Còn nhiều điều ngược trong quy trình làm sách giáo khoa!

19/6/110 nhận xét




Ông Ngô Trần Ái. Tranh: Hoàng Tường
[TVN] Ngô Trần Ái - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những tâm sự: “Có những đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tôi lật giở từng trang sách giáo khoa và hồi tưởng cậu bé mồ côi cha và nghèo khó Ngô Trần Ái thuở còn là học trò cấp I, cấp II nâng niu từng cuốn sách như vật gia bảo rồi lưu truyền từ đời anh sang đời em, để cố lý giải những dư luận trái chiều trong những nhận định về sách giáo khoa (SGK) hôm nay: ai đúng, ai sai? Làm sách thế nào để có nội dung giáo dục, thẩm mỹ tốt nhất và giá cả cũng hợp lý nhất cho các bậc phụ huynh...”.
Những ngày gần đây, một lần nữa dư luận xã hội lại nóng lên với đề án "Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015" có kinh phí ước tính 70 ngàn tỉ đồng. Là chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) - một đơn vị then chốt trong các đợt biên soạn SGK đổi mới, cải cách - ông có thể nói gì về đề án này?

Đề án mới khởi động làm dự thảo để xin ý kiến một số cơ quan và các nhà khoa học. Được biết, trong đề án đổi mới giáo dục nói trên, theo ước tính, phần kinh phí dành cho việc biên soạn chương trình và SGK chiếm tỷ lệ không lớn (962 tỉ đồng), ngoài ra còn rất nhiều hạng mục khác như xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất trường học, mua sắm thiết bị dạy học, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên,... Riêng việc tổ chức biên soạn SGK cũng bao gồm rất nhiều hoạt động như tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, thẩm định, tổ chức dạy thí điểm, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của xã hội đối với SGK thí điểm, in thử và in đại trà,... Thực tế triển khai thay SGK chu kỳ 2002-2008 vừa qua cho thấy kinh phí dành cho việc tổ chức biên soạn chương trình và SGK như đề án nói trên dự tính, là có cơ sở.

NXB Giáo dục Việt Nam có chân trong ban nghiên cứu và khởi thảo đề án?

Trong ban nghiên cứu và khởi thảo đề án "Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015" có đại diện của NXB GDVN tham gia. Tổng biên tập nhà xuất bản là một thành viên của ban này.

Tức là nhà xuất bản vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc biên soạn SGK?

Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo qua các thời kỳ đều đánh giá cao vai trò của NXB GDVN trong việc hoàn thiện bản thảo, in ấn và phát hành SGK. Nếu có gì thay đổi trong việc phân công, in ấn và phát hành, thì đó là do cơ chế mới. Có thể có một số NXB khác rồi đây sẽ được in ấn, phát hành SGK. Song thực tế cho thấy ở những nước còn tồn tại NXB Giáo dục thì bao giờ đơn vị này cũng đóng vai trò chủ lực.

Nếu lấy mốc từ ngày thống nhất đất nước đến nay, qua nhiều đợt thay SGK, nhưng lần nào cũng gặp phản ứng của dư luận xã hội, có bao giờ NXB GDVN "vắt tay lên trán" suy nghĩ về việc làm của mình? NXB đúng chỗ nào, sai chỗ nào, oan trái chỗ nào? Và NXB nhận lãnh bao nhiêu phần trăm trách nhiệm khi cho ra đời những cuốn SGK chưa được sự đồng tình của dư luận giáo chức cũng như phụ huynh học sinh?

Làm SGK trải qua rất nhiều khâu, trong đó NXB chúng tôi chỉ thực hiện một số khâu cuối cùng; nếu như lần thay SGK nào "cũng gặp phản ứng dư luận xã hội" thì không phải chỉ có NXB GDVN phải tự "vắt tay lên trán" để suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Trong phạm vi một câu trả lời báo chí, không thể nói lên được đầy đủ chỗ "đúng", chỗ "sai", chỗ "oan trái", càng không thể tính toán "phần trăm" trách nhiệm phải gánh chịu "khi cho ra đời những cuốn sách chưa được sự đồng tình của dư luận". Song, có thể nói một số tồn tại hiện nay ở SGK là bắt nguồn từ nhược điểm của Bộ chương trình chuẩn.

Vậy, theo ông nhược điểm lớn nhất của Bộ chương trình chuẩn hiện hành là gì?

Gần đây có nhận định cho rằng Bộ chương trình chuẩn hiện hành được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, Bộ chương trình chuẩn sắp tới sẽ được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực. Tôi tán thành với nhận định tổng quát đó và cũng tán thành với hướng đổi mới ấy. Theo hướng đổi mới này, rồi đây, chương trình chắc sẽ bớt lượng nội dung kiến thức, tăng cường rèn luyện, thực hành, gắn bó với thực tế đời sống.

Nhược điểm lớn thứ hai là nội dung có phần quá tải. Phó giáo sư Văn Như Cương có đề nghị giảm hẳn 1/3. Bớt là việc phải làm, song bớt bao nhiêu, theo hướng nào và như thế nào, ở những chỗ nào, là một vấn đề hết sức phức tạp, cần cân nhắc cẩn thận.

Sở dĩ có hiện tượng quá tải là do rất nhiều nguyên nhân, phải bắt đúng bệnh mới chữa được bệnh. Một trong những nguyên nhân cần chỉ ra đầu tiên là vì chưa có một cái nhìn xuyên suốt cả ba cấp nên có một số phần trùng lặp giữa các cấp liền nhau. Đồng tâm dĩ nhiên là một nguyên tắc xây dựng Bộ chương trình chuẩn, song đồng tâm không có nghĩa lặp lại một cách đơn giản, không phát triển theo nguyên tắc "xoáy trôn ốc". Có thể thấy hiện tượng này ở một số nội dung của hai môn Sử và Văn. Nguyên nhân thứ hai, theo tôi là ở một lớp, học sinh phải học quá nhiều môn. Toàn diện không có nghĩa là môn nào cũng phải học.

Từ Bộ chương trình chuẩn được ban hành, NXB GDVN chính là nơi làm việc trực tiếp với các tác giả, được nhìn cận cảnh những mặt được và chưa được của Bộ chương trình, lãnh đạo NXB có góp ý lại với bộ phận biên soạn chương trình? Và nếu có thì những góp ý có được lắng nghe không?

NXB không phải là bộ phận làm Bộ chương trình chuẩn nên khi đã được thể hiện thành SGK thí điểm mới có dịp tiếp xúc thực sự. Do đó, nếu có ý kiến thì thường là thiếu kịp thời và khó có cơ hội sửa chữa. Có ý kiến của những biên tập viên có trình độ, có ý kiến là do biên tập viên tiếp thu từ các tác giả để chuyển đến bộ phận làm chương trình.

Những ý kiến thuộc về cấu trúc chương trình thường là khó hoặc chưa hay không thể tiếp thu vì "rút dây động rừng". Chẳng hạn như môn toán, đề nghị hoán vị phần đạo hàm ở lớp 11 với phần hàm số mũ và logarit ở lớp 12 (cho giống như SGK trước đây). Tuy nhiên cũng có những ý kiến kịp thời và thường thuộc nội dung cụ thể thì đã từng được tiếp thu như đề nghị không dạy phần chính âm ở phần tiếng Việt...

Để khắc phục tình trạng này, không chỉ NXB GDVN mà cả toàn xã hội, nhất là các nhà khoa học và sư phạm có thể đóng góp ý kiến cho chương trình. Chương trình cần công bố sớm và rộng rãi hơn.

Đơn vị nào trong Bộ Giáo dục - Đào tạo thực sự là nơi soạn thảo bộ chương trình để làm chuẩn biên soạn SGK?

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là đơn vị được giao cho việc tổ chức làm Bộ chương trình chuẩn. Dĩ nhiên, Viện này phải mời các chuyên gia ở ngoài cùng làm. Với Bộ chương trình hiện hành, số chuyên gia được mời quá ít (mỗi môn chỉ ba người). Một số môn cũng chưa mời được chuyên gia thật phù hợp, thời gian làm lại gấp, bồi dưỡng cho các chuyên gia chưa thích đáng, điều kiện làm việc lại thiếu (đặc biệt là tài liệu tham khảo để làm chương trình), nên dù Bộ chương trình mới đã có nhiều điểm tiến bộ so với trước song vẫn không tránh khỏi nhược điểm như đã nêu.

Giữa bộ phận làm chương trình của ba cấp cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đó là một nhược điểm cần khắc phục để tránh sự trùng lặp, mâu thuẫn.

Với Bộ chương trình hiện thời, chuẩn của chương trình xây dựng sau Chương trình, phần lớn không phải do người làm chương trình viết. Đó cũng là một nhược điểm cần nêu.

Theo ông, có bao giờ ngành giáo dục ngồi đánh giá lại SGK?

Đã có những đợt đánh giá SGK, song theo tôi, chưa có lần nào làm đến nơi đến chốn. Nhận xét, phê phán SGK thì dễ nhưng đánh giá SGK thì không hề đơn giản. Không thể lấy "dư luận xã hội" hay ý kiến của một vài người làm tiêu chuẩn đúng sai. Ngay ý kiến của cả một tổ chức có khi cũng không phải là chính xác tất cả. Chẳng hạn, có những góp ý gửi về Bộ GD-ĐT và NXB GDVN cũng có chỗ nhận xét nhầm cuốn SGK này sang cuốn SGK khác.

Vừa qua, chắc ông có theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng ý kiến của các nhà khoa học, giáo chức và rất đông phụ huynh học sinh băn khoăn: Ngành GD-ĐT chưa có đề án "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam", thì làm sao đã có cơ sở định hướng cho đề án Chương trình và SGK cấp phổ thông sau năm 2015 này? Suy nghĩ thực của cá nhân tổng giám đốc về những băn khoăn trên là những gì?

Theo tôi, lẽ ra không có chuyện gì xảy ra nếu Bộ đặt tên đề án đúng và lộ trình đưa ra tham khảo ý kiến xã hội và các nhà khoa học phù hợp.

Nếu đề án chỉ đụng đến cấp phổ thông thì tôi tán thành với đề nghị của phó giáo sư Trần Hữu Tá trên báo Thanh Niên là đổi tên thành Đổi mới, nâng cấp giáo dục phổ thông sau năm 2015. Nếu làm được căn bản, toàn diện thì sao không gọi hẳn là cải cách luôn.

Tôi xin nhấn mạnh lại đề nghị đổi tên cho đề án, ước tính 70.000 tỉ đồng trong đó xây dựng cơ sở vật chất (trường ốc, thiết bị) đã 65.000 tỉ đồng, chương trình, SGK chỉ 962 tỉ tức chỉ bằng 1/73 số tiền dự tính, sao lại gọi là Đổi mới chương trình, SGK? E rằng tên đề án như thế là không đúng. Nói vui, có thể xem là việc gọi con voi là con kiến!

Ông có thể công bố cụ thể về quy trình để cho ra một cuốn SGK?

Nếu muốn tìm hiểu toàn bộ quy trình để cho ra một cuốn SGK thì có những khâu phải để cho các vụ chức năng của Bộ trả lời. Còn nếu muốn biết quy trình làm bản thảo thì trên đại thể, việc tổ chức biên soạn, biên tập, hoàn thiện bản thảo, thẩm định, in ấn SGK được tiến hành theo các bước cơ bản sau đây:

Bước một: Tập huấn cho tác giả về Bộ chương trình chuẩn, các quan điểm cần quán triệt và các yêu cầu cần đạt đối với SGK sẽ được biên soạn. Bước hai: Xây dựng đề cương SGK, biên soạn một số bài mẫu, lấy ý kiến của các chuyên gia và giáo viên về đề cương và bài mẫu, sau đó tổ chức dạy thử một số bài đã biên soạn. Bước ba: Tổ chức biên soạn, biên tập, làm hình SGK. Bước bốn: Tổ chức thẩm định SGK để thí điểm. Sau thẩm định vòng 1, tác giả tiến hành sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng, các biên tập viên tiến hành biên tập để tiếp tục chuyển thẩm định vòng 2. Bước năm: Tổ chức dạy thí điểm SGK. Mỗi cuốn SGK được thí điểm hai vòng. Bước sáu: Hoàn thiện SGK thí điểm. Bước bảy: Tổ chức thẩm định SGK ở cấp quốc gia theo đúng luật để triển khai đại trà. Bước tám: Căn cứ vào các ý kiến đóng góp, tác giả và biên tập viên hoàn thiện SGK in thử, trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt và in đại trà.

Đứng ở góc độ của NXB GDVN, rút qua những kinh nghiệm hay - dở trong việc cho ra SGK, ông có góp ý gì cho ban nghiên cứu và khởi thảo đề án thay SGK phổ thông vào năm 2015 này không? Và nên thay đổi cách làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Đảm nhiệm những khâu cuối cùng của quá trình làm SGK nên khi SGK có "vấn đề" thì NXB GDVN là đơn vị bị "tai tiếng" đầu tiên. Chính vì vậy, chúng tôi có thể thấy một số điều chưa thật ổn trong việc làm SGK lâu nay. Để có được những bộ SGK tốt cho những năm sau 2015, chúng tôi thấy cần cải tiến những khâu sau đây:

Chỉ thực sự bắt tay làm chương trình khi các cấp cao nhất của Nhà nước đã xác định dứt khoáthệ thống giáo dục. Bộ SGK hiện hành do lúc đầu soạn theo sự phân ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, sau lại chuyển thành sự phân biệt giữa chuẩn và nâng cao nên không tránh khỏi có những chỗ khập khiễng giữa mục tiêu và nội dung các môn học.

Bỏ nhiều công phu hơn trong việc làm chương trình kèm chuẩn của chương trình vì chương trình và chuẩn là pháp lệnh chứ không phải SGK là pháp lệnh. Dứt khoát có chương trình và chuẩn đã, mới tổ chức biên soạn SGK. Trong đợt làm sách vừa qua, ban đầu chỉ mới có chương trình khung. Các tác giả SGK đã đắp "xương thịt" cho nó. Sau khi SGK ra đời, những người làm chương trình mới dựa vào SGK để xây dựng chương trình hoàn thiện và chuẩn. Như thế là làm ngược.

Cần cân nhắc kỹ lộ trình tối ưu trong việc làm SGK. Đợt SGK bắt đầu dùng từ năm 1981 là được tiến hành theo phương thức cuốn chiếu nên cả ba cấp phải kéo dài đến 12 năm. Đợt thay sách vừa qua chỉ hết bảy năm vì SGK của bốn năm ở tiểu học được biên soạn đồng thời với SGK trung học cơ sở. Liệu có thể biên soạn SGK trung học phổ thông đồng thời với hai cấp học dưới để rút xuống chỉ cần năm năm là biên soạn và thay sách xong cả 12 lớp? Cách nào cũng có mặt hay và mặt không hay, mặt thuận lợi, mặt khó khăn.

Thời gian qua, phải chăng NXB GDVN là một trong những cơ quan kinh tài lớn cho riêng Bộ GD-ĐT nên luôn được ưu ái độc quyền xuất bản SGK? Hay vì chính "tầm quan trọng" về chuyên môn của sách giáo dục mà không NXB nào thay thế được?

Độc quyền là một hiện tượng lịch sử, không phải do muốn mà được. Mặt khác, cần thấy độc quyền hay không đều phải xuất phát từ lợi ích chung.

Trước đây, Bộ Giáo dục chưa được quyền phát hành SGK mà quyền đó thuộc Bộ Văn hóa. Thực tế cho thấy vì cán bộ ngành văn hóa không sát yêu cầu của ngành giáo dục nên hồi ấy phó thủ tướng Phạm Hùng đã ra quyết định chuyển "quyền" phát hành SGK từ Bộ Văn hóa về Bộ Giáo dục. Không nên quan niệm hiện tượng độc quyền trong một lĩnh vực nào đó, trong một điều kiện và thời điểm nào đó đều là "phản khoa học".

NXB nào cũng có chức năng riêng biệt của nó. Đội ngũ biên tập viên của NXB GDVN làm sách giáo dục có nhiều thuận lợi hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện để vẫn tiếp tục đóng được vai trò chủ lực trong việc hoàn thiện bản thảo, in ấn và phát hành SGK khi hiện tượng độc quyền được xóa bỏ.

Ông vừa đề cập đến cụm từ "khi hiện tượng độc quyền được xóa bỏ", tức là NXB đã chuẩn bị cho một thời điểm cáo chung "hiện tượng độc quyền?

Như đã nói, gọi là hiện tượng lịch sử thì nó cũng có thể bị xóa đi khi có một sự phân công khác, một cơ chế khác phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, nếu xóa bỏ độc quyền trong việc biên soạn và in ấn SGK thì đồng thời phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan khác, đặc biệt là phải nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Quản lý một nền giáo dục thống nhất trong điều kiện có nhiều bộ SGK song song tồn tại, không phải là chuyện có thể giải quyết được một sớm một chiều.

Theo ông muốn xóa bỏ hiện tượng độc quyền xuất bản SGK, phần nào tùy thuộc vào việc nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục. Nhưng, thực sự trái tim ông có mách bảo, sự độc quyền xuất bản SGK nên đến lúc cáo chung?

NXB GDVN đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho nhiều NXB tham gia tổ chức biên soạn SGK để khuyến khích cạnh tranh về chất lượng. Riêng NXB GDVN đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi này và rất mong mỏi sự thay đổi càng sớm càng tốt.

Việc biên soạn nhiều bộ SGK theo cùng một chương trình có thể đưa lại những lợi ích gì cho nền giáo dục và người học?

Chúng tôi hoan nghênh chủ trương có thể cho viết nhiều bộ SGK trên cùng một chương trình. Sở dĩ cần nhiều bộ SGK là vì những bộ sách ấy, bên cạnh những chỗ cơ bản thuộc nguyên tắc giống nhau, có thể và cần có những chỗ khác nhau để chọn lựa. Dĩ nhiên có nhiều bộ sách là tốt về nhiều mặt vì trước hết là thầy giáo và học sinh có nhiều chọn lựa, không bị ép phải học những cuốn SGK kém chất lượng hoặc không phù hợp.

Tất nhiên, chọn được bộ SGK như thế là rất không đơn giản. Chỉ chọn được đúng khi xác định đúng yêu cầu, điều kiện sử dụng SGK của đơn vị (bất cứ đơn vị nào cũng có những đòi hỏi khác nhau) sau khi đánh giá được chuẩn xác hay ít nhất cũng cơ bản đúng (qua so sánh) chất lượng của tất cả hoặc hầu hết các bộ SGK được biên soạn. Không áp đặt nhưng các cơ quan chuyên môn của Bộ và các cơ quan khoa học cần có những hình thức giúp đỡ, tư vấn các cơ sở giáo dục trong việc chọn lựa này. Sẽ hết sức tai hại nếu có những động cơ tiêu cực chi phối việc chọn lựa SGK.

Ông đánh giá như thế nào về bộ SGK do Trung tâm Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại biên soạn?

Tùy từng thời gian, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ, bộ SGK của Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã được sử dụng trong một phạm vi nhất định. Từ lần xuất bản đầu tiên cho đến nay, NXB GDVN đã và bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ Trung tâm trong các khâu hoàn thiện bản thảo cũng như in ấn, xuất bản. Nét đáng chú ý trong bộ SGK của Trung tâm là rất chú ý đến nguyên tắc phát huy trí tuệ của các em học sinh trong học tập. Riêng cuốn Tiếng Việt lớp Một có nhiều ưu điểm. Vì không phải là cơ quan chỉ đạo chuyên môn, chúng tôi chỉ có thể nêu vài nhận xét sơ bộ như vậy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này.
Theo DNSG Cuối tuần
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP