Triết lý giáo dục đại học và vấn đề tự chủ đại học

10/3/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Bài viết dưới đây đề cập mối liên hệ giữa triết lý về giáo dục đại học (GDĐH) và mức độ tự chủ cho các cơ sở GDĐH, từ đó nhận xét về những bất cập trong cách tư duy về GDĐH tại Việt Nam hiện nay và góp ý xây dựng cho Dự thảo Luật GDĐH.

Dự án Luật GDĐH Việt Nam đang thu hút sự quan tâm và bàn luận sôi nổi trong toàn xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng luật còn chung chung, chưa làm rõ những nguyên tắc chủ đạo và đột phá trong quản lý và giám sát cơ sở GDĐH. Những vấn đề đang được tranh luận chính là những vấn đề mới, nảy sinh trong quá trình nền GDĐH nước nhà chuyển sang giai đoạn đại chúng. Thực ra, để bàn về những vấn đề cụ thể như tự chủ đại học, phân tầng, cơ chế tài chính cho GDĐH, trước tiên phải xác định được GDĐH là gì, mục tiêu của GDĐH là gì, nhiệm vụ cơ sở GDĐH là gì. Hay nói cách khác là tư duy GDĐH trong giai đoạn hiện nay là gì? Đây cũng là những câu hỏi mà hầu hết các hệ thống GDĐH đang tiến hành đổi mới cũng đang xem xét và định nghĩa lại.

Nội hàm của tự chủ đại học xuất phát từ triết lý về GDĐH tại mỗi quốc gia 

Tự chủ có nghĩa là không bị kiểm soát từ bên ngoài. Tự chủ đại học (ĐH) là khái niệm phát sinh cùng với sự ra đời của trường ĐH (universities). Trong lịch sử, trường ĐH đã phải đấu tranh không ngừng để thoát khỏi sự can thiệp của giáo hội và nhà nước. Ngày nay tự chủ ĐH (university autonomy) thể hiện mối quan hệ giữa trường ĐH và nhà nước, là sự độc lập của trường ĐH đối với sự kiểm soát của nhà nước trong việc vận hành hoạt động của nó. Tự chủ ĐH không có nghĩa là trường ĐH có sự tự do hoàn toàn, mà tự chủ ĐH luôn được giới hạn trong khuôn khổ được giới hạn bởi luật pháp và các thỏa thuận giữa nhà nước với khu vực GDĐH và từng trường ĐH. Chính khuôn khổ xác định mức độ tự chủ ĐH là cái cốt lõi hình thành nên thực chất của cụm từ “tự chủ ĐH”. 

Một điều đáng lưu ý là, các nghiên cứu về quản trị ĐH thường chọn đối tượng nghiên cứu là các ĐH lớn, có uy tín. Đây là các trường ĐH định hướng nghiên cứu, có đội ngũ học giả uyên bác, theo đuổi các mục tiêu học thuật dài hạn. Vì vậy các nghiên cứu này thường cổ vũ cho tự chủ ĐH. Thực ra, ngoài khu vực trường ĐH, GDĐH hay còn gọi là giáo dục sau trung học (higher education hay post-secondary education) còn bao gồm một khu vực khác là các trường đào tạo lao động chuyên nghiệp bậc cao, đào tạo phục vụ nhu cầu của địa phương. Trong khi khu vực trường ĐH thường nhấn mạnh nhiệm vụ sản sinh ra tri thức, đào tạo năng lực nghiên cứu, và phương pháp tư duy, thì khu vực không thuộc trường ĐH thường nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo nghề với chương trình học tập trung cung cấp kĩ năng thực hành. Khu vực GDĐH không phải trường ĐH này thường phải chịu sự chi phối của các cơ quan quản lý trung ương và của chính quyền địa phương. 

Ở Việt Nam, cụm từ “trường ĐH” chưa có được nghĩa tương tự như từ university - để mô tả loại hình tổ chức hoạt động học tập bậc cao (higher learning), ở đó vừa tiến hành nghiên cứu và giảng dạy - vì ngay cả trường ĐH trọng điểm và ĐH quốc gia thì hoạt động chính và nguồn thu chính của trường ĐH vẫn là từ đào tạo. Có lẽ vì vậy một số nghiên cứu của tác giả nước người về GDĐH Việt Nam đã sử dụng cụm từ post-secondary education hoặc tertiary education. Tuy nhiên về mặt hình thức, hệ thống GDĐH Việt Nam cũng bao gồm hai khu vực: khu vực trường ĐH và khu vực không phải trường ĐH là các trường cao đẳng. 

Có thể nói rằng hai mô hình tổ chức ĐH chính chi phối cách quản lý GDĐH trên thế giới là mô hình của các nước Anglo-Saxon và của các nước châu Âu lục địa. Mô hình ĐH của các nước Anglo-Saxon bắt nguồn từ Anh và du nhập sang các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, và Canada. Mô hình truyền thống của Anh là: trường ĐH không phải là một bộ phận trong tổ chức bộ máy của nhà nước, hoạt động theo điều lệ riêng, và không chịu sự chỉ đạo từ bất cứ cơ quan nhà nước nào. Vậy ai giám sát hoạt động của trường ĐH? Đó chính là các hội đồng trường mà thành phần gồm đa số các thành viên ngoài trường và hội đồng giảng viên bao gồm những giáo sư uy tín trong trường. Tóm lại, tự chủ của hệ thống trường ĐH học trong nhóm nước Anglo-Saxon là giao quyền quyết định cao cho trường ĐH, trường ĐH chịu sự giám sát của xã hội thông qua hội đồng trường và sự tự quản của đội ngũ học giả của trường ĐH. 

Trường ĐH tại các nước châu Âu lục địa được xây dựng trên khái niệm tự do học thuật. Tự chủ của trường ĐH về các vấn đề học thuật được coi là một giá trị thiêng liêng và đặt ở mức ưu tiên cao nhất. Trường ĐH được coi là một thể chế của nhà nước nên vai trò của nhà nước trong việc quản lý trường ĐH được coi là tất yếu. Tại các nước này, nhà nước thường quy định khung chương trình quốc gia và các tiêu chuẩn chung về đào tạo (Amaral, Jones và Karseth 2003). Các quyết định của trường ĐH được hướng dẫn bởi các luật và các quy định khá chi tiết. Trường ĐH vận hành dựa vào các khung pháp lý và sự tự quản của đội ngũ học giả của trường ĐH.

Hơn hai thập kỉ qua, hai mô hình tổ chức ĐH phổ biến này đều trải qua cải cách về quản trị ĐH. Mô hình quản trị ĐH của các nước Anglo-Saxon dịch chuyển theo hướng tăng cường sự giám sát của nhà nước thông qua các cơ quan trung gian cấp tài trợ và giám sát chất lượng. Mô hình quản trị ĐH của các nước châu Âu lục địa dịch chuyển theo hướng xóa bỏ quản lí trực tiếp của nhà nước bằng giám sát từ xa qua các cơ chế giải trình và giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường ĐH. Hiện tượng đổi mới quản trị GDĐH trên toàn cầu hiện nay có xu hướng chung là thử nghiệm và hoàn thiện mô hình trường ĐH hoạt động theo tư cách pháp nhân độc lập hoàn toàn và áp dụng các kỹ thuật quản lý của doanh nghiệp vào trường ĐH. Cụm từ thường dùng để mô tả mô hình quản trị trường ĐH mới là “ĐH doanh nghiệp” (entrepreneurial universities). 

Cùng với sự thành lập của hai ĐH quốc gia vào giữa thập niên 1990, khái niệm tự chủ ĐH đã xuất hiện và thu hút được sự quan tâm và tranh luận tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm áp dụng, có hẳn một nghị định về quyền tự chủ cho cơ quan nhà nước trong đó có các cơ sở GDĐH, các trường ĐH Việt Nam vẫn được coi là không có tự chủ. Vấn đề tự chủ ĐH trong dự thảo luật GDĐH vẫn đang là một vấn đề nóng hổi và gặp nhiều tranh luận gay gắt. Cuộc đấu tranh giành tự chủ của các trường ĐH Việt Nam có lẽ đang ở trong một thời điểm thật gay cấn. Trường ĐH muốn có nhiều quyền quyết định hơn và ít chịu sự kiểm soát của nhà nước hơn, trong khi nhà nước chưa đủ tin tưởng để giao thêm một số quyền cho các trường ĐH. Để có cơ sở về việc trao tự chủ đến mức độ nào cho trường ĐH, có lẽ ba câu hỏi quan trọng nhất cần phải được trả lời là: Tự chủ về cái gì? Giao tự chủ cho cơ sở GDĐH nào và giao đến đâu? Làm sao có thể giám sát được việc thực hiện cam kết của trường ĐH khi nhận tự chủ? Hai câu hỏi đầu liên quan mật thiết với nhau vì nó cùng được xác định bởi câu hỏi về triết lý GDĐH, tức là GDĐH là gì. Câu hỏi thứ ba liên quan đến kỹ thuật và công cụ quản lý nhà nước về GDĐH. Sau đây là gợi ý trả lời cho các câu hỏi trên.

Tự chủ về cái gì? Giao tự chủ cho cơ sở GDĐH nào và giao đến đâu?

Bởi các yếu tố bản địa và các quan điểm về GDĐH khác nhau nên mô hình cơ sở GDĐH Anglo-Saxon và châu Âu lục địa cũng khác nhau. Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của mô hình GDĐH Liên Xô cũ mà biểu hiện rõ nhất của nó là sự thống trị của nếp quản lý qua chỉ đạo và mệnh lệnh từ trên giao xuống. Nếu chỉ bàn đến trao tự chủ cho các trường ĐH là mới chỉ bàn đến cái ngọn mà quên mất liệu rằng cái gốc và cái thân cũ kỹ có mang nổi cái ngọn đầy cách tân. Thay đổi trong tư duy về GDĐH hay xác định lại khái niệm GDĐH sẽ giúp cho việc xác định được đặc điểm của các loại hình cơ sở GDĐH, nhiệm vụ và mức độ tự chủ cho từng loại hình cơ sở đó. 

Một cách phân loại tự chủ ĐH đơn giản nhưng vẫn diễn tả được nội hàm của nó là cách phân loại của Robert Berdahl (1990), chia tự chủ ĐH ra làm 2 loại: tự chủ thực chất (substantive autonomy) là tự chủ của cơ sở GDĐH trong xác định mục tiêu học thuật và chương trình đạo tạo; và tự chủ thủ tục (procedural autonomy) là sự tự chủ trong việc xác định các phương tiện để thực hiện mục tiêu học thuật đề ra. 

Tự chủ trong mục tiêu hoạt động 

Nếu quan niệm GDĐH là để tạo ra tri thức, để bảo tồn và chuyển giao văn hóa và giá trị của quốc gia, để dẫn dắt và định hướng xã hội thì GDĐH phải hoàn toàn thoát khỏi mọi sự dẫn dắt và định hướng của bất cứ mục tiêu cụ thể nào. GDĐH chỉ cần có một mục tiêu rộng lớn, duy nhất và cuối cùng là tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội. Mục tiêu như vậy nên giao cho các ĐH định hướng nghiên cứu. Ban đầu, nhà nước cần bao cấp cho các ĐH này. Liệu các ĐH này có đạt được đến mục tiêu sáng tạo cái mới và dẫn dắt xã hội hay không thì cần có thời gian vì hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và GD thường chỉ thể hiện hết trong dài hạn. Nhóm trường ĐH định hướng nghiên cứu này nếu xây dựng được một môi trường học thuật có tương tác với quốc tế thì dần dần sẽ hình thành được ĐH đẳng cấp quốc tế.

Theo điều 39 Luật GD Việt Nam năm 2005, “Mục tiêu của giáo dục ĐH là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” Như vậy có nghĩa là mục tiêu tối thượng của GDĐH Việt Nam hiện nay là phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Sự phát triển của quốc gia được định ra bằng các kế hoạch chiến lược cụ thể, GDĐH phải đạt được các mục tiêu phát triển của chính nó và liên đới phục vụ việc đạt đến một số mục tiêu khác. Quan niệm GDĐH là một công cụ của nhà nước và chịu sự can thiệp của nhà nước cũng có những cơ sở hợp lý và quan niệm này vẫn tồn tại ở phần lớn các nước châu Âu lục địa và ở hầu hết các nước châu Á. Quy mô và cơ cấu GDĐH sẽ phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các ngành kinh tế. Khu vực GDĐH đào tạo lao động chuyên nghiệp sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Với lao động thuộc ngành nghề nhà nước cần mà không thu hút người học thì nhà nước sẽ đặt hàng và cấp kinh phí. Với các ngành nghề đào tạo mà thị trường lao động và người học đều có nhu cầu thì nhà nước để thị trường điều chỉnh cơ cấu và chương trình đào tạo. Ở khu vực này, nhà nước phải cân nhắc cấp kinh phí cho ngành nghề nào, mức độ bao cấp ra sao, can thiệp vào nội dung chương trình tới mức độ nào.

Bị giới hạn bởi luật GD, cuộc tranh luận tự chủ ĐH của Việt Nam hiếm khi bàn tới vấn đề tự chủ theo đuổi mục tiêu học thuật. Có thể thấy trong các giới thiệu về trường ĐH, như trên website của các trường chẳng hạn, hầu như tất cả các trường đều đặt mục tiêu đào tạo theo đúng mục tiêu của Luật GD đề ra. 

Tự chủ trong vận hành hoạt động 

Hai vấn đề chính mà các trường ĐH hiện nay muốn có tự chủ là: quy định mức học phí và mở ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao. Với các ngành không có nhu cầu từ xã hội cao thì trường có được khuyến khích mở họ cũng không nhiệt tình. Hai vấn đề tự chủ này liên quan đến bù đắp chi phí đào tạo tức là phương tiện để thực hiện mục tiêu và thuộc về vấn đề tự chủ về hình thức hoạt động. 

Trường ĐH là một tổ chức với những đặc tính riêng như: mục tiêu học thuật đa dạng khó xác định, công nghệ giáo dục không rõ ràng, sự tham gia của các đơn vị và thành viên cá nhân không ổn định, các đơn vị thành viên liên kết lỏng lẻo, đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn cao, bởi vậy nó cần có một mô hình tổ chức và quản lý riêng. Khi cơ sở có tự chủ, có cơ chế quản lý linh động thì sẽ phát huy được sáng kiến và có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý, bất cứ một hoạt động công việc nào cũng cần phải có giám sát để đảm bảo rằng hoạt động đó đạt được mục tiêu đã cam kết. Ở Việt Nam, trong xu hướng thương mại hóa GD như hiện nay, xã hội dường như đã mất lòng tin vào khu vực GDĐH với vai trò tự quản. Với số lượng các trường ĐH đông đảo như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ không bao giờ có đủ lực lượng nhân sự để đi giám sát từng cơ sở GDĐH. Năng lực giám sát của xã hội đối với trường ĐH cũng còn rất hạn chế. Không nhiều sinh viên và phụ huynh đã đọc những văn bản cam kết ba công khai của trường ĐH. Quyết định học một trường ĐH của sinh viên và phụ huynh phần lớn bởi vì họ cần một tấm bằng ĐH như một sự đầu tư cho tương lai. Khi mà cầu về GDĐH còn lớn cung, thông tin về chất lượng dịch vụ GDĐH không đầy đủ và thực chất thì có nghĩa là thị trường GDĐH chưa hoàn chỉnh và cần phải được điều tiết bởi nhà nước. Nói một cách khác, hoạt động của các trường ĐH Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, do đó sự giám sát của nhà nước đối với GDĐH là cần thiết. Điều cần cải thiện hiện nay là quản lý nhà nước cần giảm bớt tính mệnh lệnh và các quy định chi tiết, chuyển sang hoàn thiện khung pháp lý và ký kết thỏa thuận giữa Bộ GD&ĐT với cơ sở GDĐH. Phần tiếp theo của bài viết sẽ thảo luận về cơ chế giám sát tự chủ ĐH.

Làm sao có thể giám sát được việc thực hiện cam kết của trường ĐH khi nhận tự chủ?

Vai trò của nhà nước trong việc xây dựng và điều tiết thị trường là định ra nguyên tắc hoạt động thị trường lành mạnh và chế tài. Chính vì vậy, xây dựng cơ chế giám sát khu vực GDĐH thông qua công khai thông tin, giải trình và kiểm định chất lượng cũng là những vấn đề thiết yếu và đang được bàn luận sôi nổi. Tuy nhiên, hiện nay những công cụ quản lý chất lượng GDĐH của Bộ còn rất hình thức và chưa phát huy tác dụng. Các trường ĐH vẫn chưa hài lòng với cách làm kiểm toán chất lượng cơ sở GDĐH của Bộ. Sự phân hóa về mục tiêu học thuật và chất lượng giáo dục giữa các cơ sở GDĐH đã hình thành khá rõ nét. Vì thế, vừa để chống xuống cấp chất lượng GDĐH vừa để khuyến khích cải thiện chất lượng, đánh giá chất lượng GDĐH theo một chuẩn chung cho cả hệ thống GDĐH là không hợp lý. Hình thành được một hệ thống đánh giá chất lượng GDĐH có hiệu quả tại Việt Nam sẽ còn cần rất nhiều thời gian. 

Trong khi còn đang tìm kiếm một cơ chế hợp lý để giám sát hoạt động cơ sở GDĐH dựa vào đánh giá mức độ hiệu quả đầu ra, trước mắt, có thể phân hóa mức độ giám sát của nhà nước đối với cơ sở GDĐH theo nhiệm vụ học thuật của mỗi cơ sở GDĐH. Bộ GD&ĐT nên bổ sung thêm điều lệ hoạt động cho các loại hình cơ sở GDĐH mới phát sinh. Xây dựng điều lệ mô hình hoạt động cho ĐH hoạt động theo điều lệ doanh nghiệp (bao gồm cả ĐH tư thục), ĐH hoạt động theo điều lệ cơ quan nhà nước, và ĐH định hướng nghiên cứu. Nếu chưa hình thành được ĐH định hướng nghiên cứu thì xây dựng điều lệ hoạt động nghiên cứu có tầm bao quát rộng hơn Quy định về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay. Các trường ĐH được lựa chọn loại hình hoạt động cho mình và làm dự án giải trình lựa chọn điều lệ hoạt động. ĐH định hướng nghiên cứu và các hoạt động nghiên cứu thuần túy khoa học cần được trao quyền tự chủ như Viện Toán cao cấp vừa mới được thành lập. Thái Lan và Malaysia đang đang cải cách quản trị ĐH theo hướng mở rộng mô hình ĐH hoạt động theo điều lệ doanh nghiệp. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các nước này. Phần đông số trường ĐH Việt Nam sẽ vẫn hoạt động theo hình thức phổ biến hiện nay tức là hoạt động theo điều lệ cơ quan nhà nước. Các trường ĐH này sẽ tuân thủ theo điều lệ trường ĐH ban hành năm 2010 (hoặc sửa đổi nếu có xung đột với các văn bản phát luật mới). 

Đổi mới giao tự chủ cho trường ĐH hoạt động theo điều lệ cơ quan nhà nước có thể thực hiện theo từng trường hợp dựa trên mức độ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cách làm đã và đang thực hiện của Bộ GD&ĐT là giao nhiều quyền tự chủ hơn các ĐH quốc gia, ĐH vùng và các trường ĐH trọng điểm là theo nguyên tắc trường hợp này. Bởi vì các ĐH quốc gia, ĐH vùng và một số trường ĐH trọng điểm đã xây được hệ thống đảm bảo chất lượng tại cơ sở khá hoàn thiện nên sẽ nhận được sự tin tưởng hơn.

Trên đây là những đóng góp và gợi ý của người viết cho việc xây dựng Luật GDĐH. Khi mà Luật GDĐH chưa bao gồm những triết lý GDĐH mới, chưa thể hiện thay đổi trong tư duy GDĐH, chưa thiết kế được các điều lệ hoạt động cho các hình thức GDĐH mới ở Việt Nam thì việc ban hành Luật GDĐH mà quốc hội dự kiến sẽ thông qua vào kì họp tháng 5 năm 2012 là vội vàng và sẽ không tạo ra được những bước đổi mới trong quản lý GDĐH như mong muốn.

Phạm Thị Lan Phượng 
-------------------
Tài liệu tham khảo

Berdahl, R. (1990). Academic Freedom, Autonomy, and Accountability in British Universities.Studies in Higher Education, 19(2), 151–164.

Amaral, A., Jones,A.J., & Karseth, B. (2002). Governing Higher Education: Comparing National Perspectives, in Governing Higher Education: National Perspectives on Institutional Governance, Amaral, A., Jones, A.J., & Karseth, B. (eds.). Dortrecht, the Netherlands: 279-298.
-------------------
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP