Kinh tế VN: Cần chọn con đường riêng của mình

25/7/120 nhận xét

[Tài chính marketing] Tôi sẽ không gọi Việt Nam là “Trung Quốc thứ hai”. Nhưng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ có những thành công vượt trội trong thời gian tới, vấn đề là cần có những quyết định đúng đắn về chiến lược phát triển.

Giáo sư Douglas Coulter, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, Đại học Bắc Kinh và Đại học Mátxcơva, là chuyên gia tư vấn và giảng dạy hàng đầu thế giới về chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.

Vào đầu tháng 8 tới đây, Giáo sư sẽ tới Việt Nam và tham dự Hội thảo CEO Summit 2012, với chủ đề "Tái cấu trúc doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và Thực tiễn áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam" do Vietnam Report kết hợp cùng VietNamNet tổ chức. Trong vai trò là diễn giả chính của Hội thảo, Giáo sư hi vọng sẽ cùng các doanh nghiệp Việt chia sẻ những hiểu biết của mình về tái cấu trúc thông qua các trường hợp điển hình trên thế giới, từ đó rút ra một số bài học thiết yếu cho quá trình tái cấu trúc.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Giáo sư.

1. Đã từng tới Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh, Giáo sư cảm nhận ra sao về lần trở lại Việt Nam này?

Tôi rất có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, và thật vinh dự khi được trở lại đây. Từng không may mắn tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, phần lớn chúng tôi đều cảm thấy rất có lỗi vì những hậu quả đã gây ra cho Việt Nam. Chiến tranh là một bi kịch, trước hết cho Việt Nam, nhưng cũng cho cả Mỹ. Cuộc chiến đã ảnh hưởng khá lớn tới Mỹ và làm thay đổi Mỹ cho tới tận ngày nay, theo chiều hướng tiêu cực.

2. Một vài người thường so sánh Việt Nam như "Trung Quốc thứ hai". Theo Giáo sư, sự lựa chọn nào sẽ tốt hơn cho Việt Nam: đi theo con đường hoạch định chiến lược phát triển như Trung Quốc hay lựa chọn con đường của riêng mình?

Việt Nam không thể bắt chước theo Trung Quốc, bởi quy mô dân số của Trung Quốc lớn hơn nhiều, và thực trạng kinh tế Việt Nam và Trung Quốc cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa: dầu, gạo, cà phê, thủy sản. Còn Trung Quốc thì không. Việt Nam không thể phát triển kinh tế theo hướng đi của Trung Quốc, mà Việt Nam phải xây dựng một chiến lược phát triển của riêng mình.

Ngoài xuất khẩu hàng hóa, tôi nhận thấy mô hình kinh tế Việt Nam khá giống Đài Loan, hoặc Hàn Quốc hay Nhật Bản, cũng phát triển về lĩnh vực công nghệ cao, và chú trọng vào công nghiệp nặng. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trong việc tìm kiếm "ngách" riêng của mình, có thể học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc phát triển lĩnh vực gia công phần mềm. Chất lượng quản trị của Việt Nam sẽ quyết định khả năng tìm ra "ngách phát triển" riêng và nên phát triển nó ra sao.

Tôi sẽ không gọi Việt Nam là "Trung Quốc thứ hai". Nhưng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ có những thành công vượt trội trong thời gian tới, vấn đề là cần có những quyết định đúng đắn về chiến lược phát triển.

3. Có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và tư vấn về quản trị doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, theo Giáo sư điểm khác biệt chính trong quản trị doanh nghiệp tại các quốc gia này là gì? Loại hình quản trị doanh nghiệp nào sẽ thích hợp với tình hình Việt Nam hiện nay?

Tại Nga, quản trị doanh nghiệp có đặc điểm tập trung hóa cao trong tay cổ đông lớn và thiếu minh bạch, với 3/5 số công ty cổ phần hiện đang hoạt động được hình thành sau quá trình cổ phần hóa DNNN vào những năm 1990. Cổ đông nội bộ chiếm tới 65% cổ phần và lợi ích của cổ đông thiểu số ít được bảo đảm. Các báo cáo tài chính của các công ty Nga thường thiếu tính minh bạch, điều này có liên quan tới tư duy giữ bí mật trong kinh doanh tại Nga - một "truyền thống" khó xóa bỏ trong một sớm, một chiều.

Tại Trung Quốc, do giá cổ phiếu của một công ty hoạt động kém có thể tăng mạnh như giá cổ phiếu của các công ty hoạt động tốt, các nhà quản lý doanh nghiệp không bị áp lực bởi diễn biến thị trường theo hướng kích thích họ cải thiện tình hình quản trị doanh nghiệp. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy ít áp lực hơn về việc cải thiện trị quản trị doanh nghiệp không phải vì họ không biết cách làm, mà bởi họ nhận định nó không quá cần thiết trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài. Khi bạn đã dự trữ được nhiều tiền, bạn không cần phải trấn an nhà đầu tư nào cả. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi quá trình phát triển nhân tài theo cách quản lý của các công ty đa quốc gia Phương Tây. Sẽ hình thành nhiều phòng ban trong doanh nghiệp với một số giám đốc độc lập, và sẽ có sự cạnh tranh giữa thế hệ tân tiến và những lãnh đạo có tư tưởng cũ.


4. Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản. Theo Giáo sư, doanh nghiệp Việt nên áp dụng chiến lược kinh doanh nào tốt nhất trong thời gian tới? Giáo sư nhận định ra sao về vấn đề quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế?

Diễn biến kinh Việt Nam gần đây không mấy thuận lợi. Bất ổn định kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại tạo ra môi trường kinh doanh khó khăn. Bên cạnh đó, còn là sự phân bổ thiếu cân đối về nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước, và do vậy gây ảnh hưởng không nhỏ tới khối doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nhóm tập đoàn kinh tế lớn và lượng tín dụng cấp cho nhóm này, hơn là dựa vào cải cách và sáng tạo. Nhưng, bạn biết đấy, nhóm doanh nghiệp tư nhân mới là động lực chính thúc đẩy sự đi lên của kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam không có những tập đoàn đủ lớn cả về vốn, quản trị theo chuẩn mực quốc tế để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào tìm kiếm thị trường "ngách" tiềm năng, thân thiện hơn với khách hàng, đặc biệt quan tâm tới dịch vụ giá trị khách hàng. Có thể lấy Haier của Trung Quốc làm ví dụ. Khi Haier quyết định mở rộng thị phần hoạt động ra nước ngoài, thay vì lựa chọn khối thị trường chưa phát triển như vùng Trung Đông, họ chấp nhận cạnh tranh trực tiếp tại khu vực Mỹ và Châu Âu- những nơi buộc họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng rất cao, và Haier đã chọn cung ứng sản phẩm riêng biệt ít được phân phối trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú tâm vào vấn đề quản trị. Bạn không thể sản xuất các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao mà không có quy trình quản lý chất lượng cao tương ứng. Quản trị tốt nên được chú trọng nhiều hơn, thậm chí hơn cả quá trình sản xuất hay marketing.

5. Có những lo ngại về, "lợi ích nhóm" là một trong những trở ngại lớn của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Theo ông làm thế nào để vượt qua lợi ích nhóm tiêu cực?

Lợi ích nhóm bắt nguồn từ việc cổ phần của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước rất lớn, thường ở mức 39% ngay cả sau khi đã thực hiện cổ phần hóa. Doanh nghiệp nhà nước thường được đặt dưới sự quản lý của các bộ ban ngành khác nhau. Việc phân chia trách nhiệm sở hữu và nghĩa vụ điều hành không rõ ràng, "một cổ" mà có tới "hai ba tròng". Giải pháp là Việt Nam nên xem xét cho phép nhiều nhà đầu tư chiến lược bên ngoài tham gia vào doanh nghiệp nhà nước. Nhà đầu tư bên ngoài phải có tiếng nói, quyền giám sát, kiểm tra và tác động tới quản lý của DNNN sau cổ phần hóa. Việt Nam nên cân nhắc về tự do hóa việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước. Động thái này có thể khiến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện tốt hơn so với doanh nghiệp tư nhân trong nước thuần túy.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!
Theo VeF - Ngô Nga
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP