Hai lần tuột cơ hội giảm giá xăng, vì sao?

11/8/110 nhận xét

[Marketing4u.vn] 10 ngày nay, giá dầu thô quay đầu giảm sâu nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn im lìm. Bộ Công Thương lại vừa khẳng định, doanh nghiệp vẫn lỗ 500-600 đồng/lít. Các chuyên gia thì tính toán nhà quản lý đã bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội để giảm giá bán lẻ.

Xăng dầu vẫn lỗ 500-600 đồng/lít

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hôm nay (11/8) sẽ làm việc với Cục quản lý giá và có thể, sẽ có nội dung về thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, giảm giá bán lẻ mặt hàng này như hy vọng của người tiêu dùng chắc chắc khó diễn ra.

Bởi lẽ, sáng 11/8, trao đổi với PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chính thức khẳng định: "Hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang lỗ 500-600 đồng/lít".

"Theo Nghị định 84 và dựa trên giá trung bình giá xăng dầu trong 30 ngày, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường xăng dầu trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu vẫn giảm tiếp thì sẽ có ý kiến để liên Bộ Công Thương - Tài chính đề xuất ưu tiên giảm giá bán lẻ, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất và kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát nghiêm túc theo Nghị quyết 11", ông An bày tỏ.

Thông tin này có lẽ sẽ gây thất vọng cho người tiêu dùng bởi lẽ, tín hiệu đó trái ngược với sự đi xuống của thị trường dầu thô trên thế giới. Liên tiếp nhiều ngày qua tính từ đầu tháng 8, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh. Tính tới sáng 11/8, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm tới 1,55 USD còn 81,34 USD/thùng, tức giảm khoảng 1,87%. Biên độ giao dịch trong ngày có lúc xuống tới 79USD/thùng.

Tuy nhiên, giá bán lẻ và giá cơ sở xăng dầu là được tính toán dựa trên giá thành phẩm chứ không phải giá dầu thô. Và thực tế là, giá xăng dầu thành phẩm hiện đang cách biệt tới 30 USD/thùng, ngược chiều với những tín hiệu tích cực của giá dầu thô.

Ông Nguyễn Lộc An cho hay, giá thành phẩm những ngày đầu tháng 8 vẫn giảm không đáng kể và loanh quanh ở mức 121-124 USD/thùng. Trong ba ngày gần đây, giá thành phẩm tại Singapore dao động từ 114-120USD/thùng tùy từng thời điểm và phiên giao dịch.

Tính toán từ phía doanh nghiệp xăng dầu cũng cho thấy, việc giảm giá bán lẻ là không khả thi trong thời điểm này. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết thêm, trung bình 30 ngày qua, giá xăng dầu thành phẩm của doanh nghiệp này vẫn là xấp xỉ 123USD/thùng và trung bình của 30 ngày trước cũng là 123-126 USD/thùng.

Tại thời điểm hiện nay, giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành khoảng 600 đồng/lít đối với xăng A92 và cao hơn khoảng 500 đồng/lít đối với dầu diesel. Trên thực tế, chưa có mặt hàng xăng dầu nào có giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ. Đó là lý do mà các doanh nghiệp không thể chủ động xin giảm giá.

"Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao giá dầu thô giảm mà tại sao giá dầu thành phẩm vẫn cao? Thú thực, bản thân chúng tôi cũng không thể đưa ra lời lý giải chính xác. Ai cũng đều hy vọng giá thành phẩm sẽ xuống nhưng thị trường xăng dầu phức tạp khôn lường, rất khó đoán định. Vì giá xăng dầu thế giới không đơn giản dựa trên tín hiệu về cung cầu mà còn phụ thuộc vào động thái chính trị, kinh tế vĩ mô của khu vực và các nước tiêu thụ lớn...", ông Dũng cắt nghĩa.

Lỡ cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước?

Với những thông tin trên thì quả thực, khó lòng "ép" nổi doanh nghiệp xăng dầu giảm giá bán lẻ hiện nay. Tuy nhiên, khi nhìn lại việc điều hành thị trường xăng dầu trong 4 tháng qua, các nhà quản lý đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Còn doanh nghiệp, tất yếu vì lợi nhuận và áp lực lỗ do bình ổn giá nên không có động lực để chủ động giảm giá.

Đã có những thời điểm mà Bộ Tài chính và bộ Công Thương, bên điều hành giá, bên lo cung cầu thị trường đã có những tranh luận khác nhau về quan điểm sử dụng các công cụ điều tiết thị trường xăng dầu.

Một vị chuyên gia trong ngành này bày tỏ, có ít nhất hai lần có thể giảm giá xăng dầu nước nhưng không hiểu sao, liên Bộ lại không giảm mà thay vào đó là tăng thuế, tăng trích Quỹ bình ổn?

Đơn cử như hồi tháng đầu tháng 6, các doanh nghiệp đã lãi tới 900 đồng/lít đối với xăng. Bấy giờ, thuế nhập khẩu cả 4 mặt hàng xăng dầu đều đang ở mức 0%, quỹ bình ổn giá xăng dầu đều đang âm. Trong bối cảnh đó, đã có ý kiến trong Liên bộ đưa ra chỉ nên tăng 2% thuế nhập khẩu dầu diesel và dầu hỏa. Mức này tương đương sẽ chiếm mất 500 đồng/lít trong phần lãi, còn lại, 400 đồng/lít đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thế nhưng rốt cục, quyết định cuối cùng của Liên bộ về việc điều hành thị trường áp dụng từ ngày 10/6 lại là tăng tới 5% thuế nhập khẩu dầu diesel và dầu hỏa. Mức tăng thuế này đã "ăn" mất 800 đồng lãi, do đó, chỉ còn 100 đồng đưa vào Quỹ bình ổn.

Chia sẻ với VEF.VN, một lãnh đạo của Bộ Tài chính "tiếc nuối" nói rằng, thực ra nguồn thu ngân sách từ thuế không bị thiếu, không bị giảm để đến mức phải tăng thu thuế xăng dầu. Đáng lẽ, chưa nên tăng thuế vội mà ưu tiên cơ hội đó cho việc giảm giá bán lẻ. Với thị trường, giá xăng dầu giảm sẽ có tác dụng rất tích cực trong việc giảm nhiệt bức xúc dư luận. Nhà nước cũng cần "sòng phẳng" với người tiêu dùng.

Chưa hết, cuối tháng 6, như bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cũng bày tỏ, đáng lẽ đã có cơ hội giảm giá xăng 200 đồng/lít. Đồng tình với doanh nghiệp này, một vị chuyên gia cho rằng, giả sử khi đó, Liên bộ cho giảm giá bán lẻ dù chỉ 200 đồng/lít thì tính ra, với sản lượng tiêu thụ 50.000m3 xăng, mức giảm chung là rất đáng kể.

Việc này không chỉ có lợi trong việc kiềm chế lạm phát tốt hơn vì giá xăng giảm kéo theo giá cước vận tải, chi phí giao thông giảm mà còn có ảnh hưởng tích cực tới tâm lý của người tiêu dùng.

Nói công bằng hơn, việc giảm giá bán lẻ cho người dân vẫn có thể thực hiện được nếu các nhà quản lý thị trường khéo tính toán hơn.

Bởi lẽ, việc tính toán giá bình quân 30 ngày cho ra kết quả là giảm hay tăng so với chu kỳ trước, tức lãi hay lỗ là còn phụ thuộc vào việc nhà quản lý lấy điểm đầu và điểm cuối nào của chu kỳ 30 ngày đó.

Giả dụ, nếu lấy điểm đầu là cuối tháng 6 và điểm cuối là cuối tháng 7, có thể thấy, giá thành phẩm xăng dầu trong cả hai thời điểm này đều đang giảm, chỉ có độ một tuần đầu tháng 7 (giữa chu kỳ) là giá nhích lên. Do vậy, giá bình quân xăng dầu thành phẩm của "chặng" 30 ngày đó sẽ thấp và thể hiện là giảm so với giá bình quân 30 ngày trước, tức là doanh nghiệp có lãi và có đủ cơ sở giảm giá bán lẻ trong nước.

Trong bài toán này, giả dụ cuối tháng 6 giá xăng dầu giảm 200 đồng/lít dựa trên giá bình quân 30 ngày trước đó thì tới cuối tháng 7, hoàn toàn có cơ hội, có cơ sở để giảm tiếp giá xăng dầu.

Tuy nhiên, khi nhà quản lý bỏ qua và gộp thời điểm 30 ngày để tính bình quân mà trong đó, số ngày giá xăng dầu tăng lên lại nhiều hơn số ngày giá xăng dầu giảm thì rõ ràng, sẽ ra kết quả là giá bình quân luôn cao và thể hiện là doanh nghiệp lỗ.

Đó là lý do vì sao, bấy lâu thị trường xăng dầu vẫn bị kêu ca là thiếu minh bạch, thiếu công khai. Người tiêu dùng vẫn thấy mù mờ vào các công bố lỗ - lãi của doanh nghiệp.
Theo VEF
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP