Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ đâu?

24/2/120 nhận xét

Ảnh minh hoạ
[Marketing3k.vn] Đến bây giờ chúng ta mới nghĩ đến việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đã là quá muộn. Tuy nhiên dù muộn còn hơn không. Điều quan trọng là cần bắt tay ngay vào những công việc cần thiết nhất.

Đã nhiều thế hệ người Việt Nam bước vào đời mà không có được một hành trang tối thiểu cần thiết. Xã hội "xuống cấp" nhiều mặt , kể cả các chuẩn mực về trí tuệ cũng như đạo đức…Vì sao? Tất cả có nguyên nhân sâu xa vì nền giáo dục của Việt Nam ngày càng đi xuống. Chúng ta phải làm sao? Một vài cuộc vận động xong rồi lại dẫn đến tình trạng đánh trống bỏ dùi; giải quyết một vấn đề cơ bản mà chúng ta lại thường làm từ ngọn. Cái cốt lõi của vấn đề theo tôi nghĩ đó là cơ chế chính sách, trình độ và tâm huyết của người lãnh đạo, của lực lượng cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cúng như phương pháp còn tồn đọng nhiều vấn đề.

Cơ chế quản lí của chúng ta còn nhiều điều bất hợp lý, còn mang nặng tính hình thức. Chúng ta không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả thật sự của công việc mà chỉ làm sao báo cáo cho thật hay, thật đẹp để "chào mừng" hết ngày kỷ niệm này đến ngày kỷ niệm khác, và để lập "thành tích" cuối học kỳ, nhất là cuối năm học, đều đạt hoặc vượt các chỉ tiêu "thi đua" do cấp trên giao cho. Cụ thể là số học sinh khá giỏi phải đạt tới 80-90%, không có học sinh yếu kém và càng không được có học sinh lưu ban. Các quan chức đầu ngành và lực lượng cán bộ chủ chốt của các cấp quản lý giáo dục một phần vì năng lực kém và đại bộ phận chỉ quan tâm đến những lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm của mình…Tình hình như vậy thì quả thật đáng lo ngại và đấy là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình hình giáo dục ngày càng sa sút.

Muốn cải cách giáo dục có hiệu quả thật sự, chúng ta cần phải giải quyết tận gốc và triệt để. Một cách đơn giản và dễ hình tượng, có thể ví xây dựng nền giáo dục nước nhà cũng giống như xây dựng một công trình vậy. Để xây dựng một công trình, đi đôi với việc huy động nguồn vốn, chúng ta cần có một kiến trúc sư giỏi và đáng tin cậy; cùng với đó là lực lượng cán bộ công nhân trực tiếp thi công có tay nghề và ý thức trách nhiệm cao. Vậy đối với giáo dục chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào? Đầu tiên, chúng ta cần một vị bộ trưởng thực sự có năng lực (không cần phải sống lâu thì lên lão làng), và thực sự có nhiệt huyết muốn thay đổi. Bộ trưởng sẽ giống như kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra ý tưởng và thiết kế công trình, có toàn quyền quyết định trong công trình của mình (cơ chế cần cho phép như vậy). Bộ trưởng - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có lẽ là một người như vậy nhưng trong cơ chế bùng nhùng của chúng ta không cho phép ông cải cách triệt để, cuộc vận động "Hai không" cũng vì vậy mà đi xuống thoái trào rồi tắt lịm.

Tiếp đến là việc chọn mô hình giáo dục phù hợp với thời đại ngày nay? Chúng ta cần học tập các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản...là những nước châu Á phát triển kinh tế - xã hội nhanh dựa trên cơ sở coi trọng phát triển giáo dục. Chúng ta nên kế thừa những kết quả đó để thiết kế nội dung chương trình, xây dựng hệ thống sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy và học của họ, đặc biệt là những môn khoa học tự nhiên hay ngoại ngữ. Chỉ có một số môn khoa học xã hội và nhân văn như ngữ văn, lịch sử mang tính đặc thù dân tộc thì phải mất công phu tự soạn thảo, nhưng cũng có thể học tập ở cách làm thiết thực của họ.

Theo dõi chương trình học tập của con em chúng ta đang phải học, nhiều bậc phụ huynh có trình độ học vấn đều phàn nàn về chuyện con mình phải học tập quá tải, có nhiều nội dung "vô bổ" mà cứ cố nhồi nhét vào đầu óc con trẻ trong khi những môn học chính yếu nhất có ảnh hưởng đến tương lai phát triển lâu dài của con trẻ lại không được chú trọng đúng mức (như môn ngoại ngữ chẳng hạn); đặc biệt cách dạy thiếu sự khuyến khích và phát huy tinh thần học tập sáng tạo của học sinh.

Chúng ta không nên khiên cưỡng phân biệt mô hình giáo dục tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa trong khi xu thế phát triển của đất nước ngày càng cần hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa. Vì vậy, chúng ta không nên mất công phu và loay hoay mất thời gian vào việc đi tìm mô hình giáo dục riêng của Việt Nam.

Hãy mạnh dạn học theo cách họ làm giáo dục có kết quả trông thấy trong khi chúng ta còn lúng túng và chưa tìm được con đường nào khả dĩ cho mình, để cho nền giáo ngày càng sút kém trong khi con trẻ học tập ngày càng nhồi sọ vất vả; đề ra mục tiêu một đằng, kết quả thực hiện một nẻo. Một thí dụ nhãn tiền như việc nhấn mạnh mục tiêu "giáo dục toàn diện", nhưng trên thực tế là "không diện nào ra diện nào", hết sức phiến diện. Trước đây, chúng thường chê nền giáo dục dưới thời Pháp thuộc là giáo dục nhồi sọ, nhằm đào tạo ra lớp người làm tay sai cho thực dân Pháp. Ấy vậy mà từ nền giáo dục đó, với ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc của các trào lưu văn hóa tiến bộ Pháp, đã xuất hiện tầng lớp trí thức Tây học, có vốn tri thức căn bản hơn hẳn "trí thức" thời nay. Hơn nữa, những trí thức tiêu biểu thời nay của chúng ta, hầu hết cũng được đào tạo ở các nước phát triển, rồi ở lại làm việc trong môi trường hội đủ những điều kiện cần thiết để phát huy tài năng. Điều đó cho ta bài học không nên lấy "lập trường" cứng nhắc để đánh giá thấp nền học vấn của phương Tây (hoặc Hoa Kỳ) mà phải khiêm tốn ra sức học hỏi họ, nếu như chúng ta không muốn tụt hậu ngày càng xa.

Khi đã chọn được mô hình giáo dục phù hợp thì vấn đề tiếp theo là có cơ chế, chính sách đúng đắn trong phát triển giáo dục, kể cả chính sách huy động nguồn vốn đầu tư. Chúng ta cần nguồn vốn để hiện thực hoá ý tưởng của mình, để đào tạo đội ngũ giáo viên đúng chuẩn mực cần thiết, để chăm lo đời sống và tạo điều kiện làm việc cho họ, để đầu tư xây dựng trường sở và mua trang thiết bị cần thiết. Nếu có chính sách đúng đắn, chúng ta có thể huy động nguồn vốn đầu tư cho giáo dục từ nhiều thành phần kinh tế, kể cả nguồn vốn của nước ngoài dưới nhiều hình thức, từ nguồn vốn đi vay, từ sự đầu tư cho con cái học hành của đông đảo người dân… Và chúng ta phải có cơ chế quản lý để bảo đảm chắc chắn số vốn đó phải được thực hiện đúng mục đích bởi những con người thật sự có ý thức trách nhiệm. Chỉ cần như vậy thôi, tôi nghĩ rằng chẳng phải đợi đến 10 năm, nền giáo dục của chúng ta sẽ thay đổi một cách căn bản theo hướng hiện đại.

Đặng Đình Quỳnh
---------------------------------------
LTS Dân trí - Trước thực trạng yếu kém của nền giáo dục nước nhà, nhiều người có tâm huyết đối với đất nước đã lên tiếng phê phán cũng như đóng góp ý kiến. Suy cho cùng những yếu kém đó có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế, chính sách, từ việc xác định không đúng mô hình giáo dục cho đến việc thiết kế nội dung chương trình và phương giáo dục chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước cũng như xu thế phát triển của thời đại.

Vì vậy muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà phải bắt đầu từ cấp quản lý vĩ mô, từ việc hoạch định đúng đắn chiến lược phát triển giáo dục, xác định đúng mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp xu thế phát triển, từ đó triển khai các bước đổi mới căn bản và toàn diện theo những thứ tự ưu tiên cần thiết. Đây là vấn đề hệ trọng và có ý nghĩa lâu dài, quyết định sự thành bại của sự nghiệp phát triển đất nước, cần có ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học và các bậc phụ huynh học sinh. Diễn đàn Dân trí mong nhận được những ý kiến đóng góp về chủ đề này.
---------------------------------------
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP