông Hồng Đăng viết về Phạm Duy không đúng. Cũng như bài viết “Thư gửi Trịnh Cung,” tôi bảo vệ sự thật về Trịnh Công Sơn. Tôi phản biện với tài liệu và nhân chứng chứng minh chứ không phải là ý kiến riêng của tôi.

NS. Trịnh Công Sơn, Ảnh: Internet


VW: Những người nghệ sĩ ở đỉnh cao thường được huyền thoại, thần thánh hóa nhưng họ cũng có những góc khuất, đời sống khiếm khuyết. Ông đánh giá thế nào về người nghệ sĩ và thiên tài của họ?

NĐX: Theo tôi, đã là con người, không ai không có khuyết điểm, không ai không có nhược điểm, tôi chưa thấy một người nào hoàn hảo cả. Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, xuất thân là một người làm thơ, tôi làm được một bài thơ hay, một bài viết hay rất khó, rất hiếm. Cho nên, ai sáng tác được một cái gì có giá trị, tôi rất quí, rất trọng. Còn những khuyết điểm, những nhược điểm của các tác giả trong đời sống cá nhân của họ, ngày mai đây người ta sẽ quên đi. Như ông Trần Hưng Đạo, mình thờ ông, nhưng ông ta loạn luân, lấy cô ruột của mình. Bây giờ ai nhớ? Chỉ nhớ ông Trần Hưng Đạo là một anh hùng dân tộc và thờ ông thôi. Tất cả những nhược điểm của người tài, thời gian sẽ xóa nhòa. Nhưng cái người ta để lại cho đất nước, cho văn hóa dân tộc là vô cùng quý giá mình phải giữ lấy. Không phải vì những nhược điểm đó mà mình đánh sụt giá những thành tựu người ta để lại cho dân tộc. Với tư cách là người nghiên cứu văn hóa, tôi vô cùng quí những thành tựu văn hóa của dân tộc mình. Tôi quan niệm rằng, tôi thiếu tiền, tôi đi vay tiền, tôi đi xin, bạn bè nước ngoài có thể cho mượn, cho không. Nhưng văn hóa của dân tộc Việt Nam, của người Việt Nam, không mượn, không xin ai được cả. Cho nên, công việc bảo vệ văn hóa vô cùng quan trọng. 

Như nhiều lần tôi đã nói, thẳng thắn rằng, thế hệ văn nghệ sĩ của tôi trong miền Nam trước năm 1975 không được hân hạnh tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước nhưng họ đã lợi dụng hoàn cảnh được người Mỹ viện trợ tạo được nhiều thành tựu về văn hóa nói chung, về âm nhạc, nghệ thuật, văn học, giáo dục v.v. nói riêng cho dân tộc. Cho nên văn nghệ sĩ hai miền Nam Bắc không nên nói ai đã hơn ai. Đó là quan niệm của tôi. Tất cả chuyện chánh trị, chuyện đời tư rồi sẽ qua, nếu người đó để lại những gì có giá trị, đó là vĩnh cửu. Tôi quí cái đó, tôi trân trọng cái đó. Trách nhiệm của người làm văn hóa, tôi tôn vinh cái đó. Mấy cái kia tôi biết chứ, nhưng tôi nghĩ rằng, nó sẽ đi qua.

VW: Ông sống với Huế. Huế đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Họa sĩ Trịnh Cung có nhắc đến sự kiện ông Ngô Kha, sự kiện đó như thế nào?

NĐX: Anh Trịnh Cung có nói rằng, anh Ngô Kha rủ anh Trịnh Cung lên núi. Mà rồi anh Ngô Kha cũng không lên núi, anh Ngô Kha về Huế. Tôi đã chứng minh rằng Trịnh Cung viết không đúng. 

Ngô Kha có phải là Việt cộng hay là không? Tôi có thể khẳng định rằng, lúc đó đất nước chia hai, sông Bến Hải chỉ có hai bờ, cho nên, ở bên này hoặc ở bên kia. Ở bên kia với Mặt trận Giải Phóng miền Nam đã có một lý tưởng rõ ràng là giải phóng miền Nam thống nhất đát nước. Ở trong Nam này, anh Ngô Kha cũng như nhiều trí thức khác đã học thuộc sử “đất nước bị ngoại bang cai trị là phải chống.” Dù muốn dù không, dưới mắt những người không có khát vọng thống nhất đất nước xem anh Ngô Kha cũng như những anh em trong Phong trào đô thị là “Việt Cộng,” còn chuyện nói anh Ngô Kha có ý thoát ly ra vùng Giải phóng tôi có thể khẳng định là sai hoàn toàn. Tôi xin nói thêm một chút, ở Việt Nam cũng như các dân tộc khác trên thế giới, bao giờ còn một mảnh đất của quê hương còn bị ngoại bang nắm giữ, dân tộc đó còn đấu tranh để thống nhất. Nếu 1975 chưa thống nhất, 76, 80, 90 hay đến năm 2000 Việt Nam cũng phải thống nhất. Nếu chưa, có khác gì Nam Bắc Hàn, Trung Hoa lục địa với Đài Loan ngày nay. Nếu cam chịu chia hai đất nước, làm gì có khát vọng đòi lại Hoàng Sa của chúng ta ngày nay. Trịnh Cung không cùng một lý tưởng với Ngô Kha nên đã xuyên tạc sự thật về Ngô Kha.

VW: Ông Liên Thành ở hải ngoại có viết về sự kiện cái chết ông Ngô Kha. Ông có thể nói thêm về sự kiện đó?

NĐX: Về sự kiện anh Liên Thành, tôi là người nghiên cứu về chuyện này. Những năm 1963 đến năm 1966, tôi được ông Âu Đức Tài mời dạy giờ (Văn, Sử) ở trường Bán Công Huế, lúc đó thầy Tráng Cử, thân sinh của Liên Thành, là giám thị ở trường Bán Công. Tôi rất thân với ông. Sau nầy nghiên cứu về Kỳ ngoại hầu Cường Để, nhiều người trong gia đình của thầy Tráng Cử là bạn thân của tôi. Người em của Liên Thành là Liên Hương đang ở đây, mới gặp tôi tuần trước và thường điện thoại cho nhau.

Từ năm 1963 đến 1966, tôi tham gia tranh đấu ở Huế, Liên Thành còn nhỏ rồi đi lính, khi ra trường Liên Thành làm lính Địa phương quân. Tôi hoàn toàn không biết anh sĩ quan địa phương quân Liên Thành. Những năm tranh đấu, tôi thuộc thành phần chủ chốt của Sinh viên Huế nên thường gặp gỡ quen thân với các bộ trưởng, tướng tá (hiện nay nhiều người còn sống ở Hoa Kỳ), với một anh sĩ quan địa phương quân hoạt động ở ngoại ô, tôi không biết là chuyện tất nhiên. 

Đến mùa hè năm 1966, cuộc đấu tranh ở Huế bị đàn áp dữ dội, công an cảnh sát ở Huế theo phe tranh đấu, ông Nguyễn Ngọc Loan ra Huế tổ chức lại lực lượng công an, Liên Thành được chuyển từ sĩ quan Địa phương quân qua ngành cảnh sát công an Thừa Thiên Huế từ đó. Khi Liên Thanh làm công an, tôi đã ra vùng giải phóng rồi. Tôi không biết Liên Thành, và Liên Thành cũng hoàn toàn không biết gì về tôi. Liên Thành viết về tôi trong quyển “Biến Động Miền Trung” hoàn toàn sai. Trong bài viết “Vài điều với Liên Thành,” tôi đã chứng minh điều đó và tôi viết rõ Liên Thành bắt Ngô Kha như thế nào và đã bức tử, giết Ngô Kha như thế nào, và giấu ở đâu. Vừa rồi, chúng tôi đã nhờ một nhà ngoại cảm nổi tiếng (chị Hằng) đi tìm mộ của anh Ngô Kha mà tìm chưa được. Những người công an cùng với Liên Thành đã cho chúng tôi biết thông tin, chúng tôi viết lại. Cho đến giờ này, Liên Thành không bao giờ dám trả lời là anh đã bắt và giết Ngô Kha như thế nào. 
Quyển Biến Động Miền Trung hoàn toàn sai. Có nhiều người hỏi tôi là, “tại sao hoàn toàn sai mà ông không đính chính?” Mắc gì mà tôi phải đính chính. Quyển sách đó ở bên Mỹ, nó không có ảnh hưởng gì đối với chúng tôi cả, đính chính để làm gì? Muốn đính chính phải mất nhiều thì giờ, mắc gì tôi phải đi làm việc đó. Còn tôi viết cho Liên Thành, tôi sửa cho Liên Thành, anh ta lại viết thêm vô, đem đi tố Cộng, đi làm tiền những người vốn đang hận thù Cộng sản. Liên Thành đã sử dụng những thông tin về những hoạt động đấu tranh của tuổi trẻ Huế trong bài tôi trả lời Dương Minh Long trước đây để xuyên tạc đưa vào “Biến Động Miền Trung.” Bây giờ nghe nói Liên Thành đang vận động tiền để đưa Cộng sản VN ra trước tòa án quốc tế. Cho đến nay, Liên Thành vẫn chưa hiểu gì về những người mà Liên Thành nói là cộng sản cả. Liên Thành vu cho Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giết chóc bao nhiêu người, rồi ngồi chủ tọa tòa án nầy nọ, phạm bao nhiêu tội ác ở Huế trong Tết Mậu thân. Sự thực là, năm 1968 ông Hoàng Phủ Ngọc Tường không ra khỏi cửa rừng, không có mặt về ở Huế một phút một giây nào cả. Ngay cả bà Nhã Ca cũng đã viết rất rõ là chỉ có tôi và Hoàng Phủ Ngọc Phan về. Tôi và Phan về và cũng chỉ công tác trong thành Nội (từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ) chứ đâu có lên Phú Cam, phú quít nào đâu. Ở trong thành Nội, với tư cách là người sinh viên, đi vận động thanh niên tham gia cách mạng, giúp dân đào hầm trú ẩn, khi chết nhiều lo đi chôn tử sĩ dọc đường Nguyễn Thành (nay là đường Sáu Tám) chứ sức mấy mà làm đồ tể, giết hàng 6,000 người, 7,000 người. Trong chiến tranh thế giới đã có người nào làm được như vậy? Nhưng tôi không trả lời, tôi không nói đến.

VW: Về dư luận ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát ở Huế vào tết Mậu Thân, ông cũng phủ nhận?

NĐX: Theo tôi, chúng tôi là những người có chân trong Mặt Trận. Vinh quang của đảng Cộng sản và của Mặt Trận Giải Phóng, chúng tôi được hưởng. Thì những việc của đảng Cộng sản nói chung và của tết Mậu Thân nói riêng mà có sai lầm, không đúng, tôi cũng chịu trách nhiệm một phần vì tôi ở trong Mặt Trận đó. Nhưng nói rằng tôi là người gây ra sự việc đó là không bao giờ có chuyện đó. Hay dở gì cũng là đảng Cộng sản. Chúng tôi ở trong Mặt Trận Giải Phóng. Cho nên sau này tôi đã giúp cho nhiều người, họ hỏi tại sao tôi lại giúp họ? Con của họ đi học, tôi bảo lãnh… Tôi chỉ xin uống miếng nước thôi. Vì dù tôi không có làm một điều gì sai trái hồi tết Mậu Thân ngoài chuyện giúp dân, nhưng tôi ở trong Mặt Trận đó, tôi có phần trách nhiệm. Bây giờ là cơ hội tốt nhất để tôi làm một điều gì đó. Tất cả tôi đều viết trong hồi ký. Tháng 3 tôi sẽ phát hành hồi ký, tôi viết thẳng thắn hết.

VW: Ông đã có cơ hội đến Hoa kỳ và gặp những người bạn cùng thời với ông?

NĐX: Tôi đã đến hai, ba lần. Tôi đã gặp biết bao nhiêu bạn như Hồ Thành Đức, bác sĩ Bùi Minh Đức. Hiện giờ bác sĩ Bùi Minh Đức đang ở đây, là bạn rất thân với tôi. 

VW: Ông có đến gặp bà Nhã Ca hay không?

NĐX: Tôi đến mà không gặp bà ta. Mục đích tôi đến để hỏi tại sao bà ta viết như rứa, bà ta đã nói là viết sai sẽ sửa mà tại sao lại không sửa, tại sao bà ta lại tiếp tục viết như vậy. 

VW: Ông nghĩ sao về giai đoạn giới trí thức ở Huế có khuynh hướng ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, lý do vì sao?

NĐX: Như đã nói, đó là khát vọng thống nhất đất nước. Mặt Trận Giải Phóng làm công việc đó, chúng tôi đứng về phía họ, chứ không thể đứng về phía Hoa kỳ, không thể đứng về phía miền Nam. Phật giáo cũng khát vọng thống nhất đất nước chứ không phải là cộng sản. Không phải khát vọng thống nhất đất nước là cộng sản. Không phải là như vậy. Bên đó họ nhập hai thứ vào như vậy là sai.

VW: Ông cho biết về những dự án, tâm tư nguyện vọng của ông đối với Huế?

NĐX: Từ sau 1975 đến nay, tôi là người đầu tiên nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế và vận dụng đưa vào du lịch. Sau này cũng có nhiều người đi theo con đường đó. 

Hiện nay, tôi làm một việc tôi nghĩ rằng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều tỉnh muốn vươn lên trở thành thành phố, thành phố Huế đã thương hiệu bao nhiêu năm nay. Từ thời Pháp thuộc đã là thành phố Huế, cố đô Huế, trung tâm văn hóa Huế, di sản văn hóa Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện giờ đang phấn đấu để được trung ương công nhận là thành phố trực thuộc trung ương. Trước đây thành phố Huế nhỏ chỉ thuộc về tỉnh, trực thuộc tỉnh, chỉ có mấy quận. 

Tôi thấy được Huế trở thành phố sẽ giống như Cần Thơ, Đà Nẵng, Sàigòn, Hải Phòng, Hà Nội. Những nơi đã trở thành thành phố có những cái mà Huế không có. Những nơi đó bây giờ nợ nần tùm lum do vay tiền nhà nước xây lên bao nhiêu mà chưa biết hậu quả ra làm sao. Nếu Huế đi theo con đường đó sẽ đi theo vết xe đổ. 

Tôi là người văn hóa, bao nhiêu năm nay tôi có những ước vọng. Ông Thích Nhất Hạnh nói với tôi rằng, về phương diện văn hóa Việt Nam chưa là gì cả đối với thế giới. Điều đó đã ám ảnh tôi. Ông Nhất Hạnh đi hoạt động trên thế giới cũng là văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế đưa ra thế giới qua hình ảnh Phật giáo Làng Mai. Tôi đưa ra ý tưởng Huế là thành phố nhân văn. Ơû Việt Nam không nơi nào có thể có một thành phố nhân văn. Tôi nghiên cứu du lịch và thấy rằng, Huế có sông Hương núi Ngự, cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẹn. Cố đô đã được UNESCO công nhận. Cả Đông Nam Á đâu có nơi nào có một cố đô như vậy. Huế có mấy trăm ngôi chùa trong đó có mấy chục ngôi chùa cổ. Như ông Nhất Hạnh cũng là từ một chi nhánh của Phật giáo Huế. Một trường đại học từ xưa là Quốc tử giám có bao nhiêu ông tiến sĩ có tên trong lịch sử Việt Nam. Bệnh viện Huế cũng là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam do vua Thành Thái lập ra năm 1894. Huế có văn hóa, y tế, giáo dục, tâm linh. Cảnh quan của Huế có sông dài, biển rộng, núi cao, đồi thấp là một thành phố nhân văn. Điều quan trọng của thành phố nhân văn không phải là xây dựng to lớn mà phát huy con người truyền thống, văn hóa. 

Trong năm nay, với bất cứ giá nào tôi cũng sẽ đi thuyết trình, viết sách, nói lên ý tưởng đó.

VW: Hiện nay chính quyền cũng đã tổ chức Festival Huế mỗi hai năm. Dự án thành phố nhân văn Huế sẽ được tổ chức như thế nào?

NĐX: Festival Huế cũng nằm trong thành phố nhân văn. Hiện nay, cái sai của nó mà tôi đã góp ý nhiều lần là dùng thành phố Huế như là một sân khấu để hội diễn, mời cả nước tới dự. Còn người Huế, văn hóa Huế chỉ giữ một phần rất nhỏ. Người Huế là khán giả chứ không phải là diễn viên. Tôi phấn đấu để người Huế được là diễn viên của tất cả Festival Huế. Các festival trên thế giới đâu có làm hội diễn như vậy. Ở Huế có nhã nhạc, phải mời nền nhã nhạc trên thế giới tới trình bày mới đúng. Chứ còn trình diễn đủ thứ âm nhạc, âm nhạc hiện đại trình diễn trong Festival Huế không ai coi cả, mà rất là tốn kém. 

Thành phố Huế là thành phố ẩm thực. Mời ẩm thực ngon trên thế giới đến nấu ăn, trình bày các món ăn, học hỏi lẫn nhau mới ra Festival Huế. Chứ còn đến dọn cơm tây không có truyền thống nó không có hợp. 

VW: Phản ứng của phía chính quyền như thế nào?

NĐX: Tôi không có sáng tác ra để nói mà tôi có nghiên cứu khi tôi nói. Tôi suy nghĩ, tham khảo và kinh nghiệm. Tôi trình bày cặn kẽ, khoa học để họ thấy sự đóng góp, sự lợi hại, họ chấp nhận. Tôi đã làm nhiều việc lắm. 

VW: Ông sẽ giới thiệu đặc tính của con người Huế trong thành phố nhân văn như thế nào?

NĐX: Tôi nghiên cứu và thấy rằng, giới quí tộc Huế đã tạo ra văn hóa Huế, chứ không phải toàn bộ dân Huế tạo ra. Những điều đó đã được định hình từ cách uống trà, cầm hoa, làm vườn, nấu ăn… Tôi được gọi là nhà Huế học không phải do nghiên cứu nhiều về Huế mà do tìm ra những nguyên tắc phát triển ra văn hóa Huế. Văn hóa Huế là văn hóa đại diện phát triển trong vùng văn hóa lâu đời của Chiêm Thành, có những yếu tố trong sáng mạnh mẽ, sâu lắng da diết của phương Nam. 

VW: Ông so sánh văn hóa Huế với văn hóa Hà Nội. Hà Nội có thể là thành phố nhân văn không?

NĐX: Hà Nội có nhân văn của đồng bằng sông Hồng. Sàigòn có nhân văn của đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nó không tiêu biểu cho Việt Nam. Có nhiều người hỏi tôi tại sao trong Bộ Ngoại giao có nhiều người Huế mà họ làm việc rất tốt. Tôi nói rằng, ngoại giao là cương nhu, mà người Huế có đủ cương nhu, vừa Bắc vừa Nam. Nghe ca Huế không có sầu thảm, không có bật đèn đỏ như Nam bộ, không có cao vút và vui vẻ sang trọng như quan họ Bắc Ninh. 

VW: Ông có kết luận về người Huế?

NĐX: Đất nước Việt Nam vào thế kỷ 19 mới hình thành văn hóa Việt Nam. Triều Nguyễn giàu có hơn so với những triều đại trước. Do đó, giới quí tộc và con người Huế đã được hưởng và có được một nền văn hóa. Tôi kêu gọi người Huế trong nước, trong tỉnh, ngoài tỉnh và trên thế giới hãy giữ lại những nét đẹp của Huế để đóng góp xây dựng cho Huế và cho Việt Nam một bản sắc văn hóa thể hiện tính Đông Dương.

Chiến tranh đã qua gần 40 năm. Tôi làm văn hóa không làm chính phủ, tôi xem văn hóa là quan trọng, cho nên tôi kêu gọi người Việt Nam xây dựng cho Việt Nam một văn hóa. Như ông Nhất Hạnh đi khắp nơi trên thế giới cũng làm văn hóa Việt Nam. (Hết)

Bài: Mimi Thủy Tiên lược ghi 
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP