2012: Rủi ro nào từ cú sốc dầu mỏ?

17/3/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] Đánh giá những nguy hại gây ra do giá dầu tăng cao đồng nghĩa với việc trả lời bốn câu hỏi: Đâu là “lực đẩy” của giá dầu? Giá dầu còn leo cao đến đâu? Tác động của nó đến nền kinh tế cho tới nay là gì? Và rồi những lần tăng giá tiếp theo trong tương lai sẽ gây ra những thiệt hại gì?
Khi cuộc khủng hoảng đồng Euro đang tạm được thời được kiểm soát, giá dầu lại trở thành mối bận tâm "sát sườn" nhất của kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại. Tâm lý lo sợ là điều dễ hiểu khi thị trường dầu mỏ vốn nhạy cảm, trong khi căng thẳng với Iran lại ngày một leo thang. Giá dầu thô Brent tăng vọt thêm hơn 5 USD/ thùng trong ngày 1/3, cán mốc 128 USD/thùng sau khi một tờ báo Iran đưa tin về vụ nổ phá hủy một đường ống dẫn dầu quan trọng của Ảrập Xêút. Mặc dù đã hạ nhiệt sau khi Ảrập Xêút bác bỏ tin đồn, giá dầu thô vẫn ở mức 125 USD, cao hơn 16% so với đầu năm.

Đánh giá những nguy hại gây ra do giá dầu tăng cao đồng nghĩa với việc trả lời bốn câu hỏi: Đâu là "lực đẩy" của giá dầu? Giá dầu còn leo cao đến đâu? Tác động của nó đến nền kinh tế cho tới nay là gì? Và rồi những lần tăng giá tiếp theo trong tương lai sẽ gây ra những thiệt hại gì?

Căn nguyên của sự tăng giá

Những cú sốc về nguồn cung còn tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với tác động của việc dầu tăng giá - kết quả từ sự gia tăng nhu cầu sử dụng. Người ta vẫn cho rằng nguyên nhân của đợt tăng giá dầu thời gian qua là do bàn tay hào phóng của ngân hàng trung ương các nước. Trong những tháng gần đây các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đồng loạt hỗ trợ thanh khoản, mở rộng chính sách nới lỏng định lượng (NLĐL) như in tiền để mua trái phiếu; hoặc hứa hẹn kéo dài thời gian hạ thấp lãi suất. Từ đây lại nổ ra cuộc tranh luận về việc liệu có phải chính dòng tiền "giá rẻ" này đã đưa đẩy các nhà đầu tư đến với những tài sản "vật chất", đặc biệt là dầu.

Nhưng bởi vì thị trường tự nó đã có tính định hướng, chỉ cần một lời tuyên bố thôi chứ chưa phải ban hành chính sách NLĐL thì chừng đó cũng đã đủ làm giá dầu "nhúc nhích"; thực ra, từ tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ben Bernanke, đã gửi đến thị trường hai chữ "thất vọng" khi không phát đi bất cứ tín hiệu nào về một đợt NLĐL nữa. Thêm nữa, nếu giá dầu tăng do yếu tố đầu cơ thì lượng dầu cất trữ cũng phải tăng, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã và đang diễn ra. Ngân hàng trung ương các quốc gia cũng có thể gián tiếp tác động tới thị trường dầu bằng cách nâng cao mức dự báo tăng trưởng toàn cầu - một yếu tố "trung gian" góp phần nâng mức kỳ vọng về nhu cầu sử dụng dầu của thế giới.

Luận điểm này có thể được chứng minh bằng nhiều ví dụ cụ thể. Lần tăng giá dầu vừa qua xảy đến đồng thời với những tín hiệu lạc quan về nền kinh tế thế giới: một thảm họa trong khu vực đồng Euro và một "cú tiếp đất" nhọc nhằn của "chiếc phi cơ" Trung Quốc có vẻ khó xảy ra hơn và nền kinh tế Mỹ dường như đang phục hồi ổn đình hơn.

Tuy nhiên, sự lạc quan, dù ít, về triển vọng tăng trưởng mới chỉ là một phần của câu chuyện.

Gián đoạn nguồn cung mới là tác nhân góp phần nhiều hơn vào sự đắt đỏ của giá dầu. Tính tổng cộng, trong vài tháng vừa qua, nguồn cung trên thị trường dầu có thể đã sụt giảm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày. Một loạt các rắc rối không liên quan đến Iran, từ tranh chấp đường ống dẫn dầu với Nam Sudan cho tới những vấn đề cơ khí ở Biển Bắc, đã làm "lỡ nhịp" 700.000 thùng mỗi ngày. Đó là chưa kể, hàng ngày có khoảng 500.000 thùng nữa của Iran đang tạm thời "khoanh tay đứng nhìn" thị trường do vấp phải lệnh trừng phạt từ châu Âu và tranh chấp thanh toán với Trung Quốc.

Nguồn cung dự trữ quá ít. Dự trữ dầu tại các nước giàu đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Việc OPEC tăng khả năng dự trữ vẫn chưa có gì là chắc chắn. Ảrập Xêút đang cố gắng thu được khoảng 10 triệu thùng/ngày, gần đạt mức kỷ lục (xem Biểu đồ 1). Và mối đe dọa về sự thiếu hụt nguồn cung sẽ còn lớn hơn nhiều nếu Iran hiện thực hóa lời cảnh báo đóng cửa eo biển Hormuz, nơi tiếp đón 17 triệu thùng dầu qua lại mỗi ngày, tương đương khoảng 20% nguồn cung toàn cầu. Thậm chí chỉ cần một hành động đóng cửa tạm thời của Iran cũng đủ để tạo nên "cú hẫng" nghiêm trọng hơn bất kỳ cú sốc dầu mỏ nào trước kia. Ngay như mức độ ảnh hưởng từ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Ả rập năm 1973 cũng mới chỉ dừng lại ở 5 triệu thùng/ngày.

Tách bạch từng nhân tố nói trên không đơn giản chút nào, nhưng Jeffrey Currie của Goldman Sachs cho rằng chính các nguyên lý cơ bản về cung và cầu đã đẩy giá dầu lên khoảng 118 USD/thùng. Ông nhận định phần tăng còn lại là do những lo ngại về Iran. Nếu thực tế đúng như vậy thì một khi các mối quan hệ với Iran được cải thiện, giá dầu có thể đi xuống vài đô la, nhưng vẫn sẽ dao động quanh 120 USD.

Ai được, ai mất?

Trên bình diện toàn cầu, thiệt hại từ việc dầu tăng giá, tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ vẫn còn khá khiêm tốn. Kinh nghiệm cho thấy nếu giữ giá dầu tăng 10% thì thế giới sẽ phải đánh đổi chừng 0,2% tăng trưởng trong năm đầu tiên, chủ yếu là do khi giá dầu tăng cao, thu nhập cá nhân của người tiêu dùng dầu sẽ chuyển sang thành thu nhập của nhà sản xuất, những người có xu hướng chi tiêu ít hơn. Ở thời điểm này, gần như bất kỳ một tác động tiêu cực nào của giá dầu cũng đều có thể được "xí xóa" bởi những tín hiệu lạc quan đang diễn ra ở nơi nào đó trên thế giới, ví dụ như sự hạ nhiệt của cuộc khủng hoảng đồng euro. Vậy nên cho dù dầu có đắt đỏ, triển vọng về tăng trưởng toàn cầu vẫn còn sáng sủa hơn so với hồi đầu năm.

Tuy nhiên tác động của giá dầu đến tình hình tăng trưởng và lạm phát ở từng quốc gia sẽ khác nhau.Tại Mỹ, một nước nhập khẩu ròng vốn khá nhẹ tay trong việc đánh thuế nhiên liệu, có một nguyên tắc căn bản là giá dầu cứ tăng 10 USD (tương đương giá xăng tăng 25 xu) thì tổng sản lượng quốc dân giảm xấp xỉ 0.2% trong năm đầu tiên và 0.5% trong năm tiếp theo. Điều này sẽ kéo chậm lại, chứ chưa đến mức tuột dốc, một đầu tàu kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn 2% trong năm nay.

Vài năm trở lại đây, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không khó để tìm ra lý do giải thích tại sao nước Mỹ ngày càng khéo xoay xở mỗi khi dầu tăng giá. Giá xăng có nhảy vọt thì vẫn còn thua xa năm 2011 hoặc 2008. Công ăn việc làm được tạo ra ngày một nhiều mang lại thêm thu nhập cho người dân để trang trải các chi phí nhiên liệu. Và kinh tế Mỹ ngày nay cũng ngày càng bớt đau đầu hơn với bài toán năng lượng, ít phụ thuộc hơn vào hàng hóa nhập khẩu. Mức tiêu dùng dầu đã giảm trong hai năm qua, ngay cả khi GDP tăng đều đặn.

 

Người dân Mỹ bây giờ có xu hướng lái xe ít hơn và quay sang tìm mua những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhập khẩu ròng đối với mặt hàng dầu đã rời xa mức đỉnh năm 2005, đồng nghĩa với việc người dân Mỹ, dù vẫn phải "nghiến răng" mua dầu đắt đỏ, thì khoản tiền đó cũng được coi là tiêu dùng trong lãnh thổ nước Mỹ. Nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào góp phần giảm giá xăng, kết hợp với một mùa đông ấm áp lạ thường, đã làm giảm gánh nặng chi tiêu sưởi ấm cho các hộ gia đình Mỹ xuống mức thấp không ngờ.

Trong tháng 1, phần chi phí dành cho năng lượng của người tiêu dùng đã gần chạm ngưỡng thấp kỷ lục của 50 năm qua. Những yếu tố này không hàm ý nước Mỹ đã "trơ" với dầu, mà chỉ là tác động của giá dầu tăng cho đến nay vẫn còn ở mức khiêm tốn. 

Châu Âu lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Tại các quốc gia châu Âu, nơi chính sách thuế đối với mặt hàng dầu khắt khe hơn nhiều so với Mỹ, tác động của giá dầu đến tăng trưởng thường ở mức độ "nhẹ nhàng" hơn. Nhưng lần này, tình hình có thể sẽ khác do hầu hết các nền kinh tế đã rơi vào trạng thái trì trệ hoặc thu hẹp. Tệ hơn nữa, những nền kinh tế ngoại vi thuộc nhóm yếu kém nhất của châu Âu lại chính là những nước nhập khẩu ròng mạnh mẽ nhất (xem biểu đồ 2).

Hy Lạp là ví dụ điển hình khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu, 88% trong số đó là dầu. Chỉ cần vài lần dầu nhích giá như hiện nay cũng đã đủ làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái khu vực đồng euro; thì một cú tăng phi mã hoàn toàn có thể gây nên một cuộc khủng hoảng sâu rộng và bóp vụn niềm tin của cả thị trường.

Nước Anh tương đối "thong dong". Mặc dù là một nước nhập khẩu ròng đối với dầu, Anh lại có những nguồn tài nguyên quan trọng ở Biển Bắc. Thiệt hại đối với người tiêu dùng do giá nhiên liệu tăng sẽ ngay lập tức được bù đắp phần nào bởi lợi nhuận từ chính hoạt động dầu khí của quốc gia này. Dẫu vậy, ngay cả ở Anh, tính đi tính lại thì hệ quả của việc tăng giá cho đến nay là tiêu cực hơn mức thông thường, đặc biệt kể từ khi tỷ lệ lạm phát giảm nhanh chóng. Lạm phát thấp hơn, thu nhập thực tế cao hơn là một lý do mà các nhà hoạch định chính sách của Anh đặt nhiều hy vọng rằng nền kinh tế có thể sẽ được cải thiện ngay trong năm nay.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, bức tranh thậm chí còn hiện lên rất khác nhau tùy từng góc nhìn. Những nhà xuất khẩu dầu, từ Venezuela sang Trung Đông, thì đang "kiếm được"; còn ai nhập khẩu dầu thì sẽ chỉ thấy cán cân thương mại ngày một xấu đi.

Trong các năm 2008 và 2011, đối tượng chịu tác động chính của giá dầu tại các nền kinh tế mới nổi chính là tỷ lệ lạm phát. Giờ thì nỗi lo đó đã bớt nặng nề hơn, chủ yếu nhờ sự ổn định của giá lương thực, nhân tố đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong rổ hàng tiêu dùng của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, đâu đó một vài quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong ngắn hạn, một số nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu sẽ phải hứng chịu nhiều nhất. Họ vừa bị ảnh hưởng bởi giá dầu đắt đỏ hơn, vừa bị "vạ lây" từ sự suy yếu của thị trường xuất khẩu châu Âu.

Ấn Độ cũng là một mối bận tâm. Nhiên liệu là một cấu phần lớn khi tính chỉ số giá bán buôn của nước này, vì thế khi giá dầu tăng, chi phí nhiên liệu trong nước sẽ tăng và kéo tỷ lệ lạm phát tăng theo. Khi mọi việc vượt quá mức cho phép, đến lượt ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Ở Ấn Độ, chính phủ ấn định - và cũng trợ giá đáng kể - giá dầu diesel và dầu hỏa. Theo Deutsche Bank, giá dầu diesel chỉ tăng có 31% kể từ tháng 1 năm 2009, trong khi giá dầu thô tính bằng đồng rupee đã tăng 180%. Sự khác biệt đó là kết quả từ hành động trợ giá, điều này lại đi "ngược chiều" với những nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách mà Ấn Độ đang hướng đến.

Hiện tại, dầu có đắt hơn thì cũng chẳng tổn hại gì cho tăng trưởng toàn cầu. Nhưng nó cũng không giúp được gì cho những nền kinh tế mong manh ở châu Âu. Và nếu eo biển Hormuz bị đe dọa, dầu sẽ lại tăng giá và đặt dấu chấm hết cho nỗ lực phục hồi của kinh tế thế giới.
Tác giả: HÙNG ANH (THEO ECONOMIST)

Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP