Hạ nhiệt Biển Đông và trò chơi hai mặt

27/7/110 nhận xét

[TVN] Không phủ nhận tác động giảm nhiệt căng thẳng Biển Đông của hàng loạt động thái ngoại giao dồn dập tại Bali cuối tháng 7/2011, nhất là với bản hướng dẫn thực thi DOC muộn mằn, thế nhưng, có vẻ như, ngay cả thành quả lớn nhất ấy cũng không có gì hơn là một sự khơi gợi niềm tin về thiện chí hợp tác.

Giảm nhiệt nhưng còn quá khác biệt

Không giống các cuộc họp trước, tại ARF 18 ở Bali vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã thừa nhận thực tế "có tranh chấp về chủ quyền đối với cả đảo, đá và phân định vùng nước ở Biển Đông".

Ông này cũng nhắc đến nhu cầu xử lý tranh chấp, giảm khác biệt,tăng lòng tin lẫn nhau, mở rộng hợp tác, vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Theo ông, các tranh chấp này nên được giải quyết hòa bình trên cơ sở tham vấn hữu nghị giữa các bên liên quan tranh chấp...

Kết quả hiện hữu được dẫn ra cho nỗ lực hợp tác của các bên trong xử lý vấn đề Biển Đông chính là bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông mà Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc vừa mới thông qua một ngày trước ARF.

9 năm chờ đợi, bản hướng dẫn được xem là bước tiến khiến không ít người lạc quan hơn về tương lai Biển Đông. Nhà ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh cho rằng "đây là một khởi đầu tốt và có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục cùng nhau đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự ổn định, lòng tin trong khu vực".

"Trung Quốc và ASEAN sẽ thực thi đầy đủ và toàn diện DOC và sẽ khởi động các hoạt động thực thi thông qua các dự án hợp tác", Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói.

Ngoại trưởng Indonesia Marty cho rằng, cam kết về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC sẽ thuyết phục thế giới rằng hai bên có thể tránh được xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.... Việc kết thúc các quy tắc chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhận ra những lợi ích chung.

Thế nhưng, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định, bản hướng dẫn chỉ là "một bước đi đầu tiên quan trọng" tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.

Trả lời phỏng vấn của đài ABC, Australia, giám đốc chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam, TS. Trần Trường Thủy cho rằng văn bản vừa đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN là văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện DOC, có thể so sánh là như thông tư hướng dẫn thực hiện sau khi đã ban hành luật. Nội dung văn bản là các bước hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể các điều khoản của DOC.

Thế nhưng nhìn vào nội dung 8 điểm của bản hướng dẫn thực thi DOC, dư luận đã phải cố giấu đi tiếng thở dài thất vọng, vì ngay cả thành quả lớn nhất đạt được đến lúc này kể từ khi có DOC năm 2002 cũng không có mấy ý nghĩa, ngoài một sự khơi gợi niềm tin về thiện chí hợp tác.

Báo Jakarta Post của Indonesia dẫn các nội dung chính của văn bản này:
  1. Việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước phù hợp với các điều khoản trong DOC.

  2. Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC.

  3. Việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng.

  4. Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

  5. Các hoạt động ban đầu được cam kết trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin.

  6. Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và tiến tới hiện thực hóa COC.

  7. Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan.

  8. Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được thông báo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nơi vị cựu Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội đến dự với tư cách khách mời, chiều 25/7, ông Vũ Mão cho rằng, những gì đạt được còn quá nhỏ so với trông đợi và nhu cầu.

Nếu như đây là một dạng "thông tư hướng dẫn" dưới luật, không hiểu ASEAN và Trung Quốc sẽ phải vận dụng ra sao để triển khai DOC trên thực tế, giải quyết được xung đột đang ngày một gia tăng giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông, khi những điểm đạt được mơ hồ và không đầy đủ. Những bất đồng vẫn còn đó, chưa được giải quyết. Chưa nói đến một cơ chế giải quyết xung đột, thậm chí, ngay cả quy định về phạm vi hiệu lực của DOC vẫn còn để ngỏ.

Trong khi ASEAN muốn các điều khoản của DOC được thực thi đầy đủ, thì Trung Quốc chỉ muốn tập trung làm các dự án, mà rõ ràng Trung Quốc là người hưởng lợi nhiều hơn. Trong khi ASEAN muốn đạt được COC trong dịp kỉ niệm 10 năm DOC năm tới, thì Trung Quốc "sẵn lòng thảo luận về cơ chế COC khi điều kiện cho phép". Điều kiện cho phép ấy là gì, phải chăng chính là lúc Trung Quốc đã sẵn sàng về sức mạnh và dư luận, để từ bỏ chủ trương giấu mình chờ thời?

"Việc hai bên đạt được thống nhất về Văn bản hướng dẫn này chỉ là bước nhỏ trong quản lý tranh chấp Biển Đông. Văn bản chỉ thể hiện là Trung Quốc và ASEAN có thể ngồi đàm phán và đặt được thỏa thuận với nhau. Cả DOC và văn bản hướng dẫn này không đủ hiệu lực để ngăn ngừa các hành vi làm phức tạp, căng thẳng tình hình của các bên", TS Trần Trường Thủy nói với ABC.

Nếu như DOC dù không tính ràng buộc pháp lý nhưng là một cam kết chính trị của các quốc gia liên quan, thì văn bản này, về thực chất, sẽ chỉ có tác dụng viện dẫn khi cần thiết, nhằm chứng minh khả năng tự đối mặt và giải quyết vấn đề của mình, cho Trung Quốc và ASEAN. Hành trình từ DOC đến COC có vẻ vẫn còn xa tít tắp.

"Thà là có một hướng dẫn chưa được phát triển đầy đủ, hơn là chẳng có hướng dẫn nào cả", Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia đã nói như vậy với báo giới. Nhưng có thật đó là lựa chọn tốt và khôn ngoan với ASEAN trong việc giải quyết thực chất hồ sơ Biển Đông, khi chấp nhận một văn bản nửa vời và nhiều phần thỏa hiệp. Đạt được một thành tích để trấn an dư luận mỗi nước và cộng đồng quốc tế tốt hơn hay thà chấp nhận thực tế những khác biệt và đối mặt với sức ép để quyết tâm thúc đẩy một giải pháp thực chất? Không phải ngẫu nhiên nhiều nước ra về với tâm trạng không mấy phấn khởi với văn bản hướng dẫn này.

Trò chơi hai mặt

Điều đáng nói là, ngay trong khi nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, đối thoại và đồng thuận để giải quyết tranh chấp Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc lại có những phát biểu khiến dư luận đặt câu hỏi về trò chơi hai mặt và chia rẽ của nước này.

Một mặt, ông Dương Khiết Trì trấn an láng giềng và quốc tế bằng một thỏa thuận để thực thi DOC, trong khi, mặt khác Trung Quốc vẫn không từ bỏ những tuyên bố và các hành động bị dư luận lên án của mình.

Trong khi nhấn mạnh giá trị của văn bản hướng dẫn thực thi DOC cũng như cam kết và sự chân thành của Trung Quốc trong vấn đề này tại diễn đàn đa phương, thì cũng tại Bali, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lặp lại quan điểm cách duy nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là đàm phán song phương. Trong cuộc gặp với Việt Nam, ông này còn lên tiếng khuyên Việt Nam "tránh làm nóng vấn đề" mà cố tình quên đi sự thật chính Trung Quốc chính là nước gây hấn làm nóng tình hình Biển Đông thời gian qua.

Ngay tại Bali, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nói thẳng, những lời trấn an của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa khi mà Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường cố hữu, không thừa nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông.

"Làm sao mà bạn có thể thảo luận được điều gì trong khuôn khổ song phương, khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc thì họ nói rằng tất cả là của họ", ông Albert del Rosario nói.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố "quan tâm đến tự do hàng hải ở Biển Đông", đóng góp vào tự do hàng và an toàn hàng hải, thì Trung Quốc đã cố tình quên thực tế về đường chữ U tham lam và hành động ngăn cấm, cản phá các hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ở Biển Đông (hành động cắt cáp dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một minh chứng) đang làm các nước lo ngại.

Bất chấp những chỉ trích quốc tế về yêu sách tham lam đường chữ U trên Biển Đông, thì tại ARF, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách đường 9 đoạn, mà không viện dẫn bằng chứng để chứng minh, như đòi hỏi của luật pháp và dư luận quốc tế. Nước này có vẻ cũng không thấy có nhu cầu lí giải thực chất yêu sách 9 đoạn là gì.

Dường như, những gì Trung Quốc làm tại ARF chỉ là để trấn an khu vực và thế giới, rằng "khu vực vẫn ổn định", ASEAN và Trung Quốc có đủ "lòng tin, năng lực và giải pháp" cho tranh chấp Biển Đông. Và lớn hơn, Trung Quốc không cần sự can dự của một bên thứ ba, nhất là Mỹ.

Nhân tố Mỹ

Đúng vào ngày Trung Quốc-ASEAN đạt được đồng thuận về văn bản hướng dẫn thực thi DOC sau 9 năm đàm phán, Bắc Kinh đã lên tiếng nhắc lại lập trường là không chấp nhận cho Mỹ can thiệp. Tờ "Nhân dân nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 20/7 cho rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông, bởi "Trung Quốc và các nước láng giềng có đủ khả năng, kinh nghiệm và hiểu biết để tự giải quyết".

Giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng muốn ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, thuyết phục các nước Đông Nam Á coi đây là công việc nội bộ trong khu vực mà Trung Quốc đã chấp nhận ký văn bản hướng dẫn thực thi DOC? Cũng giống như gần một thập niên trước, tuyên bố ASEAN là mặt trận thứ 2 của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố đã thúc đẩy Trung Quốc xích lại gần Đông Nam Á, kí DOC với ASEAN?

Một khi đã cho rằng Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia thì Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc và sẽ tìm cách can dự, dù bằng cách này hay cách khác, ở các cấp độ khác nhau, tùy theo từng đối tác trong khu vực. Và chính Trung Quốc và chính sách gây hấn của nước này là nhân tố chính để Mỹ buộc phải xem lại chính sách Đông Nam Á và chính sách Biển Đông của mình, chuyển sang can dự tích cực hơn. Không vì tuyên bố mang tính trấn an của Trung Quốc, rằng "an toàn hàng hải vẫn được đảm bảo" và "an toàn hàng hải và tranh chấp Biển Đông là hai vấn đề riêng biệt, không nên bị trộn lẫn" mà Mỹ chuyển hướng tiếp cận, "sống chết mặc bay". Bởi như Ngoại trưởng Singapore, K.Shanmugam lạc quan, với ARF, lợi ích của nước nhỏ không bị bỏ qua hoàn toàn trong mối quan hệ giữa các nước lớn.

Không trông đợi Mỹ sẽ thay ASEAN giải quyết vấn đề của chính họ, nhưng ASEAN có quyền trông đợi về một nước lớn gánh trách nhiệm lớn sẽ chung tay cùng gìn giữ hòa bình và ổn định.
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP