Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Cơ hội để cải cách

4/6/120 nhận xét

Hội nghị CG giữa kỳ cho thấy quan điểm của các nước về ODA cho Việt Nam. Ảnh: BHT[Kinh tế Việt Nam] Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 6/2012. Trong đó có nhiều điểm đáng chú ý.


Chậm hơn nhưng ổn định hơn

Bản báo cáo đánh giá, kinh tế thế giới có thể bị xiết chặt do tình hình khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng tại Việt Nam, tăng trưởng trong nước đang là mối quan tâm chính. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong suốt thập niên vừa qua thường cao hơn mức tăng trưởng trung bình 7% giờ đây đã chậm lại do các biện pháp thắt chặt được áp dụng trong năm 2011 để kiềm chế lạm phát cao. Kết quả là, tín dụng trong năm 2011 và đầu năm 2012 đã sụt giảm do lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm để tiếp cận nguồn vốn vay và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Tăng trưởng trong quý I/2012 đã giảm còn 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm qua. Sự sụt giảm này thấp hơn so với dự kiến, phản ánh tình trạng nền kinh tế quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Theo bản báo cáo chỉ số PMI của ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 5. Điều này dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý II/2012 khó vượt mức 5%. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng 5,1% cho năm 2012 có vẻ đi chệch khỏi tăng trưởng trung bình trong dài hạn của Việt Nam, nhưng thực chất một tỷ lệ tăng trưởng được cân bằng lúc này lại là điều cần thiết để đất nước phát triển bền vững hơn trong giai đoạn trung và dài hạn.

Lạm phát đã giảm còn một con số lần đầu tiên trong suốt hai năm qua. Trong khi sự suy giảm phản ánh nhu cầu yếu hơn là năng suất tăng, thì sự bình ổn giá đang rất quan trọng để duy trì sức mua của người tiêu dùng cũng như chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì một con số và tin rằng chỉ số này khó có thể tăng nhanh trong năm sau do nhu cầu vẫn còn khá thấp. Điều này đã giúp giảm tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu, đồng thời khiến thặng dư thương mại giảm xuống và đồng tiền nội tệ tiếp tục ổn định. Mức dự trữ ngoại tệ của Chính phủ cũng đã tăng 30% kể từ cuối năm 2011, tạo thêm khả năng cho Việt Nam đối phó với những cú sốc bên ngoài.

Điều quan trọng nhất là tăng trưởng tín dụng thấp đã buộc người tiêu dùng, các doanh nghiệp và Chính phủ phải đánh giá lại hiệu quả đầu tư của họ. Những năm bùng nổ kinh tế vừa qua đã chứng kiến nhiều công ty và doanh nghiệp quốc doanh tiếp cận hình thức đầu tư cởi mở hơn, dẫn đến việc các doanh nghiệp này xa rời những mục tiêu cốt lõi. Tình hình tín dụng thắt chặt như hiện nay đã buộc nhiều doanh nghiệp và cá nhân thu gọn quy mô và tập trung vào những hoạt động có hiệu quả hơn. Sự điều chỉnh này rất quan trọng để bảo đảm tăng trưởng được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản bền vững.

Lạm phát một con số đã trở lại


Ổn định giá cả từng là một nhiệm vụ bất khả thi đối với Việt Nam - một đất nước đã kinh qua tình trạng lạm phát biến động trong suốt quá trình lịch sử. Sự mất cân bằng này là do tình trạng tín dụng nới lỏng – một sự mất cân xứng giữa nguồn cung chậm chạp và nhu cầu tăng trưởng nhanh và sự mất giá của đồng tiền. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 9.2010 đến tháng 11.2011: tăng trưởng tín dụng đạt mức 27,7% vào năm 2010 và đồng nội tệ mất giá đến 8,5% vào tháng 2.2011 cũng như một vài cú sốc về nguồn cung đã diễn ra. Tất cả dẫn đến lạm phát có điều chỉnh theo mùa mỗi tháng đã tăng gần 2% trong suốt thời kỳ đó. 

Chính phủ đã phản ứng lại tình trạng trên bằng việc thắt chặt tăng trưởng tín dụng thông qua việc tăng lãi suất và áp dụng nhiều biện pháp quản lý khác. Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách để quy định việc kinh doanh vàng cũng như đồng ngoại tệ. Những biện pháp đó đã kiềm chế thành công lạm phát bằng việc kéo giảm nhu cầu nội địa cũng như nhu cầu về vàng và đô la Mỹ. Đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc mới của Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố bảo đảm đồng Việt Nam sẽ không phải còn gặp phải tình trạng giảm giá mạnh đột ngột nữa và ông cũng đã thành công trong việc duy trì tỷ giá ổn định, các chuyên gia HSBC nhận xét.


Nhu cầu trong nước vẫn còn thấp


Nhu cầu tiêu dùng kém đã lan toả khắp tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở mặt hàng lương thực thực phẩm. Sản xuất công nghiệp cũng như bán lẻ dịch vụ đều giảm tương ứng từ 7,2% và 25,1% vào tháng 4 xuống còn 6,8% và 20% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái (xem biểu đồ 3 và 4). Đáng kể nhất là trong tháng 5, tiêu dùng cho dịch vụ bán lẻ khách sạn và nhà hàng giảm từ 28,5% xuống còn 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai chỉ số này chứng tỏ nhu cầu tại Việt Nam vẫn còn thấp mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để nới lỏng chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam của ngân hàng HSBC trong tháng 5 cũng phản ánh môi trường kinh doanh khó khăn tại đây. Chỉ số này đã giảm từ mức 49,5 điểm trong tháng 4 xuống còn 48,3 điểm trong tháng 5. Thực tế chứng tỏ các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam lại tiếp tục giảm. Tình hình kinh doanh xấu đi được thể hiện ở tất cả các chỉ số phụ của PMI, ngoài trừ chỉ số nhân công việc làm. Đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm từ mức trên 50 điểm trong tháng 4 xuống còn mức dưới 50 điểm trong tháng 5. Sản lượng giảm thể hiện một sự giảm sút khác của tình hình sản xuất do thiếu đơn đặt hàng mới. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm so với tháng trước sau ba tháng tăng liên tiếp. Trong khi nhu cầu tại Trung Quốc đang phục hồi chậm thì sự sụt giảm tiêu dùng ở châu Âu và mức chi tiêu kém ở Nhật Bản đã ghìm chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới xuống. Các doanh nghiệp đành phải giảm số lượng hàng mua cũng như áp dụng chính sách cắt giảm hàng tồn kho do đơn đặt hàng mới không còn dồi dào. Kết quả là tồn kho hàng mua cũng như tồn kho hàng thành phẩm cùng giảm.


Xét về mặt tích cực, nhân công tiếp tục đà tăng thể hiện kế hoạch mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ rằng mặc dù đang áp dụng những chính sách thận trọng nhưng các doanh nghiệp cũng tiên lượng trước sự khôi phục của tình hình kinh tế trong những tháng sắp tới. Từ đó, họ đang chuẩn bị tiếp nhận bằng cách gia tăng lực lượng lao động của mình. Giá cả đầu vào giảm cũng góp phần làm giảm áp lực chi phí sản xuất lên doanh nghiệp. Thêm vào đó, nguyên nhân giá tăng chủ yếu đều do những yếu tố liên quan đến giá xăng dầu và khi giá của mặt hàng này đang giảm tại Việt Nam cũng sẽ kéo giá cả đầu vào giảm thêm trong những tháng tới. Tuy nhiên, trong cùng một thời điểm, giá cả xuất xưởng trong tháng 5 giảm là do có sự cạnh tranh mạnh mẽ để giành đơn đặt hàng mới. Điều này có nghĩa trong khi giá cả đầu vào tăng thì các nhà sản xuất sẽ khó có thể chuyển mức tăng chi phí này cho người tiêu dùng.

Thâm hụt thương mại giảm

Trong khi lực cầu nội địa gây khó khăn cho nền kinh tế thì mức thâm hụt thương mại của Việt Nam lại được cải thiện đáng kể. Tính từ đầu năm đến nay mức thâm hụt thương mại là 381 tỷ đôla Mỹ, một sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ các năm truớc (xem biểu đồ số 7). Nguyên nhân của tình hình này là do hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam vẫn còn khá tốt trong khi hoạt động nhập khẩu có sự giảm sút.
Trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng dầu thô, máy tính và hàng điện tử. Xét về xu hướng thì sản phẩm may mặc và dệt may cũng như nông sản đang sụt giảm. Dệt may và sản xuất công nghiệp là ngành thu lợi cho xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam và sự suy giảm xuất khẩu những mặt hàng này là do nhu cầu yếu từ châu Âu.



Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu đã làm giảm đáng kể tình trạng nhập siêu. Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng nhập khẩu chỉ ở mức 6,2% trong khi mức tăng trưởng tích luỹ cho xuất khẩu là 24,3%. Nhu cầu thấp đã kéo giảm lực cầu nhập khẩu xăng dầu xuống còn 13,4% từ đầu năm đến nay. Nhập khẩu các mặt hàng sắt thép, nguyên liệu may mặc, máy móc và linh kiện dự phòng cũng giảm xuống còn khoảng 5% tính từ đầu năm đến nay – một mức tăng thấp so với mức tăng trưởng hai con số trong năm ngoái.

Tuy nhiên trong tháng 5, nhập khẩu đã khôi phục và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái sau hai tháng giảm sút. Xét về xu hướng, nhiều khả năng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trở lại trong những tháng tới do nhu cầu tiêu thụ và sản xuất dần hồi phục. Đáng chú ý là sự gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phân bón, máy móc và phụ kiện dự phòng, nguyên liệu may mặc, hàng điện tử cho thấy nhiều khả năng hoạt động sản xuất sẽ tăng trở lại trong mấy tháng tới dù chỉ với tốc độ khiêm tốn vì tình hình sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu.

Cơ hội để cải cách

Tuy không mong đợi nhưng tăng trưởng kinh tế chậm đã khiến Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến những lĩnh vực kinh tế không hiệu quả và áp dụng nhiều biện pháp cải cách. Nếu không có sự suy giảm, các vấn đề kia có thể trở nên trầm trọng hơn. Một ví dụ điển hình là việc suy giảm kinh tế làm bộc lộ rõ sự kém hiệu qủa trong đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự phụ thuộc cao độ của nền kinh tế vào mức tăng trưởng tín dụng để duy trì sự phát triển.

Là một trong những nước tại châu Á có tỉ lệ đầu tư cao nhất trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (khoảng 35% GDP), nguồn lợi từ đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua không cao, đặc biệt là xét về năng suất thu được do sự phân bổ thiếu hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đầu tư công (chiếm hơn 60% tổng đầu tư) tiếp tục chiếm ưu thế lớn hơn hẳn so với các loại hình đầu tư khác và nhìn chung thì các công ty, tập đoàn quốc doanh sử dụng các nguồn lực, tài nguyên kém hiệu quả hơn.

Cùng với sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng và các ngành công nghiệp hoạt động không tốt, đặc biệt trong khu vực quốc doanh, vấn đề nợ xấu hiện là tâm điểm chú ý khiến Chính phủ phải kiên quyết thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có thể đã tăng từ 2,2% năm 2010 lên 3,6% năm 2011. Nguy cơ ở đây là tỉ lệ này sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

Để cải thiện tính minh bạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến khoảng hai tuần nữa sẽ thông qua một điều luật yêu cầu các công ty quốc doanh phải công khai trên mạng các thông tin tài chính bao gồm doanh số, lợi nhuận, thua lỗ, nợ, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu, quản lý tiền tệ và các hạn mức lương. Dự kiến qui định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào nửa cuối năm 2012.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng có quyết tâm cao trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng. Ba ngân hàng đã được sáp nhập và Chính phủ đang trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch cải cách. Tuy nhiên, liệu những biện pháp này có đạt được tiến độ tốt hay không thì phải cần thêm thời gian quan sát.

Nhìn chung, sự suy giảm tuy là một tiến trình đầy căng thẳng và thách thức trong ngắn hạn nhưng lại giúp Chính phủ có đạt được tiến bộ qua những biện pháp cải cách đã thực hiện trong thời gian qua. Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế cơ bản như yếu tố nhân khẩu học mạnh, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa làm việc tốt. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng nhanh không phải là không đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Tỉ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP của Việt Nam tăng từ 35% năm 2000 lên 121% năm 2010. Nền kinh tế đươc hưởng lợi rất nhiều, tuy nhiên không phải tất cả các dự án đầu tư đều đem lại nhiều hiệu quả lợi nhuận.

Khi nhận thấy tăng trưởng tín dụng dẫn đến sự bất ổn về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã áp dụng biện pháp thắt chặt tăng trưởng tín dụng trong những năm gần đây. Tăng trưởng tín dụng giảm trong năm 2011 cũng làm tỷ lệ tín dụng trên GDP giảm xuống còn 108%. Trong năm nay, chúng tôi dự đoán tín dụng sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn 13% (mức trần tăng trưởng tín dụng mà Chính phủ áp dụng cho các tổ chức tài chính là 17% tùy thuộc vào tình trạng tài chính của từng tổ chức, và là 15% cho cả hệ thống). Chính phủ Việt Nam đã áp dụng phương thức quản lý tín dụng thận trọng nhằm đảm bảo rằng chỉ những tổ chức có thể quản lý rủi ro tốt mới được nới các khoản vay đến mức cao nhất là 17%.


Việc ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô và cải thiện chất lượng tăng trưởng là bước đi mới nhất của Chính phủ theo đúng định hướng trong thời điểm cần rất nhiều nỗ lực để hóa giải nút thắt cổ chai của nền kinh tế như cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà và tăng cường sản xuất thực phẩm và năng lượng. Chúng tôi tin những nỗ lực cải cách này cộng với nhiều biện pháp khác nữa trong tương lai sẽ rất cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trên những nền tảng thuận lợi của mình. Nếu không có những giải pháp trên, Việt Nam sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn trong đó bao gồm việc tiếp tục bảo trợ cho các hoạt động sản xuất kém hiệu quả, tăng trưởng tín dụng mở rộng và tình hình lạm phát bất ổn.

Theo H.Anh - DĐDN

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP