Kinh tế Việt Nam: Nếu không thay đổi, vốn vào Việt Nam sẽ còn giảm nữa

4/6/130 nhận xét

Tài chính marketing - Tại sao ngày càng ít nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam? Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nguồn vốn này?

Những câu hỏi, sự băn khoăn của các đại biểu quốc tế nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF 2013) vừa tổ chức tại Hà Nội sáng 3/6. Đây là hình thức mới lần đầu tiên được tổ chức của Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) trước đây.

Không thay đổi sẽ còn tệ hơn

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, ông Brian O'Reilly, nêu câu hỏi: Tại sao ngày càng ít nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam? Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nguồn vốn này?

Theo ông Brian O'Reilly, các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar giờ đã nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, vốn FDI toàn cầu đã tăng lên trong vài năm qua.

‘Nếu Việt Nam không tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thì nguồn FDI có thể tiếp tục giảm’ ông Brian O'Reilly nói.

Ở góc độ trong nước, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận sự cố gắng của Chính phủ.

Cụ thể, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu như việc trình Quốc hội giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện giảm lãi suất tín dụng và bố trí 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản; điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu và thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia..., song Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với Chính phủ.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt, song không bền vững.

Theo ông Lộc, những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua “chủ yếu đến từ những vấn đề nội tại”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: “Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn”. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẩn thiết: ‘vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đầu tư trong nước chưa cao, tồn kho cao, khả năng cạnh tranh thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn lớn... Các khó khăn thách thức còn ở phía trước. Chính phủ cần sự ủng hộ của doanh nghiệp trong tiến trình cải cách’.

Cần thiết lập sân chơi bình đẳng

Ông Mark Gillin- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Khuyến nghị về khối doanh nghiệp này nằm vị trí đầu tiên trong 4 bài học khuyến nghị đối với Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh công cuộc “Đổi mới 2” của Việt Nam.

Theo đó, Mark Gillin cho rằng, cần thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân này phát triển. AmCham không mong muốn doanh nghiệp tư nhân kém hơn các khối doanh nghiệp khác.

Ông Mark Gillin nhấn mạnh, đã đến lúc Việt nam phải tiến lên với những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. ‘Hiện tại, còn quá nhiều cải cách cơ bản chưa được thực hiện hóa vì thế nền kinh tế đang phải gánh chịu’, ông Mark Gillin nói.

“Việt Nam cần có những hành động sau khi thảo luận quá lâu, thay đổi tích cực và cải cách sẽ mang lại niềm tin. Với vòng quay đổi mới sau đổi mới 2 sẽ mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp tư nhân. Đổi mới sẽ mang lại sức sống mới cho Việt Nam” - ông Mark Gillin chia sẻ.

Đại diện cho các nhà nhà đầu tư nước ngoài, ông Kim Jung In, Chủ tịch Korcham (Phòng Thương mại Hàn Quốc) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục xúc tiến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với những biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, vì nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần của DNNN, nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập.

Đại diện Korcham phát biểu: “Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiến hành tái cơ cấu ngành ngân hàng theo lộ trình, để tránh việc các ngân hàng thương mại trong nước rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tái cơ cấu DNNN và ngành ngân hàng phải được đồng thời thực hiện”.

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến chính đáng, xây dựng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đã và đang triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức.

Trên tinh thần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện có kết quả.

‘Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng của các doanh nghiệp để tiếp tục có chính sách và giải pháp phù hợp’ phó Thủ tướng nói.

Bích Ngọc - Đatviet (Tổng hợp VOV, SGTT, SGGP)

Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP