Không thể gấp gáp với điện hạt nhân

28/8/110 nhận xét




Một góc hoang tàn của nhà máy 
điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: SGTT
[Marketing3k.vn] Để có thể đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành vào năm 2020 như mục tiêu đã định của Chính phủ, thì sẽ phải khởi công xây dựng nhà máy từ năm 2014, tức chỉ còn không đầy ba năm nữa. Thế nhưng, cho đến nay những vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành của dự án điện này vẫn tiếp tục được các nhà khoa học đặt ra và câu trả lời để có thể làm yên lòng tất cả mọi người vẫn còn ở phía trước.

Tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ hạt nhân diễn ra vào ngày 18-8, một số nhà khoa học đã cảnh báo khu vực được xác định để xây hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, gồm Vĩnh Hải và Phước Dinh thuộc tỉnh Ninh Thuận, có một số đứt gãy địa chất đang hoạt động và nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở hạ tầng trong khu vực của dự án. Các đứt gãy địa chất này đã bị bỏ sót trong những đợt nghiên cứu trước đây. Nếu các kết quả nghiên cứu bổ sung khẳng định các đứt gãy này có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy điện hạt nhân, thì việc di dời địa điểm sẽ khó tránh khỏi.

Dù sao, đây cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật, nên việc khắc phục sẽ không mấy khó khăn. Điều khiến các nhà chuyên môn lo ngại hơn cả chính là ở nguồn nhân lực để sau này quản lý, vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu để xây dựng, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Lời giải cho vấn đề quan trọng này, cho đến nay, chỉ là một số thông tin về 29 kỹ sư đang được đào tạo tại Nga, hai kỹ sư đang học tại Pháp và 258 kỹ sư tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về điện hạt nhân tại Việt Nam và nước ngoài... do đại diện Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận công bố.

Trong mấy năm qua, khi nói về vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng, một số vị lãnh đạo thường nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ, để từ đó kết luận rằng các nhà máy của Việt Nam trong tương lai an toàn hơn các nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Công nghệ là một yếu tố quan trọng đối với vấn đề an toàn. Đây là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nó chưa phải là yếu tố quyết định, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào con người. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hầu hết các sự cố điện hạt nhân lớn xảy ra trên toàn thế giới, kể cả ở những cường quốc về công nghệ hạt nhân như Nga, Mỹ, Nhật Bản... đều do sai sót hay sự chủ quan của con người gây ra.

Công nghệ dù có hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa, các tiêu chuẩn và quy trình bảo đảm về sự an toàn dù có chặt chẽ đến thế nào, thì cũng không thể có sự bảo đảm tuyệt đối. Sự cố xảy ra tại Fukushima đã khiến cho cả thế giới phải giật mình và nhiều nước đã phải rà soát lại toàn bộ vấn đề an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân của họ. Ngay nước Đức, một cường quốc về công nghệ với nguồn nhân lực có chất lượng ít nước nào có thể bì kịp, cũng không tin vào sự an toàn tuyệt đối của điện hạt nhân, nên đã quyết định từ bỏ nguồn năng lượng này.

Các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam hiện đang được trợ giúp của nhiều chuyên gia quốc tế. Công việc chuẩn bị cũng được tiến hành kỹ lưỡng. Nhưng điều đó cũng không đủ để có thể khẳng định chắc chắn là sẽ không có sai sót. Nếu khẳng định của các nhà khoa học về các đứt gãy địa chất là đúng, thì ít nhất chúng ta cũng đã sai sót khi bỏ qua các đứt gãy này khi nghiên cứu chọn địa điểm đặt hai nhà máy đầu tiên.

Quyết định chọn điện hạt nhân của Việt Nam xuất phát từ dự báo về khả năng không đủ đáp ứng nhu cầu của các nguồn thủy điện và nhiệt điện khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam đã dự báo quá mức về nhu cầu trong tương lai. Đồng thời, các giải pháp để giải quyết nhu cầu điện năng đã không đánh giá đúng vai trò của giải pháp tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện nay, do nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhu cầu tiêu thụ điện đã giảm mạnh, dẫn đến nhiều nhà máy điện không thể huy động hết công suất. Năm tới, nhiều khả năng kinh tế chưa kịp hồi phục và mức tiêu thụ điện sẽ vẫn thấp và với tình hình này có thể đến năm 2020 Việt Nam chưa cần thiết phải bổ sung điện hạt nhân vào nguồn điện quốc gia. Nhưng ngay cả trong trường hợp thiếu điện, chúng ta cũng không thể gấp gáp với điện hạt nhân, nhất là khi mọi vấn đề đặt ra liên quan đến an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy chưa được giải quyết triệt để. Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì làm liên tiếp tám nhà máy, trước mắt chỉ nên xây dựng một để tích lũy kinh nghiệm vận hành và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện thiếu thốn nguồn nhân lực và cả kinh nghiệm của Việt Nam, nên cần được xem xét thấu đáo.
Tấn Đức - TBKTSG
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP