9 dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới có lẽ đã suy thoái

25/8/110 nhận xét

[Marketing3k.vn] Ngày 23/8, bộ trưởng bộ ngoại giao các nước châu Á và Mỹ Latin đã nhóm họp tại Argentina để bàn cách thức đối phó tình trạng rối loạn đang diễn ra trên thị trường vàng và chứng khoán toàn cầu.

Những biến động mạnh trên sàn vàng, chứng khoán thế giới trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng về tình hình nợ công tại Mỹ và châu Âu, đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ thế giới rơi vào suy thoái mới.

Theo nhà kinh tế Argentina Claudio Loser, một cựu quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), "thế giới có thể xảy ra một đợt suy giảm nhưng có lẽ không quá nghiêm trọng".

Tuy nhiên, theo trang tin 24/7 Wall Street, nhiều kinh tế gia cho rằng, thực tế là nền kinh tế thế giới đã bước chân vào một vòng suy thoái mới, chỉ một năm sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009.

Cuộc suy thoái mới này được dự báo sẽ kéo dài lâu hơn và nghiêm trọng hơn. Hiện đã có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó.

1. Vận tải biển suy yếu

Vận tải biển là một chỉ báo quan trọng về "sức khỏe" của tài chính toàn cầu, bởi lẽ phần nhiều hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng phương thức này. Những hàng hóa đó bao gồm mọi thứ, từ dầu thô, nông sản cho tới ôtô xe máy.

Mới đây khi công bố lợi nhuận, tập đoàn AP Moller-Maersk cho biết, nhu cầu vận tải biển đã giảm mạnh. Những số liệu mới nhất cho thấy chi phí vận tải biển hàng khô, được đo bằng chỉ số Baltic Dry, đã giảm 1/3 từ đầu năm tới nay.

Theo hãng tin Bloomberg, các hãng vận tải biển khác như Hanjin, Orient Overseas và Mitsui OSD Lines chưa thể áp dụng phụ thu trong những giai đoạn nhu cầu đạt đỉnh, biện pháp quan trọng để ngành này thu lợi nhuận. 

2. Dự báo bi quan về GDP

Các tổ chức kinh tế toàn cầu đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP. Báo cáo tháng 5 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về sự phục hồi của các nước thành viên cho biết, đà tăng trưởng của khối này đã ngưng lại và sự suy giảm dự kiến kéo dài tới năm 2012.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tháng 6 cũng đưa ra dự báo tương tự. Tiếp đó, Ngân hàng Thế giới cũng nói tới sự suy giảm trên toàn cầu và cảnh báo giá cả hàng hóa, dầu mỏ có thể cản trở kinh tế tăng trưởng. Việc các tổ chức độc lập đưa ra cùng một nhận định cho thấy, cảnh báo của họ thực sự rất đáng lo.

3. Nhu cầu dầu mỏ yếu

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu. Cuối tháng trước, OPEC cho biết, "những lo lắng về nợ công châu Âu và Mỹ, cùng dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến thị trường chao đảo và làm tăng những lo sợ về suy thoái kép".

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng công bố gần đây có đoạn viết, "lần đầu tiên kể từ tháng 3/2009, nhu cầu tiêu thụ dầu tháng 6 của Trung Quốc đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước".

"Sự suy giảm này diễn ra cùng lúc có bằng chứng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và giá cả tiêu dùng tăng cao đã tác động lên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu".

Ngoài ra, để đánh giá nhu cầu tiêu thụ dầu, thì giá bán sản phẩm này cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Giá dầu thô WTI đã giảm từ 105 USD/thùng khoảng 3 tháng trước xuống dưới 80 USD/thùng gần đây.

4. Thị trường chứng khoán suy giảm

Các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới đã liên tiếp giảm mạnh. Chỉ số chứng khoán ở hầu hết các nền kinh tế hàng đầu đã bị tác động mạnh bởi làn sóng bán tháo. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 15% thời gian gần đây.

Chỉ số DAX của Đức tăng giảm thất thường sau tin tức cho thấy, kinh tế nước này đã tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Nước Anh có thể đã rơi trở lại suy thoái và chỉ số FTSE 100 của nước này cho thấy điều đó. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm mạnh.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã giảm hơn 10% trong tháng trước. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm hơn 10% trong tháng trước. Những số liệu này cho thấy, sự trì trệ đang lan rộng ra ngoài thế giới phát triển.

5. Tỷ lệ thất nghiệp cao

Vấn đề thất nghiệp đang trở nên tệ hơn ở một số nước lớn. Các nền kinh tế có mức nợ công cao nhất trong thế giới phát triển cũng đồng thời là những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Tỷ lệ này ở Hy Lạp là 15%, Ireland là 14% và Tây Ban Nha là 21%.

Các gói kích thích kinh tế ở những quốc gia này không những không giải quyết được vấn nạn thất nghiệp, mà còn khiến giới chính trị lo sợ. Tuy nhiên, không chỉ các nền kinh tế tăng trưởng chậm mới có tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tờ Christian Post dẫn số liệu của CIA Factbook cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc hiện là 4% nhưng đó chỉ tính ở các khu đô thị, nhưng nếu tính cả người nhập cư thì con số này phải tới 9%. 

Thời gian tới, khi nhu cầu tiêu thụ hàng Trung Quốc của Nhật Bản và phương Tây sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể còn tăng cao hơn.

6. Các cuộc nội chiến dai dẳng

Cuộc chiến tại Ai Cập đã tác động mạnh lên hệ thống tài chính của quốc gia này, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc bị sụt giảm mạnh về doanh thu khi hỗn loạn lan khắp nơi, trong khi đất nước vẫn chưa bầu ra được một chính phủ lâm thời mới.

Tình huống ở Libya và nhiều quốc gia khác cùng khu vực còn tệ hơn. Tác động của những cuộc chiến dai dẳng này không thể xem thường. Bởi lẽ, Ai Cập là nền kinh tế lớn thứ 40 trên thế giới về GDP. Syria, Libya và Iraq đều nằm trong top 70 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Do vậy, cuộc chiến càng kéo dài, thì kim ngach xuất khẩu của những nền kinh tế này càng bị ảnh hưởng sâu rộng hơn.

7. Người nghèo ngày một nhiều

Số người nghèo đói đang tăng lên. Số người sống dưới mức nghèo đói và thiếu thực phẩm đã tăng mạnh trong năm nay. Trong bản nghiên cứu gửi tới hội nghị về Phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, mặc dù GDP toàn cầu tăng 60% kể từ năm 1992, nhưng nhiều nơi không hề tăng trưởng.

Những khu vực đó không chỉ có mức sống thấp, mà còn bị tác động bởi khô hạn, lũ lụt và bão giá lương thực. Đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới cho biết, "kể từ tháng 6 năm ngoái, giá cả lương thực tăng cao đã đẩy khoảng 44 triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh nghèo đói".

Nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới cần phải tăng sản lượng nông nghiệp. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ máy móc và hạt giống. Đáng tiếc là, các sáng kiến viện trợ cần thiết không được cấp vốn hoặc việc trồng trọt ở các quốc gia này gần như là không thể.

8. Chính sách thắt lưng buộc bụng

Đà tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, Anh, Hy Lạp, Pháp, Italy và Tây Ban Nha phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của chính phủ. Và khi kinh tế trở xấu, nhiều quốc gia đã phải cắt giảm mạnh ngân sách.

Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng Euro nghiêm trọng đến nỗi Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Tây Ban Nha đã phải cắt giảm hoặc cam kết cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ để thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng.

Các biện pháp này sẽ làm giảm bớt sự thâm hụt ngân sách, nhưng cũng tác động xấu tới chi tiêu tiêu dùng. Nước Mỹ vừa bắt đầu một tiến trình tương tự và giai đoạn đầu tiên sẽ kết thúc vào tháng 11 tới.

9. Phố Wall quay lưng với tăng trưởng

Hơn bất cứ tổ chức nào, các ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán hàng đầu luôn muốn doanh nghiệp và nhà đầu tư tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng. Thu nhập của họ từ hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư cá nhân, nợ doanh nghiệp và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, đều dựa trên tốc độ tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, hiện tại, một số tổ chức đầu tư lớn nhất bắt đầu tỏ ra bi quan. Gần đây, Morgan Stanley đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Ngân hàng này cho biết, Mỹ và khu vực đồng Euro đang ngấp nghé bờ vực suy thoái.

Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu. Ngân hàng này tập trung vào những nguy hiểm ở Mỹ và châu Âu, cho rằng vấn đề nợ công và sự thiếu hụt hỗ trợ tài chính của chính phủ cho các nền kinh tế, là nguyên nhân gây ra những lo sợ.
Hồng Ngọc - Theo VnEconomy
Các bài khác:

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP