Tại sao Việt Nam không có thương hiệu nổi tiếng?

28/7/090 nhận xét

[Thương HiệuNhật Bản có Panasonic hay Sony, Hàn Quốc nổi tiếng vì Daewoo và Samsung. Nhưng không có bất kỳ thương hiệu nào tiêu biểu cho Việt Nam", giáo sư Tom Cannon, nhà hoạch định kinh tế nổi tiếng thế giới, trả lời phỏng vấn riêng VnExpress.net.

- Là cố vấn của nhiều thương hiệu lớn toàn cầu như American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, HSBC, Ernst & Young, IBM..., ông có lời khuyên nào cho Việt Nam trong phát triển thương hiệu?

- Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Để khai thác thế mạnh và xây dựng thương hiệu về lĩnh vực này, cần phát triển nhiều loại thực phẩm mới, có giá trị vượt trội so với thế giới. Nếu như Italy nổi tiếng vì mỳ, các bạn cũng cần đem lại tầm cao hơn cho gạo. Quy trình sản xuất hạt gạo Việt Nam vẫn không thay đổi nhiều so với sau giải phóng. Trong khi đó tại các nước khác, họ đã trồng lúa bằng phương pháp hiện đại, sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh sản xuất, việc tiếp thị hình ảnh, marketing, giới thiệu thương hiệu đến cộng đồng quốc tế cũng rất cần thiết.

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ đến Sony hay Panasonic. Hàn Quốc nổi tiếng thế giới vì Daewoo hay Samsung. Nhưng nói đến Việt Nam, người ta không nhớ ra bất cứ thương hiệu nào. Đây là cả một câu chuyện dài và đòi hỏi một thời gian khá lâu mới có thể giải quyết. Xây dựng thương hiệu của riêng mình rất cần thiết. Thay vì cứ đi gia công sản xuất cho các hãng, cần có thương hiệu của riêng mình và sẽ không bị ảnh hưởng khi hãng chuyển nhà máy sang quốc gia khác.

- Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, sẽ phát triển thương hiệu theo cách nào?

- Bạn của tôi, tỷ phú Richard Branson đã một tay xây dựng nên đế chế Virgin từ một đống đổ nát. Từ những việc kinh doanh ban đầu như xuất bản tạp chí cho sinh viên, bán đĩa hát, hiện nay Virgin đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia, với hơn 250 công ty lớn nhỏ và doanh thu 5 tỷ USD mỗi năm.

Richard là người có mối quan hệ tốt với giới truyền thông và không e ngại báo chí. Giới truyền thông đã khiến Richard Branson dần trở nên quen thuộc trong tâm trí người dân. Cái tên Richard Branson thành một thương hiệu vì nhắc tới tập đoàn Virgin là mọi người nghĩ ngay đến Richard. Công chúng luôn yêu mến ông vì hình ảnh gần gũi, đời thường và uyên bác. Ông còn viết khá nhiều sách. Cuốn Cách thức dẫn đầu trong kinh doanh do tôi và Richard viết chung từng lập kỷ lục Guiness về lượng xuất bản.

Bên cạnh đó, thần tượng của tôi là Muhammad Ali, võ sĩ quyền Anh người Mỹ. Tôi thích Ali vì ông tuy nhỏ con nhưng luôn giành phần thắng trước các đối thu to lớn hơn mình. Bằng những cú đấm thông minh, Muhammad biết cách đánh lạc hướng đối thủ trước khi bất ngờ ra đòn quyết định. Mọi người đều yêu quý ông vì sự khôn ngoan và thông minh, chứ không phải vì tầm vóc.

- Vậy yếu tố nào mang tính quyết định để biến một thương hiệu trở nên phổ biến?

- Có hai yếu tố tiên quyết đó là chất lượng và con người. Chất lượng là yếu tố dễ hiểu. Còn yếu tố con người đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, phải có sự khôn ngoan và biết tính toán. Con gái tôi từng mở một cửa hiệu bán đồ làm đẹp. Cửa hàng xinh xắn, nằm trong một thành phố cũng rất lãng mạn, bán những món đồ đáng yêu. Nhưng vấn đề là khách hàng không tới. Về mặt này, sản phẩm đẹp hay không đẹp không quan trọng bằng có thu hút được khách hàng hay không.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thương hiệu của Việt Nam?

- Khi nói chuyện với hiệu trưởng của trường đại học Liverpool, ông ấy nhận xét Việt Nam là quốc gia có tiềm năng nhất ở châu Á về lĩnh vực phát triển. Nhiều cố vấn cấp cao và chuyên gia tại Mỹ cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Việt Nam có những mối liên hệ với châu Âu, châu Á, Mỹ và đây là lợi thế tiềm năng. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đầu tư cho giáo dục, yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế dài hạn. Tôi cũng bị ấn tượng bởi tài năng và trí tuệ của con người Việt Nam khi gặp họ ở khắp nơi trên thế giới.

- Nếu Việt Nam đã có nhiều lợi thế như vậy, điều gì ngăn cản các doanh nghệp của chúng tôi vươn xa ra tầm thế giới?

- Đây thực sự là điều tôi cũng đang cảm thấy khó hiểu. Tối qua khi một người bạn gọi điện cho tôi để thông báo kết quả trận đấu bóng đá tại Liverpool, họ đã thốt lên rằng "Tôi cũng muốn đến Việt Nam" khi biết tôi đang ở Hà Nội. Bản thân tôi, cũng như nhiều người bạn khác tại London, từng có mặt tại trước cửa Đại sứ quán Pháp để biểu tình hồi Hội nghị Paris vì chúng tôi ngưỡng mộ Việt Nam. Với sự yêu mến của cộng đồng quốc tế, đáng lẽ ra các bạn phải có những thương hiệu nổi tiếng hơn nữa.

- Đặt Việt Nam vào trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện tại, theo ông suy thoái sẽ chạm đáy vào thời điểm nào và quá trình phục hồi sẽ kéo dài trong bao lâu?

- Dù kinh tế thế giới trong quý II có những kết quả khá khả quan, nhưng chắc chắn suy thoái vẫn chưa kết thúc. Thậm chí tháng 9 và tháng 10 tới sẽ là thời điểm khó khăn. Trong quý đầu tiên của 2009, ai cũng cho rằng thế giới đang chìm trong thảm họa. Sang quý II, tâm lý lạc quan bắt đầu nhen nhóm trong giới đầu tư. Tuy nhiên, chính lòng lạc quan đó có thể tạo ra những kết quả trái ngược vào quý III. Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về đà tăng trưởng, trong khi Mỹ và châu Âu vẫn đi xuống tiếp vào cuối quý III, đầu quý IV năm nay.

Cũng phải nói thêm rằng kinh tế toàn cầu, nhất là các nước giàu, sẽ khó có thể phục hồi đầy đủ vào năm 2012, 2013. Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á sẽ phục hồi trước, sau đó là Mỹ và cuối cùng là châu Âu. Việt Nam sẽ đi lên khá nhanh, trước Mỹ và Anh nhờ vào hệ thống ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định.

- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội mà châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi nhận được sau khủng hoảng tài chính?

- Chắc chắn các nước châu Á được rất nhiều từ suy thoái vì tôi thích nhìn suy thoái theo khía cạnh tích cực hơn là các hậu quả. Mỗi cuộc khủng hoảng đều tạo ra một cuộc cách mạng mới, tạo ra những biến đổi sâu rộng về kinh tế toàn cầu. Sau khủng hoảng, sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm mới, nhiều ngành kinh doanh mới cũng như nguồn công ăn việc làm và sự thịnh vượng mới. Quốc gia và doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng được thời cơ sẽ phát triển hơn, ngược lại sẽ nghèo nàn đi.

Châu Á có lợi thế đặc biệt do có nền kinh tế năng động và có nhiều kinh nghiệm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ đang chớp thời cơ để vươn lên vị thế mới trên bản đồ kinh tế quốc tế. Để tận dụng thời cơ này, điều cần làm vẫn là tập trung đầu tư cho giáo dục, giới trẻ và công nghệ. 

Tom Cannon là một trong những giáo sư xuất sắc về chuyên ngành Phát triển Chiến lược của trường ĐH Liverpool (Anh quốc), đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Quốc tế Ideopolis (Ideopolis International Ltd). 

Ông từng làm cố vấn cho nhiều chính phủ của nhiều quốc gia như làm cố vấn cho Singapore thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, cố vấn cho Trung Quốc thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, cố vấn cho Nga thời Tổng thống Vladimir Putin và cố vấn cho Anh thời Thủ tướng Tony Blair.

Bên cạnh đó, ông là cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia lớn như American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, Tesco, BT, NatWest Bank, BP, Shell, Hong Kong & Shanghai Banking Corporation (HSBC), Ernst & Young, Dow Chemicals, IBM, ICI, Wessex Water, Virgin,Trinity Mirror Newspaper, General Electric. Ngoài ra, ông cũng là một chuyên gia đối với vấn đề kinh tế và tài chính trong thể thao. Tom Cannon thường xuyên xuất hiện trên các kênh Sky Sports, BBC TV, Bloomberg và nhiều hãng truyền hình quốc tế cũng như đài phát thanh, tạp chí bóng đá và thể thao chuyên gia. Tờ Academics in the Media đã xếp ông ở vị trí thứ ba về tần suất xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Anh.

Ông sang Việt Nam từ ngày 27/7 đến ngày 4/8. Vào tối 28/7, ông sẽ có buổi gặp gỡ với Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và các CEO cấp cao, trước khi có các buổi diễn thuyết tại Hà Nội và TP HCM.

Thanh Bình (VnExpress)
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP