Việt Nam: Đại học mọc như nấm

12/10/110 nhận xét

Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM
vừa được nâng cấp năm 2010. Một năm sau,
 trường đã tăng hơn gấp đôi số ngành bậc ĐH.
 Trong ảnh: thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường
- Ảnh: Như Hùng
[Marketing3k.vn] Chuyện hàng loạt trường phải đóng cửa ngành hiện nay là điều đã được nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo từ những cuộc đua mở ngành, mở trường ĐH, CĐ.

Từ năm 1998-2009, có 307 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp (chưa tính các trường sĩ quan quân đội, công an, các trường ĐH, CĐ thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các ĐH). Tính đến hết năm 2009, cả nước có 409 trường ĐH, CĐ trong đó có 76 trường ngoài công lập. Đến nay 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ (chỉ còn Đắk Nông là tỉnh duy nhất chưa có trường ĐH, CĐ). Riêng hai năm 2010-2011 đã có khoảng 20 trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ hoặc thành lập mới và nhiều trường ĐH đang trong quá trình xem xét cho thành lập.
Chạy theo số lượng

Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản... để đảm bảo chất lượng đào tạo lại không theo kịp. Đặc biệt, nhiều trường mới được thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt xa năng lực đào tạo.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định việc thành lập trường ĐH, CĐ trong vài năm gần đây phát triển theo số lượng, chạy theo quy mô đào tạo và thành tích của bộ, ngành, địa phương mà chưa chú ý tới quy hoạch chung cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Không chỉ ồ ạt nâng cấp lên ĐH, việc đua nhau mở ngành cũng diễn ra hết sức nhộn nhịp. Trong 10 năm qua, đã có 347/355 lượt trường đăng ký được cho phép mở ngành. Năm 2009 cả nước có hơn 4.300 ngành học thì năm 2010 con số này đã nhảy lên hơn 4.500 ngành học.

Mặt khác, đối với những trường ĐH mới được thành lập hay nâng cấp từ CĐ lên, tốc độ mở ngành còn ồ ạt hơn. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (được nâng cấp từ trường CĐ) trong năm 2010 có bốn ngành đào tạo bậc ĐH với 800 chỉ tiêu.

Nhưng mùa tuyển sinh năm nay trường đã đào tạo 10 ngành bậc ĐH với 1.200 chỉ tiêu... Tương tự, năm 2010 Trường ĐH Thủ Dầu Một (nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm Bình Dương) xét tuyển 600 chỉ tiêu ĐH cho sáu ngành, đến năm nay đã nhảy vọt lên 12 ngành với 1.200 chỉ tiêu ĐH và 600 chỉ tiêu CĐ...

Một thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Các trường được phép mở ngành ồ ạt mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng hay không. Đây là lý do quan trọng nhất của việc tồn tại các trường ĐH, CĐ hoạt động nhưng không có điều kiện đảm bảo chất lượng như quy định và cam kết của trường”. Một số ngành mới mở ở các trường không phù hợp với trình độ đào tạo ĐH như các ngành võ thuật, nấu ăn, thời trang...

Có xin thì có cho

Đáng nói là cơ cấu ngành nghề tập trung vào khối ngành kinh tế, trong khi nhiều ngành kỹ thuật công nghệ đứng trước nguy cơ đóng cửa. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, cho rằng trong khi thí sinh đua nhau vào nhóm ngành kinh tế, các trường vẫn hùa theo vì việc đầu tư mở khối ngành này chỉ là “tay không bắt giặc” dạy - học chay, không tốn kém như khối ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản.

TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập - cho rằng những quy định về mở trường, mở ngành hiện nay hết sức máy móc, chỉ dựa trên các thông số về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo của các trường mà không dựa vào quy hoạch, không xét đến nhu cầu sử dụng nhân lực (phải có điều tra để xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực).

Điều này dẫn đến các ngành mở ra rồi tự chết. Hiện nay đã có quy hoạch phát triển ĐH đến năm 2020 nhưng việc xét mở trường, mở ngành lại chưa căn cứ vào bản quy hoạch này. Điều dễ nhận thấy nhất là hầu như các trường, ngay cả các trường mới thành lập khi xin mở ngành mới đều tập trung vào nhóm ngành kinh tế, bởi đây là những ngành không đòi hỏi nhiều về đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo thấp nên sinh lời lớn, lại dễ có người học. Thống kê sơ bộ cho thấy hầu hết các trường đều có nhóm ngành này, có xin thì có cho.

Bên cạnh đó, cách quản lý hiện nay hầu như khoán trắng cho các trường. Cũng như công tác tuyển sinh hiện nay, bộ nắm đầu vào, thả đầu ra, trong khi đáng ra phải làm điều ngược lại, công tác quản lý ĐH cũng vậy. Bộ chỉ xét mở ngành (đầu vào) và trong quá trình đào tạo không có cơ chế gì để kiểm định, điều chỉnh cho phù hợp.
----------------------
Điểm sàn chưa hợp lý


Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên trong kỳ tuyển sinh năm nay được nhiều người đưa ra đó là việc tính toán điểm sàn của Bộ GD-ĐT chưa hợp lý. Ông Cổ Tấn Anh Vũ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng việc dựa trên tổng chỉ tiêu và số thí sinh đạt điểm trên mức chỉ tiêu ấy để xác định điểm sàn là chưa hợp lý. Thực tế nhiều thí sinh chỉ chọn học một số ngành, nhóm ngành nhất định - nhất là kinh tế - nên nhiều ngành xã hội nhân văn, kỹ thuật bị thiếu nguồn tuyển. Từ đó dẫn đến tình trạng thừa vẫn thừa ở các ngành, trường kinh tế trong khi thiếu hoàn thiếu ở các trường, ngành kỹ thuật, nhân văn.

Trong khi đó PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long - cho rằng do việc tuyển sinh cào bằng cho tất cả các trường trong khi mỗi nhóm trường có đặc thù và chức năng riêng, mặt bằng thí sinh các khu vực cũng khác nhau.
----------------------
Theo Tuoitre - MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP