Tại sao các ngân hàng khó huy động lãi suất trung và dài hạn?

23/6/090 nhận xét

Tài chính marketing - Nguyên nhân chính vẫn là do mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra chưa đáp ứng được mức kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Theo số liệu thông kê từ NHNN cho thấy, dư nợ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ của các ngân hàng là khoảng 40%, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn của các ngân hàng từ dân cư trung bình chỉ khoảng 11%. 

Mặc dù, gần đây nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động (tập trung vào nhóm kỳ hạn trung và dài hạn) và phát hành thêm các loại giấy tờ có giá với lãi suất cao để huy động vốn. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn này vẫn không hề dễ dàng. 

NH tăng lãi suất để hút vốn

Vừa qua, ngân hàng TMCP HDBank đã chính thức tăng lãi suất huy động lên mức 10,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Với mức lãi suất này HDBank đang được xem là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay.

Trước đó, ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng đã đưa ra chương trình huy động mới với lãi suất VND lên tới 9,99%/năm; ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng đã tăng lãi suất huy động VND, tăng từ 0,15% - 0,4%/năm ở các kỳ hạn từ 9 đến 36 tháng, và tăng từ 0,1% - 0,15%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 6 tháng.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OCB) từ ngày 16/6, khách hàng sẽ được tặng lãi suất thưởng tùy theo số tiền gửi. Ngoài ra, khi sổ tiết kiệm đến hạn, khách hàng tiếp tục gửi lại (với số tiền không hạn chế) thì sẽ được tặng lãi suất thưởng lên đến 0,50%/năm…

Nhìn chung, so với đầu năm 2009, lãi suất tiền gửi đã tăng bình quân khoảng 2%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau, cho dù NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Cuộc chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được nhiều chuyên gia ngành ngân hàng dự báo rằng sẽ còn tăng cùng với nhiều chương trình khuyến mãi tiết kiệm được tung ra.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu về vốn trung và dài hạn nhiều NHTM khác cũng đã tăng cường việc phát hành các loại giấy tờ có giá với lãi suất hấp dẫn.

Chẳng hạn như, ngân hàng Vietinbank đã phát hành chỉ tiền gửi ghi danh đợt 1 năm 2009 với lãi suất khá hấp dẫn (mức cao nhất là 9%) so với mức lãi suất bình quân 7,8-8,4% của các ngân hàng trên thị trường. 

Tổng mệnh giá phát hành của đợt này sẽ là 6.000 tỉ đồng với năm loại kỳ hạn là 6, 9, 12, 24 và 36 tháng. Lãi suất nằm trong khoản từ 7,9% đến 9%/năm, cao hơn khoảng một điểm phần trăm so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của các ngân hàng cổ phần.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng ý cho ACB phát hành 11.000 tỉ đồng giấy tờ có giá dài hạn trong năm 2009. BIDV đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với các kỳ hạn 1, 2, 3, và 5 năm và mức lãi suất năm đầu tiên dao động ở mức 8,2%-8,6%...

Tại sao lãi suất trung và dài hạn không hút khách?

Việc các ngân hàng tại Việt Nam khó huy động vốn trung và dài hạn không phải là một hiện tượng mới lạ. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn lạm phát cao và kéo dài, VND bị mất giá mạnh, người dân càng giữ VND lâu càng bị thiệt hại nặng. Người Việt Nam ưu chuộng những tài sản giữ được giá trị qua thời gian như vàng, USD, bất động sản…

Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, khi lạm phát cao quay trở lại, VND bị mất giá mạnh so với USD, tâm lý phòng thủ nói trên của người dân lại càng trở nên mạnh mẽ.

Mặc dù theo các dự báo, lạm phát trong năm nay sẽ không quá cao (không vượt quá con số 10%), nhưng các chương trình kích cầu của Chính phủ đang tạo nên những lo ngại về lạm phát trong tương lai, bởi NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chứ không đặt ra một mức lạm phát mục tiêu nào cả.

Rõ ràng là mức lạm phát gần 20% trong năm 2008 vẫn đang ám ảnh những người có tiền tiết kiệm. Chính vì khó có thể đưa ra dự báo về tỷ lệ lạm phát trong những năm sau (2010, 2011 …), nên việc người dân không mặn mà với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài cũng là điều dễ hiểu.

Mức lãi suất 10% hiện nay có thể cao hơn mức lạm phát dưới 10% trong năm 2009, nhưng cũng có thể sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại mà lạm phát trong những năm sau gây ra.

Việc một số kênh đầu tư như: chứng khoán, bất động sản, vàng, USD… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng khó huy động vốn trung và dài hạn.

Mặc dù, các kênh đầu tư này không thường xuyên đem lại lợi nhuận, nhưng khi có “sóng” lại có thể đem lại mức lợi nhuận lớn, nên người dân sẵn sàng gửi tiền tại ngân hàng với kỳ hạn ngắn, cho dù lãi suất thấp, để còn có cơ hội rút tiền chuyển sang các kênh đầu tư nói trên khi cần thiết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cho dù người dân có thể không thích gửi tiền dài hạn do lo ngại lạm phát, tỷ giá, hay do còn có nhiều kênh đầu tư khác, nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng khó huy động vốn trung và dài hạn vẫn là do mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra chưa đáp ứng được mức kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Đã được xem là một kênh đầu tư thì mọi việc đều có thể được giải quyết bằng giá và trong trường hợp là các ngân hàng huy động vốn thì điều đó sẽ giải quyết bằng lãi suất.

Nếu lãi suất đủ đáp ứng được kỳ vọng sinh lời của các nhà đầu tư, dù là lãi suất trung hạn hay lại suất dài hạn, thì các ngân hàng vẫn rất dễ dàng huy động được số vốn mà mình mong muốn.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao các ngân hàng không nâng lãi suất lên thật cao để huy động vốn trung và dài hạn? Câu trả lời là lúc đó ai sẽ vay vốn của các ngân hàng với mức lãi suất còn cao hơn? Rõ ràng là việc nâng lãi suất lên cao không phải là lời giải đáp cuối cùng. 


Vấn đề là phải giảm những rủi ro về lạm phát, tỷ giá… trong tương lai, tức là phải đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, để những người có tiền tiết kiệm sẵn sàng cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài.

Hạnh Lệ -nguồn: CafeF
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP