Thất nghiệp ở Việt Nam: Có thể so sánh với Hy Lạp?

5/5/130 nhận xét

[Học marketing] “Các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam” - chuyên gia phản biện Lê Đăng Doanh nhận định có vẻ chua chát.

Lại chuyện số liệu

Gần cuối tháng 4/2013, Tổng cục Thống kê mới công bố các số liệu về tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.

Theo đó, số người thiếu việc làm tính tới đầu năm 2013 là 1,32 triệu người, chỉ tăng 70.000 người so với cùng kỳ năm 2012. Là nơi được xem có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước, TP.HCM cũng chỉ có khoảng 3,2% số lao động không có việc làm, trong khi tại Hà Nội tỷ lệ này thấp hơn nhiều - 1,92%, còn các vùng khác từ 1-2%.

Một con số khác của Tổng cục Thống kê - số người thất nghiệp chính thức vào thời điểm quý 4/2012 là 857.000 người.

Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012: hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc…; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!”.

Thất nghiệp nhiều quá!

Quả thật, trong thời gian gần đây, báo chí trong nước đã đồng loạt phản ánh thực trạng không thể phủ nhận về “Thất nghiệp nhiều quá!”, không chỉ tập trung vào lực lượng lao động phổ thông và công nhân có tay nghề thấp, mà ngay cả một số người có bằng thạc sỹ cũng phải tìm kế sinh nhai với những công việc không tương xứng như bán nước, quán ăn, hoặc những việc khác hoàn toàn trái ngành đào tạo.

Còn nhớ vào đầu năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cũng đã tổ chức một hội nghị công bố về số liệu thất nghiệp và giải quyết việc làm mới. Theo đó, năm con Rồng đã thật sự đánh dấu hình ảnh “cất cánh” của ngành lao động khi tỷ lệ thất nghiệp được kìm nén chỉ ở mức 1,99%.
Theo thành tích trên, điều luôn được các cơ quan hành chính luôn coi là thành tích chắc chắn đã “vươn lên một tầm cao mới”: tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%.

Nhưng như bình luận đầy hàm ý của một tờ báo trong nước, thực trạng thất nghiệp theo báo cáo của cơ quan chức năng Việt Nam sẽ không sai nếu “chỉ xét về mặt số liệu”.
Còn về mặt “phi số liệu” thì sao?

VnExpress - một trong những tờ báo điện tử ở Việt Nam, đã tiến hành một cuộc “trưng cầu dân ý” vào thời điểm cuối năm 2012 với chủ đề “Nỗi lo lớn nhất hiện nay của bạn là gì?”. Kết quả là có đến 32,2% số người được hỏi chọn nỗi lo mất việc, giảm lương, vượt qua cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm phát hay bệnh tật ốm đau.

Việc công bố những số liệu của những cơ quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê lại diễn ra trong bối cảnh mà lần đầu tiên từ trước tới nay, Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định con số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản trong hai năm qua đã lên đến 100.000.

Hoàn toàn trái ngược, vào cuối năm “rồng cất cánh”, một thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM lại nêu ra những dẫn chứng có tính thực tiễn cao: nhu cầu lao động ngành dệt may, da giày trong quý 4/2012 giảm đến 43% so với quý 3 cùng năm và giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước đó. Dệt may và da giày cũng là một trong 5 nhóm ngành tuyển dụng ít nhất ở quý cuối cùng của năm 2012.

Bầu không khí của Tết Nguyên đán 2013, khác hẳn thời kỳ 2007-2010 thể hiện rõ điều đó: Thay cho thông lệ ồ ạt tuyển dụng lao động thời vụ dịp gần Tết để đẩy mạnh sản xuất, hoàn tất đơn hàng, nhiều công ty lại ngưng tuyển dụng, thậm chí còn giảm bớt nhân lực.

Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và thương cảm của công nhân phải nghỉ việc và sinh viên phải bỏ học đã xảy ra từ Bắc chí Nam.

Hy Lạp?

Ông Lê Đăng Doanh - một chuyên gia có nội hàm phản biện, nhận định có vẻ chua chát: “Số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế. Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm, nhưng để chỉ ra những việc làm ấy ở đâu thì rất khó. Trong khi đó, các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam”.

Một cách hiển nhiên, vòng quay vốn phản ánh sắc nét sự trì trệ của nền kinh tế. Liên tiếp trong hai năm 2011-2012, vòng quay vốn chỉ đạt 0,8 lần, giảm sút đến hơn phân nửa so với hơn hai lần của những năm trước.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân diễn ra đầu tháng 4 tại Nha Trang, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tính toán rằng các doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 450.000), đều phải giảm công suất ít nhất 30%. Đặt qua một bên con số 2,8 triệu cán bộ, công chức mà như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phải lên tiếng rằng 30% “không làm việc”, có thể cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức tương ứng 30%.

Con số này còn cao hơn cả Hy Lạp, quốc gia vừa phải thông qua luật cải cách để có thể nhận được gói cứu trợ từ EU và IMF, tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Theo con số mới công bố của cơ quan thống kê EU (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 17 quốc gia trong khối đã chạm mức kỷ lục 12,1%. Đứng đầu trong số đó là Hy Lạp với 27,2%. Nên nhớ, nền kinh tế Mỹ đứng đầu về sản lượng và đang phục hồi mạnh mẽ cũng phải mất tới 4 năm mới giảm được tỷ lệ thất nghiệp từ 10% vào năm 2009 xuống 7,6% hiện nay.

Theo Viết Lê Quân - nguồn: songmoi
Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP