Miệt mài với chữ, suốt đời kiễng chân

21/2/120 nhận xét

Dịch giả Dương Tường
[Marketing3k.vn] Một người, dù cầm súng hay cầm bút, dù là dịch giả hay nhà thơ, cuộc sống của ông luôn gắn với những trang sách và những con chữ. Luôn tự học và lao động sáng tạo không ngừng, dám cả gan “so găng” với mọi khó khăn, đặc biệt là khó khăn chữ nghĩa. Đó là dịch giả, nhà thơ Dương Tường.

"Lương tâm, đạo đức của người dịch, đó chính là “văn đức” trong dịch thuật."
Phương châm của tôi là luôn làm việc gì khó hơn mình một chút, đòi hỏi phải cố gắng. Giống như người ta kiễng chân lên để với tới một cái gì không ngừng cao hơn."

Thoát ly gia đình, làm liên lạc cho cách mạng từ rất sớm, dịch giả Dương Tường hẳn rất khó khăn để có được “bồ chữ” hôm nay?

13 tuổi, tôi rời nhà theo cách mạng. Sau 8.1945, từ Vĩnh Yên về, tôi học tiếp một năm ở trường Phan Chu Trinh trên phố Nguyễn Thái Học bây giờ – trường trung học tư thục đầu tiên thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do học giả Đặng Thai Mai sáng lập. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi gia nhập đội tuyên truyền tỉnh Hà Đông. Đến năm 1948 tôi trở lại học lớp đệ tứ (tương đương lớp 7 bây giờ) ở trường trung học Nguyễn Huệ ở xã Trinh Tiết (Mỹ Đức – Hà Đông). Thế nên, trong lý lịch, mục trình độ văn hoá, tôi thường khai: lớp 7 phổ thông (chưa tốt nghiệp).

Vậy, vốn liếng tiếng Pháp mà ông có được là từ đâu?

Tôi học tiếng Pháp từ bé. Thời ấy, học sinh lớp nhì đã phải nghe thầy giảng bài bằng tiếng Pháp. Trong giờ Pháp văn, trò nói với thầy cũng phải dùng tiếng Pháp. Thế nên sau cách mạng Tháng tám, việc chuyển sang giảng dạy hoàn toàn bằng quốc ngữ, đối với các thầy, là cực kỳ khó khăn, thậm chí hầu như bất khả nếu không có một công trình vô cùng quan trọng là cuốn Từ điển danh từ khoa học của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Dù sao, với chừng ấy năm học ở trường, vốn tiếng Pháp của tôi chỉ đủ để bước đầu tiếp cận với văn học Pháp, rồi từ đó bắc cầu sang văn học thế giới. Để đi xa hơn và trở thành dịch giả, tôi phải tự học.

Thời kỳ làm “chú bộ đội” những năm kháng chiến chống Pháp, ông tự học ra sao?

Suốt những năm bộ đội, trong balô của tôi luôn có hai thứ: một cuốn từ điển Anh – Việt và một cuốn từ điển Pháp – Việt. Và hễ có cơ hội đọc sách, là tranh thủ ngay. Mỗi khi hạ một đồn giặc, trong khi anh em thu chiến lợi phẩm (súng ống, lương thực, thực phẩm…) thì tôi đi thu… sách. Phần nhiều là sách trinh thám, như Sherlock Holmes, Arsène Lupin… Những đêm hành quân, để anh em… đỡ buồn ngủ, tôi đem kể lại cho đồng đội nghe. Trong trận hạ đồn Hói Đào vào quãng cuối năm 1950, tôi vớ được cuốn Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, sướng mê. Đọc xong, tôi nghĩ bụng: “Một đồn lính có cuốn sách như thế này, chả trách hạ dễ như trở bàn tay”. Cuốn sách đó đi theo tôi mãi, cho đến khi bị thất lạc… Có thể nói đó chính là chiến lợi phẩm giá trị nhất mà tôi có được.

Điều quý giá nhất mà ông nhận được từ những năm tháng quân ngũ?

Biết cách vượt lên chính mình trong những điều kiện khó khăn cụ thể và nuôi được ý chí. Quân đội là trường học dạy tôi sống và chiến đấu. Để trong chiến tranh, người lính như tôi vẫn có thể duy trì ý chí tự học. Hoà bình lập lại, thư viện trở thành trường đại học của tôi. Cùng với một số bạn như Trần Dần, Lê Đạt, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, tôi dành phần lớn thời gian rỗi đến thư viện để đọc trực tiếp những tác phẩm kinh điển từ nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Anh, hoặc qua những bản dịch bằng hai ngôn ngữ đó. Nói cách nào đó, chúng tôi “cơm đùm cơm nắm” bám trụ ở thư viện gom nhặt kiến thức để bù lại quãng thời gian đi chiến đấu. Dạo ấy, có ai đến nhà tìm tôi không gặp, cha mẹ tôi đều chỉ ra thư viện.

Khi đó, ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng dường như, không phải công việc làm báo mà những kiệt tác văn chương thế giới mới thực sự “bỏ bùa” ông?

Đúng là khi về Thông tấn xã làm việc, có điều kiện hơn, tôi đã nghĩ đến việc sẽ dịch những tinh hoa văn học thế giới đến với đông đảo bạn đọc.

“Thước đo” của những tác phẩm văn chương mà ông chọn dịch?

Chỉ những tác phẩm có giá trị văn chương và giá trị nhân bản mới thực sự chinh phục tôi. Những tác giả đầu tiên mà tôi “đụng” phải, đều là những “người khổng lồ” của văn chương thế giới, như Chekhov, Lev Tolstoy… Khó nhưng hấp dẫn. Quân đội đã dạy tôi biết cả gan “so găng” với khó khăn. Phương châm của tôi là luôn làm việc gì khó hơn mình một chút, đòi hỏi phải cố gắng. Giống như người ta kiễng chân lên để với tới một cái gì không ngừng cao hơn.

Từ bấy đến giờ, đã 50 năm, ông thấy đời sống dịch thuật trong nước có gì khác?

Tôi thấy hồi bấy giờ đội ngũ dịch chưa đông, nhưng rất có chất lượng. Phần lớn đều là những dịch giả có trình độ, đều chung một mục tiêu: dịch để đưa những giá trị văn chương của nhân loại đến với đông đảo công chúng độc giả. Người dịch văn học cần giỏi ngoại ngữ đã đành, nhưng quan trọng hơn, phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Bản thân tôi luôn tâm niệm điều đó. Chính qua việc dịch các tác phẩm văn học, tôi trau dồi thêm tiếng Việt và càng ngày càng thấm vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.

Những phẩm chất nào, theo ông, là không thể thiếu với người dịch văn học?

Người dịch văn học có lương tâm, trước hết, phải dành hết tình yêu, tâm huyết cho công việc mình đang làm, sống với nó, “ăn nằm” với nó, lao động hết mình với chữ, để đạt đến tầm cao nhất trong khả năng của mình. Tôi vẫn giữ quan điểm “người dịch – đồng tác giả” của mình: một bản dịch lý tưởng, theo tôi phải vừa trung thành với nguyên tác, vừa mang đậm cá tính người dịch.

Trước thực trạng đời sống dịch thuật hiện nay, ông đã bức xúc với hai chữ “văn đức” ra sao?

Nảy ra từ “văn đức”, đó là một phản ứng của tôi đối với bộ phận những người làm dịch thuật theo kiểu thời thượng, những đầu nậu tìm sách ăn khách, chạy theo lợi nhuận, làm rối loạn thị hiếu người đọc. Đáng buồn là đang có rất nhiều “dịch giả” trình độ ngoại ngữ rất kém, tiếng mẹ đẻ lại càng tệ hại. Rồi việc chạy đua với thời gian để ra sách, bán sách, dẫn đến một mớ sản phẩm… rác. Đó là những người dịch không có lương tâm. Phải làm sao để thay đổi tình hình đó. Lương tâm, đạo đức của người dịch, đó chính là “văn đức” trong dịch thuật.

Chủ trương cẩn trọng trong dịch thuật có làm ông “thất bại” nếu so đo về số lượng dịch với bộ phận những người làm dịch thuật thị trường hiện nay?

Mới đây, tôi dịch Lolita, một kiệt tác của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov. Nguyên bản trên 300 trang, mà tôi phải mất hai năm ròng mới hoàn thành dịch. Nếu vào tay người khác chắc chỉ mấy tháng là xong. Đây là một tác phẩm cực khó. Nabokov là một phù thuỷ chữ, lại rất uyên bác, văn ông đầy những ngón chơi chữ, những điển văn học từ mọi nguồn Đông Tây kim cổ. Thật tình, có những đêm, tôi mất ngủ vì loay hoay với mấy chữ “khó nhằn”: chữ của Nabokov đã đi vào cả giấc ngủ của tôi. Để giúp bạn đọc thưởng thức những ẩn nghĩa sâu xa và chất u-mua (hài hước – humour) tinh tế của cuốn tiểu thuyết vào loại “khó bậc nhất” này, tôi đã soạn tới gần 500 chú thích! Có thể nói thời gian và công sức bỏ ra để tra cứu, biên khảo các chú thích không kém thời gian và công sức dành cho việc dịch văn bản chính. Tôi nghĩ, đó cũng là “văn đức”.

Tôi cũng có thể dịch mỗi tháng vài trăm trang. Xưa, tôi đã từng dịch xong một vở kịch của Arthur Miller chỉ trong mấy đêm. Nhưng, vấn đề là phải tôn trọng độc giả. Phải dịch ra dịch, vì đó là văn chương, là những giá trị vĩnh hằng của nhân loại…

Trong bối cảnh dịch thuật buồn nhiều vui ít đó, ông đánh giá thế nào về đội ngũ kế cận, những người sẽ tiếp tục bắc những nhịp cầu văn hoá cho Việt Nam và thế giới?

Không phải không có những người khá, người giỏi, những người làm việc đầy trách nhiệm và tâm huyết, nhưng quả thật số đó hiện đang chìm nghỉm trong đám đông xoàng xĩnh. Hãy thử giở ra những cuốn sách dịch đang được bày bán trên các sạp sách, nhiều cuốn lỗi không đếm hết, thậm chí còn được gọi là “thảm hoạ” dịch thuật…

Giá trị một ngòi bút, theo ông?

Một câu hỏi dễ khiến người trả lời rơi vào công thức chung chung. Nói cho cùng, cũng không ngoài phẩm chất văn đức: một đời miệt mài với chữ, nhằm đạt tới dù chỉ là một phần những điều mình mong muốn.

Với ông, đó là những mong muốn gì?

Thứ nhất, phổ biến được những giá trị văn chương của nhân loại tới càng nhiều người càng tốt. Thứ hai, không kém phần quan trọng, là giúp những người cầm bút trong nước không biết, không tiếp cận trực tiếp văn học thế giới, thấy được các bậc thầy đã lao động sáng tạo như thế nào, đã khổ công với chữ ra sao để làm mới cách viết của mình, để không đi theo những lối mòn, để tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc hay những công thức và cho người đọc thấy được những chân trời khác… Một thời gian dài, nhiều người viết của chúng ta, gò bó trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, bỗng một hôm được đọc, chẳng hạn, Trăm năm cô đơn, mới thấm thía rằng không thể viết theo cách cũ được nữa. Tôi nghĩ, những sáng tạo văn chương chói lọi của các bậc thầy thế giới đã thực sự ảnh hưởng đến nền văn học trong nước và có tác động thúc đẩy nhất định đối với những người cầm bút trong nước. Và tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

Ở góc độ một người sáng tác, nhà thơ Dương Tường xuất hiện muộn hơn rất nhiều so với dịch giả Dương Tường, ông có buồn nhiều vì điều này?

Thực ra, thơ của tôi đã được truyền đọc từ cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ trước. Nhưng phải gần 20 năm sau thì nó mới được in cùng Lê Đạt trong cuốn 36 bài tình (1988 – 1989). Với một nhà thơ, điều lớn hơn thành công cá nhân, là những đóng góp vào sự phát triển của thơ. Có lẽ, nếu những bài thơ ấy được in kịp thời, đúng vào thời điểm ngòi bút đang sung sức, sẽ là một động lực để tôi đi tiếp trên đường thơ và có những ảnh hưởng với những người xung quanh. Mặc dù, tôi tự biết mình là một trong những người đã có ảnh hưởng nhất định đến những bạn làm thơ trẻ thế hệ sau. Nhiều bạn làm thơ trẻ đã tìm đến tôi.

Không chỉ trong dịch thuật, mà dường như trong thơ ông cũng luôn có những nỗ lực nhằm mở ra “những chân trời khác”?

Tôi nghĩ, thơ thì phải mới và hay. Mới mà không hay chỉ là một giá trị dở dang. Một số bạn trẻ cũng đang cố gắng tìm tòi, nếu chưa đạt, thì ít nhất là một chất xúc tác cho đồng nghiệp thấy cần thiết phải làm mới. Dù không thành công, thì vẫn rất đáng khuyến khích.

Vậy, sự cách tân trong thơ, theo nhà thơ Dương Tường, cần làm gì để không dừng lại ở những thành tựu dở dang, những “xác chữ” gây hoang mang cho người yêu thơ?

Con đường thơ mà Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường… đã đi, không chỉ là lao động chữ nghĩa đơn thuần, mà xuất phát từ một thôi thúc nội tâm, và nó thấm những giọt mồ hôi của tâm hồn. Tôi có lần đã đọc bài thơ Chợt thu của mình cho một người ngoại quốc nghe, họ không biết tiếng Việt, nhưng họ nghe xong thì họ phát biểu rằng đã “nghe được tiếng xào xạc của lá rơi”, “nghe được âm nhạc của mùa thu”. Đó là một bài thơ không hề có một chữ thu nào: Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Ngươi se sẽ buồn… Vậy, hai âm chữ “se sẽ” trượt nghĩa sang “se se (lạnh)”, đâu phải thuần tuý là tìm tòi hình thức?

Có quan niệm làm nghệ thuật, trong đó có thơ, là dành cho một tầng lớp, bộ phận công chúng riêng, không dành cho số đông…

Ý kiến của ông?

Đừng đánh giá công chúng thấp. Công chúng rất rộng lượng, rất đa cách, đa dạng, có những bộ phận có thể chấp nhận anh, có những bộ phận phản ứng anh mạnh mẽ… và những gì không có giá trị thực sự sẽ mai một theo thời gian.

Cách tân thơ là câu chuyện luôn thời sự trong đời sống văn chương Việt và thế giới. Điều mà ông có thể nhắn gửi những người viết trẻ?

Nếu cách tân để đua đòi, để nói mình không cũ kỹ, bảo thủ, thì đó chỉ là sự nửa chừng. Phải cách tân thật lòng. Cái đáng trọng thực sự trong cách tân thơ là những thôi thúc nội tại, là cốt cách của mình nó biểu hiện ra như thế. Người ta không ai giống ai hoàn toàn. Nếu cách tân là một nhu cầu bức thiết của cái tôi, của cốt cách, bản ngã, thì rất đáng làm, và có tiềm năng để thành công. Từ xưa đến nay, cái mới nào sinh thành cũng đều rất khó khăn, đau đớn, như người mẹ sinh con. Tương tự, trong hội hoạ, người ta làm sắp đặt, trình diễn, và phải chịu sự xét nét, kiểm duyệt… Sợ cái mới, không dám thừa nhận cái mới là một tâm lý có thực. Những người làm quản lý văn hoá có đầu óc mở mang, sẽ không coi đó là phản động, là phá hoại, là mầm mống của cái xấu, cần phải siết chặt. Hãy tin ở lương tri người nghệ sĩ mà có cách ứng xử mềm dẻo hơn. Người nghệ sĩ và công chúng của họ đều cần được trải nghiệm. Không có cách nào khác. Đó là con đường tốt nhất trong sáng tạo.

THỰC HIỆN: KIM HOA
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP