Doanh nghiệp Việt Nam: Tốt nhất là tự vượt lên!

13/11/110 nhận xét


[Marketing3k.vn] Ít ra trong vòng chín tháng qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phải ngừng hoạt động, dừng nộp thuế hoặc bị phá sản và đóng cửa vì không còn đủ sức chống đỡ những khó khăn từ nhiều phía của nền kinh tế. Ðể hiểu rõ hơn thực trạng trên, Báo Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi ý kiến với ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng của doanh nghiệp, nhất là DNNVV của Việt Nam hiện nay?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nhiều năm trước đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam khá thuận lợi. Số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn, trung bình một năm có thêm khoảng 80 nghìn doanh nghiệp ra đời và đến nay cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký (hơn 90% là DNNVV). Tuy nhiên, những hạn chế yếu kém của mấy năm gần đây, nhất là năm 2010 để lại như kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững, hiệu quả đầu tư thấp, chính sách còn thiếu đồng bộ, dễ phát sinh tiêu cực lãng phí dẫn đến thiếu động lực... Ðặc biệt, năm 2011 doanh nghiệp đang phải đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng cao, tiếp cận vốn vay khó khăn... khiến càng khó khăn hơn.

PV: Lạm phát, và nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn đã, đang là rào cản chính cho DNNVV. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi e rằng một số doanh nghiệp sẽ bị phá sản...

Ông Cao Sỹ Kiêm: Ðúng vậy. Ðiều này được minh chứng mấy năm qua, khi DNNVV vừa phải hội nhập, vừa phải chống lạm phát, chống giảm phát và lại phải góp sức phục hồi kinh tế. Năm nay còn khó khăn hơn, vì chỉ có 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, 30% tiếp cận được, nhưng vướng mắc thủ tục và hơn 30% không tiếp cận được, làm cho sản xuất đình trệ, dự án mới đóng băng. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 4-5 tháng nữa thì khả năng doanh nghiệp phá sản, dừng sản xuất là rất lớn.

PV: Thưa ông, theo thống kê chín tháng vừa qua, số doanh nghiệp phá sản tăng lên khá cao. Vậy thực chất đây có phải là tín hiệu cho một cuộc sàng lọc có lợi trong việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Hiểu như vậy cũng không sai. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp 'kiệt sức' trước khó khăn, sản xuất đình trệ, dẫn đến phá sản, thì tự nó đã bộc lộ rõ những mặt mạnh, mặt yếu. Như vậy, ở phương diện khách quan và đặc biệt là chủ quan, chúng ta cũng thấy rõ hơn những gì cần sửa chữa, điều chỉnh cũng như sắp xếp lại, làm cho doanh nghiệp 'khỏe' hơn. Và đây cũng chính là thời cơ làm lành mạnh hóa hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện mới để phát triển bền vững hơn sau này.

Con số khoảng 49 nghìn doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa... là điều đáng tiếc. Nhưng chúng ta không nên nhìn nhận điều này một cách bi quan. Bởi vì quy luật có mất đi, có sinh ra. Mới đây chúng ta tiếp tục cấp phép cho 40-50 nghìn doanh nghiệp khác ra đời đó thôi.

PV: Dẫu sao thì khó khăn vẫn đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Vậy theo ông, để 'vượt bão', các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó các DNNVV cần làm gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Chúng tôi đã có định hướng cho các doanh nghiệp với những điều đã được kiểm nghiệm trong thời gian qua. Tự giải quyết, vươn lên là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để đứng vững và vượt qua khó khăn, nhất là chuẩn bị mọi điều kiện để vươn lên khi kinh tế hồi phục. Mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của chính mình một cách chính xác. Những ưu điểm cần được triển khai, nội lực cần được phát huy để đề ra những giải pháp, chiến lược đi tiếp. Khả năng thích ứng với tình hình cần được nâng cao hơn, cụ thể như chuyển hướng sản xuất, khai thác tối đa, có hiệu quả những chính sách mới, những chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo nên thế mạnh, khắc phục những tồn tại để phát triển tốt hơn. Ðây là cách làm thích hợp với mọi doanh nghiệp, bởi càng làm kỹ, làm sâu, thì sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sẽ bền vững hơn trong tương lai.

PV: Nhưng, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cùng các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cũng cần có chính sách, giải pháp phù hợp hơn để hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn chứ, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tất nhiên rồi. Trước hết, cơ quan chức năng, chính quyền cần nắm được khó khăn, những vướng mắc của doanh nghiệp để giải thích, tháo gỡ, trả lời cho sát và phù hợp. Thí dụ như giúp đỡ, hỗ trợ về mặt chính sách như giảm thuế, hoãn thuế, tín dụng ưu đãi, giảm bớt phiền hà, giải quyết các khâu hành chính nhanh hơn thì tất cả sẽ tạo ra yếu tố mới cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Cùng đó, sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp kịp thời với trách nhiệm cao của tất cả các cơ quan quản lý cũng như những cán bộ công chức sẽ trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các doanh nghiệp vượt lên.

PV: Hẳn là ông cũng có dự báo của mình về 'sức khỏe' DNNVV từ nay đến quý I năm sau?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Như đã biết, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bị tác động nhiều mặt, nhưng nếu thực hiện các giải pháp của Chính phủ; Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ thật hiệu quả, có sự phối hợp đồng bộ theo chiều hướng tích cực như hiện nay thì sẽ có cải thiện, khôi phục dần.

Với những tín hiệu đáng mừng như lạm phát có chiều hướng đi xuống, tỷ giá và lãi suất cũng có thuận lợi hơn, nhất là xuất khẩu tốt hơn; nhập siêu đã bước đầu hạn chế được và cán cân thanh toán được cải thiện một bước..., tin rằng nền kinh tế sẽ sớm khả quan hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Nhandan - HƯƠNG TRÀ Thực hiện
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP