Ngân hàng yếu: Không tự nguyện sẽ bị bắt buộc sáp nhập!

3/3/120 nhận xét

NHNN sẽ đóng vai trò trực tiếp mua lại 
vốn điều lệ hoặc cổ phần của các TCTD 
yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh
hóa một bước TCTD 
(Thống đốc Nguyễn Văn Bình - ảnh: Bích Diệp).
[Marketing3k.vn] Theo đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng thông qua, các tổ chức không thể thực hiện tự nguyện sẽ bị áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc. 
Ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”.

Theo đó, quan điểm của đề án có ghi rõ, “khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.

NH nước ngoài được xem xét tham gia mua lại, sáp nhập NH trong nước

Đề án chia thành ba nhóm đối tượng để tái cơ cấu: nhóm TCTD lành mạnh, nhóm thiếu hụt thanh khoản tạm thời và nhóm yếu kém. Ở đây Dân trí chỉ xin tập trung nêu chi tiết về việc giải quyết, xử lý nhóm thiếu hụt thanh khoản tạm thời và nhóm yếu kém.

Cụ thể, với những TCTD thiếu thanh khoản tạm thời, NHNN sẽ tái cấp vốn. Nằm trong diện này, các TCTD sẽ bị hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải tích cực huy động vốn để trả nợ NHNN và tăng khả năng chi trả. Đồng thời, sẽ được sự giám sát chặt chẽ của NHNN về tình hình tài chính và hoạt động.

Theo đề án, NHNN “khuyến khích và tạo điều kiện cho các TCTD thuộc nhóm này sáp nhập, hợp nhất với nhau và sáp nhập, hợp nhất với các TCTD lành mạnh”.

Tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý như buộc hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động hoặc bắt buộc TCTD phải thực hiện một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn mức quy định chung.

Về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD yếu kém, đề án nêu rõ, sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, các TCTD yếu kém sẽ được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện.

“Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém” – trích đề án.

Các TCTD yếu kém sẽ phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần. Cùng với đó, cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của các TCTD này cũng phải chuyển nhượng cổ phần.

Lúc này, NHNN sẽ đóng vai trò trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của các TCTD yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước TCTD. Sau đó, sẽ cho sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư đủ điều kiện.

Trong chuỗi thực hiện này, các TCTD nước ngoài cũng sẽ được xem xét để được phép mua lại, sáp nhập các TCTD yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD nước ngoài tại các NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại.

Xử lý nợ xấu như thế nào?

Việc xử lý nợ xấu, vốn đang gây “đau đầu” với các chuyên gia ngân hàng cũng như với các TCTD hiện nay, trong đề án này có đưa ra giải pháp là sẽ bán nợ xấu có tài sản bảo đảm cho công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính.

Hoặc, cũng có thể bán nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải TCTD, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các NHTM.

Một số biện pháp khác có thể áp dụng là xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay.

Các khoản nợ xấu phát sinh không có tài sản bảo đảm, không có khả năng thu hồi do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ thì sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Với một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được thì sẽ được Chính phủ xem xét mua lại để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội hoặc hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM Nhà nước đặt mục tiêu dưới 3% theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Đến 2015, giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90%.

Như vậy, trong đề án này, Chính phủ chưa đề cập đến việc xử lý nợ xấu theo hướng bán tài sản thế chấp cho các tổ chức mua bán nợ nước ngoài.

Bích Diệp

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP