Đề án giải cứu DN: Nói thì chưa tin được

26/7/120 nhận xét

[Tài chính marketing] Bộ Công thương đang đưa đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp". Tuy nhiên, để thiết thực, doanh nghiệp (DN) cho rằng chính sách của Nhà nước cần đi đúng chỗ và thực thi quyết liệt hơn chứ mới chỉ nói thì chưa tin được.

Nghe nhưng chưa thấy

Điệp khúc DN chịu lãi suất cao, thu hẹp sản xuất, phá sản, hàng tồn kho đã quá quen thuộc. Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ được công bố, tuy nhiên cộng đồng DN vẫn cho rằng chỉ nghe chứ chưa thấy.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng: Các thông tư, chỉ đạo của thống đốc về vốn vay thì có nhưng hiện nay ngân hàng mức chỉ ở giai đoạn xem xét, đàm phán chứ chư thực hiện đồng bộ, giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp.

Trong khi đó ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cần Thơ nêu quan điểm: "DN có lợi nhuận cao đến mấy cũng không đủ lãi để trả lãi cho ngân hàng. Để giải quyết tình trạng này Chính phủ và NHNN cần phải thay đổi và điều chỉnh, nếu không có biện pháp thì vỡ nợ xảy ra. Nhiều DN mất cân đối, hoạch toán không đúng thì ngân hàng không cho vay. Lãi suất đề ra như vậy nhưng cũng cần có liên tịch và kiểm tra những đầu mối ngân hàng ở TƯ. Đến nay vẫn chưa tìm thấy sự nhất quán giữa NHNN và ngân hàng thương mại nên doanh nghiệp mong vốn cũng chỉ biết nghe các lời hứa từ trên".

Chủ trương của Bộ Công thương là tập hợp nhiều ý kiến của các DN để hoàn thiện đề án trình Chính phủ và đẩy nhanh tiến độ thực thi. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì việc phát triển thị trường trong nước mấu chốt là việc tìm cơ chế để hàng hóa giao lưu. Hầu hết DN cho rằng nên thành lập một tổ công tác chuyên trách ở cấp Bộ để tìm sự liên kết giải quyết giữa nhiều Bộ với nhau bởi tiếng nói của sở không thể đến với các bộ khác.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho biết: "Khả năng thực hiện kinh tế năm 2012, nhiều khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đương đầu, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, phá sản, hàng tồn kho. Bình quân hàng tồn kho 6-2012 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tiếp cận vốn, lãi suất, đầu vào tăng... tất cả mọi điều này liên quan đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Đi cùng doanh nghiệp tới đâu?

Trong khi các DN đang uể oải với tình hình kinh doanh sụt giảm thì sức ép cạnh tranh từ các DN nước ngoài luôn là nỗi ám ảnh. Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng các cơ chế chính sách của nhà nước tác động vào thị trường chưa đủ liều lượng để tăng sức đề kháng trước cạnh tranh. Hàng rào kỹ thuật xây dựng vẫn chưa đủ mạnh để tạo nên một lợi thế nhất định cho các DN nội.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Hoa Sen lo ngại: "Một trong những mối hiểm họa lớn nhất cho việc cạnh tranh của doanh nghiệp nội là chống chọi với tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Thậm chí ngân sách nhà nước thâm hút rất nhiều khi tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó cần một giải pháp cứng rắn và triệt để thì hiện nay cơ chế của ta vẫn đang còn loay hoay. Vì vậy nếu không cứng rắn siết chặt điều này thì doanh nghiệp trong nước sẽ thất bại ngay trên sân nhà nếu "đấu tay đôi" với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài." 

Về vấn đề lãi suất, theo phân tích của ông Vũ thì hiện nay lãi suất có giảm thêm 2 -3% nữa thì DN cũng chưa chắc được cứu. Phần nhiều DN chỉ có thể tiếp cận được vốn nếu lãi suất xuống dưới 10%. Đành rằng thật khó có ngân hàng nào chấp nhận được mức lãi suất như vậy nhưng nếu không mạnh bạo thì dòng thác suy thoái của doanh nghiệp sẽ không thể chặn đứng. Hiện nay không ít doanh nghiệp tồn tại như những "khối u ác tính" hủy hoại cả cơ thể nền kinh tế. Nếu DN chết quá nhiều thì ngân hàng cũng khó sống.

Trong khi nhiều DN gồng mình chịu đựng sự khắc nghiệt của thị trường xuất khẩu thì ngay tại nội địa để giải quyết thủ tục hành chính cũng đang chồng thêm nỗi lo. Các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu lớn là thủy sản, chế biến gỗ, da giày đã kiến nghị với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu tuy nhiên vẫn đề vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ông Phạm Thanh Hoan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết, theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu dành cho gia công xuất khẩu sẽ được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày. Tuy nhiên để được ân hạn thuế, DN phải trải qua thủ tục nhiêu khê, phức tạp. DN phải mất nhiều thời gian và chi phí, cần có tài sản thế chấp, phải qua nhiều lần công chứng... Đây là vướng mắc lớn nhất nên đề xuất dung hòa chính sách vĩ mô để tháo gỡ khó khăn này.

Nhiều cơ hội thiết lập chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu có thể sẽ bị bỏ quá nếu như các cơ chế chính sách trong nước còn quá cứng nhắc. Cụ thể như ngành gỗ thành phẩm Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về xuất khẩu, chỉ đứng sau các nước phát triển như Đức, Ý, Trung Quốc... Với bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay thì nhu cầu tiêu dùng sẽ không còn hướng đến những sản phẩm gỗ giá cao của các nước phát triển thì cơ hội dành cho Việt Nam rất lớn.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, các doanh nghiệp gỗ cần có cơ chế hỗ trợ về vốn vay để đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Hiện tại đang có nhiều cơ hội để tận dụng trang thiết bị hiện đại tại các doanh nghiệp đóng cửa ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đang kiến nghị cần lập được chợ hoặc một vùng kinh doanh đồ gỗ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp và cũng tạo động lực xuất khẩu.

Vì vậy ngoài những biện pháp về thuế, ngân hàng, tài chính nhưng vẫn cần có những biện pháp căn cơ hơn nữa. Dự thảo của đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã được Bộ Công thương xây dựng như là một giải pháp bổ sung. Tuy nhiên để thực thi một cách trơn tru thì còn tùy vào mức độ tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp đến đâu.
Theo VeF (Nam Phong)

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP