Việt Nam: “Tái cơ cấu kinh tế không thể chậm chễ hơn nữa”

18/10/110 nhận xét

Ảnh: TTXVN
[Marketing3k.vn] Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Do vậy, việc đánh giá thực trạng kinh tế trong nước, dự báo diễn biến kinh tế thế giới và đo lường mức độ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam là một yêu cầu đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách.

Phát biểu tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, ngày 18-10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Phải tái cơ cấu ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Giảm lượng, tăng chất và quy mô

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, đặc biệt từ năm 2008 đến nay. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp với từng giai đoạn, từng năm và cũng đạt được những thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong năm 2011 vẫn còn rất cao, nhập siêu kéo dài, tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới và lãi suất cao. Tỉ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng, chính sách tài khóa còn nhiều điểm đáng phải quan tâm.

"Với mục tiêu kế hoạch 5 năm (2011-2015) tăng trưởng GDP bình quân 7-7,5%/năm, Chính phủ đã lựa chọn giải pháp thực hiện trong năm 2012 và năm kế tiếp là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý, đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6-6,5%/năm" - Phó thủ tướng nói.

Vì vậy, theo Phó thủ tướng, cần thiết phải tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp, trong đó tập trung vào doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty; đồng thời tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính, thông qua việc giảm số lượng, tăng quy mô và chất lượng.

Năm 2011, kinh tế thế giới đang đứng trước các tình huống mới, khủng hoảng khu vực tư nhân lan sang khu vực công, mô hình kinh tế trở nên mất cân bằng. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam, các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng bảo đảm nhưng đã được điều chỉnh xuống bởi sự phát triển mất cân bằng, quá nóng, tạo bong bóng. Do đó phải lường trước một kịch bản xấu hơn, khả năng nền kinh tế có thể vừa phải đối mặt với lạm phát, vừa đình trệ sản xuất.

Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế. Những giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính tình thế và giải quyết những biểu hiện chứ chưa giải quyết được về bản chất.

Làm rõ căn nguyên

Theo đánh giá khu vực châu Á từ Ngân hàng Thế giới, các quốc gia tại đây vẫn duy trì sự phát triển, song từ quý 3-2011, tăng trưởng đã giảm. Khả năng chống chịu khủng hoảng của châu Á có được là nhờ vào việc tăng cầu trong nước, qua đó giảm được sự phụ thuộc xuất khẩu. Ngoài ra, trao đổi thương mại nội vùng đã được phát triển mạnh hơn.

Song ông Deepak Mishra cũng chỉ ra những thách thức của khu vực, hầu hết các quốc gia đều trong tình trạng lạm phát cao của hầu hết các quốc gia châu Á và dòng vốn nước ngoài chảy vào đang giảm và tính bất ổn gia tăng.

“Nền kinh tế khu vực đang gặp khó khăn và Việt Nam cũng tương tự, lạm phát tăng cao hơn các nước cùng trong khu vực. Cụ thể, năm 2011 lạm phát tại Việt Nam vọt lên trên 20%. Trong đó, lạm phát lương thực chiếm 40% chỉ số CPI, do bất ổn về cơ cấu này đã làm lạm phát Việt Nam cao hơn các quốc gia khác.

Dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam ở mức thấp (dưới 3 tháng nhập khẩu, mức khuyến nghị duy trì tối thiểu), tổng nợ của Chính phủ so với GDP lên trên 50%. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất danh nghĩa rất cao nhưng lãi suất thực lại thấp do lạm phát cao. Người dân chuyển sang tiết kiệm bằng các tài sản khác làm thị trường ngoại hối bất ổn định” - ông Deepak Mishra nhận xét.

Ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra rằng hiện đã có 48.700 doanh nghiệp trong nước phá sản hoặc đóng cửa. Không thể phủ nhận những kết quả tích cực của mô hình tăng trưởng song hiện tại nó đã đi đến giới hạn.

“Năm năm tới, để thành công trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chúng ta cần có những phân tích đánh giá sát thực, từ tình hình kinh tế thế giới đang đứng trên bờ vực suy thoái mới, những tác động cụ thể tới Việt Nam. Cần làm rõ hơn những căn nguyên từ sự méo mó của các mô hình phát triển trong nước, đồng thời phải có những nhìn nhận nghiêm túc trong sự phối hợp giữa các chính sách và phải đứng trên góc độ kinh tế thị trường để xem xét” - ông Thắng kiến nghị.

Theo TTXVN/Tuổi trẻ
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP