Chuyện làm ăn giới ngân hàng Việt Nam: Lớn, nhỏ và...'to xác'

27/9/110 nhận xét

[Marketing3k.vn] Gần đây ngành ngân hàng được nhắc đến nhiều hơn, kèm theo những từ như: xé rào, lách luật, nợ xấu tăng, lộn xộn trong huy động vốn, cho vay... Hay như Thống đốc NHNN cũng thừa nhận là như… cái chợ. Vậy đã đến lúc phải "quy hoạch" lại hệ thống ngân hàng?

Ðường dây nóng, làm nóng mặt CEO

Thông tin gây chú ý nhiều nhất trong tuần qua không phải là sắc xanh trên thị trường chứng khoán, giá vàng, tỷ giá mà là tin về các NHTM vượt trần lãi suất huy động. Chỉ một ngày sau khi NHNN ban hành Thông tư 02 về việc sẽ xử lý nghiêm khắc những NHTM "bất tuân thượng lệnh" và thiết lập đường dây nóng, lãnh đạo nhiều NHTM đã "nóng mặt" vì ngân hàng của mình liên tục "được" lên báo. Ngoài những thông tin trên báo, đài thì còn rất nhiều tin "vỉa hè" về việc ngân hàng này "chơi xấu, chơi xỏ" ngân hàng kia… Do đó, hiệu quả của đường dây nóng chưa thấy, đã thấy ngay hậu quả là làm cho "chợ" ngân hàng rối thêm. Tuy nhiên, những thông tin "bề nổi" này chỉ để cho xôm chuyện. Vấn đề ở chỗ, tại sao việc huy động vốn của NHTM lại rối tung như vậy?

Trước hết vì thanh khoản. Trả lời băn khoăn của chúng tôi về việc tăng trưởng tín dụng quá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng ra sao, trưởng ban tín dụng của một NHTM lớn cho biết: "Thời gian này kinh doanh vốn lãi hơn tín dụng nhiều. Chưa kể tín dụng còn lo rủi ro này nọ!".

Nhìn tổng thể thị trường, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng - nơi các ngân hàng vay mượn của nhau - tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao (kỳ hạn một tuần khoảng 15-16%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ 16-18%/năm). Tuần trước, NHNN đã bơm ròng 21.000 tỷ đồng trên thị trường mở để hỗ trợ một số ngân hàng với kỳ hạn cho vay 1-2 tuần (nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động mua bán giấy tờ có giá giữa ngân hàng Trung ương và các tổ chức tín dụng. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, ngân hàng trung ương tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường). Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện có ít nhất 12 NHTM liên tục nằm trong tình trạng rất căng thẳng về thanh khoản. Chẳng thế, những biện pháp mạnh của NHNN cũng không ngăn được tình trạng một số NHTM lớn phải "nhìn" hàng ngàn tỷ đồng vốn huy động của mình "bốc hơi" mỗi ngày do người dân rút tiền gửi khỏi ngân hàng. Để đối phó, cũng gần như ngay lập tức với lệnh thực hiện trần lãi suất 14%/năm, nhiều sản phẩm huy động siêu ngắn đã tái xuất hiện. Không phải bây giờ, mà từ lâu thanh khoản đã là vấn đề đối với một số ngân hàng. Giờ, NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt quản lý nên "bệnh" của họ có điều kiện bộc lộ rõ hơn.

Thứ hai, đạo đức kinh doanh trước sức ép cạnh tranh của thị trường. Điều kiện kinh doanh của ngân hàng đang ngày càng khó khăn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Không chỉ là những chỉ tiêu về tăng trưởng, lợi nhuận mà còn cạnh tranh thương hiệu, hình ảnh… CEO chịu sức ép từ HĐQT, dồn xuống các bộ phận, chi nhánh; xuống đến phòng ban; đến từng cán bộ… Trong bối cảnh "ra ngõ gặp ngân hàng" như hiện nay, rõ ràng lực lượng thanh tra, giám sát của NHNN không thể nào "bắt" ngay được những trường hợp vượt trần như vừa qua, mà có sự "hỗ trợ", thậm chí dàn dựng để "chơi" nhau trong việc phát hiện NHTM huy động vượt trần.

Thứ ba, phải chăng những trần (cả tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ phi sản xuất, huy động và cho vay…) của NHNN quá thấp và chưa hợp lý. Chơi cùng một sân, phải chung một luật đã đành, nhưng chỉ có một "cỡ áo" thì tất yếu sẽ có chỗ này, chỗ kia bị bung ra.

Ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ và ngân hàng… "to xác"

Công bằng mà nói, ngành ngân hàng chưa khi nào ngừng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động. Họ buộc phải làm thế để tồn tại. Vấn đề Việt Nam có nhiều hay ít ngân hàng đã được đưa ra thảo luận từ khoảng 8 năm trước, khi mà làn sóng thành lập ngân hàng bắt đầu nhen nhóm, rồi các ngân hàng nông thôn đổ ra thành phố… Và như chúng ta đã thấy, ngày nay đâu đâu cũng thấy ngân hàng. Sau "vụ" các NHTM phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ, những tưởng sẽ có vài ngân hàng bị mua bán, sáp nhập, nhưng rồi, lại đâu vào đấy.Thực tế không phải cứ ngân hàng nhỏ là có vấn đề. Không ít ngân hàng được gọi là tầm trung, NHTMCP được các tập đoàn kinh tế "đỡ lưng" hay được Nhà nước ưu ái… vẫn có vấn đề như thường. Ví dụ như trường hợp Agribank gần đây, với số vốn điều lệ trên 20 ngàn tỷ đồng, mạng lưới lớn nhất, hoạt động lâu năm; nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN, thế nhưng, ngân hàng này lại có nợ xấu cao, tăng nhanh; liên tục có những cán bộ bị cơ quan pháp luật hỏi thăm… Bên cạnh đó, thực tế là đã, đang có một vài "phi vụ" mà các NHTM lớn chưa bị lộ hoặc mới "lộ" qua tin đồn từ các buổi họp kín… Tóm lại, những "lùm xùm" ngày càng nhiều của ngành ngân hàng gần đây khiến dư luận đặt vấn đề: phải tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia lên tiếng, NHNN cũng đã có quy định về vấn đề mua lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng. Và hôm 15/9, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Phạm Huy Hùng, cũng không cần úp mở khi nói với báo chí: thời gian tới khả năng sẽ có xu hướng sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn. Ông Hùng còn khẳng định, ngân hàng ông thừa vốn để có thể thực hiện được hoạt động sáp nhập, vấn đề chỉ ở chỗ "đáng giá bao nhiêu mua bấy nhiêu". Với số lượng các tổ chức tín dụng như hiện nay, kẻ bảo ít, người nói nhiều. Nhưng nhiều hay ít; lớn hay nhỏ còn phải xét trong tương quan với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế; quy mô dân số; sự phát triển của công nghệ; trình độ quản lý; so với bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước.

Như vậy, vấn đề ở chỗ không phải là nhiều hay ít ngân hàng; ngân hàng lớn, hay nhỏ mà là vai trò, hiệu quả hoạt động kinh doanh của họ. Nếu cứ chỉ trích các ngân hàng thu lợi nhuận lớn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn là chưa khách quan. Và cũng không phải "tự nhiên" hiện nay trên thế giới có loại hình ngân hàng hiện đại là di động trên "sóng" viễn thông, phủ khắp toàn cầu, nhưng cũng có những ngân hàng chỉ là con thuyền "di động" trên sông nước, những ôtô trên đường làng, ngõ xóm… Vì, với kinh doanh, trước hết là tính hiệu quả - yếu tố quyết định sự sống, còn sau mới đến các mục tiêu khác.
-------------------------------
Để đối phó

Từ lâu thanh khoản đã là một vấn đề với một số ngân hàng. Với lệnh thực hiện lãi suất trần ngay lập tức, nhiều sản phẩm huy động siêu ngắn tái xuất hiện.

Hiện Việt Nam có

5 NHTMNN, 37 NHTMCP, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 48 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Có hai ngân hàng chuyên thực hiện các khoản tín dụng chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Ngoài ra là hệ thống gần 1.000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; hàng chục công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính... Quy mô của các TCTD này rất khác nhau, có "anh lớn" sở hữu vốn điều lệ đến trên 20 ngàn tỷ đồng, cũng có TCTD chỉ 1.000 tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ đồng.
-------------------------------
Theo Ngân Hà - DĐDN
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP