Mua nợ xấu ngân hàng - Ai lợi ?

21/6/120 nhận xét


[Marketing3k - Kinh Tế Việt Nam] Mới đây, NHNN có kế hoạch thành lập Cty mua bán nợ trị giá 100 nghìn tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD) để giải quyết tình trạng nợ xấu tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, dự án này đang gây nhiều tranh cãi bởi sự cần thiết và tính khả thi của nó.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Cty XNK Bình Minh phân tích, nợ xấu làm nghẽn tín dụng chảy vào sản xuất. Mọi thông tin đều khiến người ta có cảm giác, việc thành lập Cty mua bán nợ với mục tiêu mua lại nợ xấu NH là giải pháp duy nhất để "thông" vốn cho nền kinh tế. Nhưng không có gì đảm bảo rằng sau khi mua nợ xấu, các NH sẽ bơm vốn vào nền kinh tế.
Trong khi có nhiều yếu tố cho thấy, ngay cả khi được "làm sạch" bảng tín dụng, các DN cũng khó tiếp cận được tín dụng của hệ thống NH với lãi suất rẻ. Đó là chưa kể, về nguyên tắc, khi NH cho DN vay, vẫn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay. NH vẫn khẳng định, họ sẵn sàng cho vay với các hồ sơ đạt chuẩn. Điều đó cho thấy, việc thành lập Cty nợ xấu thực chất không giải quyết được vấn đề thông vốn từ NH tới DN.


Ngân hàng cổ phần - sân sau của nhóm cổ đông

Một chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, bản chất của hầu hết các NH cổ phần (NHCP) VN đều là "sân sau" của các cổ đông lớn - một nhóm lợi ích. Điều này đã được nói đến rất nhiều lần và đây cũng là một trong những lý do khiến Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc để làm sạch hệ thống NH. Với vai trò là "sân sau" thì nợ xấu của các NHCP cũng chính là nợ xấu của các nhóm lợi ích.

Ông Nguyễn Lê Cao - Cty Luật Việt phân tích, ở thời điểm tốt, các NH này tài trợ vốn cho cổ đông lớn đầu tư kiếm lợi. Đến khi kinh tế gặp khó khăn, "sân sau" gặp vấn đề, muốn rút vốn nhưng không được. Việc thành lập Cty mua bán nợ với mục đích mua lại nợ xấu của các NH, tạo "cơ hội vàng" cho các cổ đông lớn bán được các tài sản đang bị giảm giá trị một cách hợp pháp. Hay nói cách khác, tiền của nhà nước được dùng để mua lại nợ, giúp cổ đông lớn cơ cấu lại tài sản của họ.

Ngân hàng làm - DN, dân chịu

Theo đề xuất, NHNN sẽ thành lập Cty mua bán nợ sẽ bỏ ra khoảng 100.000 tỉ đồng để mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, chắc chắn trong vài năm tới, tài sản mua nợ không dễ bán đi. Nghĩa là, thời gian trả lãi sẽ kéo dài, số tiền trả lãi nhiều hơn. Đó là chưa tính đến trường hợp Cty này thua lỗ NHNN sẽ phải in tiền để tài trợ. Cũng có nghĩa là một lượng tiền sẽ được đẩy vào nền kinh tế, có thể gây lạm phát làm nhiễu chính sách tiền tệ. Gánh chịu hậu quả nhiều nhất trong việc này chính là DN.

Một vấn đề quan trọng cũng được đặt ra, nợ xấu ngân hàng sẽ được mua lại với giá nào? Ai sẽ định giá, cơ chế định giá thế nào với các tài sản này? Chúng ta đều biết, các hồ sơ vay vốn, hồ sơ thế chấp có độ rủi ro khác nhau. Mỗi NHCP khi cho cổ đông lớn vay vốn, cũng định giá với tiêu chí, điều kiện khác nhau. Vậy nhà nước tiến hành định giá thế nào các tài sản này. Đó là chưa kể, các loại hình hợp tác đầu tư, tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, làm sao kiểm tra để định giá... Trong khi đó, cổ đông lớn chắc chắn không chịu thiệt, không muốn bán với giá thấp. Nếu Cty mua bán nợ mua với giá cao, nhà nước sẽ chịu thiệt và vốn ngân sách sẽ bị thất thoát. 

Việc mở một Cty mua bán nợ để mua nợ xấu NH, đặc biệt là do NHNN đứng ra thành lập và quản lý đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi trên thực tế, Cty mua bán nợ của nhà nước đã có cả gần chục năm nay, đó là Cty Mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng (DATC) thuộc Bộ Tài chính ra đời từ 2003 với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. DATC có vai trò đứng ra mua lại nợ, tiếp nhận và xử lý tại các DNNN, thậm chí kể cả tư nhân. Nhưng DATC đã thực hiện bao nhiêu vụ mua bán nợ, các thương vụ mua nợ trước đó được thực hiện thế nào, cơ chế bán nợ ra sao, chưa ai được rõ.

Có thể nói, nợ xấu ngân hàng tích tụ rất lớn và trở thành sức ép trong nhiều năm. Với tổng dư nợ nền kinh tế ước đoán khoảng 2,5 triệu ngàn tỉ đồng, trong đó khối DNNN là 415 ngàn tỉ, thì số nợ còn lại đang tồn đọng ở nhiều đối tượng và lĩnh vực khác như dự án nhà máy giấy, xi măng, bô-xít, khoáng sản, thép... Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia khoảng hơn 50% thậm chí có thể 60% số dư nợ đó rơi vào bất động sản (thực tế còn lớn hơn vì nhiều khoản vay bất động sản có thể lẫn vào sản xuất).

Xung quanh câu chuyện lập Cty mua bán nợ xấu trực thuộc NHNN, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói thẳng: "Không nên thành lập Cty mua bán nợ vì việc thành lập một Cty trực thuộc nhà nước khá phức tạp trong quản lý, nhất là trong bối cảnh các DNNN đang cần sắp xếp lại". Theo TS. Ánh, kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu của các nước cho thấy, thường những DN kiểu này chỉ được thành lập ra làm 1 nhiệm vụ duy nhất, khi nhiệm vụ đó hoàn thành thì sẽ bị giải tán. "Nếu chỉ "đẻ" ra một DN để giải quyết công việc trước mắt thì không nên. Bởi khi giải quyết xong làm thủ tục giải thể cho nó khá phức tạp, như hiện nay nhiều DN muốn xin "chết" mà không được “chết" .

Còn ông Đỗ Như Hùng - Giám đốc DN tư nhân Hải Minh cho rằng, các ngân hàng vẫn đang lãi lớn, tại sao không để họ lấy lợi nhuận ra để cân đối lại nợ xấu? Tại sao nhà nước lại phải đứng ra gánh phần rủi ro, phần yếu kém cho các NH? Theo tôi, mức 100.000 tỉ của NHNN hay 20.000 tỉ mà DATC đưa ra cũng quá lớn, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, số tiền đó dùng để hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng hơn là đi xử lý nợ xấu cho ngân hàng…

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng thẳng thắn cho rằng, Chính phủ không có nhiệm vụ phải mua lại nợ xấu của ngân hàng. Vấn đề quan trọng hiện nay là Chính phủ cũng phải xác định rõ mục tiêu mua nợ xấu để làm gì? Nếu để ra lợi nhuận thì phải tính toán. Còn nếu để cứu nền kinh tế, thì cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn đã bỏ ra và khơi thông dòng vốn cho ngân hàng. Và chính các ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong giải quyết nợ xấu do mình gây ra… 

Dọn đường cho việc mua nợ xấu với giá cao, nợ xấu hầu hết thuộc về bất động sản, của các cổ đông lớn... ai thực sự là người hưởng lợi nhất, vẫn còn rất nhiều những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời rõ ràng, cụ thể trước khi sử dụng tiền thuế của dân.

-------------------------------
Nợ xấu gấp 9 lần gói hỗ trợ DN

Theo thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng của VN đã lên đến 10%, tăng so với mức 6% cuối năm ngoái. Đây là mức tương đương với các dự báo của tổ chức nước ngoài về nợ xấu trong hệ thống NH VN.

Tổng dư nợ tín dụng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng khoảng 2,6 triệu tỉ đồng và tăng trưởng âm 0,89% trong 5 tháng đầu năm. Như vậy, giá trị nợ xấu khoảng 256 nghìn tỉ đồng. Giá trị nợ xấu này tương đương với 10% GDP năm 2011 của VN và gấp 9 lần gói hỗ trợ DN mới được thông qua. So với các ngân hàng, nợ xấu cao gấp 6 lần tổng lợi nhuận ngành năm 2011 và bằng tổng tài sản của 14 ngân hàng nhỏ nhất cộng lại.

Ông Lê Minh Trí - Giám đốc Cty BĐS Bình Minh nên Cho ngân hàng yếu kém thực hiện theo luật phá sản

Dùng ngân sách mua lại nợ xấu của ngân hàng với giá cao, chịu thiệt hại chính là ngân sách. Nhưng ngân sách chính là tiền của nhân dân, nên người chịu thiệt hại chính là nhân dân. Còn người được lợi chính là người bán được giá cao, chính là ngân hàng. Như vậy chính sách này bảo vệ quyền lợi cho một nhóm lợi ích và gây thiệt hại cho nhân dân mọi thành phần. NHNN đứng ra thành lập Cty để mua lại nợ xấu đây là điều hết sức vô lý, số nợ có thể lên tới 100 ngàn tỉ đồng của các ngân hàng, như vậy nguồn vốn sẽ lấy từ đâu?

Chúng ta nhận thấy trong những năm qua NHNN cho phép thành lập các ngân hàng thương mại quá dễ dãi, trong cả nước hàng lọat các ngân hàng thương mại mới ra đời tranh nhau tự quy định lãi suất cho riêng mình, bất chấp các quy định ràng buộc của ngân hàng nhà nước để huy động vốn, làm cho thị trường tiền tệ bị rối lọan.

Theo tôi, không cho phép thành lập các ngân hàng mới, việc sáp nhập hay giải thể phải từng bước không vội vàng để không làm ảnh hưởng sự họat động thị trường tiền tệ. Nhà nước cần kiểm tra thống kê có bao nhiêu ngân hàng họat động không hiệu quả, nợ xấu quá lớn. Đề nghị các đơn vị này chủ động liên hệ với các ngân hàng khác làm ăn có hiệu quả, nếu ngân hàng bạn đồng ý thì chủ động xây dựng phương án sáp nhập. Nhà nước cần quy định thời gian cụ thể nếu họ không thực hiện được ,thì thực hiện theo luật phá sản, vì ngân hàng thương mại thực chất cũng là DN.
-------------------------------
Theo P.Hà - DĐDN

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP