Unesco và giáo dục Đại học

14/11/110 nhận xét

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

[Marketing3k.vn] Trong khung cảnh những tranh luận về cải tổ Giáo dục Đại học đang diễn ra hiện nay, thiết nghĩ nên xem lại những định hướng của UNESCO về Đại học, có thể coi đây là tài liệu tham khảo hữu ích.

Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO có hai văn kiện quan trọng về vấn đề giáo dục Đại học.

Văn kiện đầu là Tuyên ngôn thế giới về giáo dục Đại học cho thế kỷ XXI tầm nhìn và hành động ký ở Paris, ngày 09.10.1998 bởi 182 quốc gia trong đó có Việt Nam

Văn kiện thứ nhì là Tuyên bố của Hội nghị quốc tế UNESCO về giáo dục Đại học (Paris, 5 đến 8 tháng 7 năm 2009 ). Hội nghị này có chủ đề là “Sự năng động mới của giáo dục Đại học và nghiên cứu để cho tiến bộ và phát triển của xã hội”.

Giới thiệu những nét chính của hai văn kiện này:

Tuyên bố UNESCO 2009 chỉ là một cách nhìn lại những thành quả đạt được 10 năm sau Tuyên ngôn 1998. Tuyên bố này nhắc lại một số điểm quan trọng mà các thành viên của UNESCO đã thống nhất trong Tuyên ngôn thế giới về giáo dục Đại học.

Cả hai văn kiện nhấn mạnh vai trò của giáo dục cũng như triết lý của Đại học : không những đào tạo cho sinh viên có kiến thức vững chắc và biết vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh hiện thời và cả cho tương lai. Hơn nữa, còn đào tạo những công dân có ý thức trách nhiệm, sẵn sàng bảo vệ hòa bình, nhân quyền và những giá trị dân chủ.

Phần mở đầu của Tuyên ngôn 1998 đưa ra những nhận định vô cùng thiết thực:
  • Số sinh viên tăng mạnh, phát triển xã hội càng ngày càng dựa trên nền tảng tri thức thành ra giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trở thành những cấu thành tối quan trọng cho sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường, ... của nhiều quốc gia trên thế giới
  • Không có cơ sở giáo dục đại học và không có nghiên cứu thích hợp để đào tạo một số lượng lớn trí thức có trình độ chuyên môn cao, thì không một nước nào có thể tự phát triển một cách bền vững.
  • Giáo dục Đại học còn có thể góp phần tích cực giải quyết những vấn đề mà chính phủ và các cộng đồng xã hội phải đối diện, hầu thực hiện lý tưỡng hòa bình và an ninh xã hội, nâng cao đời sống nhân loại
Cấu trúc của Tuyên ngôn chỉ có 17 điều đi từ những vai trò của giáo dục Đại học tới những điều căn bản như bình đẳng giữa Nam Nữ trước Đại học ; giáo dục Đại học cho tất cả công dân, tự do hàn lâm, vai trò của Quốc gia, những hợp tác quốc tế về giáo dục hay những chi tiết kỹ thuật như sự cần thiết phải đánh giá các trường Đại học, ...

Trong khuôn khổ bài này, xin đi sâu về vai trò của giáo dục Đại học theo UNESCO

Đại học có nhiều vai trò. Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của tri thức, không phải là một khẩu hiệu rình rang và trống rổng mà thực tế là như thế. Tài nguyên thì khai thác mãi cũng cạn, thế giới phải đối mặt với những cam go của sự sống còn của 7 tỉ người, trong lúc mà nhiên liệu mai một (dầu hỏa sẽ hết trong 40 năm nữa ?), biến chuyển môi trường là một thách thức rình rập ngoài hiên (băng hà tan, ngập lụt, khí hậu,... đó là chưa nói đến ô nhiểm, khủng hoảng kinh tế,...). Không có tri thức làm sao giải quyết những khó khăn cận kề đó ?

Điều 1 của Tuyên Ngôn 1998 UNESCO đi thẳng vào vấn đề và liệt kê chi tiết những vai trò của giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học để phát triển xã hội và cải thiện đời sống (những chữ có gạch dưới được trích dịch từ bản Tuyên ngôn):
  • Đào tạo tay nghề cao, những công dân có trách nhiệm chuyên nghiệp tùy theo nhu cầu hiện tại và tương lai của xã hội
Truyền kiến thức và đào tạo chuyên nghiệp là sứ mạng cổ điển của Đại học. Nhưng Đại học có bổn phận phải trả lời những nhu cầu đặc thù của xã hội chứ không phải làm việc riêng lẻ và ẩn mình trong « tháp ngà » của khoa học. Nói cho cùng, Đại học là một thành phần của xã hội, lại được xã hội nuôi dưỡng (tài trợ, đóng học phí) thì nếu phải đào tạo giới trẻ trong những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội thì cũng hợp lý thôi.

Nhu cầu hiện tại dễ xác định. Nhưng tầm nhìn phải xa hơn. Xã hội ở thế kỷ thứ 21 biến chuyển nhiều, biến chuyển nhanh và biến chuyển sâu. Đào tạo thế hệ trẻ giỏi khoa học kỹ thuật là đào tạo cho tương lai nên phải dự đoán đúng những nhu cầu tương lai của xã hội.

Chữ “có trách nhiệm” quan trọng. Tiếng Việt ta nói “vừa có tài vừa có tâm”, tài và đức đi đôi. Dĩ nhiên Đại học không phải lên lớp dạy luân lý cho sinh viên, nhưng qua cách dạy (lấy trò làm trung tâm), cách làm khoa học (nghiêm chỉnh và trung thực), liên hệ đối xữ thầy-trò (dân chủ và văn minh), giữa đồng môn (bình đẳng trong tương trợ), môi trường trong sạch (không vị lợi chẳng hạn), ... Đại học có khả năng truyền đạt và rèn luyện đạo đức cho sinh viên.

Có trách nhiệm với xã hội còn có ý nghiã xa hơn : có khả năng nhận định về xã hội và phê bình những hiện tượng “bất thường” để góp phần phòng ngừa tai họa và đem lại cuộc sống tốt cho tất cả mọi người. Nói một cách nôm na, có khả năng và trách nhiệm “gióng hồi chuông báo động” để giúp xã hội tránh hiểm nguy.
  • Chú ý tới đào tạo khởi thủy và đào tạo cập nhật suốt đời sau đó trong một bối cảnh tôn trọng quyền làm người, phát triển bền vững của xã hội, dân chủ, hòa bình và công bằng.
Đào tạo khởi thủy quan trọng. Đó là cơ sở, những hiểu biết căn bản, hành trang để vào đời của một sinh viên Đại học lúc tốt nghiệp ra trường. Nhưng khoa học phát triển bằng những bước của người khổng lồ, kiến thức hôm nay không chắc sẽ còn có giá trị ngày mai. Dĩ nhiên, các cá nhân có thể trở về Đại học để cập nhật kiến thức. Nhưng cũng có thể hiểu là Đại học phải đào tạo thế nào để các cựu sinh viên mình được trang bị sẳn sàng và có khả năng tự học sau đó để cập nhật kiến thức.

Xin nhấn mạnh ở chủ đích của những đào tạo này: những chủ đích nhân bản, dân chủ, hòa bình và bình đẳng.
  • Phân phối truyền bá hiểu biết cũng là một sứ mạng của Đại học. Tuyên ngôn UNESCO, trong điều 1 viết tiếp : Biểu dương những ý tưởng và hành động tạo nên và phân phối, truyền bá trí thức và kết quả của nghiên cứu khoa học, trong sứ mạng giúp cộng đồng, xã hội phát triển văn hóa, xã hội, nghệ thuật.
Không những chỉ dạy sinh viên mình, chỉ giúp sinh viên mình nghiên cứu khoa học mà còn phải mang khoa học đó ra ngoài xã hội để mọi người đều tiếp cận được. Đó là bổn phận của Đại học đối với cộng đồng, dùng những phương tiện truyền thông đại chúng (thuyết trình, viết báo hay lên truyền hình) để phổ cập những hiểu biết mới, bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, cho cả cộng đồng xã hội, cho mọi người cùng nâng cao kiến thức của mình để sống tốt hơn.

Nhiệm vụ sau đó của Đại học là giúp hiểu biết, bắc cầu cho sự thông cảm giữa các văn hoá không kỳ thị giữa những văn hóa khác nhau trên phương diện quốc tế cũng như nhưng văn hóa khác nhau trong cùng một xã hội.
  • Giúp bảo tồn những giá trị xã hội (điều 1 e) : theo xu thế tiến bộ, truyền bá khoa học nhưng vẫn không quên những giá trị truyền thống, lịch sữ và văn hoá vì đó là những cội rễ, là nền tảng của xã hội
Và sau cùng, Đại học có trách nhiệm đào tạo giảng viên và giáo sư cho tất cả các bậc học để hoàn thành sứ mạng giáo dục toàn xã hội.

Truyền hiểu biết thôi chưa đủ. Phải thêm vào sáng tạo và phát minh. Đó làvai trò nghiên cứu để phát triển hiểu biết trong những lĩnh vực khoa học và mỹ thuật, nhiệm vụ quan trọng khác của Đại học (điều 5 của Tuyên ngôn) : Đổi mới canh tân sáng tạo nếu không thì sẽ không làm sao theo kịp đà tiến triển của thế giới.

Tuyên bố UNESCO 2009 cũng trở lại một vấn đề tâm điểm trong các vai trò của Đại học:

“Giáo dục Đại học để chống nghèo đói, để phát triển bền vững, để thiết lập công bằng xã hội”. Hơn 60 điều để thấy là còn nhiều việc phải làm để thực hiện hết tầm nhìn đã phác họa năm 1998 của Tuyên ngôn Thế giới.

Riêng đối với nước ta, giáo dục Đại học rất cần cho phát triển bền vững, chống bất bình đẳng xã hội và mưu cầu một đời sống tốt cho tất cả mọi công dân. Kỹ năng chuyên môn về khoa học kỹ thuật là điều kiện phải có để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường,

Đặc biệt cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò nghiên cứu khoa học của Đại học để không ngừng nâng cao trình độ của các giảng viên cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp cho sinh viên.làm quen với công việc nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở cho việc tự học và sáng tạo lâu dài sau này..

Kết luận

Đại học có vai trò đào tạo những thế hệ tương lai biết suy nghĩ và năng lực suy nghĩ – tức là những người đi trên hai chân, một chân làm ra vốn liếng, một chân bảo tồn đạo đức. Một mặt lo kinh tế, mặt kia lo xã hội. Vừa thấy hiện tại lại để ý lo cho tương lai. Biết từ đâu đến và biết sẽ đi về hướng nào.

Tham vọng đó là tham vọng đào tạo những « người quân tử », nếu nói theo kiểu xưa, hay những người trí thức, nếu nói theo kiểu hiện đại hơn. Một số người quan niệm rằng giáo dục Đại học là để đào tạo tinh hoa cho xã hội, không phải một giai cấp tinh hoa thống trị mà là những tinh hoa có trách nhiệm, ý thức được vai trò và bổn phận mình với xã hội. Âu đó cũng là quan niệm về kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ bên ta và cũng là cốt lõi của Tuyên ngôn UNESCO 1998.
Theo Dantri - Nguyễn Huỳnh Mai (Liège, Bỉ)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP