Giáo dục Việt Nam: Trước hết cần đổi mới căn bản quản lý giáo dục

25/9/110 nhận xét

(Nguồn ảnh:MDIS)
[Marketing3k.vn] Nhìn vào nền giáo dục của chúng ta hiện nay, hình như chỗ nào cũng thấy có vấn đề, nhưng cái cấp thiết trước mắt phải chăng là cần đổi mới căn bản cơ chế quản lý cũng như chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ và giáo viên?

Đọc bài của GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh, tôi thấy rất hay và đồng tình về nhiều điểm, nhưng trước tình hình bộ máy quản lý và cơ chế quản lý như hiện nay thì không thực hiện được những ý tưởng mạnh bạo và sáng tạo như Giáo sư đã nêu, mà phải cải cách trước hết về công tác quản lý của cả ngành giáo dục, nhất là bộ máy quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô.

Theo tôi suy nghĩ, Bộ GD cần đổi mới tận gốc công tác quản lí giáo dục. Nhà nước và ngành giáo dục đã có các đợt cải cách, đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, cải tiến thi cử, đẩy mạnh phong trào “Hai không”, “Bốn không”,,… nhưng xem ra ít hiệu quả. Thậm chí, có nhiều mặt còn đi xuống, bị dư luận xã hội bất bình. Vậy từ đâu mà chúng ta làm nhiều nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu?
Là một nhà giáo, cán bộ quản lí lâu năm, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ, đối chiếu lý luận và thực tiễn, và trao đổi với nhiều đồng nghiệp, cuối cùng tôi rút ra nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém của ngành ta hiện nay chính là do mới thực hiện đổi mới phần ngọn bằng những biện pháp tình thế mà chưa đổi mới tận gốc và trước hết là đổi mới cơ chế quản lý và bộ máy quản lý.
Để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân có hiệu quả, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cần phải thay đổi tận gốc tất cả các mặt của nền giáo dục quốc dân, về thực chất là cải cách giáo dục. Với cách hiểu như vậy, thì đây là sự thay đổi cả về triết lý, về mục tiêu giáo dục và nguyên lý hoạt động giáo dục, cơ cấu hệ thống và mô hình nhà trường, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục... Tôi xin kiến nghị một số nội dung cơ bản về công tác quản lí.

Tôi nghĩ rằng, muốn tạo ra phong trào thi đua có thực chất (chứ không phải thi đua theo kiểu hình thức) trong ngành giáo dục cũng như các ngành khác điều quan trọng trước hết phải có chính sách trọng dụng người tài đi đôi với sa thải người yếu kém, không còn đạt yêu cầu ở vị trí công tác.

Theo tôi nguyên nhân của sự trì trệ, yếu kém hiện nay của ngành giáo dục chính là ở công tác quản lí, cách dùng người và sự đãi ngộ không đúng với kết quả đóng góp và cống hiến của từng người. Vì vậy, chưa phát huy được năng lực và tâm huyết của cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên, chưa thực hiện nghiêm túc việc khen thưởng cũng như kỉ luật.

Trong đãi ngộ còn mang tính cào bằng nên không ai muốn phấn đấu làm gì. Nâng lương cứ đến hẹn lại lên, người giỏi không hơn gì kẻ kém. Nếu giả thử cơ sở vật chất-kỹ thuật của nhà trường đã được trang bị đầy đủ, đội ngũ chuẩn hoá 100%, sách giáo khoa là tối ưu, lương GV trả cao ... nhưng với cung cách quản lí hiện nay thì chất lượng và hiệu quả giáo dục cũng không được nâng lên đáng kể. Đó là chưa nói tác hại của những cái tiêu cực khá phổ biến trong ngành như căn bệnh thành tích vẫn còn nặng nề, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, không công bằng và minh bạch, nạn hối lộ, tham nhũng…hầu như đâu cũng có…Tất cả những tệ nạn đó càng có điều kiện hoành hành, hùa vào làm suy yếu bộ máy quản lý giáo dục, nhất là khi cơ chế quản lý còn nhiều “ lỗ hổng” và nhiều điều bất hợp lý làm mất lòng tin của đội ngũ giáo viên, của cha mẹ học sinh và đem lại những hệ lụy phản giáo dục đối với học sinh.

Giáo viên là yếu tố hang đầu quyết định chất lượng giáo dục, vì vậy phải coi trọng công tác tuyển dụng để đưa vào ngành những người đủ tiêu chuẩn, đồng thời sa thải những người yếu kém về chuyên môn và đạo đức. Phải đặt mọi CBGV vào thế có thể bị thay đổi, bị sa thải, nếu không nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm và luôn trau dồi đạo đức, nhân cách của người Thầy. Phải coi đây như 1 việc làm tất yếu, thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, là yếu tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta không thể nhân đạo chung chung được. Thương một bộ phận CBGV yếu kém sẽ tạo ra sức ỳ đối với cả đội ngũ và làm hại nhiều thế hệ học sinh.

Tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương, cần đặt ra một tỷ lệ nhất định sẽ bị đưa ra ngoài biên chế (hoặc kết thúc hợp đồng) hằng năm những CBGV (kể cả cán bộ quản lí các cấp) không còn đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực quản lí cũng như tư cách đạo đức yếu kém; điều đó là lẽ đương nhiên của một “cơ thể sống” luôn cần sự đồng hóa và dị hóa. Việc này xem ra như thiếu nhân đạo, nhưng nhìn tổng thể lại là nhân đạo nhất. Phải tạo ra một áp lực cho tất cả CBGV để họ luôn có ý thức phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng, học tập để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.

Hiện nay, không ít sinh viên khá giỏi tốt nghiệp ngành sư phạm vẫn chưa có việc làm, họ rất thiết tha được làm thầy để được thể hiện năng lực và tâm huyết với nghề mà mình yêu thích . Phải để họ thay thế Gv yếu kém. Phải có sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Cũng cần đặt cán bộ quản lý vào những tình huống khó khăn để thử thách năng lực quản lý, xem họ có sáng tạo để đưa đơn vị giáo dục yếu kém đi lên hay không. Yêu cầu đối với cán bộ quản lý là phải tìm ra những biện pháp có tính sáng tạo và khả thi để đưa đơn vị từ trung bình vươn lên khá, khá rồi làm cho tốt, tốt rồi vẫn phải tiếp tục phấn đấu để tốt hơn nữa. Có làm như vậy thì khẩu hiệu: Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo mới thành hiện thực. Chính trong khó khăn mới phát hiện ra người tài. Đối với GV cũng nên làm như thế. Mặt khác, muốn phát huy được động lực phấn đấu vững bền đối với cán bộ quản lý và giáo viên thì cần xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương ứng với kết quả cống hiến của từng người.Thực hiện công bằng trong giáo dục không chỉ thể hiện ở chính sách đãi ngộ đúng đối với từng người mà còn cần công bằng về định biên, biên chế giữa các vùng miền. Không để cùng ở vị trí GV đồng cấp, có nơi chỉ dạy 8-10 tiết ở vùng thuận lợi ( GV ở thị thành,… ), còn nơi khó khăn ( vùng sâu, vùng xa, khó khăn…) thì phải dạy 19-20 tiết/ tuần. CBGV đi vùng xa, vùng khó phải luân phiên để đảm bảo công bằng. Lỗi này thường xảy ra phần lớn do tiêu cực ở công tác tổ chức cán bộ.

Người giỏi là người làm việc có chất lượng và hiệu quả cao ở những vùng khó khăn càng cần được đãi ngộ xứng đáng (như lên lương nhanh), không kể tuổi tác hay tuổi nghề. Trái lại những CBGV ở những vùng thuận lợi mà công tác chỉ ở mức trung bình, chậm tiến bộ thì sẽ nhận sự đãi ngộ thấp (kéo dài thời gian nâng lương). Nếu thực hiện được chế độ đãi ngộ công bằng như vậy, chắc chắn tạo ra sự chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng trì trệ trong ngành giáo dục hiện nay.
La Chuan
---------------------------------------------------
LTS Dân trí - Muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đúng là phải “Đổi mới căn bản và toàn diện”, từ triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục cho đến việc tinh giản nội dung chương trình cũng như đổi mới cách dạy và học, nhưng trước mắt, muốn tạo ra động lực cho sự phát triển thì phải quan tâm trước hết việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên bằng chính sách sử dụng và đãi ngộ đúng đắn. Phải chăng đây là khâu đột phá cần thiết của công cuộc cải cách giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Theo Dantri
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP