Thấy gì từ động thái kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước?

10/3/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Khá kỳ lạ là mặc dù thông tin về định hướng sẽ giảm lãi suất 1% được đưa ra từ 6-3 nhưng đến hôm nay vẫn chưa có những quyết định chính thức. Liệu có phải Ngân hàng Nhà nước đang dùng "biện pháp kỹ thuật” đã tạo dư địa thời gian cho hoạt động huy động vốn của các ngân hàng?

"Đổi mới” cách thức công bố

Đối với những người quan sát lâu cách thức điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước, không khó để nhận thấy sự khác biệt trong lần công bố thông tin định hướng này. Tại cuộc họp báo Chính phủ tổ chức chiều tối ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố: "đã đến lúc hạ lãi suất khoảng 1%”. Theo đó, tất cả các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất trên thị trường mở, tái cấp vốn, qua đêm sẽ được đồng loạt giảm 1%. Đối với thị trường các tổ chức tín dụng, trần lãi suất cũng sẽ được giảm 1%. Điểm khác biệt là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước chỉ cho biết "vài ngày tới chúng tôi sẽ chính thức công bố quyết định hạ lãi suất”. Đây là lần đầu tiên thông điệp về chính sách tiền tệ được đưa ra một cách chính thức nhưng lại không đi kèm một văn bản quyết định chính thức. Trong tất cả những lần công bố thay đổi chính sách trước đó, cơ quan quản lý đều làm "đồng bộ”, từ họp thông báo, tới ban hành quyết định và truyển tải trên trang web của Ngân hàng Nhà nước. "Vài ngày” không phải là một yếu tố có thể định lượng được. Tại sao Ngân hàng không ngay lập tức công bố quyết định điều chỉnh giảm lãi suất?

"Đánh động” người gửi tiền?

Nếu là người chuyên đi gửi tiền tiết kiệm hoặc có một khoản gửi tương đối lớn, sẽ không khó để nhận thấy sự khác biệt giữa mức lãi suất gửi 14%/năm với mức lãi suất 13%/năm. Đôi khi, chỉ cần khác biệt một chút thời gian cũng có thể dẫn tới sự khác biệt lớn trong phần thu về của món tiền gửi. Điều này đã được chứng minh sinh động trong thời kỳ lãi suất tiền gửi được đưa từ mức trên 17% xuống 14% trước đây. Rất nhiều ngân hàng đã chủ động thông báo tới khách hàng để nhanh chóng cơ cấu lại món gửi sao cho có lợi nhất, tức là tranh thủ gửi sớm, tái gửi vào "đêm trước” của ngày chính thức hạ trần lãi suất. Có lẽ biện pháp kỹ thuật này cũng được áp dụng lần nữa, chỉ khác biệt ở chỗ chính Ngân hàng Nhà nước chủ động "đánh động” người gửi tiền. Về lý thuyết, người gửi tiền sẽ "ham” mức gửi 14%/năm hơn mức 13%/năm. Do đó rất có thể hiệu quả của biện pháp "vài ngày” sẽ giúp các ngân hàng thu hút được một lượng tiền gửi lớn hơn.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn nắm được chính xác cơ cấu kỳ hạn tiền gửi tại các ngân hàng. Do đó "vài ngày” cũng giúp các ngân hàng xác định được thời điểm hết kỳ hạn của số dư tiền gửi lớn nhất. Làm sao để lượng tiền này tiếp tục ở lại ngân hàng là điều hết sức quan trọng.

Một vấn đề nữa là cơ cấu kỳ hạn cần phải dài hơn. Cuộc đua lãi suất sôi động thời gian qua đã khiến người gửi chọn gửi với những kỳ hạn ngắn, chỉ yếu là từ 3-6 tháng, thậm chí thấp hơn để linh hoạt thay đổi mức lãi suất. Tiền gửi kỳ hạn ngắn khiến các ngân hàng khó xoay xở hơn nhiều vì cơ cấu nguồn vốn quá lỏng, trong khi đầu ra cho vay thường là có kỳ hạn dài. Nắm được nguồn vốn dài hạn với lãi suất ổn định là cơ sở quan trọng để các ngân hàng chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cũng trong buổi họp báo Chính phủ ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn "hé lộ” định hướng điều hành quan trọng: "Nếu mọi yếu tố đều thuận lợi, lạm phát về dần một con số, thì cuối năm nay lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng sẽ xoay quanh mức 10%, tức là mỗi quý chúng ta giảm 1% lãi suất”. Đối với người gửi tiền, điều quan trọng nhất, ấn tượng nhất là "mỗi quý giảm 1% lãi suất”. Nghĩa là quý 1 lãi suất huy động ở mức 13%, quý 2 sẽ còn 12% và cuối năm đâu đó 10%. Điều này sẽ dẫn tới hành động gì? Dễ hiểu là nếu gửi với lãi suất 14%/năm ngay từ hôm nay, kỳ hạn khoảng một năm trở lên, người gửi sẽ có lợi nhất. Như vậy, đối với ngân hàng, vấn đề có được các món gửi kỳ hạn dài được giải quyết.

Hiệu ứng có như mong đợi?

Sẽ là quá sớm vào lúc này để đánh giá việc hé lộ các định hướng lớn trong chính sách điều hành tiền tệ có hiệu quả như mong đợi hay không. Tuy nhiên một số thông tin trên các phương tiện truyền thông đã bắt đầu phản ánh về nhu cầu gửi tiền tăng lên để hưởng nốt mức lãi suất 14%. Thông tin từ Eximbank thì trong hai ngày đầu tiên của thời hạn "vài ngày”, lượng vốn huy động đã tăng hơn 850 tỷ đồng. Vietcombank trong hai ngày cũng huy động thêm được 400 tỷ đồng. Câu chuyện lãi suất huy động còn 13% có hấp dẫn người gửi tiền hay không còn tùy thuộc vào kỳ vọng về lạm phát. Người dân có ít nhất ba kênh để giữ tài sản vào lúc này, là gửi tiết kiệm, tích trữ bằng vàng và tích trữ ngoại tệ. Lãi suất tiền gửi thấp đến mức nào đó sẽ phải cạnh tranh với hai kênh còn lại. Đặc biệt nếu việc kiềm chế lạm phát không như kỳ vọng, kênh tiết kiệm sẽ mất khách.

Hoàng Ngân
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP