'Đụng vào chỗ nào tập đoàn cũng có kẽ hở'

1/9/110 nhận xét




Bà Phạm Chi Lan - Ảnh: N.Thắng
[Marketing3k.vn] Kiểm toán nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán niên độ 2010, trong đó chỉ ra một số tổng công ty (TCT), tập đoàn (TĐ) nhà nước kinh doanh thua lỗ, đặc biệt có đơn vị lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.

Bà Phạm Chi Lan nói: “Đó chỉ là con số kiểm toán ban đầu tại một số địa chỉ, tôi đang chờ đợi ở các TĐ, TCT lớn hơn như TĐ dầu khí quốc gia VN (PVN), TĐ điện lực VN (EVN) hay xăng dầu trong niên độ kiểm toán 2011. Chuyện TĐ, TCT làm ăn thua lỗ thời gian qua như Vinashin hay TCT Sông Hồng, TCT bưu chính Việt Nam… đã bàn nhiều, nói nhiều. Với quan điểm của cá nhân tôi, đụng vào chỗ nào TĐ cũng có lỗ hổng, kẽ hở.

Bà có thể nói cụ thể hơn về những lỗ hổng, kẽ hở này?Tôi có thể nói ngắn gọn ở 3 điều. Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được ưu ái quá nhiều từ tài nguyên, nguồn vốn tín dụng đầu tư, đất đai, thị trường… Vì vậy họ không biết quý trọng để sử dụng nó một cách hiệu quả. Thứ hai, hệ thống giám sát của Nhà nước đối với TĐ, TCT rất kém hiệu quả. Khi sự cố xảy ra khó chỉ được bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính, cá nhân nào chịu trách nhiệm tới đâu. Vì vậy, họ ỉ lại vào ngành này, ngành kia, né tránh được trách nhiệm. Thứ ba, lỗ hổng từ luật pháp khi hiện nay Nhà nước vẫn còn lấn cấn trong vai trò Nhà nước là chủ sở hữu hay người quản lý trực tiếp DN như thế nào.

Hệ thống quản trị của các DNNN không rõ ràng, minh bạch. Quan hệ giữa hội đồng thành viên và giám đốc như thế nào, trách nhiệm ra sao cũng bị lẫn lộn, bởi hội đồng có nhiều thành viên do Chính phủ bổ nhiệm, các quan chức kiêm nhiệm lãnh đạo TĐ, nên khả năng kiểm soát điều hành DN không cao, trách nhiệm không rõ ràng. Bên cạnh đó, các TĐ, TCT lớn gồm nhiều công ty con do cơ chế quản trị không rõ ràng, nên dễ phát sinh hành vi móc ngoặc, chuyển thuận lợi cho một số công ty nào đó trong hệ thống, nhất là công ty ruột để được lợi nhuận, còn thua lỗ thất thoát đẩy về cho Nhà nước chịu.

Nhiều nước trong khu vực đã có những TĐ vươn ra thị trường quốc tế, vì sao TĐ của VN được ưu ái đủ đường mà kinh doanh trong nước đã thua lỗ rồi?

Tôi nghĩ rằng, các TĐ, TCT của chúng ta được ưu ái quá nhiều, được giao hoạt động trong các ngành then chốt, thiết yếu của nền kinh tế nên họ có quyền chỉ cố gắng quanh quẩn trong lĩnh vực đó, trong ao nhà, thị trường nội địa. Thế nhưng, ngay cả lĩnh vực then chốt họ cũng không làm nổi, vẫn phải để nhà nước bảo hộ cho họ tránh khỏi cạnh tranh đối với DN đầu tư nước ngoài, lẫn tư nhân trong nước. Bằng độc quyền, đặc quyền họ né tránh cạnh tranh nên họ không có động lực gì để vươn ra cạnh tranh quốc tế, trừ một vài DN như Viettel nhưng rất hiếm hoi.




Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009, TCT Bưu chính VN thuộc
Tập đoàn bưu chính viễn thông VN lỗ 1.026 tỉ đồng - ảnh: Nguyên Phương

Theo bà, vì sao DNNN không có động lực phát triển, trong khi họ được giao trách nhiệm là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế?Động lực chính của các TĐ, TCT là chỉ cố gắng làm sao hoạt động đến cuối năm có chút lãi, báo cáo Nhà nước. Thế nhưng đến khi kiểm toán lại lòi ra các khoản lỗ, điều đó cho thấy họ chỉ cố gắng làm đẹp, làm hài lòng lãnh đạo trước mắt, chứ không lo lắm chuyện cạnh tranh trên thị trường. Tư nhân làm ăn kém hiệu quả thì phá sản ngay, nhưng TĐ, TCT có kém có thua lỗ, thất thoát thì Nhà nước phải khoanh, giãn, xóa nợ. Thành ra thiếu trách nhiệm, động lực để hoạt động sao cho có hiệu quả nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng nên dừng thành lập TĐ để đánh giá lại mô hình này, bà có tán thành không?

Tôi rất tán thành. Lúc đầu TĐ thí điểm thành lập 2005 nhưng sau đó mở rộng ra quá nhanh, quá nhiều lĩnh vực. Đến nay còn hoạt động ở đủ mọi ngành nghề, nhiều người thấy hơi hướng của lợi ích nên tranh thủ xin thành lập TĐ rất nhiều. Mô hình này chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ nên trước mắt phải dừng lại để đánh giá.

Dù Nhà nước đã chỉ đạo siết lại việc đầu tư ngoài ngành nhưng giờ vẫn còn nhiều TĐ đầu tư ra ngoài, bà nghĩ sao?

Một TĐ mà tỷ lệ đầu tư ngoài ngành lên tới 30%, nay dự định giảm xuống 15% tổng vốn đầu tư, vẫn chưa thấm gì. Bởi TĐ lớn có tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng nên sẽ có hàng nghìn tỉ đầu tư ngoài ngành. Nếu không phải sở trường thì đầu tư dễ dẫn tới thua lỗ, hậu quả khác là họ chèn lấn khu vực đáng lẽ tư nhân và DN khác làm thì tốt hơn. Cái gì cũng bung ra, cái gì cũng làm, DN nào có đất cũng ôm, dùng sai mục đích không trả lại để vẽ thêm ra địa ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…

Chúng ta có nên đánh giá lại một cách khách quan vai trò đầu tàu, chủ đạo của DNNN hay không, khi mà thời gian qua các DN tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển nền kinh tế?

Chủ trương chúng ta đặt ra, DNNN phải đóng vai trò đầu tàu, chủ đạo để phát triển nền kinh tế. Nhưng thực tế phải nhìn lại những năm vừa qua, DNNN có làm được vai trò đó không khi hệ số đầu tư so với tăng trưởng còn quá cao, tỷ suất lợi nhuận thì lại thấp. Nếu không làm được, trong khi DN tư nhân lớn dần thì phải nhìn nhận lại thật khách quan. Thủ tướng vừa rồi khẳng định mối quan tâm hàng đầu là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Vì vậy, theo tôi nghĩ không nên ưu ái quá nhiều cho các DNNN, không nên để cho một thành phần kinh tế đứng trên hoàn toàn các thành phần kinh tế khác. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng vai trò DNNN là rất cần thiết và quan trọng để phát triển nền kinh tế nhưng bản thân họ phải chấp nhận cạnh tranh theo các nguyên tắc của thị trường. Để họ lớn lên, phát triển và tự đứng trên đôi chân của mình. giống như bài học của ngành viễn thông bỏ độc quyền, có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới được lợi, nền kinh tế mới có thể phát triển.
Anh Vũ - Thanhnien
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP