Lăng tẩm Huế: Một thành tựu rực rỡ của nền Kiến trúc cổ Việt Nam

29/9/110 nhận xét

[MCĐV] Ngoài sông Hương, Huế còn thu hút du khách với những công trình kiến trúc lăng tẩm vừa trang nghiêm vừa hùng vĩ, với vẻ đẹp "chẳng nơi nào nào có được".

Cách đây gần 80 năm, một người Tây Phương tên là Ph. Eberhard đã viết: "Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi có Kinh thành, Hoàng thành và lăng tẩm, có một sức cuốn hút sự chú ý đặc biệt của du khách và các nhà mỹ thuật. Chỉ riêng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn không thôi cũng đã đủ có giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý kiến chung lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm các vua nhà Minh ở Trung Quốc".

Mãi cho đến ngày nay, ý kiến chung của những nhà làm công tác văn hóa nghệ thuật trong nước và trên thế giới cũng khẳng định rằng lăng tẩm Huế là một thành tựu rực rỡ của nền kiến trúc cổ Việt Nam. Triều Nguyễn (1802-1945) có đến 13 vua,
nhưng vì những lý do lịch sử phức tạp khác nhau cho nên hiện nay ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức (ở đây còn có mộ vua Thành Thái, Duy Tân), Đồng Khánh và Khải Định. Theo ý đồ quy hoạch kiến trúc kinh đô nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, 7 khu lăng ấy nằm trong một vùng đất khá riêng biệt ở phía Tây Huế, nhìn từ vị thế Trung ương của cố đô.

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần núi Thiên Thọ gồm 42 đồi, núi lớn, nhỏ, thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.

Lăng Vua Gia Long
Có hai hướng để bạn đến thăm lăng. Một là xuôi thuyên theo dòng sông Hương khoảng 18km rồi cập bến, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thêm khoảng 2km nữa. Gió từ sông cùng bóng mát của những hàng thông, cây xanh mướt, tạo nên một không gian trong mát, tĩnh mịch cho quãng đường đi bộ từ bến đò vào lăng.


Lăng Gia Long có chu vi hơn 11 nghìn mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, hai bên tả hữu mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Trong khuôn viên, trước mặt lăng có hồ bán nguyệt, sau hồ là sân chầu, tiếp đến là sân tế chia làm 6 bậc cao dần, cuối cùng là Bửu Thành, nơi đặt mộ phần của Vua và Hoàng hậu.

Thời khắc tham quan lăng đẹp nhất là vào buổi chiều, khi hoàng hôn lấp lánh trên các hồ nước, những tán lá thông đang khẽ đưa theo gió soi bóng xuống mặt hồ. Vẻ đẹp u tịch của thiên nhiên hòa với nét uy nghi của đồi núi, kiến trúc trong lăng khiến con người cảm thấy nhỏ bé, chơi vơi.

Lăng Minh Mạng

Cách trung tâm thành phố 12km, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, lăng Minh Mạng hay còn gọi Hiếu Lăng là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng, vị vua thứ hai của nhà Nguyễn.

Lăng Minh Mạng rộng 26ha, là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ nằm trên một khu đồi núi, sông, hồ thoáng mát. Lăng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành.

Lăng Vua Minh Mạng
Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn (chỉ mở một lần duy nhất khi rước di thể của vua Minh Mạng nhập lăng), hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng Môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế chừng 8 km. Đây là lăng có thời gian xây dựng ngắn nhất (hoàn tất trong 10 tháng) trong số 7 lăng của các vua Nguyễn và cũng là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc.

Lăng Vua Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị cũng không xây dựng La Thành (bức tường bao quanh bảo vệ) như lăng Gia Long hay dựa vào thế núi đồi tạo nên một la thành tự nhiên như Minh Mạng, La Thành của lăng là những đồng lúa, vườn cây xanh rờn, mang đến cho khu lăng vẻ thanh thoát, yên bình.

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức hay Khiêm Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475ha. Lăng Tự Đức mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.


Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với tiếng nước chảy, hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát. Thậm chí ở đây còn xây dựng cả nhà hát và nơi ở của các phi tần mĩ nữ.


Tại lăng Tự Đức có tấm bia đá lớn khắc bài “Khiêm Cung kí” dài 4.935 chữ do vua Tự Đức soạn thảo để tự nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình.

Lăng Đồng Khánh

Lăng Ðồng Khánh thuộc thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, TP. Huế. Được xây dựng qua 4 đời vua và kéo dài từ năm 1888 - năm 1923, lăng vừa mang lối kiến trúc phong kiến cổ điển vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.

Cổng Lăng Vua Đồng Khánh
Sự phân tầng này thể hiện rõ ở khu tẩm điện với lối kiến trúc “Trùng Thiềm Điệp Ốc” (Nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau). Chính điện và các nhà cửa phụ vẫn còn những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với trang trí tứ linh, tứ qu,... Song trong Ðiện Ngưng Hy xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và những phù điêu bằng đất nung với các trang trí rất dân giã như “Ngư ông đắc lợi”, “Gà chọi”…

Lăng Dục Đức

Lăng Dục Đức, tên chữ là An Lăng, tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng do vua Thành Thái cho xây dựng vào năm 1889. Lăng là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.



Lăng Dục Đức rộng khoảng 1ha, gồm khu lăng mộ và khu tẩm thờ đặt song song với nhau. Lăng quay mặt về phía tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.

Bên trong lăng không có Bi Đình hay tượng đá như các lăng vua khác, thay vào đó là kiểu nhà Huynh Ốc. Đáng chú ý là tấm bình phong trước mộ vua có chữ “song hỷ” nghĩa là “vui” đắp bằng sành sứ gây nhiều tò mò và thắc mắc cho các nhà sử học cũng như du khách.


Ngoài là nơi an nghỉ của 3 vị vua, lăng còn có hơn 39 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức).

Lăng Khải Định

Trong số các lăng triều Nguyễn, lăng Khải Định hay còn gọi Ứng Lăng là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Nam.

Lăng Vua Khải Định
Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng lăng được xây dựng tỉ mỉ, kỳ công nên tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí hơn các lăng khác (từ năm 1920 - 1930). Sử sách ghi lại để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng.

Bên trong điện thờ

Điểm nổi bật của lăng Khải Định là sự pha trộn giữa nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” tuyệt đẹp được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

Nhiều thể hiện trên di tích tại chỗ cho thấy vua là đấng chí tôn được biểu trưng bằng hình ảnh mặt trời cao cả. Và hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua băng hà. Khi đã băng hà, vua cùng mặt trời đi về phía tây để an giấc ngàn thu nơi vùng núi đồi tĩnh mịch. ở góc trời yên ả đó có dòng sông Hương êm đềm thơ mộng chảy qua. 

Theo quan niệm “tức vị trí lăng” phần lớn các lăng tẩm đều được xây dựng khi nhà vua còn ở trên ngai vàng. Hầu hết nhân lực, vật liệu nhà nước và năng lực của chính nhà vua nữa, đều được đổ ra trong nhiều năm để thực hiện. Chủ đề tư tưởng nghệ thuật do nhà vua đưa ra, đồ án kiến trúc do vua duyệt và chính nhà vua cũng thường đi giám sát thi công.

Điều mà các nhà kiến trúc dưới thời nhà Nguyễn phải tuân thủ triệt để trước tiên là nguyên tắc phong thủy. Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng những quy luật liên quan đến các thực thể địa lý thiên nhiên: sông núi, ao hồ, khe suối, và nhất là “huyền cung” ở trung tâm điểm của mặt bằng kiến trúc phải tọa đúng long mạch. 

Đi tham quan nghiên cứu lăng tẩm Huế, bạn không nên chỉ chú mục vào các công trình kiến trúc gần gũi trước mắt trong phạm vi vòng la thành diện tích hơn chục ha, mà phải phóng tầm mắt ra xa cả chục km để thấy hết các thực thể địa lý thiên nhiên gắn liền với nó và thưởng thức được vẻ hoành tráng của cả tổng thể rộng hàng trăm, hàng nghìn ha mà lăng tẩm có ảnh hưởng về mặt nghệ thuật. Ít ai nghĩ rằng ngọn núi Gia Long rộng tới 2,875 ha và có đến 42 ngọn núi chầu vào trung tâm điểm là mộ địa.

Vùng lăng Thiệu Trị rộng 475 ha, có ngọn núi đứng làm tiền án cách xa lăng đến 8km. Trước mặt lăng Khải Định là dòng Khe Châu Ê chảy khuất khúc từ trái sang phải rồi lại rẽ lại theo thế “chi huyền thủy”, và hai bên là dãy núi Chóp Vung và Kim Sơn nằm trong tư thế rồng chầu hổ phục. 

Trong quyển “Mỹ thuật Viễn Đông” Jeannine Auboyer nhận xét rằng: Người Việt Nam đã biết lựa chọn những khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp nhất để xây dựng những công trình kiến trúc thờ phụng của mình. Điều này được chứng thực rõ ràng nhất qua nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm Huế. Nơi đây công trình kiến trúc nào cũng nằm trên một ngọn đồi cỏ non dưới rừng thông yên ả, ẩn mình sau nhưng cây đại thụ cành lá sum suê hay soi mình xuống mặt hồ trong xanh phẳng lặng. Và toàn cảnh bao phủ một màu xanh tươi mát chan hòa.

Năm 1918, Phạm Quỳnh đã nhận xét trên tạp chí Nam phong: “Lăng đây là gồm cả một màu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi, ngọn cây, suối reo hang đá... Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân tô điểm cho sơn thủy... không biết lấy nhời gì mà tả được cái cảm lạ, cái êm đềm vô cùng... Không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cũng một màu, một sắc như núi non, cây cỏ...”. 

Kiến trúc cổ Việt Nam nói chung là kiến trúc phong cảnh, còn gọi là kiến trúc cảnh vật hóa (architecure paysagée). Nghệ thuật kiến trúc này đã đạt đỉnh cao ở lăng tẩm Huế. Vào năm 1981, sau khi đến thăm Huế, ông Tổng Giám đốc UNESSCO Amadou-M’Bow đã viết: "Lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn... biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất.

Mỗi một lăng vua với đặc tính riêng của nó là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa, và mỗi lăng tẩm khơi dậy trong cảm xúc khách quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu vực thiên nhiên bao la, gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản, lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm và lăng Tự Đức đem đến cho du khách một hồn êm thơ mộng".

Gần đây, một nhà bình bút của ủy ban UNESSCO thuộc trung tâm văn hóa á châu đã nhận định một cách vắn tắt nhưng rất thâm uyên và chính xác về triết lý trong kiến trúc lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn như sau: “Với cảnh thiên nhiên chóng qua trên dương thế, các lăng tẩm uy nghi đã được xây dựng để làm chốn thiên đường vĩnh cửu mai sau”. Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa của nó. 

Có hiểu thấu thì mới giải thích được tại sao ở chốn âm phần lại có cả hệ thống cung điện để ăn chơi hưởng thụ, có cả nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhân, mới lý giải được tại sao phần nội cung Thiên Định ở lăng Khải Định giống như một viện bảo tàng mỹ thuật trông vui mắt, và mới biết được tại sao khắp các lăng tẩm đều trang trí rất nhiều hoa văn chữ “thọ” (nghĩa là sống lâu) và chữ “hỷ” (nghĩa là vui mừng).

Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta không hề gặp những hình ảnh gây ấn tượng chết chóc, sợ hãi, lạnh lùng như vào viếng “Minh thập tam lăng” ở Trung Quốc, người ta cũng không cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, bị áp lực nặng nề, và bị “dọa nạt” như khi đứng trước những Kim Tự Tháp quá đồ sộ của các Hoàng đế Ai Cập. Trong lăng tẩm Huế, con người vẫn là chủ để của kiến trúc và thiên nhiên. ở đây, người ta bắt gặp những hình ảnh quen thuộc gần gũi, có được cảm giác lâng lâng thích thú giữa thực và mộng.

----------------------------------------------
Lăng tẩm Huế - kỳ quan nghệ thuật kiến trúc Việt

“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/ Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Đúng là hiếm một nơi nào lại có vẻ đẹp trữ tình như xứ Huế - một thành phố có hai di sản thế giới - với những thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa miếu cổ kính kết hợp hài hoà với không gian cảnh quan sông núi thơ mộng và phong tục tập quán, vốn văn hoá truyền thống của người dân đất cố đô.

Chính vì vậy, chúng tôi - những hướng dẫn viên du lịch - đã có nhiều lần đưa du khách tới thành phố này, vẫn chọn Huế là điểm đến dài ngày nhất trong hành trình dọc theo các di sản miền Trung để trau dồi thêm kiến thức thực tế cho nghề nghiệp.

Trong những ngày ngang dọc mảnh đất thần kinh xưa, khác với những lần trước chỉ tập trung vào các cung điện, đền chùa, thành quách... lần này, những lăng tẩm cổ kính và thâm nghiêm của nhà Nguyễn đã làm mê hoặc chúng tôi. Có dành nhiều thời gian trải nghiệm và thu lượm, chúng tôi mới hiểu tại sao những công trình này lại được coi là một thành tựu rực rỡ của nền kiến trúc cổ VN. 

Triều Nguyễn có đến 13 vua, nhưng hiện ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm cho 9 vị vua. Đó là các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định. Một điều đặc biệt là hầu hết các lăng tẩm được xây khi các vị vua đang còn trên ngai vàng. Có thể thấy, mỗi lăng là một công trình kiến trúc thể hiện tiêu biểu cho tính cách của mỗi ông vua có lăng. Nhưng có lẽ, hai khu lăng tiêu biểu nhất là lăng Tự Đức và lăng Khải Định.

Lăng Tự Đức nằm trong một thung lũng, cách trung tâm TP.Huế 5km – được xây dựng trong thời gian từ 1864 - 1867 với kiến trúc cầu kỳ, uốn lượn, phong cảnh sơn thủy hữu tình đúng như tính cách của một ông vua thi sĩ. Tự Đức – hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn - đã xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Đây có thể coi là hành cung thứ hai của Vua Tự Đức.

Theo nhiều tài liệu và lời kể của người dân địa phương, lúc mới xây, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn “chày vôi” của những người thợ xây lăng, bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.

Lăng như một công viên lớn, gồm hai phần chạy song song với nhau là tẩm điện và lăng mộ với gần 50 công trình kiến trúc đều có chữ khiêm ở đầu. Nhưng có lẽ, đáng chú ý trong tẩm điện là điện Hoà Khiêm - nơi thờ hoàng đế và hoàng hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.

Trong khu lăng mộ, chúng tôi ấn tượng nhất là Bi Đình bên những cây đại cổ thụ với tấm bia bằng đá nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung ký” do Tự Đức soạn, dài 4.935 chữ, là bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, sự nghiệp. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc toả sáng.

Chia tay lăng Tự Đức - một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình theo quan niệm phương Đông. Chúng tôi đến thăm khu lăng Khải Định - một công trình công phu, lộng lẫy, tinh xảo với sự kết hợp của hai nền kiến trúc, văn hoá Đông – Tây thể hiện buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Vua Khải Định. Từ khi lên ngôi, ông đã say sưa với việc xây lăng mộ cho mình. Khải Định trị vì được 9 năm thì băng hà (1925), thọ 40 tuổi.

Lăng Khải Định cách TP.Huế 10km, được xây suốt từ năm 1920-1931 – là lăng xây tốn kém nhất trong các lăng của Huế với rất nhiều vật liệu nhập ngoại. Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc và được chia ra thành 3 cấp.

Qua 3 lớp nền, chúng tôi đến với công trình tiêu biểu nhất là cung Thiên Định – công trình ở vị trí cao nhất của lăng và được xây rất tinh xảo. Toàn bộ nội thất đều được trang trí bằng nghệ thuật ghép sành sứ đạt tới đỉnh cao với những môtíp hết sức quen thuộc như: Tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc... Còn dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ cửu long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật đặc sắc cho di tích này.

Qua chuyến đi thú vị này, chúng tôi thấy lăng Tự Đức và lăng Khải Định thực sự là những công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc tiêu biểu. Nó không chỉ làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế mà còn góp những giá trị không nhỏ cùng với các danh lam thắng cảnh, nét văn hoá độc đáo của cố đô Huế, biến nơi đây thành một miền đất đầy quyến rũ và lôi cuốn du khách trong và ngoài nước.

Theo Hồng Nguyên - Lao động
----------------------------------------------
Quý Hải Sưu tầm & tổng hợp
Nguồn tổng hợp:
[2] Vẻ đẹp kiến trúc lăng tẩm ở Huế - Theo Bưu điện Việt Nam/cacdongho.vn
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP