Việt Nam tăng trưởng lớn mà không mạnh

14/4/090 nhận xét

Tài chính marketing - Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đang bị thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Giống như một cơ thể to lớn không khỏe mạnh.

Trong thông cáo phát tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh ngày 26/3 vừa qua, một con số ấn tượng đã được công bố: cấp phép cho các dự án FDI trị giá 2 tỷ USD trong khuôn khổ hội nghị. Thực tế chỉ có 3 dự án trị giá hơn 100 triệu USD được ghi nhận là được cấp phép trong khuôn khổ của hội nghị này. Tuy vậy, ngay hôm đó và cả ngày hôm sau, nhiều tờ báo ở Việt Nam cũng vẫn đăng tải có đến 2 tỷ USD vốn FDI đã được cấp phép chỉ trong một ngày.

Thật khó mà trách những người có trách nhiệm đã đưa ra tin này cũng như các phóng viên đưa tin. Thực ra tất cả mọi người đều muốn làm một điều gì đó tích cực nhằm cổ vũ cho những nỗ lực thu hút FDI vốn đang chậm lại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, tình hình có vẻ khá bi quan. Chỉ một ngày trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát đi thông điệp đáng lo ngại: FDI vào Việt Nam chỉ đạt 700 triệu trong tháng 3. Giáo sư, Tiến sỹ Kenichi Ohno của Diễn đàn Phát triển Việt Nam, người đã bắt đầu nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ năm 1995 nhận định rằng, Việt Nam khó mà thu hút được nhiều FDI trong bối cảnh hiện tại.

Ông nói với doanh nghiệp: “Các nhà đầu tư nước ngoài không còn hứng thú mở rộng đầu tư, kinh doanh. Trong ngắn hạn thì chả có ai hứng thú đầu tư vào bất kỳ cái gì. Tôi nghĩ hiện tại Việt Nam khó mà huy động được vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ vào bất kỳ ngành nào ở đây. Mọi người đang chờ đợi xem điều gì tồi tệ sẽ xảy ra ở Mỹ, hay Nhật Bản, hay EU. Tôi nghĩ tâm lý của các nhà đầu tư hiện tại là rất tiêu cực. Bất kỳ nỗ lực nào mà Chính phủ cố gắng làm sẽ không giúp được nhiều”.

Giáo sư kể rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là loại xuất khẩu sản phẩm 100% đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử phải cắt giảm đến 50% công suất. Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu như Canon, Panasonic đang chịu ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu, nhưng họ không thể chuyển sang thị trường nội địa của Việt Nam. Trong khi đó, các công ty mẹ của họ ở Nhật Bản cũng đang rất khó khăn. “Tôi nghĩ tình hình là rất xấu”, ông nói.

Phát triển sân golf rầm rộ ở nhiều địa phương cũng là một ví dụ về phát triển thiếu
quy hoạch và tính toán kỹ lưỡng ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà 

Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn Đặng Thành Tâm, người hiện sở hữu rất nhiều khu công nghiệp trên khắp Việt Nam cho biết, hầu hết những nhà máy đang lắp đặt, hay chuẩn bị đưa vào sản xuất đều ngưng lại. “Khách hàng của chúng tôi, những doanh nghiệp đã xây xong nhà máy thì tạm ngừng, chưa lắp đặt máy móc thiết bị. Nhìn chung, tỷ lệ ngưng trệ phải đến 50%. Tập đoàn Foxconn chẳng hạn, họ cam kết đầu tư 5 tỷ USD, nhưng bỏ vào chưa được 20%, và cũng đang tạm dừng đầu tư”, ông phát biểu trên một tờ báo gần đây.

Ông Tâm nhận xét thêm, vốn FDI giải ngân trong quý I năm nay là khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi vốn đăng ký vào các nhà máy sản xuất công nghiệp rất chậm, bất động sản rất ít, nếu có, chỉ là đăng ký giữ chỗ. “Tôi cho rằng FDI sẽ giảm đi rất nhiều trong thời gian tới”, ông nói.

Cơ quan cấp phép đầu tư biết ông Tâm, và chắc chắn biết rõ tình hình thực tế của các dự án FDI đang triển khai. Tuy vậy, họ vẫn muốn có được một con số FDI lạc quan. Đơn giản là, luồng vốn này đã trở thành một động lực quan trọng của mô hình tăng trưởng dựa vào mở rộng đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Một tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiết kiệm nội địa của Việt Nam so với GDP đã sụt giảm từ 30,6% năm 2006 xuống 29,1% năm 2007 và 28,8% năm 2008, tương ứng với mức gia tăng của tiêu dùng cuối cùng. Điều này có nghĩa là, tỷ lệ thâm hụt tiết kiệm nội địa/đầu tư so với GDP của Việt Nam ngày càng gia tăng, từ mức khoảng -11,7% năm 2006 lên -16,5% năm 2007 và -14,3% năm 2008.

Nói một cách đơn giản, Việt Nam đang đầu tư nhiều hơn so với các khoản tiền tiết kiệm được, và như vậy là khác với mô hình của các nước khác ở châu Á như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đây là những quốc gia có thặng dư giữa tiết kiệm nội địa so với đầu tư ở mức khá cao.

Một điểm nữa, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI giải ngân đang tăng cao đáng kể, từ 15,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2006 lên 24,8% năm 2007 và ước đạt 24,7% năm 2008.

Những con số này cho thấy thực tế Việt Nam đang ngày càng dựa nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài để chi trả cho đầu tư trong nước; và vì lẽ đó, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ suy giảm do khủng khoảng tài chính toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn.

Điều này phù hợp với những diễn biến trên thực tế. Tháng 12 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu giải ngân khoảng 11-12 tỷ USD FDI. Cùng thời gian này, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2009 là 6,5%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong Hội nghị các nhà tài trợ thời gian đó: “Tôi nhấn mạnh khoảng 6,5% cũng có ý là trong điều kiện thuận lợi thì chúng tôi có thể đạt 6,5% hoặc vượt. Còn trường hợp khó khăn thì chúng tôi phấn đấu giữ tăng trưởng dưới 6,5% nhưng không thấp quá để ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ba tháng sau, tình hình có vẻ khác, khi Chính phủ đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5% và dự kiến trình Quốc hội tháng 5 tới, trong khi mục tiêu giải ngân FDI cũng được điều chỉnh xuống khoảng 8 tỷ USD.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất cao, chiếm khoảng gần nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội (41 - 46%) trong giai đoạn 2006 - 2008. Các nhà kinh tế cho rằng, xét trên các chuẩn mực quốc tế, những chỉ số này cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam không được chú trọng nhiều bằng mục tiêu tăng trưởng.

Bằng chứng là, nhiều chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ trong những năm qua chủ yếu tập trung cho một mục tiêu chung là kích thích mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư.

Tuy vậy, hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước không cao mà các biểu hiện là đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào các ngành không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính đã trở thành một nguy cơ ngày càng lớn.

Từ nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đã đương nhiên trở thành con số pháp lệnh, và vì thế nhiều nguồn lực đã được đổ ra để hiện thực hóa nó. Tuy vậy, đây là điều không thể làm được với các nhà đầu tư nước ngoài. Những người có trách nhiệm có thể sẽ không phải giải thích về con số 2 tỷ USD cấp trong ngày 26/3, vì có lẽ nó sẽ được bù đắp bằng những dự án cấp trong thời gian tới. Nhưng rõ ràng rằng, đó không phải là cách bù đắp cho tính dễ bị tổn thương mà mô hình tăng trưởng này có thể gây ra.

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP