Ai sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

9/9/110 nhận xét

Ảnh: Internet
[Marketing3k.vn] Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)Việt Nam vẫn đang tiếp tục đứng trước những thử thách to lớn trong cơn suy thoái tài chính toàn cầu. Nhất là những DNVVN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ai sẽ giúp họ?

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam (VINASME), có đến 96% doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam là DNVVN. Khối này tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, chủ yếu mang lại lợi ích đặc biệt cho nguồn lao động chưa qua đào tạo. Trong nhiều năm tới, khối DNVVN vẫn là động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, là khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…) mà thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất…

Vài năm trước, tính chất nhập siêu của nền kinh tế non trẻ khiến các DNVVN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ăn nên làm ra. Nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy, hải sản. Tuy nhiên, cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu quét một đợt gió khốc liệt qua các thị trường lớn. Việt Nam, được đánh giá là một trong những toa cuối của đoàn tàu kinh tế thế giới, đang nặng nhọc vượt dốc, khi những toa đầu đã phần nào gượng dậy.

Tháng 6.2011, lạm phát đã tăng đến 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng thực phẩm tăng đến 30%, chi phí đi lại tăng 20%. Chính phủ buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Và các DNVVN cũng vì thế mà lâm vào tình trạng thiếu vốn, khó lòng mở rộng sản xuất. Theo một khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và đầu tư, chỉ có 1/3 các VINASME có thể tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng trong khi 3/4 các doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn. Lạm phát khiến nhiều DNVVN không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, truyền hình Việt Nam đã phát bản tin về một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản (khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ) bị phát hiện là sử dụng tài sản, hàng hóa đi thế chấp nhiều lần tại các ngân hàng khác nhau, đang lâm vào tình trạng vỡ nợ.

Dĩ nhiên, câu chuyện là một bài học tươi rói cho các DNVVN và các ngân hàng. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang rất cần hỗ trợ vay vốn để trữ hàng và giữ được lợi nhuận khi giá nguyên liệu thế giới vẫn tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay đang làm các DNVVN nhức đầu. Vay được vốn thì lãi suất trung bình trên 23%/năm, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi. Vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng phải giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay nhưng đến nay mức giảm chưa thấm vào đâu và nếu có thì thường nguồn vốn đó vẫn được ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn nhiều hơn.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bài phỏng vấn gần đây với Sài Gòn Tiếp Thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì: “Nên có chính sách giảm thuế, lãi suất vay ngân hàng, tuy nhiên phải giảm trên cơ sở kiềm chế lạm phát, và giảm cả đầu vào lẫn đầu ra để đảm bảo hài hòa. Mặt khác, Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã áp dụng năm 2010 trong chính sách kích cầu, kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh”. 

Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Khối DNVVN của Techcombank đánh giá: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất cần hỗ trợ về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Cái cần thiết với các DNVVN hiện tại dĩ nhiên là vốn. Chúng tôi đang tích cực tư vấn cho các khách hàng DNVVN cách thức tiếp cận cũng như chọn các khoản vay thích hợp với nguồn vốn doanh nghiệp cần ở thời điểm hiện tại theo những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mặt khác, các DNVVN vẫn phải đảm bảo ổn định khả năng tài chính của chính doanh nghiệp khi đầu tư vào giai đoạn này. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện quan trọng để các DNVVN có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay là bản thân doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh cụ thể, chi tiết cũng như báo cáo tài chính minh bạch”.

Trên cơ sở hiểu đặc thù cụ thể của từng ngành nghề với những ưu tiên tài trợ cho những ngành trọng tâm theo định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ, ngân hàng này thời gian qua đã cung cấp kịp thời ra thị trường các giải pháp tài chính chuyên biệt cho từng ngành, phù hợp chuỗi cung ứng và đặc thù thời vụ. Tiêu biểu như các gói giải pháp tài chính cho gạo, điều, cà phê, phân bón, thủy sản, bông…

Về hỗ trợ xuất khẩu, ngân hàng này cũng có các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đơn hàng mở rộng vượt ra ngoài biên giới, ví dụ, với thư tín dụng, các doanh nghiệp DNVVN xuất khẩu có thể đưa ra các thời hạn thanh toán tốt hơn cho khách hàng vì ngân hàng thanh toán tiền cho doanh nghiệp đó dựa trên chứng từ bán và cho khách hàng của doanh nghiệp đó vay tín dụng. Đây cũng là một phần trách nhiệm thể hiện sự đóng góp của các ngân hàng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Sẽ có nhiều giải pháp cho câu hỏi được đặt ra đầu tiên của bài viết này. Nhưng quan trọng hơn thảy, tự thân các DNVVN phải tự giúp mình, bắt đầu từ việc đơn giản nhưng cấp thiết nhất: thay đổi thói quen vay vốn!
Theo Mai Thụy - TN/TTDV
Các bài khác:

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP