Toàn cầu hóa, bản sắc của nhà thơ mang tính thời đại

29/2/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Thơ làm sao có thể mã giải được ba thực thể hoàn toàn khác biệt là bản sắc, tự do và toàn cầu hóa? Đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các nhà văn trong nước và các tác giả Việt Nam hiện đang cư lưu ở nước ngoài.

Trần Thiện Đạo: Bản sắc và toàn cầu hóa không thể, không hề có liên hệ trực tiếp với thơ

Trước khi đáp lời, xin được phép xem động từ mã giải đồng nghĩa với giải mã = mổ xẻ, cắt nghĩa. Dựa trên ngữ nghĩa này, thì thơ làm sao có thể mã giải được ba thực thể hoàn toàn khác biệt là bản sắc, tự do vàtoàn cầu hóa?

Bởi trong ba thực thể này, chỉ có yếu tố tự do là tương đối rõ nghĩa; còn bản sắc và toàn cầu hóa thì thuộc hạng từ ngữ khôn thôi bị lạm dụng, đã nghiễm nhiên trở thành sáo ngữ, ý nghĩa loạn xạ - khẩu hiệu đậm đà bản sắc dân tộc là một thí dụ điển hình. Vì vậy, bản sắc và toàn cầu hóa không thể, không hề có liên hệ trực tiếp với thơ.

Thơ vốn là một loại hình văn chương sử dụng ngôn ngữ biến nó thành tác phẩm nghệ thuật. Cũng như âm nhạc, hội họa, điêu khắc và các nghệ thuật khác, nó mặc nhiên mang chức năng thẩm mĩ trong mình. Mà nghệ thuật đích thực thì luôn đứng vững với thời gian, bài thơ nào hay ắt không bao giờ phai: hay hôm nay sẽ cứ còn hay hôm sau.

Nói cách khác: thơ là thơ, thơ nước nào dùng ngôn ngữ nước đó; mỗi bài thơ là một tác phẩm độc nhất, của một cá nhân độc nhất, là ý tưởng, là sở đắc, là sắc thái của cá nhân ấy. Không giống ai, không của ai khác: thơ Nguyễn Du là thơ NgD, thơ Nguyên Sa là thơ NgS, thơ Victor Hugo là thơ VHugo, thơ Thomas Stearns Eliot là thơ TSEliot... Vì vậy mà không thể nói tới bản sắc thơ chung, hay tới bản sắc thơ Việt Nam.

Nhân bản là tính nhân loại phi thời gian. Không thể có thứ nhân bản cổ hủ, hiện đại, thời thượng. Tinh thần nhân bản, tinh thần nhân loại trong thơ, trong văn, trong bất luận động thái, tác hành nào từ xưa đến nay đều giống nhau. Khác nhau ở chỗ nào chăng là ở từng cá nhân mà thôi.

“Mối quan hệ giữa thơ ca và vấn đề tự do của con người” ư? Câu hỏi này nghe hơi lạ. Bởi thơ ca, hay bất luận nghệ thuật nào, không có ‘’mối quan hệ‘’ giao dịch trực tiếp hay gián tiếp với tự do. Có điều, cần phải nhấn mạnh ở đây là: tự do là điều kiện tiên quyết cho mọi suy tưởng, cho mọi sáng tạo - cho đời sống nói chung.

Khái niệm toàn cầu hóa tự nó đã mặc nhiên xóa bỏ mọi lằn ranh. Là bởi hễ còn có lằn ranh thì không thể chuyển tải hết mọi thông tin, không thể tiếp nhận hết mọi thông tin - tóm lại là không thể có hiện tượng toàn cầu hóa (chữ toàn có nghĩa là toàn bộ). Trong tình cảnh chính trị hiện nay ở CHXHCNVN, lằn ranh cứ sờ sờ ra đó, thì giới làm thơ và những giới khác làm sao mà tiếp cận một cách hoàn toàn tự do được. Khiến cho có hiện tượng một vài nhà thơ vì thiếu thông tin nên cách viết vấp phải bước đi của thơ nước ngoài từ mấy thế kỉ trước, tưởng tác phẩm của họ rất mới, rất lạ (…). Cũng có nhiều người chịu khó đọc, chịu khó học hỏi, nhưng chưa tiêu hóa (…) thành thử giống như con tằm ăn dâu rồi nhả ra dâu, không nhả ra tơ.’’ (*)

Nói thêm. Mấy lời giải đáp trên đây đều được tham khảo với nhà nghiên cứu và phê bình Thụy Khuê, tác giả nhiều cảo luận, đặc biệt cuốn Cấu trúc thơ (Nxb Văn nghệ - 1995).

Nguyễn Văn Dân: Hãy nhìn thẳng vào toàn cầu hoá - kể cả toàn cầu hoá văn hoá 

Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ như người ta rất ngại nói đến toàn cầu hoá văn hoá. Trên báo chí đã xuất hiện những câu nói đã trở nên quen thuộc như: Toàn cầu hoá kinh tế thì có thể chấp nhận được, nhưng toàn cầu hoá văn hoá thì không! Hay: Một dân tộc mà đánh mất bản sắc văn hoá là mất tất cả. Tuy nhiên, người ta thường không để ý thấy rằng bản sắc không phải là một cái gì bất biến, mà nó luôn vận động và biến đổi trong quá trình tương tác biện chứng giữa cái riêng và cái chung. Các nhà tự nhiên học đã chứng minh được một sự thật rất quan trọng mà do mặc cảm tự ti nên nhiều người thường hay bỏ qua là: Con người, cũng giống như bất cứ một con vật nào khác, xét về bản chất giống loài của mình, vẫn mang nhiều tính chung cơ bản hơn là tính riêng. Xu hướng lựa chọn những cái giống nhau của mọi người vẫn là xu hướng tất nhiên và mang tính chủ đạo. Vì thế, chẳng có gì mà chúng ta phải sợ toàn cầu hoá, và cũng chẳng có lợi lộc gì khi chúng ta tuyệt hoá cái riêng. Chỉ khi nào người ta không có gì đóng góp cho toàn cầu hoá thì người ta mới sợ toàn cầu hoá, sợ người khác không nhận ra mình khi mình gia nhập toàn cầu hoá. Đó là tâm thế tự ti của những người không có khả năng sáng tạo. Cho nên, chúng ta hãy nhìn thẳng vào toàn cầu hoá - kể cả toàn cầu hoá văn hoá - để chủ động hội nhập. Có như thế chúng ta mới vừa có cái để đóng góp cho cái chung, lại vừa tiếp nhận được cái chung để biến nó thành cái riêng của mình, bổ sung cho bản sắc của mình. Ta biến cái chung thành cái riêng chứ không phải là hoà tan vào cái chung để đánh mất cái riêng. Như thế, hoàn toàn không có chuyện đánh mất bản sắc khi hội nhập. Thơ Việt Nam cũng vậy, nhà thơ khi đã có đủ bản lĩnh để hội nhập với toàn cầu hoá thì không bao giờ mất bản sắc. Khi đó, bản sắc của anh ta sẽ là một bản sắc mang tính thời đại chứ không phải là một thứ bản sắc lấy ra từ viện bảo tàng đông lạnh.

Phan Hoàng: Thơ Việt cần bứt phá, vượt thoát khỏi tình cảnh nô lệ hóa về thông tin toàn cầu

Mỗi người sinh ra đều gắn với cái “gien” của quê hương, nguồn cội, dân tộc mình. Nhà thơ chính là người mang cái “gien trội”, văn bản hoá cái bản sắc nơi mình sinh ra, cất lên tiếng nói về nỗi đau, cái đẹp, ước mơ, dự cảm, hy vọng… Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thơ Việt vẫn giữ được cái “gien” bản sắc của mình, trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của thi ca nhân loại. Tư duy ngôn ngữ luôn vận động, phát triển không ngừng. Trong ngôn ngữ Việt, chúng ta luôn biết cách tiếp thu những cái hay từ nền văn hoá của các dân tộc khác. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ tinh lọc. Vì vậy, việc các nhà thơ vừa giữ được bản sắc thơ Việt vừa tìm tòi, cách tân và tiếp thu tư duy ngôn ngữ tinh hoa nhân loại để nâng tầm thơ Việt là điều cần thiết.Hãy thử hình dung, nền văn hoá Việt Nam sẽ đi về đâu nếu chúng ta không có sự tiếp thu những ngôn ngữ gốc Hán, Pháp, Anh, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… để làm giàu có cho tiếng Việt. Cũng như nền thi ca Việt Nam sẽ đi về đâu nếu chúng ta chỉ dẫm chân tại chỗ với các thể thơ lục bát, tứ tuyệt hay song thất lục bát, với những lối tư duy thơ chỉ đơn thuần niêm luật, vần điệu của những thế kỷ trước.

Ở tất cả mọi dân tộc, mọi thời đại, nhân bản luôn là vấn đề cốt lõi cho sự tồn tại của con người, sự tồn vong của dân tộc hay thể chế. Ở thời kỳ hiện đại này cũng vậy. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay của chúng ta là khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì hình như vấn đề nhân bản nảy sinh nhiều điều đáng lo ngại: ngoài xã hội thì đầy thủ đoạn lừa dối hại nhau trong kinh doanh, nạn tham nhũng cửa quyền hoành hành, cướp giết hãm hiếp thường xuyên xảy ra, thầy giáo quấy rối tình dục sinh viên, học trò đánh thầy cô các người mẫu khoả thân vô tội vạ, đồng nghiệp mạt sát sau không còn văn hoá trên mạng...; còn trong nhiều gia đình thì vợ đốt chồng, cha hiếp con, con đánh chửi và thậm chí giết cha mẹ… Những chuyện đó không còn cá biệt nữa mà nhan nhản hàng ngày trên truyền thông báo chí. Sự sợ hãi, mất niềm tin vào đời sống ám ảnh không ít người dân.

Trong khi đó, theo tôi, các nhà thơ chưa có thói quen dấn thân nhiều vào đời sống để góp phần cảnh báo, phản biện những cái xấu và dự cảm, hướng thiện những điều tốt đẹp về đời sống. Không ít nhà thơ vẫn đi bên lề đời sống, xa rời những vấn đề cốt lõi của nhân bản hiện đại.Khi sáng tác một bài thơ, người làm thơ hoàn toàn tự do trong thế giới sáng tạo riêng mình. Không có được sự tự do về tâm hồn, tư tưởng, thẩm mỹ thì người làm thơ chỉ có thể “minh hoạ” đơn thuần cho một đối tượng nào đó. Muốn vượt qua lằn ranh toàn cầu hoá về thông tin thì thơ Việt không nên tự mình “nô lệ hoá” cho bể thông tin ấy. Thơ Việt cần có bản lĩnh, tự tin và không ngừng khám phá, học hỏi, chọn lọc những cái hay từ nền thi ca các dân tộc khác để “bay” trên đôi cánh thơ riêng mình.

Đỗ Quyên: Không thể có sắc màu chung cho các lá cờ thơ

Cảm tưởng của tôi khi đọc bài vở và được mời vào chuỗi phỏng vấn này: rất hay và cần thiết; vừa “xưa như trái đất” vừa mới như… mặt trời mặt trăng! Hôm nay, đặt Thơ lên kiềng ba chân “Bản sắc - Tự do - Toàn cầu hóa” chúng ta tiếp tục làm ra món ăn tinh thần mới lạ kể từ khi con người biết luận bàn về Thơ! (Tất nhiên, các đồng nghiệp khác có thể thay Thơ bằng đối tượng đồng đẳng khác như Âm nhạc, Ẩm thực, Tình yêu, Gia đình…). Trong ba chân, Toàn cầu hóa là cách nói ở thời hậu hiện đại của nội dung Nhân loại. Hai chân kia: Bản sắc vốn là Dân tộc có sau khi con người chuyển hình thức sống bầy đàn sang cộng đồng; còn Tự do thì mãi mãi là Tự do! Với “đầu bếp” Ngô Hương Giang, Thơ là mã giải. Và, với các người viết khác, viết cho các đối tượng khác, Thơ có thể sẽ làm những hành vi khác cũng trên kiềng ba chân đó.

Tôi hiểu chủ ý của câu hỏi nhưng cho rằng, khi nói “bản sắc thơ”, ta những muốn phổ cập hóa “bản sắc” vốn là ý niệm khá kén bạn đồng hành; như thường là văn hóa, dân tộc, sắc dân, địa phương, quốc gia… Ở đây, có thể hiểu bản sắc thơ làphong cách/ phong thái thơ, tính cách/ tính chất thơ, đặc trưng/ đặc điểm của thơ… - là các khái niệm căn bản và quen thuộc nhưng khó có một định nghĩa chuẩn, về lý luận - phê bình văn học cũng như thực hành sáng tạo.

Trong cảnh quan toàn cầu hóa, như mọi lĩnh vực văn nghệ khác, với tư cách đối tượng, thơ cũng bị hoặc được thay đổi bản sắc của mình; và với tư cách chủ thể, bản sắc thơ đã dự phần làm quá trình toàn cầu hóa đa sắc nhiều màu hơn. Ở tương quan kép, khi thơ là kết quả, bản sắc thơ từng bị nguy cơ hết tính thơ, mất chất thơ trong thời (hậu) hiện đại; khi thơ là nguyên nhân, bản sắc thơ cũng phải nhận bản án Nàng Thơ đã bỏ cuộc chơi - bỏ chú Cuội bỏ chị Hằng theo ông đại gia Bill Gates leo lên lưới!

Nhớ lại, toàn cầu hoá, với nghĩa nguyên thủy, khởi đầu khoảng thế kỷ 15, nhất là khi F. Magellan thực hiện chuyến viễn dương năm 1522; còn thuật ngữ “toàn cầu hoá” ra đời vào những năm 1950, và được được dùng chính thức trong giới chuyên môn và đại chúng từ những năm 1990. Nếu theo các mốc thời gian trên tìm đến một vài hiện tượng quan trọng của thơ thế giới qua các trào lưu văn học tiêu biểu, chúng ta không thể không nhận ra rất nhiều đổi thay xung quanh thơ. Ví dụ: thơ, một mặt, giữ bản sắc “truyền thống” như là hình thức đặc sắc của nghệ thuật bằng phương tiện ngôn ngữ; mặt khác nó tự thay đổi để có thêm bản sắc “hiện đại” như thành phần của xã hội mà ngôn ngữ là cả phương tiện lẫn mục đích. Không ít người tưởng bản sắc và truyền thống là bất biến, là thuộc về quá khứ. Thì đây, toàn cầu hoá là ví dụ đẹp và mạnh cho việc thay đổi khái niệm bản sắc nói chung, trong đó bản sắc thơ giống như “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”.

Bản sắc thơ Việt là đề tài mà mọi người, dù ở chính kiến và thẩm mỹ nào cũng có thể không quá khó khăn khi cùng muốn đưa các nét chính yếu. Để kịp dùng tại đây, tôi sẽ nêu nhanh Dàn bài 21 đặc điểm thơ Việt mà mình hằng lưu tâm dù chưa thể hoàn thiện…

Nói chung về thơ Việt: 1. Nhạc điệu uyển chuyển; 2. Tứ thơ quyết định ý, nghĩa và thi ảnh; 3. Thiên về cảm tính, diễn tả; nhiều tình mà ít chân. 4. Hình tượng đẹp, lôi cuốn; 5. Không chuộng tư tưởng, triết lý; 6. Ít biến động về thi pháp; chậm thay giọng điệu; hiếm bất ngờ; 7. Ngôn ngữ tinh tế, chiều chuộng tu từ, lơ là cú pháp; 8. Cá tính tác giả không nổi trội; 9. Hình thể khá ổn cố; cấu tứ không đa dạng; 10. Không gần văn xuôi, văn nói; 11. Lục bát là thể loại gốc; 12. Nội dung trọng lòng yêu nước, tình đồng bào, nghĩa gia đình; nhân bản mạnh hơn nhân sinh; 13. Hướng ngoại hơn là hướng nội: ít chất liệu đời sống cá nhân; nặng về thời đại, thế sự, thiên nhiên; 14. Chịu ảnh hưởng sâu nặng của thơ Đường luật;15. Cái Tôi ít được là chủ thể; 16. Quan hệ Thiên - Địa - Nhân lấn át quan hệ Người - Người; con người cần thiên nhiên hơn là ngược lại; 17. Sáng tác vượt xa phê bình, học thuật; 18. Giỏi về bình điểm, khá về nhận định; non về phê bình; chậm về nghiên cứu; trống về lý luận; 19. Ngâm và vịnh là các cách thưởng thức đồng sáng tạo; 20. Cuộc cách mạng đầu tiên là phong trào Thơ mới 1932-1945 thay đổi hầu hết bản sắc thơ Việt, với ảnh hưởng của thơ Pháp và từ đó tới nay với nhiều nền thơ thế giới; 21. Đóng góp hữu hiệu nhất với xã hội thời hiện đại là dòng thơ cách mạng và thơ chiến tranh .v.v…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, rõ rằng bản sắc thơ Việt biến đổi chậm. Tại sao? Nó có cần thiết biến đổi không? Nếu cần, làm thế nào? Và nếu không thì sao? .v.v… Các câu hỏi đó, thiển nghĩ, không hề dễ trả lời. Xin tâm sự và mong được hiểu đúng ý: kể từ khi biết làm thơ và nhất là khi biết-mình-là-người-Việt, tôi thấy: Một, bản chất của thơ, so với các loại nghệ thuật khác, vốn cực kỳ tinh tế, những gì không-thơ không thể nào can thiệp vào; Hai, - quyết định - dân tộc Việt chúng ta phải nói là một dân tộc khá đặc biệt, với không ít các yếu tính mà nhiều dân tộc khác không có. Đây, một ví dụ như là nghịch lý trong vấn đề thơ: rất say mê thơ, sành thơ; trong tiếng Việt có chữ kép “thơ ca” nhưng dân Việt ít khiếu thẩm âm mà thơ Việt, với tôi, nhạc tính là đầu bảng! (Điều này ra ngoài bài phỏng vấn; nếu có dịp bàn về:“Việt tính: Mã giải cho vấn đề toàn cầu hóa bản sắc thơ”, chúng ta lại tiếp tục); Ba, nếu tạm dùng tiêu chí theo một số điểm chính trong Dàn bài trên thì quả là bản sắc thơ Việt còn nhiều so lệch với chuẩn mực thơ-toàn-cầu mà thực chất là chuẩn mực văn hóa, ngôn ngữ của Tây Âu và nhất là của Bắc Mỹ.

Nhưng ngay cả thơ Trung Hoa - một nền thi ca “hùng mạnh” đến thế, “lâu đời” đến thế, “giàu có” đến thế - cũng không thể dễ nhập vào xu hướng thơ toàn cầu. Vấn đề của thơ Trung Hoa là ở văn hóa ứng xử: “sông có thể cạn, núi có thể mòn”, nhưng tôi đồ rằng, văn hóa Trung Quốc chắc sẽ không bao giờ cải đổi để lọt vào và tạo ảnh hưởng trong khuôn viên văn hóa khác. Trong khi đó thơ Nhật là một dòng thơ Đông phương gần như duy nhất tiếp cận, đối thoại, rồi chinh phục được thơ-toàn-cầu.

Cuối cùng, tôi vững tin, giữa gần một chục bộ môn văn nghệ, thơ là loại hình nghệ thuật mang bản sắc dân tộc hơn hết. Khi Xuân Diệu viết “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, cũng nên hiểu thi sĩ đã coi thơ là một chủ thể trữ tình. Vâng: Thơ là một, là riêng, là thứ nhất! Nếu đã không thể có quan niệm văn hóa của quốc gia này “hay” hơn văn hóa quốc gia khác, thì cũng không thể có chuyện thơ Trung Quốc “hay” hơn nước Mỹ (cho dù “Trăng Trung Quốc” từng có mùa có thời “tròn hơn trăng nước Mỹ”!?). Thơ là văn hóa, là dân tộc. Có dân tộc lớn mạnh, có quốc gia yếu nhỏ, có nước bé nghèo, có văn hóa trẻ; chứ không hề có chuyện dân tộc “hay”, quốc gia “hay”, văn hóa “hay” hơn dân tộc, quốc gia, văn hóa khác! Ấn tượng “hay” thuộc về tâm lý, tình cảm, không bao giờ khách quan. Khi ta yêu một cái gì đó, gắn bó với nó thì cái đó trở thành “hay” với ta, dù có thể “dở” với kẻ khác. Thơ là vậy! Nói gọn: thơ Việt là hay với người Việt; thơ Pháp thì hay với dân Pháp v.v... Tôi khó tin có một người Việt Nam “bình thường”, dẫu am hiểu văn hóa và ngôn ngữ Pháp hệt như dân Pháp, lại cảm thấy thơ Pháp hay hơn thơ Việt. Thơ Pháp đúng là “mạnh và mềm” hơn thơ Việt, “sáng và sang” hơn thơ Việt, vì thế dễ đến với các dân tộc khác hơn thơ Việt. Thơ Mỹ “tươi trẻ” hơn thơ Nga, “lý trí” hơn thơ Nga, “gãy gọn” hơn thơ Nga, cho nên dễ cách tân hơn thơ Nga. Thơ luôn là vậy! Trong Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần I tại Việt Nam hồi đầu năm, qua bài vở, dường như chỉ có tham luận viên N.V. Preiaxlov là chống lại toàn cầu hóa, và ông đã dùng “vũ khí” thơ. (Về tham luận của nhà thơ Nga ấy, tôi không ủng hộ đích của bài nhưng rất thích logic và tính cách Nga trong đó. Theo tôi nghĩ, toàn cầu hóa có thể gây bất lợi nào đó cho các cường quốc như Pháp, Nga; còn với Ấn Độ nước lớn, Việt Nam nước nhỏ nhưng cùng là nước đang phát triển thì “hại bất cập lợi”). Tôi đã nói khá dài và nhiều chỗ có thể chưa chặt chẽ, nay buộc nút: với toàn cầu hóa, các cuộc tranh tài “cá chép vượt vũ môn” trên mọi lĩnh vực đều có thể phải đối mặt cho mọi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Riêng ở sân thơ của đình làng thế giới, sẽ không dễ dàng thiết lập các màu sắc chung cho tất cả lá cờ thơ đã có sắc màu riêng, trong đó có Việt Nam!

Nhân bản hiện đại dựa trên các triết thuyết, tôn giáo, đạo đức, khoa học, công nghệ quan trọng nhất đã làm đổi thay đời sống của nhân loại trong thế kỷ 21. Văn bản nổi tiếng Hiến chương Nhân bản 2000: Lời kêu gọi một Chủ nghĩa nhân bản Toàn hành tinh và Mới có lẽ là tuyên ngôn chính trị chính thống và mới nhất về tư tưởng này? (Khoảng 10 năm trước, dịch giả Nguyễn Ước đã cho ra đời ở Toronto ấn bản tiếng Việt đầu tiên từ toàn văn bản tiếng Anh).

Tôi không biết nhiều về ảnh hưởng của nhân bản hiện đại trong văn chương, nhưng có ấn tượng rằng, nhân bản hiện đại xuất phát từ các phạm vi, lĩnh vực “đại tự sự” nên nó tác động mạnh tới tiểu thuyết, truyện ký, kịch nhiều hơn là với thơ; vì văn xuôi thường coi trọng đề tài, trong khi ở thơ là cách viết. Và cũng vì, trong văn nhiều chủ đề ta-bu vẫn có thể nói “thẳng tưng”, còn thơ mà động đến thánh chiến, bạo loạn, vô luân, môi sinh... nếu không cao tay thì hết thành thơ! Trong ý nghĩa này, tôi thêm hiểu vì sao Giải Nobel văn học năm 1974 khi đã dành cho H. Martinson - chủ nhân của các tác phẩm “có từ giọt sương đến vũ trụ”, nhất là trường ca Aniana (1956) được xem như “lịch sử tượng trưng của loài người đã đánh mất những giá trị tinh thần, và Martinson được gọi là nhà thơ đầu tiên của thời đại vũ trụ” (vi.wikipedia.org). Thật cảm kích và may mắn khi bản tiếng Việt của "một trong những sử thi vĩ đại nhất của thời hiện đại" đang được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (Việt Nam) cùng Bộ Văn hóa Thụy Điển cho hoàn thành, với lời tựa rằng, “Lời cảnh báo của Harry Martinson không thừa. (…) Hành tinh của chúng ta vẫn chưa bị khai tử chính là nhờ những hồi chuông báo động liên tục, kế tiếp nhau không mệt mỏi như thế.” (Hoàng Hưng)

Có điều này tôi luôn áy náy: trong khi chủ nghĩa nhân bản hiện đại thể hiện ưu việt của mình là tiếp tục bảo vệ con người ở kỷ nguyên khoa học mang tinh thần toàn cầu hóa, nhưng lại vô cùng khắc nghiệt trước phong cách phản biện của tư tưởng hậu hiện đại - sản phẩm cụ thể của toàn cầu hóa. Như thế có “đắc nhân tâm” không? Lại nhớ bài Thất bộ thi lưu truyền của Tào Thực thời Tam Quốc: “Cẳng đậu đun hạt đậu/ Hạt đậu khóc hu hu/ Cùng sinh ra một gốc/ Nỡ hại nhau thế ru?”

Vì khuôn khổ của tờ báo, cho tôi nói chỉ trong chủ điểm toàn cầu hóa, chứ không bàn đến câu chuyện muôn thuở về quan hệ tay đôi Tự do và Thi ca. Trong kiềng ba chân ở câu hỏi 1, Tự do là chân ít thay đổi tên gọi nhất, nhưng không vì thế mà không mang các hình hài mới. Biết bao định nghĩa về Tự do, biết bao lời thơ về Tự do mà bài Tự do (Liberté) của P. Éluard gần thế kỷ nay luôn là biểu tượng! Thời gian vật lý và không gian địa lý có định nghĩa lại Tự do không? Có! Chính Toàn cầu hóa đang cho Tự do một dáng vóc khác hẳn. Nội dung cuộc phỏng vấn này cũng có thể hiểu là: Nhà thơ trong thời Toàn cầu hóa dùng đôi cánh Tự do để sáng tạo sao cho Thơ giữ Bản sắc dân tộc mà không mất hút trong không gian khoáng đạt hơn không gian quốc gia gốc gác.

Đôi cánh Tự do của văn nghệ sĩ thường hình thành từ ít nhất hai điều: phong thái của tác giả (Nội lực) và môi trường xã hội, thời đại, chính quyền (Ngoại cảnh). Khác với văn xuôi, chất Tự do của các trang thơ là do nội lực tác giả quyết định. Bởi thế, quan hệ giữa thơ và sự tự do của con người trong bối cảnh toàn cầu hóa không khác nhiều lắm với khi “đèn quốc gia nào quốc gia nấy rạng”.

Hiện nay, thường ở đa số nước khác chỉ có hai thành phần quyết định sinh mệnh thơ đương đại trên nền thi ca quốc gia; đó là thi sĩ và độc giả. Xã hội làm phụ trợ. Nhà nước chủ yếu là cái hầu bao xì mân-nì khi cần. Nền thơ Việt Nam đang có bốn thành phần: nhà thơ, bạn đọc, xã hội (công chúng, tổ chức, hội đoàn…) và nhà nước. Xem ra bốn chân của bàn-thơ-Việt đều là “VIP”! Mà khó có VIP chịu thua VIP nào? Như thế, làm gì cũng phải ngó nghiêng kê chèn sao cho yên bằng với “mặt đất” - cuộc sống toàn cầu hóa với đủ các loại “sóng thần”, “động đất” từ kinh tế cho chí đạo đức. Bởi vậy, 101 vấn đề, hay cũng như dở, xung quanh thơ Việt trong các giai đoạn Hậu chiến, Hậu đổi mới sinh ra từ đó tới nay mà câu hỏi trên là một.

Với các nhà thơ Việt: Còn biết làm gì hơn, giống như lời Lê-nin: Làm thơ, làm thơ nữa, làm thơ mãi! Chỉ sợ nhà thơ hết thơ, khi trang chữ không còn là trang giấy cũ mà nay đã là cả không gian vô hạn của thế giới phẳng. Không có biên giới địa lý, lằn ranh ngôn từ nào cấm cản được thơ, dù - có vẻ nghịch lý - thơ là riêng tư nhất, khó chuyển dịch nhất!

Với bạn đọc thơ: Hãy trở thành đồng tác giả của chúng tôi!

Với xã hội và với nhà nước: Xin dành sang diễn đàn khác. Nhưng tôi không kìm nêu một ý kiến cụ thể vừa phác thảo: Nên chăng Hội Nhà văn Việt Nam (hay là Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Văn Học Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Làng Chùa xã Sơn Công, Trang mạng Thơ Tân hình thức Việt v.v… - miễn là tổ chức, diễn đàn, địa phương nào trong hay ngoài hình chữ S có tâm có tầm với tam giác vàng Thơ Việt - Bản sắc dân tộc Việt - Toàn cầu hóa) tổ chức Hội thảo, đại để, “Vấn đề bản sắc thơ Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa: Thuận và nghịch?”. Các điều trên chưa có gì đáng nói. “Độc” là ở chỗ Hội thảo này mang hình thức như một… cuộc thi! Các tham luận viên tạm không “tung tăng” nữa mà “Thi lệnh như sơn” phải làm đúng dàn bài; ví như: 1. Dẫn giải tiêu chí của riêng mình về bản sắc thơ Việt; 2. Trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức (Tại sao bản sắc thơ Việt thường chỉ bay lượn như sáo diều trên lũy tre làng cánh đồng thôn, kể cả khi ra đến phố thị Bolsa? Nó có cần thiết quá giang máy bay tên lửa trong thế giới phẳng không? Nếu cần thì làm sao? Và nếu không? v.v…); 3. Nêu các câu hỏi cho Ban tổ chức (và chúng có thể trở thành câu hỏi để Ban tổ chức hỏi lại Tham luận viên trong các kỳ sau)? 4. Sau Hội thảo trao giải thưởng cho tham luận đáng đồng tiền bát gạo nhất (Sẵn dịp, làm tiền lệ loại Giải thưởng Phê bình - Nghiên cứu - Lý luận thơ Việt mà nước Nam ta chưa có; bên xứ Ăng-lê có Giải thưởng Job Hatchet dành cho phê bình văn học) 5. Làm Kỷ yếu, dịch ra các thứ tiếng chính (và cả tiếng Thụy Điển) rồi phát hành khắp thế giới phẳng bằng đủ các kiểu phương tiện tiểu ngạch đại luồng; 6. Lập một Hội đồng chuyên môn “thửa” các loại “chuông” từ kết quả của Hội thảo, và cắt cử những gương mặt giọng nói xứng đáng mang đi "đánh xứ người"; 7; v.v…; 8. Lặp lại các Điều 1 - 7 sau vài năm tùy hiệu quả.

Để kết thúc, mời tất cả hãy cùng thay chữ “thơ” vào chữ “văn hóa” trong câu sau: “Ngày nay, do sự suy yếu của các đường biên quốc gia, chúng ta thấy được những nền văn hóa nhỏ bé, thầm lặng, từng bị lãng quên đang hồi sinh và bộc lộ những dấu hiệu sống tích cực trong dàn hòa tấu vĩ đại của một hành tinh đang toàn cầu hóa.” (Mario Vargas Llosa; theo Văn nghệ)

Hoàng Vũ Thuật: Thơ Việt không thể nằm ngoài guồng quay cơn lốc nền công nghệ số hóa và toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa như một cái sân chơi hội đủ các gương mặt văn hóa nhân loại trên một mặt phẳng. Ở đó mỗi dân tộc càng thấy rõ mình là ai, như thế nào. Biết mình, biết người đó là phương cách sống đồng thời cũng là phương cách tiếp thu tinh hoa lẫn nhau giữa các dân tộc. Khi xuất hiện, có mặt trên bản đồ thế giới, mỗi dân tộc đã tự định hình bản sắc. Hệ quả tất yếu, thơ ca mỗi dân tộc cũng mang bản sắc riêng biệt của dân tộc mình. Và mỗi nhà thơ, sáng tác của anh ta cũng ít nhiều khẳng định bản ngã, dấu ấn riêng rồi. Đó là nét đẹp mang tính khu biệt. Thơ Việt không thể nằm ngoài guồng quay cơn lốc nền công nghệ số hóa và toàn cầu hóa. Vì thế, làm sao bản sắc thơ Việt trong bối cảnh ấy khỏi bị xâm thực, gặm mòn và biến dạng? Một nghìn năm Bắc thuộc không đồng hóa nổi đời sống tinh thần con người Việt. Nhưng nếu khư khư ôm lấy những gì của truyền thống mà không chịu mở cửa đón luồng gió mới, thu nhận nguồn dinh dưỡng thơ ca từ bên ngoài thì hậu quả của nó là sự trì trệ, cứng nhắc, rập khuôn và dẫm chân tại chỗ.

Từ lâu thơ ca là phương thuốc linh diệu ràng rịt mọi vết thương và nuôi dưỡng đời sống tinh thần con người. Thơ như tấm gương chung để nhân loại soi và thấy mình trong đó. Chúng ta có thể đến với nhau, hiểu nhau, gần gũi nhau hơn nhờ sức mạnh của thơ. Song, cùng với sự phát triển của thành tựu khoa học và công nghệ, thơ ca hiện đại không thể đắm mình trong tiếng du dương êm ái quen thuộc một thời. Hạnh phúc ngày nay đâu còn: Bên chàng đọc sách, bên nàng quay tơnữa. Cái ác bây giờ cũng đã nằm ngoài giới hạn. Tôi gặp ở Mỹ, Nga, châu Âu những con chim không biết sợ hãi khi con người đến gần nó. Tôi từng đưa mẩu bánh cho một chú sóc dưới chân tượng Nữ thần Tự do, như đưa cho một em bé. Nếu như chúng ta bắt đầu từ hôm nay thực hiện một chính sách thân thiện, liệu một trăm năm sau những con chim ở Việt Nam có thể gần gũi được với con người như vậy. Nhân bản hiện đại trong thơ như một hối thúc tâm thức sáng tạo ở mỗi nhà thơ?

Toàn cầu hóa diễn ra toàn bộ trên các lĩnh vực của đời sống, nó tác động mạnh mẽ, rõ rệt đối với văn hóa nói chung và thơ nói riêng. Nhà thơ được tự do hơn trong quyền tiếp nhận và thử nghiệm những trào lưu thi ca. Quyền tự do của con người là tối thượng. Khi quyền tự do con người bị xâm phạm thơ ca phải lên tiếng. Sự dũng cảm của nhà thơ biểu hiện đầu ngọn bút. Nhà thơ ăn theo, nói leo thể hiện sự hèn yếu của mình trước biến động của xã hội. Thơ có mặt và đụng chạm mọi vấn đề nóng bỏng, nổi cộm trong đời sống. Nếu thơ bị áp lực, thiếu đi sự tự do và dũng cảm, thơ có thể bị diệt vong.

Thơ Việt không thể đứng yên. Tôi vốn không thích những người ngủ quên hoặc đứng yên. Cái lằn ranh mà ta gọi đó rất mơ hồ. Anh hãy bước đi, không nên đắn đo phía trước. Nhiều khi tôi ra khỏi nhà mà không biết mình đi đâu, nhưng rồi tôi vẫn thấy không có cuộc ra đi, hay nói cách khác sự thoát ra khỏi mình là vô bổ. Khi tôi viết cũng vậy, không đắn đo trước một vấn đề có rào chắn nào đó. Sáng tạo là tự do. Cái mà ta gọi là phương hướng sáng tác hiện nay do một tổ chức, hay một bộ phận nào đó cài đặt, chính là sự khuôn phép trong sáng tạo. Thơ không có khuôn phép nào cả. Thơ là con người với tất cả thân phận của nó, đấy cũng là thân phận cả một dân tộc thông qua cảm xúc và tư duy của một cá thể.

Khế Iêm: Toàn cầu hóa là một cơ hội tốt cho thơ Việt vươn vai, lớn dậy

Trước hết, chúng ta cần đặt câu hỏi, trong bối cảnh thế giới giống như một ngôi làng, chuyện gì sẽ xảy ra khi có sự va chạm giữa hai nền văn hóa khác biệt? Và khi có sự va chạm, thái độ của chúng ta sẽ như thế nào?

Trường hợp của cộng đồng di dân Việt, khi mới đến Mỹ, những người Việt đầu tiên được đưa đi sinh sống rải rác khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn, bằng mọi cách, họ tìm về sống tụ hợp với nhau nơi những địa danh như Quận Cam (Orange County), San Jose thuộc California, Houston thuộc Taxas … nơi đây, họ hình thành một cộng đồng nói tiếng Việt, nhà hàng Việt, chợ Việt, báo chí Việt, những sinh hoạt ca nhạc, hội thảo văn hóa cuối tuần và mở những lớp dạy Việt ngữ cho những thế hệ thứ hai để họ khỏi quên tiếng Việt… Điều này cũng không lạ vì văn hóa là một strange attractor (điểm quyến rũ kỳ lạ) hay yếu tố trật tự, theo lý thuyết hỗn mang (Chaos Theory), lôi cuốn những người cùng một nền văn hóa xích gần lại với nhau. Chúng ta thấy, bất cứ cộng đồng di dân nào cũng vậy, họ quây quần thành những cộng đồng như những sắc dân da đen, Trung Hoa, Nhật, Việt nam, Lào, Đại Hàn… Họ sống thu lại, phản ứng với văn hóa dòng chính, bảo tồn bản sắc văn hóa của riêng mình. Khi sống chung với nhau, phát sinh những tiêu cực, họ lại có khuynh hướng sống xa nhau ra, nhưng cũng không quá xa, giống “như một bầy chim tác động hỗn loạn, vô trật tự (phản hồi tích cực) khi bay khỏi tàn cây, cố không đụng vào nhau trong lúc khởi đầu, kết quả là chu trình phản hồi tiêu cực hình thành và bất thình lình bầy chim bay theo những dạng thức rất trật tự, bởi những cánh chim có khuynh hướng bay lại gần nhau nhưng sẽ tự động rời xa, điều chỉnh khoảng cách khi quá gần. Sự hỗn loạn xảy ra ngay trong những cánh chim bay, vì lúc nào cũng có những yếu tố tình cờ như sức gió, độ cao, hay những xáo động của từng cánh chim tác động lên nhau, kết quả là dạng thức bay của bầy chim, không lúc nào giống lúc nào, nhưng trông rất đều đặn nhịp nhàng”. Đó là hình ảnh của những người Việt thuộc lớp di dân thứ nhất. Khi xa cách quê hương, họ có tâm lý tìm lại những gì đã mất, hình thành khuynh hướng bảo tồn văn hóa mạnh mẽ, ít quan tâm và khó hội nhập với nền văn hóa mới vì những khác biệt ngôn ngữ.

Những thế hệ thứ hai, nay đã trưởng thành, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, họ không đủ tiếng Việt để đọc thơ văn Việt, thế là văn học hải ngọai rơi vào bế tắc. Nhưng nếu chúng ta học hỏi kỹ năng của nền văn học bản địa, ở đây là văn học Mỹ, thay đổi cách sáng tác để dễ dàng trong việc dịch thuật, chúng ta có thể tiếp cận được với thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba, đồng thời lại có thêm số người đọc khác ngôn ngữ và văn hóa, chẳng phải chỉ là người đọc Mỹ, mà còn những người đọc từ những cộng đồng các sắc dân khác. Đây là trường hợp thơ tân hình thức Việt.

Một thí dụ khác là những thế hệ thứ hai như đạo diễn người Mỹ gốc Việt, Tony Bùi (phim Mùa len trâu) Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh), Dustin Nguyễn… và hàng loạt những đạo diễn người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi khác, học hỏi những kỹ thuật điện ảnh phương Tây quay về nước sản xuất những cuốn phim được đánh giá cao trong các liên hoan phim quốc tế. Chắc hẳn, không phải vì thương mại, mà có lẽ là niềm say mê điện ảnh cùng với những khao khát tìm về với văn hóa gốc. Một cách tự nhiên, họ là những người đầu tiên giới thiệu với thế giới nền văn hóa Việt, qua một phương tiện được đào tạo ở các nước phương Tây. Trong lĩnh vực thơ, chúng tôi cũng có được sự tiếp tay của một số bạn trẻ có khả năng của cả hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để làm công việc dịch thuật.

Đối với thơ, toàn cầu hóa có nghĩa là sự giao lưu giữa các nền thơ trong thời đại đa văn hóa, qua đó chúng ta có thể học hỏi và làm giàu cho thơ Việt. Ở đây cũng giống như câu hỏi thứ nhất, chúng ta có hai trường hợp:

a/ Những nhà thơ tiếp tục sáng tác, cô đọng ngôn ngữ, đào sâu vào những giá trị văn hóa mà chỉ người đọc Việt mới có thể thưởng ngoạn.

b/ Tìm kiếm cái hay mới và thay đổi cách sáng tác để dễ dàng chuyển dịch, đưa thơ Việt thóat khỏi những trở ngại ngôn ngữ, đến được với những người đọc khác văn hóa.

Trong hai trường hợp trên, thơ Việt ở cả trong lẫn ngoài nước, vẫn tiếp tục sáng tác chủ yếu cho người đọc Việt, chứ chưa có nhu cầu giao lưu với những nhà thơ và người đọc nước ngòai. Dĩ nhiên chúng ta cần có những sáng tác giá trị ở cả hai trường hợp để phát triển thơ Việt, vì tùy theo thiên hướng của mỗi nhà thơ. Đối với trường hợp thứ hai, chắc phải chờ cho tới khi tác động toàn cầu hóa làm thay đổi những cảm quan văn hóa, lúc đó, chúng ta mới có nhu cầu chuyển đổi, và như thế, có thể cần tới chiều dài một thế hệ nữa không chừng.

Nhưng ngay lúc này, chúng ta cũng nên sửa soạn sẵn những bước đi tiếp nối cho những thế hệ sau. Ở đây tôi xin nói thêm vài kinh nghiệm về dịch thuật và xuất bản thơ song ngữ Anh Việt. Sống trong một thời đại đa văn hóa, hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều sắc dân, tôi tự hỏi, phải chăng thơ có khả năng và tiềm năng tạo sự thông cảm giữa nhiều chủng tộc? Và điều đó đã thúc đẩy tôi làm cuộc trắc nghiệm, đưa thơ Việt đến với những người đọc mới. Nhưng thơ dịch, từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác ở bất cứ nền văn hóa nào đã thất bại, chỉ được coi như một tài liệu tham khảo. Để khắc phục, theo tôi, dịch là chuyển phong cách, nhạc tính và văn hóa một bài thơ từ ngôn ngữ này đến một ngôn ngữ khác. Và như thế thơ phải thay đổi cách sáng tác làm sao để công việc chuyển dịch dễ dàng, giữ nguyên vẹn được nhạc tính của thơ.

Đến đây, trong chúng ta chắc ai cũng biết, những tiểu thuyết nổi tiếng ngoại quốc khi dịch ra tiếng Việt đã được đón nhận nồng nhiệt của nhiều tầng lớp người đọc Việt bình thường. Sở dĩ như vậy, vì người dịch là những nhà văn Việt Nam, họ nắm được cái hồn của ngôn ngữ Việt, nên khi làm công việc chuyển dịch, tác phẩm có được văn phong tự nhiên của văn chương Việt. Theo Marilyn Gaddis Rose, “ngôn ngữ được dịch ra thông thường là ngôn ngữ bản địa của người dịch.” Có nghĩa là, nếu dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cần người dịch là một nhà thơ Anh hay Mỹ. Bởi vì văn chương cần ngôn ngữ tự nhiên của tiếng mẹ đẻ để có thể chuyển được cái sâu thẳm của tâm hồn con người và âm thanh tinh tế của ngôn ngữ. Trong điều kiện khó tìm được một dịch giả Mỹ am hiểu rành rẽ tiếng Việt để dịch thơ Việt qua tiếng Anh, chúng ta cần chọn những dịch giả Việt sinh ở Mỹ hoặc tới Mỹ từ khoảng 10 tuổi trở lại, mà tiếng Anh của họ còn tự nhiên và gần gũi với tiếng Anh người bản địa. Hy vọng rằng thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt hải ngọai sẽ là nơi cung cấp những dịch giả cho văn học Việt và thơ Việt.

Thơ song ngữ tân hình thức Việt có mục đích đưa thơ tới những người đọc bao gồm những nhà thơ, những sinh viên ban văn học và những người đọc Mỹ bình thường, vì nếu chỉ dịch ra để giới thiệu với những nhà nghiên cứu văn học thì đó là những tài liệu chứ chưa thể gọi là tác phẩm, và như thế không có giá trị giao lưu văn học. Theo đúng tiêu chuẩn sáng tác và dịch thuật như vậy, từ năm 2006, chúng tôi đã xuất bản được 3 tập thơ song ngữ gồm 2 tuyển tập và một tập thơ cá nhân. Chúng tôi đang tiến hành thêm 3 tập thơ cá nhân và một tuyển tập song ngữ nữa. Những tác phẩm xuất bản chúng tôi gửi tới những thư viện Mỹ, những cơ sở và tạp chí thơ Mỹ và tới những bạn thơ và sinh viên ban văn học Mỹ. Chúng tôi cũng xuất bản theo dạng điện tử, kindle, qua hệ thống sách Mỹ www.amazon.com.

Sau này, tôi nhận ra, thơ tự do cũng cần thay đổi cách sáng tác nếu muốn chuyển dịch. Lý do là, thơ tự do Mỹ, thay thế thể thơ bằng cấu trúc thơ (hoặc hình thức trên trang giấy), và thay cái hay qua nhạc tính bằng cái hay trong phân tích để tìm ra ý nghĩa thơ. Nhưng phân tích không phải là đặc tính của thơ Việt. Vì vậy, thơ tự do Việt cần tạo ra một cấu trúc mới và ý tưởng liên lạc để người đọc có thể hiểu, trước khi cảm nhận được thơ.

Thơ Mỹ, sau hai phong trào tiền phong Thơ ngôn ngữ và Thơ tân hình thức ở những thập niên 80, 90 cuối thế kỷ 20, không còn bất cứ một phong trào tiền phong nào nữa. Thơ trở nên bão hòa với thơ thể luật (có vần và không vần) và thơ tự do. Với những nhà thơ tự do, họ thực hành qua những phong cách đã được khai phá từ những nhà thơ hiện đại, và những phong trào tiền phong nửa sau thế kỷ 20. Thơ không có những phong cách mới. Những gì khai thác đã khai thác hết, và những nhà thơ đi lại từ đầu. Thơ trải rộng, qui tụ từng nhóm nhỏ, sinh họat qua nhiều hình thức, đặc biệt là trên những diễn đàn thơ. Tuy không còn những phong trào tiền phong, nhưng nhiệt tình về thơ vẫn sôi sục không kém, số lượng người làm thơ nhiều hơn, những sáng tác của từng nhà thơ cũng nhiều hơn, nhờ những chia sẻ và góp ý nhanh chóng qua phương tiện Internet. Vấn đề là, không còn những tên tuổi nổi bật như thời hiện đại và hậu hiện đại, những nhà thơ William Carlos Williams, Allen Ginsberg chẳng hạn… thơ được định giá thường qua những giải thưởng thơ. Nhưng giải thưởng chỉ có giá trị tương đối, vì không thiếu những nhà thơ hay, không dự tranh. Khi không còn những xáo động bên ngoài, thiếu vắng phê bình và tranh luận, những nhà thơ để tâm tới thực hành và thơ trở thành một nhu cầu và là nơi trú ẩn cho mỗi con người trước một thế giới đầy biến động và bạo động.

Tôi cho rằng, thơ có vô số khả thể, và tự nó, đang có những thay đổi diện mạo, khác với thời hiện đại và hậu hiện đại, trở thành nhân tố tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa những chủng tộc, những sắc dân. Một lần nữa, thơ xoay mặt ra với thế giới bên ngoài, đóng vai trò nối kết giữa nội tâm và ngoại giới, giữa con người và con người, như nhà thơ Frederick Turner, qua Thơ Khác, ghi nhận, “Có lẽ ý tưởng xưa về nền “cộng hòa văn chương” có thể nổi lên lần nữa trong thời đại nơi tất cả đều nhận ra tính nhân bản chung của chúng ta và tìm kiếm cho văn học nghệ thuật một nền tảng đúng hơn, vì sự đồng cảm hơn là hệ tư tưởng.” Thuật ngữ “nền cộng hòa văn chương” thường dùng chỉ những cộng đồng trí thức cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18 ở Âu châu và Mỹ. Họ luân lưu những lá thư viết tay, trao đổi những bản văn hoặc những tập sách mỏng đã xuất bản, mở rộng sự nối kết, trải dài qua những biên giới quốc gia nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.

Tôi hy vọng thơ Việt sẽ tiếp tục có những tập thơ được chuyển dịch và đón nhận từ người đọc ở bất cứ một ngôn ngữ nào khác, chỉ với những điều kiện căn bản như chúng tôi đã nêu trên, theo cách “làm sao thơ được chuyển dịch từ ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác và người đọc khác chủng tộc và văn hóa vẫn tiếp nhận và cảm nhận như một lọai thơ sáng tác”. Như vậy theo tôi, toàn cầu hóa là một cơ hội tốt cho thơ Việt vươn vai, lớn dậy, ra ngoài biên giới một quốc gia, đến với một thế giới rộn lớn hơn. Thơ, nói cho cùng, luôn luôn đứng ở vị thế khiêm tốn là đời sống, lặng lẽ, không ồn ào nhưng đầy bản lĩnh, là một phương tiện ngắn gọn, cô đọng, mũi nhọn của mọi nền văn hóa.

Có điều, “đem chuông đi đánh xứ người” không phải dễ. Chúng ta cần những tác phẩm có chất lượng cao, về tư tưởng và nghệ thuật thơ. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các bạn trẻ sẽ tham gia tích cực vào công việc sáng tác thơ tân hình thức Việt, vì càng có nhiều sáng tác mới, khả năng tuyển chọn được những bài thơ hay càng cao. Trong thời đại Internet, những thay đổi nhanh đến chóng mặt, trong khi sáng tác thơ đòi hỏi thời gian trầm tư, tùy thuộc vào tài năng và sự kiên nhẫn, nên chúng ta cần bắt đầu ngay từ bây giờ để bất cứ khi nào cũng có sẵn những tác phẩm cho việc dịch thuật và xuất bản. Trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị cho một tuyển tập song ngữ thơ tân hình thức, rất mong sự hưởng ứng của những nhà thơ trẻ.

Ngô Hương Giang
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP